BỘ NỘI VỤ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 09/2003/QĐ-BNV
|
Hà Nội, ngày 09
tháng 04 năm 2003
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT BẢN ĐIỀU LỆ (SỬA ĐỔI) CỦA HỘI NGƯỜI MÙ VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Căn cứ Luật số 102/SL-L004 ngày 20/5/1957 qui định
về quyền lập Hội;
Căn cứ Nghị định 181CP ngày 9/11/1994 của Chính
phủ về việc qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Tổ
chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ);
Căn cứ Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 02/03/1999
của Thủ tướng Chính phủ về việc ủy nhiệm Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức -
Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) cho phép thành lập Hội;
Xét đề nghị của ông Chủ tịch Hội Người mù Việt
Nam và của Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt bản Điều lệ (sửa đổi) của Hội Người mù Việt Nam đã
được Đại hội toàn quốc lần thứ VI thông qua ngày 21/12/2002.
Điều 2. Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi
chính phủ có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 2;
- Lưu VT, TCPCP.
|
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ
NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
Đặng Quốc Tiến
|
ĐIỀU LỆ (SỬA ĐỔI)
HỘI
NGƯỜI MÙ VIỆT NAM
Nước ta có hơn nửa triệu người mù do tai nạn, bệnh tật
và các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Bị mất đi giác quan quý giá, người mù gặp
nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Với ý chí, nghị lực, quyết tâm vươn lên, tự tin vào
khả năng của mình, người mù có nguyện vọng thiết tha được học tập, làm việc để
có cuộc sống bình đẳng như các thành viên khác trong xã hội, góp phần xây dựng
đất nước.
Được Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện, ngày
17/4/1969 Hội người mù Việt Nam được thành lập.
Thực hiên lời dạy “Tàn nhưng không phế”
của Bác Hồ kính yêu, sau hơn 30 năm hoạt động, bằng sự kiên trì, bền bỉ phấn đấu,
với nhiều thành tựu đạt được, Hội người mù Việt Nam ngày càng chứng tỏ là tổ chức
đại diện cho ý chí, nguyện vọng, tình cảm và quyền lợi của đông đảo người mù cả
nước. Đồng thời khẳng định vai trò, vị trí của Hội trong nước và trên thế giới.
Chương 1.
TÔN CHỈ MỤC ĐÍCH
Điều 1.
Hội là một tổ chức xã hội
mang tính đặc thù, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, được Nhà nước bảo trợ,
được xã hội và nhân dân giúp đỡ. Hội có mối quan hệ chặt chẽ với các đoàn thể
và các tổ chức xã hội. Hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là
thành viên quốc gia của Hiệp hội Người mù thế giới và khu vực Châu Á - Thái
Bình Dương.
Hội có đầy đủ tư cách pháp nhân, có biểu tượng
riêng và lấy ngày thành lập là ngày truyền thống. Hội có trụ sở, con dấu và tài
khoản.
Trụ sở của Hội Người mù Việt Nam đặt tại thủ đô Hà
Nội.
Điều 2.
Hội được thành lập để góp
phần cùng toàn dân thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội của Đảng và Nhà nước.
Hội động viên người mù chăm lo, giúp đỡ nhau về xã
hội, văn hóa và nghề nghiệp, tạo môi trường để người mù phấn đấu vươn lên, góp
phần thực hiện mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ,
văn minh”.
Chương 2.
NHIỆM VỤ CỦA HỘI
Điều 3. Hội có nhiệm vụ:
1. Giáo dục người mù: không ngừng nâng cao lòng yêu
nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tin tưởng vào công cuộc đổi mới, chấp hành đường lối,
chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; làm tròn nghĩa vụ công
dân, chấp hành Điều lệ và nghị quyết của Hội.
2. Tuyên truyền Điều lệ và các hoạt động của Hội.
Phát triển tổ chức, phát triển hội viên.
3. Động viên người mù phát huy tình đồng tật, đoàn
kết, thương yêu, chăm lo, giúp đỡ nhau về tinh thần và vật chất, cùng phấn đấu
vươn lên hòa nhập vào cuộc sống gia đình và xã hội.
Bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên và người
mù, quan tâm chăm lo phụ nữ và trẻ em mù.
4. Tổ chức, tạo điều kiện Phục hồi chức năng, dạy
chữ, dạy nghề, quản lý các cơ sở sự nghiệp, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ do Hội
thành lập; góp phần giải quyết việc làm, từng bước ổn định cuộc sống, nâng cao
trình độ văn hóa, nghề nghiệp và dân trí cho hội viên.
