UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 04/2004/QĐ-UB
|
Tam Kỳ, ngày 15
tháng 01 năm 2004
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUI ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP CHO CÁN BỘ, CÔNG
CHỨC ĐI HỌC VÀ PHƯƠNG THỨC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ ĐÀO TẠO, BỒI
DƯỠNG CÁN BỘ CÔNG CHỨC NHÀ NƯỚC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân số 11/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội
Chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 874/TTg ngày 20/11/1996
của Thủ tướng Chính phủ về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 74/2001/QĐ-TTg ngày
7/5/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch đào taọ, bồi dưỡng cán bộ
công chức giai đoạn 2001 - 2005;
Căn cứ Quyết định số 161/2003/QĐ-TTg ngày
4/8/2003 của Thủ tướng Chỉnh phủ ban hành Qui chế đaò tạo, bồi dưỡng cán bộ,
công chức;
Căn cứ Thông tư số 105/2001/TT-BTC ngày
27/12/2001 của Bộ tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Qui định về chế độ
trợ cấp cho cán bộ, công chức đi học và phương thức quản lý, sử dụng và quyết
toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế
Quyết định số 74/2002/QĐ-UB ngày 17/12/2002 của UBND tỉnh Quảng Nam
.Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND & UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh;
Giám đốc các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thủ trưởng các
cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3
- Ban TVTU, TTHĐND
- TTUBND
- HĐ đào tạo, Ban TCTU
- Lưu VP HĐND&UBND
Sở NV, NC
|
TM. UỶ BAN NHÂN
DÂN TỈNH QUẢNG NAM
CHỦ TỊCH
Nguyễn Xuân Phúc
|
QUY ĐỊNH
VỀ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP CHO CÁN BỘ, CÔNG CHỨC ĐI HỌC VÀ PHƯƠNG THỨC
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 04/2004/QĐ-UB ngày 15/01/2004 của ủy ban
nhân dân tỉnh Quảng Nam)
CHƯƠNG I
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP
DỤNG.
Điều 1: Đối tượng được hưởng
trợ cấp đi học
Cán bộ, công chức Nhà nước đang làm việc tại cơ
quan hành chính Nhà nước, cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội hoặc cán
bộ, công chức biệt phái sang các Hội quần chúng và cán bộ xã, phường, thị trấn
đang giữ các chức danh sau đây:
1. Ở tỉnh:
Giám đốc; Phó giám đốc; Trưởng phòng, Phó trưởng
phòng và tương đương trở lên (chức danh tương đương có hệ số phụ cấp chức vụ từ
0,2 trở lên); chuyên viên chính; chuyên viên có hệ số lương từ 2,82 trở lên (bậc
5 mã số ngạch 01 003) làm việc theo chế độ chuyên viên trực tuyến (đối với các
đơn vị được UBND tỉnh cho phép thực hiện tham mưu theo cơ chế chuyên viên trực
tuyến) đang công tác tại các Sở, ban, ngành, các cơ quan của Đảng, các tổ chức
chính trị, xã hội thuộc Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trực tiếp quản lý và hưởng lương từ
ngân sách tỉnh.
2. Ở huyện, thị xã:
Bí thư, Phó bí thư, Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ
viên Uỷ ban Kiểm tra Đảng; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên Thường trực Hội đồng
nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND và Uỷ ban Mặt trận TQVN; Trưởng phòng,
Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên (chức danh tương đương có hệ số phụ cấp
chức vụ từ 0,1 trở lên); chuyên viên chính thuộc Huyện uỷ, Thị uỷ, UBND huyện,
thị xã trực tiếp quản lý và hưởng lương từ ngân sách huyện, thị xã.
3. Ở xã, phường, thị trấn:
Bí thư, Phó Bí thứ Đảng uỷ, Thường trực Đảng uỷ
cấp xã (nơi không có Phó Bí thư chuyên trách công tác Đảng), Bí thư, Phó Bí thư
Chi bộ xã (nơi chưa thành lập Đảng uỷ cấp xã); Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Chủ
tịch, Phó Chủ tịch UBND; Chủ tịch UBMTTQ VN, Trưởng các ngành, đoàn thể và công
chức cấp xã thuộc các chức danh chuyên môn được cử đi đào tạo nhằm chuẩn hoá
cán bộ, công chức cơ sở.
Cán bộ xã, phường, thị trấn không thuộc các chức
danh nêu trên là người dân tộc thiểu số hoặc người dân tộc kinh có hộ khẩu thường
trú ít nhất 5 năm tại các xã thuộc khu vực I miền Trung của tỉnh Quảng Nam, có
triển vọng phát triển và có tuổi đời không quá 35 tuổi.
