QUY CHẾ
PHỐI HỢP THỰC HIỆN CẬP NHẬT VĂN BẢN QUY PHẠM
PHÁP LUẬT VÀO CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ PHÁP LUẬT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2017/QĐ-UBND ngày 24 tháng
02 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang)
Chương I
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này
quy định nguyên tắc, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc phối hợp cung
cấp, cập nhật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) cập nhật vào Cơ sở dữ
liệu quốc gia về pháp luật.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp
dụng đối với Văn phòng Hội đồng nhân dân (HĐND), Văn phòng Ủy ban nhân dân
(UBND) tỉnh; các sở, ban, ngành tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong
việc cập nhật văn bản QPPL vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Điều 3. Văn bản QPPL được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc
gia về pháp luật
Văn bản QPPL
được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật là các văn bản QPPL do
HĐND, UBND tỉnh ban hành, trừ các văn bản QPPL thuộc danh mục văn bản, tài liệu
bí mật nhà nước hoặc văn bản quy định không được đăng tải công khai trên mạng.
Điều 4. Mục đích phối hợp
1. Nâng cao
trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc cung cấp văn bản QPPL để cập nhật
vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
2. Đảm bảo việc
cung cấp, cập nhật văn bản QPPL vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật được
chính xác, thuận lợi, kịp thời.
Điều 5. Nguyên tắc phối hợp
1. Việc cung cấp
văn bản QPPL phải đảm bảo tính chính xác, thường xuyên, kịp thời, đầy đủ và
đúng quy định.
2. Bảo đảm
tính khách quan, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị trong
việc cung cấp, cập nhật văn bản QPPL vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Điều 6. Nội dung phối hợp
1. Phối hợp
trong việc cung cấp văn bản QPPL cho cơ quan thực hiện việc cập nhật văn bản.
2. Phối hợp
trong việc kiểm tra kết quả cập nhật.
Chương II
QUY
ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 7. Trách nhiệm cung cấp văn bản
1. Đối với Nghị
quyết QPPL do HĐND tỉnh ban hành
a) Trong thời
hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày Nghị quyết được ký ban hành, các sở, ban,
ngành, cơ quan, tổ chức được giao chủ trì soạn thảo văn bản phải gửi đầy đủ,
chính xác Nghị quyết được ký ban hành, bao gồm bản chính văn bản và văn bản điện
tử đến Sở Tư pháp thực hiện việc cập nhật văn bản.
b) Văn phòng
HĐND tỉnh phối hợp cung cấp Nghị quyết QPPL do HĐND tỉnh ban hành cho các sở,
ban, ngành, cơ quan, tổ chức được giao chủ trì soạn thảo để kịp thời cung cấp
cho Sở Tư pháp thực hiện cập nhật văn bản.
2. Đối với Quyết
định QPPL do UBND tỉnh ban hành
a) Trong thời
hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày Quyết định được ký ban hành, các sở, ban,
ngành, cơ quan, tổ chức được giao chủ trì soạn thảo văn bản phải gửi đầy đủ,
chính xác Quyết định được ký ban hành, bao gồm bản chính văn bản và văn bản điện
tử đến Sở Tư pháp thực hiện việc cập nhật văn bản.
b) Văn phòng
UBND tỉnh có trách nhiệm cung cấp Quyết định QPPL do UBND tỉnh ban hành cho các
sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức được giao chủ trì soạn thảo để kịp thời cung cấp
cho Sở Tư pháp thực hiện cập nhật văn bản.
3. Đối với những
văn bản QPPL quy định các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp, văn bản
được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh
theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải được gửi ngay đến
Sở Tư pháp trong ngày ký ban hành.
Điều 8. Trách nhiệm cập nhật văn bản
1. Trong thời
hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản QPPL do các sở, ban, ngành,
cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo cung cấp, Sở Tư pháp cập nhật văn bản QPPL
vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Riêng văn bản quy định tại Khoản 3 Điều
7 của Quy chế này phải thực hiện cập nhật trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ
ngày nhận được văn bản.
2. Việc cập nhật
văn bản vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật phải đảm bảo về quy trình cập
nhật văn bản theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28
tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Điều 9. Trách nhiệm kiểm tra kết quả cập nhật văn bản
1. Định kỳ
hàng tháng, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc
gia về pháp luật nhằm phát hiện và kịp thời khắc phục những sai sót của văn bản
điện tử so với bản chính văn bản.
2. Các sở,
ban, ngành, các cơ quan, tổ chức khác trong quá trình khai thác, sử dụng Cơ sở
dữ liệu quốc gia về pháp luật nếu phát hiện những sai sót của văn bản được đăng
tải so với bản chính văn bản, kịp thời thông báo đến Sở Tư pháp để thực hiện việc
hiệu đính văn bản theo quy định.
3. Khi nhận được
thông báo về sai sót của văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật,
trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc, Sở Tư pháp phải thực hiện việc hiệu
đính văn bản và thông báo công khai nội dung hiệu đính trên Cơ sở dữ liệu quốc
gia về pháp luật.
Chương III
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách nhiệm thi hành
1. Sở Tư pháp:
a) Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cập nhật, kiểm tra kết quả cập
nhật, đồng thời, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện việc trích
xuất, kết nối, tích hợp Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
b) Tham mưu giúp UBND tỉnh đôn đốc, theo dõi và báo cáo kết quả triển
khai thực hiện Quy chế này.
2. Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với
Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp thực hiện việc trích xuất, kết nối, tích hợp Cơ
sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định.
3. Sở Tài chính chịu trách nhiệm phối
hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện Quy chế
này và hướng dẫn về kinh phí đảm bảo thực hiện việc quản lý, duy trì, cập nhật
văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định.
4. Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành tỉnh tổ chức triển khai
thực hiện các nội dung quy định của Quy chế này tại cơ quan, đơn vị mình.
Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ
quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem
xét, quyết định./.