5. Đề đạt, kiến nghị với Nhà nước ban hành các
chính sách, chế độ cần thiết cho người mù và tổ chức Hội, tích cực tác động để
những chính sách đó nhanh chóng đi vào cuộc sống. Phối hợp với các cơ quan chức
năng của Nhà nước giúp đỡ Hội xây dựng kế hoạch và thực hiện các chương trình
chăm lo đời sống cho người mù, đẩy mạnh “Xã hội hóa hoạt động Hội”.
6. Mở rộng, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị với
các tổ chức người mù và kém mắt, các tổ chức nhân đạo, từ thiện trên thế giới.
7. Cùng với các tổ chức xã hội khác, tích cực đấu
tranh, bảo vệ hòa bình, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, ngăn ngừa các tai nạn, bảo đảm
an toàn lao động để phòng, chống mù lòa.
Chương 3.
HỘI VIÊN
Điều 4.
Công dân Việt Nam từ 15 tuổi
trở lên, có thị lực 0,5/10 (Sau khi chỉnh kính cả hai mắt, chỉ đếm được ngón
tay khi đặt bàn tay cách mắt 3 mét trở lại), không phân biệt nguyên nhân mù,
dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, nam, nữ tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện xin gia
nhập Hội thì được công nhận là hội viên.
Việc công nhận hội viên do Ban chấp hành huyện Hội
quyết định.
Điều 5. Hội viên có nhiệm vụ:
1. Chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ, nghị quyết của Hội.
2. Tuyên truyền Điều lệ và các hoạt động của Hội; vận
động người mù vào Hội.
3. Tích cực tham gia các hoạt động Hội; sinh hoạt ở
một tổ chức cơ sở của Hội. Luôn coi trọng việc tự phê và phê bình, giữ gìn và củng
cố sự đoàn kết thống nhất trong Hội, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được
giao; đóng hội phí đúng qui định.
4. Thường xuyên rèn luyện phục hồi chức năng, học tập,
lao động sản xuất, tự lực vươn lên hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng.
5. Bảo vệ tài sản của Nhà nước và của Hội.
Điều 6. Hội viên có quyền:
1. Thảo luận và biểu quyết những nội dung trong các
buổi sinh hoạt hội.
2. Ứng cử, đề cử, hiệp thương hoặc bầu người vào cơ
quan lãnh đạo các cấp hội (Những người ứng cử, đề cử vào Ban chấp hành phải có
tuổi đời ít nhất là 21 tuổi trở lên).
3. Góp ý, chất vấn các cấp lãnh đạo hội, cán bộ, hội
viên trong các buổi sinh hoạt hội.
4. Đề đạt ý kiến và khiếu nại lên các cấp lãnh đạo
theo qui định của Nhà nước và của Hội.
5. Được Hội tạo điều kiện Phục hồi chức năng, học tập,
làm việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và được Hội giúp đỡ khi đời sống có nhiều
khó khăn.
6. Được sinh hoạt hội ít nhất 6 tháng 1 lần.
Chương 4.
TỔ CHỨC CỦA HỘI
Điều 7.
1. Hội tổ chức và hoạt động
theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số, làm việc theo chế độ
tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
2. Hội tổ chức ở trung ương, tỉnh thành phố trực
thuộc trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh), Quận, huyện, thị xã, thành phố trực
thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện):
- Trung ương là Hội Người mù Việt Nam.
- Hội Người mù tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương.
- Hội Người mù huyện, Quận, thị xã, thành phố thuộc
tỉnh (Hội cơ sở).
Xã, phường, thị trấn và các đơn vị đông người mù có
các chi hội trực thuộc các cấp hội. Việc thành lập Hội theo đúng qui định của
Nhà nước.
Điều 8. Đại hội.
1. Đại hội Đại biểu hoặc Đại hội toàn thể hội viên
là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội (5 năm tổ chức 1 lần). Đại hội Hội Người
mù Việt Nam hoặc Hội địa phương do Ban chấp hành hội tương đương triệu tập.
2. Nhiệm vụ của Đại hội:
a) Đánh giá báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Ban
chấp hành.
b) Thảo luận và quyết định phương hướng nhiệm vụ
công tác trong nhiệm kỳ tới.
c) Cử Ban chấp hành mới theo phương thức “Hiệp
thương dân chủ”
d) Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích
trong nhiệm kỳ.
3. Đại biểu của Đại hội gồm 2 thành phần:
a) Đại biểu chính thức gồm:
- Đại biểu đương nhiên: gồm những ủy viên Ban chấp
hành đương nhiệm của cấp triệu tập Đại hội.
- Đại biểu bầu: là những cán bộ, hội viên do Hội
thành viên bầu.
b) Đại biểu là khách mời: gồm các vị lãnh đạo Đảng,
chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể... (Chỉ có đại biểu chính thức mới có quyền
biểu quyết trong Đại hội).
