ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
06/2013/QĐ-UBND
|
Đà Lạt, ngày 22
tháng 02 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA HẠT KIỂM LÂM
CẤP HUYỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng
11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03
tháng 11 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng
10 năm 2006 của Chính phủ, về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
22/2007/TTLT-BNN-BNV ngày 27 tháng 3 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn và Bộ Nội vụ, hướng dẫn về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của
Kiểm lâm ở địa phương;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tại tờ trình số 95/TTr-SNN ngày 22 tháng 6 năm 2012 về việc ban hành
Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hạt Kiểm lâm cấp
huyện;
Xét đề nghị của Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hạt
Kiểm lâm cấp huyện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 117/QĐ-UB ngày 23
tháng 01 năm 1997 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, ban hành bản quy định về
những nhiệm vụ cụ thể của Hạt Kiểm lâm cấp huyện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh; Hạt trưởng
Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố thuộc tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ;
- Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Như điều 3;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Website VP;
- Lưu: VT, LN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Xuân Tiến
|
QUY ĐỊNH
CHỨC
NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA HẠT KIỂM LÂM CẤP HUYỆN TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 22 tháng 02 năm
2013 của UBND tỉnh Lâm Đồng)
Chương 1.
VỊ TRÍ VÀ CHỨC NĂNG
Điều 1. Hạt Kiểm lâm các
huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc (sau đây gọi chung là Hạt Kiểm lâm cấp huyện)
là cơ quan chuyên ngành trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng thực hiện chức
năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc (sau
đây gọi chung là UBND cấp huyện) trong công tác quản lý nhà nước về rừng và đất
lâm nghiệp trên địa bàn, bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng
theo quy hoạch, kế hoạch.
Điều 2. Hạt Kiểm lâm cấp
huyện tuân thủ sự lãnh đạo, quản lý thống nhất của Chi cục Kiểm lâm tỉnh; đồng
thời chịu sự chỉ đạo, quản lý về mặt nhà nước theo địa bàn của UBND cấp huyện.
Hạt Kiểm lâm cấp huyện có trụ sở, có tư cách pháp
nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước để hoạt động
theo quy định của pháp luật.
Chương 2.
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 3. Nhiệm vụ quản lý
rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản
1. Tham gia xây dựng văn bản chuyên ngành về bảo vệ
và phát triển rừng, quản lý lâm sản trên địa bàn.
2. Huy động lực lượng, phối hợp với các đơn vị vũ
trang huy động lực lượng, phương tiện khác của các đơn vị, cá nhân đóng trên địa
bàn để kịp thời ngăn chặn, ứng cứu những vụ cháy rừng và những vụ phá rừng
nghiêm trọng trong những tình huống cần thiết và cấp bách.
3. Trong công tác giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi
rừng đối với cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện:
a) Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc rà
soát, quy hoạch ba loại rừng, phân định ranh giới đơn vị quản lý rừng.
b) Tuyên truyền, hướng dẫn việc giao rừng, cho thuê
rừng, thu hồi rừng.
c) Chỉ đạo, hướng dẫn Kiểm lâm địa bàn tham mưu
UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là UBND cấp xã) trong việc xét đối
tượng để giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng; thực hiện việc quản lý, kiểm
kê, thống kê rừng theo quy định.
d) Tổ chức quản lý hồ sơ về giao rừng, cho thuê rừng,
thu hồi rừng, theo dõi, thống kê biến động tài nguyên rừng, tổng hợp báo cáo
theo quy định hiện hành.
đ) Kiểm tra, giám sát việc sử dụng rừng của các chủ
rừng sau khi đã được giao, được thuê.
e) Đảm bảo chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát
triển rừng trong các hoạt động về giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng tại địa
bàn; phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết tranh chấp về rừng.
Điều 4. Nhiệm vụ bảo vệ và
phát triển rừng
1. Chấp hành đầy đủ các qui định của pháp luật về bảo
vệ và phát triển rừng đối với lực lượng kiểm lâm.
2. Phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan,
các đơn vị lực lượng vũ trang, lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng, chính quyền
địa phương cấp xã thực hiện bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn:
a) Bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, phát triển
rừng; phòng trừ sâu bệnh hại rừng.
b) Kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm các quy
định của nhà nước về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; tổ chức tuần
tra, truy quét các đối tượng phá hoại rừng, khai thác, cất giữ, mua, bán, vận
chuyển, chế biến lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép trên địa bàn.
c) Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo
vệ và phát triển rừng, quản lý khai thác và sử dụng lâm sản; vận động nhân dân
tham gia bảo vệ, phát triển rừng; xây dựng lực lượng quần chúng bảo vệ rừng,
phòng cháy chữa cháy rừng; huấn luyện nghiệp vụ cho các tổ, đội quần chúng bảo
vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
d) Hướng dẫn chủ rừng, cộng đồng dân cư địa phương
xây dựng và thực hiện kế hoạch, phương án bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng,
quy ước bảo vệ rừng.
