ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
06/2024/QĐ-UBND
|
Sóc Trăng, ngày
18 tháng 01 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC TRỒNG
TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TRỰC THUỘC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH
SÓC TRĂNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014
của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày
14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ
quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Thông tư số 30/2022/TT-BNNPTNT ngày 30
tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát
triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tỉnh Sóc Trăng.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực kể từ ngày 29 tháng 01 năm 2024.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nội vụ,
Sở Tư pháp, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Thủ trưởng
các Sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố,
tỉnh Sóc Trăng căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ NN&PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- HTĐT: sotp@soctrang.gov.vn;
- Lưu: VT, KT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vương Quốc Nam
|
QUY ĐỊNH
CHỨC
NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC
VẬT TRỰC THUỘC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH SÓC TRĂNG
(Kèm theo Quyết định số 06/2024/QĐ-UBND ngày 18 tháng 01 năm 2024 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Sóc Trăng)
Chương I
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM
VỤ, QUYỀN HẠN
Điều 1. Vị trí, chức năng
1. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (sau đây gọi
tắt là Chi cục) là tổ chức hành chính trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban
nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật
về trồng trọt, bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật về trồng trọt, bảo vệ
và kiểm dịch thực vật.
2. Chi cục chịu sự chỉ đạo, quản lý của Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật; đồng thời, chịu sự
hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Trồng trọt và Cục
Bảo vệ thực vật trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật có tư cách
pháp nhân, có con dấu tài khoản riêng, kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước
cấp theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn
1. Tham mưu, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành theo thẩm quyền hoặc trình
cấp có thẩm quyền: Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với địa phương,
cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn; kế hoạch phát triển trồng trọt
của địa phương; chính sách hỗ trợ sản xuất, buôn bán, sử dụng giống cây trồng,
phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; kế hoạch phòng, chống sinh vật gây hại, kiểm dịch
thực vật nội địa.
2. Tham mưu, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn:
a) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện cơ cấu
giống, thời vụ, kỹ thuật canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm nông
nghiệp; xây dựng và tổ chức thực hiện vùng không nhiễm sinh vật gây hại trên địa
bàn; tổ chức phòng, chống dịch, thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất khi xảy
ra dịch hại thực vật; thống kê, đánh giá thiệt hại do dịch gây ra; thực hiện
chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, khôi phục sản xuất; tổ chức thu gom bao gói
thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động trồng trọt
trên địa bàn tỉnh và cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt;
xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
b) Hướng dẫn, kiểm tra thực hiện hoạt động trồng trọt;
phát triển vùng sản xuất cây trồng, sản xuất nông sản thực phẩm an toàn trên địa
bàn tỉnh; tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng, bảo vệ và cải tạo nâng cao độ phì
đất nông nghiệp, chống xói mòn, sa mạc hóa và sạt lở đất; thực hiện cấp mã số
vùng trồng trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
c) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện kiểm dịch nội địa
về thực vật trên địa bàn tỉnh theo quy định.
d) Tổ chức thực hiện công tác thu thập, lưu trữ, bảo
tồn, khai thác nguồn gen giống cây trồng; quản lý giống cây trồng, phân bón,
thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư khác phục vụ sản xuất nông nghiệp theo quy
định của pháp luật.
đ) Quản lý và sử dụng dự trữ địa phương về giống
cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư hàng hóa thuộc lĩnh vực trồng trọt
trên địa bàn tỉnh sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
e) Hướng dẫn và tổ chức xây dựng mô hình thực hành
sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong nông nghiệp.
3. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của
pháp luật và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao.
Chương II
CƠ CẤU TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật
có Chi cục trưởng và 01 Phó Chi cục trưởng.
a) Chi cục trưởng là người đứng đầu Chi cục, giúp
lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng tham mưu,
quản lý nhà nước về ngành, chuyên ngành; chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trước pháp luật về mọi hoạt động của Chi
cục theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
b) Phó Chi cục trưởng là cấp phó của người đứng đầu
Chi cục, giúp Chi cục trưởng thực hiện nhiệm vụ theo phân công; chịu trách nhiệm
trước pháp luật và trước Chi cục trưởng nhiệm vụ được phân công. Khi Chi cục
trưởng vắng mặt, Phó Chi cục trưởng được ủy nhiệm thay Chi cục trưởng điều hành
hoạt động của Chi cục.
2. Các phòng và đơn vị thuộc Chi cục
a) Phòng Hành chính và Thanh tra, Pháp chế.
b) Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ.
c) Các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật trực thuộc
Chi cục đặt tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Điều 4. Biên chế và số lượng
người làm việc
Biên chế công chức, số lượng người làm việc của Chi
cục được giao trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi
hoạt động và nằm trong tổng số biên chế công chức, số lượng người làm việc của
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
1. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
chỉ đạo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức triển khai
thực hiện Quy định này.
2. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực
vật căn cứ quy định của pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn được giao chỉ đạo thực
hiện Quy định này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng
mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung, Chi cục trưởng Chi cục báo cáo bằng văn bản về Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét, quyết định./.