4. Trường hợp đặc biệt, nhiệm kỳ Đại hội cần phải
kéo dài thì phải được các cơ quan có thẩm quyền Nhà nước đồng ý. Thời gian kéo
dài không quá 1 năm đối với trung ương hội, việc kéo dài nhiệm kỳ Đại hội do
Ban chấp hành Trung ương hội quyết định và phải được Bộ Nội vụ chấp thuận.
5. Ban chấp hành có thể triệu tập Đại hội bất thường
khi có yêu cầu chính đáng của 2/3 số ủy viên Ban chấp hành hoặc quá nửa số hội
viên và được các cơ quan quản lý Nhà nước đồng ý.
Điều 9. Ban chấp hành:
1. Ban chấp hành là cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ đại
hội của Hội. Ban chấp hành chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nghị quyết của
Đại hội và lãnh đạo toàn bộ hoạt động của Hội giữa 2 kỳ Đại hội. Số lượng Ủy
viên ban chấp hành Hội do Đại hội quyết định.
a) Ban chấp hành Trung ương hội và Ban chấp hành Tỉnh
hội bầu các chức danh: Chủ tịch, các phó chủ tịch và các Ủy viên thường vụ.
b) Ban chấp hành Hội cơ sở bầu ra Chủ tịch, phó chủ
tịch.
c) Ban chấp hành Trung ương hội và Tỉnh hội gồm 3
thành phần: chuyên trách, đại diện và tiêu biểu.
d) Số lượng ủy viên Ban chấp hành Hội cơ sở có từ 3
đến 7 người.
2. Các hội có quyền bổ sung thêm ủy viên vào Ban chấp
hành theo sự phát triển của Hội. Việc bổ sung ủy viên Ban chấp hành Trung ương
hội thuộc thành phần đại diện do Ban thường vụ Trung ương hội quyết định, còn
thành phần khác do Ban chấp hành nhất trí.
3. Trường hợp ủy viên Ban chấp hành do tuổi cao, sức
yếu, hoặc không còn thuộc thành phần cơ cấu thì được rút khỏi Ban chấp hành.
4. Ban chấp hành Trung ương hội họp ít nhất mỗi năm
1 lần do Ban thường vụ triệu tập.
5. Ban chấp hành cấp Tỉnh hội họp thường kỳ ít nhất
3 tháng 1 lần do Ban thường vụ triệu tập.
6. Ban chấp hành Hội cơ sở mỗi tháng họp 1 lần do
thường trực triệu tập.
Điều 10. Ban thường vụ:
Ban Thường vụ là cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ họp của
Ban chấp hành. Ban thường vụ có nhiệm vụ đề ra chủ trương, định hướng và những
giải pháp nhằm thúc đẩy việc thực hiện các nghị quyết của Ban chấp hành và Ban
thường vụ. Số lượng ủy viên Ban thường vụ được cấu tạo ít nhất là 03 người, nhiều
nhất không quá 1/3 tổng số ủy viên Ban chấp hành. Trường hợp đặc biệt, khi cần
quá 1/3 phải được Ban thường vụ Trung ương hội chấp nhận.
1. Ban Thường vụ Trung ương hội họp ít nhất 3 tháng
1 lần. Ban Thường vụ Trung ương hội cử ra Ban thường trực gồm: 1 số ủy viên thường
vụ làm việc thường xuyên tại văn phòng. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban thường trực
do Ban thường vụ qui định.
2. Ban thường vụ Tỉnh hội cử ra Ban thường trực, gồm
03 ủy viên thường vụ làm việc thường xuyên tại văn phòng (nơi chưa có điều kiện
thì cử 02 ủy viên thường vụ đảm nhiệm việc thường trực). Quyền hạn, nhiệm vụ của
Ban thường trực do Ban thường vụ qui định. Ban thường vụ họp ít nhất 1 tháng 1
lần.
3. Hội cơ sở không cấu tạo Ban thường vụ. Chủ tịch
và phó chủ tịch là các ủy viên thường trực điều hành hoạt động của Hội giữa hai
kỳ họp Ban chấp hành. Nơi có điều kiện có thể cử thêm 1 ủy viên thường trực.
Điều 11. Công tác kiểm tra:
1. Ban chấp hành Trung ương hội và Ban chấp hành Tỉnh
hội bầu 1 ủy viên Ban thường vụ phụ trách công tác kiểm tra. Ở Hội cơ sở, Ban
chấp hành bầu 1 ủy viên Ban chấp hành phụ trách công tác kiểm tra.