đ) Thực hiện nhiệm vụ khác về phát triển lâm nghiệp
do cơ quan nhà nuớc có thẩm quyền phân công.
3. Phối hợp với Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng và các
cơ quan chức năng có liên quan trong công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản
trên địa bàn.
Điều 5. Nhiệm vụ quản lý hoạt
động nghiệp vụ
1. Kiểm tra việc thực hiện các phương án về quy hoạch,
thiết kế kinh doanh sử dụng rừng; phòng cháy chữa cháy rừng, khai thác lâm sản;
giao rừng, cho thuê rừng và các giải pháp kỹ thuật lâm sinh khác.
2. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động nhập xưởng,
xuất xưởng của các cơ sở chế biến lâm sản. Xác nhận bảng kê khi lưu thông lâm sản.
Kiểm tra, quản lý chặt chẽ nguồn gốc động, thực vật hoang dã được phép gây nuôi
tại các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.
3. Điều tra, xử lý hoặc trình cơ quan có thẩm quyền
xử lý các vụ vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản
theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
4. Phối hợp với UBND cấp xã trong việc phân công
công chức kiểm lâm phụ trách địa bàn để tham mưu UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ
quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, phát triển rừng.
5. Chịu sự chỉ đạo, điều hành, chấp hành chế độ báo
cáo thống kê theo quy định.
6. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Chi cục trưởng
Chi cục Kiểm lâm và Chủ tịch UBND cấp huyện giao.
Điều 6. Quyền hạn của Hạt
Kiểm lâm cấp huyện
1. Yêu cầu tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên
quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc kiểm tra và điều tra; tiến
hành kiểm tra hiện trường, thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật.
2. Được dừng phương tiện giao thông để kiểm tra khi
có căn cứ là trong phương tiện đó có vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái
phép.
3. Xử lý vi phạm hành chính trong thẩm quyền, khởi
tố, thực hiện các hoạt động điều tra hình sự đối với những hành vi vi phạm pháp
luật về bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật.
4. Được sử dụng vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ
khi thi hành nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Chương 3.
TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ BIÊN
CHẾ CỦA HẠT KIỂM LÂM CẤP HUYỆN
Điều 7. Tổ chức bộ máy của
Hạt Kiểm lâm cấp huyện
1. Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm, bao gồm: Hạt trưởng và
các Phó Hạt trưởng; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng do Chi
cục trưởng Chi cục Kiểm lâm quyết định theo quy định sau khi có ý kiến thống nhất
bằng văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Bộ máy giúp việc, bao gồm:
a) Bộ phận Quản lý bảo vệ rừng - Bảo tồn thiên
nhiên.
b) Bộ phận Thanh tra - Pháp chế.
c) Bộ phận Hành chính - Tổng hợp.
d) Kiểm lâm địa bàn cấp xã.
đ) Tổ Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng.
e) Các Trạm Kiểm lâm cửa rừng ở nơi cần thiết.
- Việc thành lập, giải thể Trạm Kiểm lâm cửa rừng
do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.
- Chức năng, nhiệm vụ của bộ phận giúp việc do Hạt
trưởng Hạt Kiểm lâm quy định.
- Hạt trưởng có trách nhiệm phân công công chức kiểm
lâm phụ trách các bộ phận giúp việc.
Điều 8. Biên chế của Hạt Kiểm
lâm
1. Biên chế của Hạt Kiểm lâm cấp huyện nằm trong
biên chế của Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do
UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định.
2. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm quyết định việc bố trí sắp
xếp, điều động, chuyển đổi vị trí công tác công chức trong nội bộ Hạt Kiểm lâm;
đồng thời tổ chức quản lý biên chế, kinh phí, trang thiết bị cơ sở vật chất kỹ
thuật; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng,
kỷ luật đối với công chức của đơn vị theo quy định của pháp luật.
Chương 4.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Hạt Kiểm lâm cấp
huyện có trách nhiệm phối hợp với chính quyền cấp xã và các đơn vị có liên quan
thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định này./.