ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
09/2024/QĐ-UBND
|
Sóc Trăng, ngày
25 tháng 01 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC THỦY
LỢI TRỰC THUỘC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH SÓC TRĂNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng
4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng
9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ
quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Thông tư số 30/2022/TT-BNNPTNT ngày 30
tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát
triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của
Chi cục Thủy lợi trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc
Trăng.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực kể từ ngày 06 tháng 02 năm 2024.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nội vụ,
Sở Tư pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Thủ trưởng các Sở, ban ngành tỉnh,
Chủ tịch Ủy ban/ nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh Sóc Trăng căn cứ
Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ NN&PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- HTĐT: [email protected];
- Lưu: VT, KT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vương Quốc Nam
|
QUY ĐỊNH
CHỨC
NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC THỦY LỢI TRỰC THUỘC SỞ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH SÓC TRĂNG
(Kèm theo Quyết định số 09/2024/QĐ-UBND ngày 25 tháng 01 năm 2024 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Sóc Trăng)
Chương I
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM
VỤ, QUYỀN HẠN
Điều 1. Vị trí, chức năng
1. Chi cục Thủy lợi (sau đây gọi tắt là Chi cục) là
tổ chức hành chính trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp Giám
đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng tham mưu Ủy ban
nhân dân tỉnh quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về thủy lợi, cấp
nước sạch nông thôn, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập và hồ chứa nước,
đê điều và phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
2. Chi cục có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài
khoản riêng, có trụ sở, kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp theo quy định
của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn theo quy định của pháp luật; đồng thời, chịu sự hướng dẫn về chuyên môn,
nghiệp vụ của Cục Thủy lợi và Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai trực
thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn
1. Tham mưu, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về thủy lợi, cụ
thể:
a) Tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành
theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền: Quyết định phê duyệt, công bố kết
quả điều tra cơ bản thủy lợi, quy trình vận hành công trình thủy lợi thuộc phạm
vi quản lý trên địa bàn tỉnh; quyết định giao tổ chức quản lý hoặc phân cấp quản
lý công trình thủy lợi, công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh
theo quy định của pháp luật; quy định cụ thể phạm vi vùng phụ cận, phương án cắm
mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; phê duyệt hoặc phân cấp phê
duyệt phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước, công trình thủy lợi khác thuộc thẩm
quyền quản lý trên địa bàn tỉnh; phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện
bảo vệ công trình thủy lợi khi xảy ra sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố; quy
mô thủy lợi nội đồng; kinh phí đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ
công trình thủy lợi, công trình cấp nước sạch nông thôn do địa phương quản lý.
b) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan
tại địa phương tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh định giá cụ thể sản phẩm, dịch
vụ công ích thủy lợi thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật.
c) Chủ trì xây dựng phương án phát triển mạng lưới
thủy lợi, cấp nước sạch nông thôn theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện
Chiến lược phát triển thủy lợi, các nội dung liên quan đến thủy lợi, cấp nước sạch
nông thôn trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch thủy lợi và quy hoạch ngành quốc gia
theo quy định của pháp luật.
d) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định
của pháp luật và của Ủy ban nhân dân tỉnh về phân cấp quản lý các hồ chứa nước,
công trình thủy lợi, công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh; hướng
dẫn, kiểm tra việc xây dựng, khai thác, sử dụng và bảo vệ các hồ chứa nước,
công trình thủy lợi, công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh thuộc
nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân tỉnh; tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp
nước sạch và vệ sinh nông thôn trên địa bàn theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.
đ) Tiếp nhận và quản lý hồ sơ, giấy phép các hoạt động
trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban
nhân dân tỉnh trên địa bàn; tổ chức thực hiện việc quản lý tài sản kết cấu hạ tầng
thủy lợi, tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn, thống kê, xây dựng
và quản lý cơ sở dữ liệu về thủy lợi theo quy định của pháp luật và phân công của
Ủy ban nhân dân tỉnh.
e) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định
quản lý nhà nước về quản lý, khai thác và bảo vệ, bảo đảm an toàn công trình thủy
lợi; công trình cấp nước sạch nông thôn; phối hợp quản lý việc xả nước thải vào
công trình thủy lợi thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.
g) Hướng dẫn, kiểm tra công tác tưới, tiêu, thoát
nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định.
h) Theo dõi, giám sát, quan trắc diễn biến bồi lắng,
xói lở công trình thủy lợi; hướng dẫn, quản lý việc tổ chức thực hiện khai
thác, sử dụng tổng hợp, tiết kiệm, an toàn, có hiệu quả nguồn nước từ các công
trình thủy lợi; hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý vận hành, điều tiết nguồn nước
của các hệ thống công trình thủy lợi; bảo đảm cung cấp nước sạch phục vụ sinh
hoạt trong thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm
nhập mặn, sa mạc hóa, ngập lụt, úng trên địa bàn tỉnh; tổ chức quan trắc, dự
báo, cảnh báo về hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, úng, số lượng, chất lượng nước
trong hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
i) Chủ trì xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh về cơ
chế, chính sách, hướng dẫn thực hiện về phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng,
tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh theo
quy định của pháp luật.