2. Ủy viên kiểm tra các hội làm việc dưới sự lãnh đạo
của Ban chấp hành.
3. Nội dung công tác kiểm tra:
- Kiểm tra việc chấp hành Điều lệ hội, các nghị quyết
của Đại hội, của Ban chấp hành.
- Kiểm tra tình hình thu chi của hội và của các cơ
sở kinh tế, sự nghiệp do Hội quản lý.
- Xem xét và giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố
cáo của tập thể, cá nhân. Không xem xét các đơn thư nặc danh, mạo danh. Trường
hợp cần thiết thì thành lập đoàn kiểm tra; thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của
đoàn kiểm tra do Ban thường vụ cấp hội đó qui định. Hội cơ sở không thành lập
đoàn kiểm tra.
Điều 12. Văn phòng các cấp
Hội:
1. Về Tổ chức: Ở Trung ương Hội có các phòng, ban
chuyên môn giúp Ban lãnh đạo triển khai hoạt động.
Ở Tỉnh hội, tùy theo điều kiện cụ thể có thể thành
lập các phòng, ban chuyên môn.
2. Về Nhân sự: Các Hội có cán bộ sáng và cán bộ mù
làm công tác chuyên môn. Cán bộ làm công tác chuyên môn ở các hội phải là người
có phẩm chất, trình độ, năng lực, được đào tạo, bồi dưỡng, đủ khả năng giúp Ban
lãnh đạo triển khai các chương trình công tác.
Chương 5.
TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN CỦA
HỘI
Điều 13.
Tài chính của Hội bao gồm
nguồn ngân sách Nhà nước cấp, hội phí và các nguồn thu khác.
Hội phí của Hội do Ban thường vụ Trung ương hội qui
định.
Tài chính của Hội chi vào những việc sau:
1. Lương, phụ cấp và hành chính phí.
2. Hoạt động của Hội.
3. Trợ cấp cho hội viên khi gặp nhiều khó khăn.
Tài chính của hội nào do hội đó quản lý theo qui định
của Nhà nước.
Điều 14.
Tài sản của Hội gồm:
1. Nhà nước đầu tư và hỗ trợ.
2. Các cấp hội tự trang bị.
3. Các tổ chức Quốc tế và cộng đồng giúp đỡ.
Tài sản của Hội do Hội quản lý và sử dụng theo qui
định của Nhà nước.
Chương 6.
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 15.
Những tập thể và cá nhân
trong và ngoài Hội có thành tích xuất sắc trong hoạt động Hội hoặc có nhiều
công lao giúp đỡ Hội, được Hội khen thưởng theo Qui chế khen thưởng của Ban thường
vụ Trung ương hội. Trường hợp có thành tích đặc biệt, được Hội đề nghị Chính phủ,
Nhà nước, và các cấp chính quyền khen thưỏng.
Điều 16.
Tập thể Ban chấp hành, Ban thường
vụ và cá nhân vi phạm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước, thực hiện không đúng Điều lệ và các quy định, làm tổn thương đến danh
dự của Hội, đến tư cách cán bộ, hội viên, thì tùy theo tính chất và mức độ sai
phạm mà thi hành các hình thức kỷ luật sau:
1. Với cá nhân: khiển trách, cảnh cáo, bãi miễn,
xóa tên hội viên.
2. Với tập thể Ban chấp hành, Ban thường vụ: khiển
trách, cảnh cáo, giải thể.
Trường hợp nội bộ Ban chấp hành, Ban thường vụ để mất
đoàn kết kéo dài, gây trì trệ cho hoạt động Hội hoặc có sai phạm nghiêm trọng
khác thì theo yêu cầu đa số hội viên (2/3 tổng số hội viên), sau khi được các
cơ quan quản lý Nhà nước cho phép, tổ chức Hội sẽ triệu tập đại hội toàn thể hoặc
đại hội đại biểu bất thường.
Chương 7.
CHẤP HÀNH ĐIỀU LỆ HỘI
Điều 17.
Điều lệ Hội bao gồm 7 (bảy)
chương, 17 (mười bảy) điều.
- Tổ chức Hội, các đơn vị trực thuộc và toàn thể hội
viên phải chấp hành Điều lệ.
- Ban thường vụ Trung ương Hội có trách nhiệm hướng
dẫn thi hành Điều lệ.
- Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội do Đại hội đại
biểu toàn quốc của Hội xem xét, quyết định.
- Điều lệ đã được Đại hội đại biểu Hội Người mù Việt
nam lần thứ VI thông qua ngày 21/12/2002.
- Điều lệ có hiệu lực thi hành kể từ ngày được Bộ Nội
vụ ra quyết định phê duyệt./.