Các đối tượng nêu trên được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh
ra quyết định cử đi học hoặc uỷ quyền cho Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Sở Nội vụ tỉnh
ra quyết định cử đi học hoặc thoả thuận (bằng văn bản) để giám đốc các Sở, Ban,
ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thủ trưởng các cơ quan Đảng, các tổ chức
chính trị - xã hội ra quyết định cử đi học các chương trình: Lý luận chính trị;
quản lý Nhà nước; chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu của tỉnh, có thời gian học
tập trung cho mỗi đợt tối thiểu từ 01 tháng trở lên thì được thanh toán các khoản
chi phí đi học và được hưởng trợ cấp đi học theo qui định này.
Điều 2: Các đối tượng nêu
tại điều 1 không được áp dụng đối với một trong các trường hợp sau:
- Học đại học từ xa.
- Học để lấy bằng Đại học, Cao đẳng, THCN thứ 2
(trừ học chính trị).
CHƯƠNG II
CÁC KHOẢN THANH TOÁN VÀ
MỨC TRỢ CẤP ĐI HỌC.
Điều 3: Các khoản được
thanh toán:
1. Tiền học phí và tiền trợ cấp đi học (không
thanh toán tiền mua tài liệu):
1.1- Đối tượng qui định tại điểm 3 điều 1 làm việc
tại các xã miền núi, hải đảo có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,3 trở lên:
- Hỗ trợ 70% tiền học phí theo biên lai thu tiền
của cơ sở đào tạo.
- Tiền trợ cấp đi học 130.000đ/người/tháng.
1.2- Đối tượng qui định tại điểm 3 điều 1 làm việc
tại các xã đồng bằng; các xã miền núi, hải đảo có hệ số phụ cấp khu vực dưới
0,3 và đối tượng qui định tại điểm 2 điều 1 công tác tại các huyện, thị xã miền
núi:
- Hỗ trợ 50% tiền học phí theo biên lai thu tiền
của cơ sở đào tạo.
- Tiền trợ cấp đi học 90.000đồng/ người/tháng.
1.3- Đối tượng qui định tại điểm 2 điều 1 công
tác tại các huyện, thị xã đồng bằng và đối tượng qui định tại điểm 1 điều 1.
- Hỗ trợ 40% tiền học phí theo biên lai thu tiền
của cơ sở đào tạo.
- Tiền trợ cấp đi học 70.000đồng/người/tháng.
2. Tiền tàu xe: Đối tượng thuộc điểm 3 điều 1 được
thanh toán tiền tàu xe 1 lược đi và về cho mỗi đợt học tập trung và trong dịp
nghỉ hè, nghỉ tết Nguyên đán (các đối tượng thuộc điểm 1 và 2 điều 1: tiền tàu
xe đi và về cho mỗi đợt học tập trung và trong dịp nghỉ hè, nghỉ tết Nguyên đán
do đơn vị sử dụng cán bộ, công chức vận dụng hỗ trợ từ kinh phí của đơn vị).
3. Các đối tượng qui định tại điều 1 chương I,
ngoài các khoản trợ cấp nêu trên, được hưởng thêm các khoản trợ cấp khác:
+ Cán bộ, công chức là người dân tộc ít người:
70.000đ/người/tháng
+ Cán bộ, công chức là nữ: 50.000đ/người/tháng
4. Cán bộ, công chức cơ sở là người dân tộc ít
người hoặc cán bộ, công chức cơ sở làm việc tại các xã miền núi, hải đảo có hệ
số phụ cấp khu vực từ 0,3 trở lên, có tuổi đời không quá 35 tuổi, được cử đi học
văn hoá nhằm chuẩn hoá công chức cơ sở thì được trợ cấp 65.000đ/người/tháng (kể
cả tiền học phí phải nộp cho cơ sở giáo dục).
5. Trợ cấp bảo vệ luận văn tốt nghiệp Chuyên
khoa1(ngành Y tế): 2.000.000đ/người (có bằng tốt nghiệp mới chi).
Điều 4: Chi phí cho việc mở
lớp tập trung từ nguồn kinh phí đào tạo của tỉnh:
1. Chi cho giảng viên:
Giảng viên đào tạo, bồi dường cán bộ, công chức
bao gồm: Giảng viên của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và giảng
viên kiêm chức là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các Bộ, ngành Trung ương
và địa phương; cán bộ, công chức thuộc các ngạch chuyên viên chính và tương
đương trở lên.
1.1- Chi thù lao cho giảng viên: (Giảng 4 tiết
trở lên được tính 1 buổi)
- Giảng viên là Bộ trưởng, Thư trưởng và tương
đương: 150.000đ/buổi). Giảng viên cấp Cục, Vụ, Viện, các giáo sư, tiến sĩ,
chuyên viên chính và tương đương trở lên làm việc tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
các Cục, Vụ, Viện: 120.000đ/buổi.