2. Tham mưu, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống
thiên tai, cụ thể:
a) Tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành
theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền: Kế hoạch phòng, chống thiên tai;
kế hoạch đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai của địa phương theo
phân công; tiêu chuẩn, định mức vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng
phòng, chống thiên tai; quyết định về tổ chức xây dựng, quản lý, khai thác, sử
dụng cơ sở dữ liệu, hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát chuyên dùng phòng,
chống thiên tai; quyết định phê duyệt, công bố kết quả điều tra cơ bản về
phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh; quyết định công bố tình huống khẩn cấp
về thiên tai theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh; quyết định về lực lượng
chuyên trách quản lý đê điều, lực lượng quản lý đê nhân dân; chế độ, chính sách
đối với lực lượng quản lý đê nhân dân, lực lượng tuần tra, canh gác đê; cấp
phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều; sử dụng bãi sông, bãi nổi, cù
lao liên quan đến thoát lũ và đê điều; chấp thuận việc xây dựng, cải tạo công
trình giao thông có liên quan đến đê điều.
b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch
phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều và phương án phòng, chống
lũ của các tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trong quy hoạch
tỉnh, đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa, duy tu, bảo dưỡng đê điều,
quản lý và bảo đảm an toàn đê điều theo phân công hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân
dân tỉnh.
Tổ chức xây dựng Kế hoạch, thực hiện kiểm tra, giám
sát hộ đê toàn tuyến, nhằm ứng phó trước, trong và sau mùa mưa bão, lũ trên địa
bàn tỉnh.
c) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc đánh giá hiện
trạng đê điều, xác định trọng điểm xung yếu đê điều; kiểm tra công tác xây dựng,
triển khai phương án hộ đê, công tác hộ đê, bảo đảm an toàn đê điều; tổng hợp,
quản lý thông tin, dữ liệu về đê điều trong phạm vi của tỉnh.
d) Hướng dẫn, kiểm tra việc đầu tư xây dựng, duy
tu, bảo dưỡng, vận hành và bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai trên địa
bàn tỉnh theo quy định của pháp luật và phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh.
đ) Tuyên truyền, phổ biến nội dung bảo đảm yêu cầu
phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng khu khai thác
khoáng sản và khu khai thác tài nguyên thiên nhiên khác; khu đô thị; điểm du lịch,
khu du lịch; khu công nghiệp; khu di tích lịch sử; điểm dân cư nông thôn và
công trình.
e) Thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật
về cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình đê điều; xây dựng kế hoạch, biện
pháp thực hiện việc di dời công trình, nhà ở liên quan tới phạm vi bảo vệ công
trình đê điều và bãi sông theo quy định.
3. Tham mưu, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với Phòng Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế trong lĩnh vực được phân công.
4. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ
thuật và công nghệ, đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh
vực được giao.
5. Tham mưu, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết
khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí và xử lý vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý.
6. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức, cơ cấu
ngạch công chức, vị trí việc làm; thực hiện chế độ tiền lương và chính sách, chế
độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức và người
lao động thuộc phạm vi quản lý.
7. Quản lý và chịu trách nhiệm về tài chính, tài sản
được giao theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp của cấp trên.
8. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của
pháp luật và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao.
Chương II
CƠ CẤU TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi có Chi cục trưởng và
01 Phó Chi cục trưởng.
a) Chi cục trưởng là người đứng đầu Chi cục, giúp
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng tham mưu,
quản lý nhà nước về ngành, chuyên ngành; chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trước pháp luật về mọi hoạt động của Chi
cục theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
b) Phó Chi cục trưởng là cấp phó của người đứng đầu
Chi cục, giúp Chi cục trưởng thực hiện nhiệm vụ theo phân công; chịu trách nhiệm
trước pháp luật và trước Chi cục trưởng nhiệm vụ được phân công.
2. Các phòng thuộc Chi cục Thủy lợi
a) Phòng Hành chính - Tổng hợp.
b) Phòng Nghiệp vụ.
Điều 4. Biên chế
Biên chế công chức của Chi cục Thủy lợi được giao
trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm
trong tổng số biên chế công chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ
đạo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi thực hiện những nhiệm vụ sau:
a) Tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.
b) Thực hiện việc bố trí, sắp xếp, kiện toàn tổ chức
bộ máy để tổ chức thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Chi cục Thủy lợi.
2. Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi căn cứ quy định
của pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn được giao chỉ đạo thực hiện Quy định này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng
mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung, Chi cục trưởng Chi cục báo cáo bằng văn bản về Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét, quyết định./.