- Giảng viên là Tỉnh uỷ viên; lãnh đạo các Sở,
Ban, ngành của tỉnh; Chuyên viên chính và tương đương trở lên làm việc tại các
cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh và giảng viên hoặc giáo viên các trưởng cấp
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 90.000đ/buổi.
- Giảng viên cấp quận, huyện, thị xã, chuyên
viên chính và tương đương trở lên làm việc tại các cơ quan thuộc huyện, thị xã:
70.000đ/buổi.
- Giảng viên là cán bộ, công chức nhà nước đã
nghỉ hưu, tuỳ theo chức vụ hoặc học hàm, học vị đã giữ trước khi nghỉ, được hưởng
chế độ trả thù lao tương đương với các mức nêu trên.
- Giảng viên là chuyên gia nước ngoài được cấp
có thẩm quyền cho phép mời giảng, mức thù lao do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thoả
thuận với chuyên gia trên cơ sở khả năng bố trí kinh phí đào tạo, bồi dưỡng.
1.2- Cơ sở tổ chức đào tạo, bồi dưỡng có trách
nhiệm bố trí phương tiện đưa đón và nơi ở cho giảng viên. Trường hợp không có
điểu kiện bố trí chỗ nghỉ, cơ quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phải thuê ngoài
thì được chi với mức chi không vượt quá mức qui định về chế độ công tác phí hiện
hành.
1.3- Chi chám bài thi hết học kỳ, thi hết học phần:
3.000đ/bài.
1.4- Chi chấm tiểu luận, chuyên đề:
12.000đ/chuyên đề.
2. Chi cho học viên không hưởng lương hoặc sinh
hoạt phí từ ngân sách Nhà nước:
2.1- Tiền ăn: tối đa không quá 10.000đ/người/ngày.
2.2- Tiền tàu xe: được thanh toán tiền tàu xe 1
lược đi và về cho mỗi đợt tập trung và trong dịp nghỉ hè, nghỉ tết nguyên đán.
2.3- Tiền tài liệu không quá 10.000đ/học
viên/khoá.
2.4- Trả tiền thuê xe và chi phí cho việc liên hệ
tổ chức cho học viên đi khảo sát thực tế (nếu có và trên cơ sở khả năng bố trí
kinh phí đào tạo, bồi dưỡng).
3. Chi cho công tác tổ chức lớp học:
Các lớp học có thời gian học tập trung từ 5 ngày
trở lên thì được chi các khoản sau đây:
3.1- Thuê Hội trường hoặc phòng học (nếu cơ quan
tổ chức lớp học không có hội trường), âm thanh, điện, ánh sáng, theo hợp đồng
thực tế nhưng không vượt quá các mức sau:
- Lớp từ 100 học viên trở lên không quá
150.000đ/ngày/lớp.
- Lớp từ 25 học viên đến dưới 100 học viên không
quá 100.000đ/ngày/lớp
- Lớp dưới 25 học viên không quá 50.000đ/ngày/lớp.
3.2- Thuê dụng cụ phục vụ giảng dạy như đèn chiếu,
máy vi tính...chỉ theo thực tế thoả thuận hợp lý.
3.3- Thuê người phục vụ lớp học:
- Lớp học có từ 25 học viên đến dưới 100 học
viên được thanh toán 25.000đ/ngày.
- Lớp học có từ 100 học viên trở lên được thanh
toán 50.000đ/ngày (lớp dưới 25 học viên không được thanh toán tiền thuê người
phục vụ).
3.4- Văn phòng phẩm phục vụ lớp học.
3.5- Xăng dầu đưa đón giảng viên (nếu có), định
mức thanh toán tuỳ thuộc vào từng lợi xe nhưng không quá 18 lít/100km (đối với
xe ô tô).
3.6- Nước uống cho giảng viên và học viên, cụ thể:
- Lớp từ 100 học viên trở lên không quá
50.000đ/ngày.
- Lớp dưới 100 học viên không quá 35.000đồng/ngày.
3.7- Chi khen thưởng đối với các học viên xuất sắc,
mức chi không vượt quá mức qui định hiện hành về chế độ thi đua khen thưởng của
UBND tỉnh.
3.8- Chi khai giảng, bế giảng lớp học tối đa
không quá 1.000.000đ/khoá.
3.9- Chi phí quản lý lớp học và chi phí khác
theo thực tế nhưng tối đa không vượt quá 8% tổng chi phí cho lớp học.
Các trường hợp thuê hội trường, thuê dụng cụ phục
vụ giảng dạy giữa các cơ quan, đơn vị phải có hợp đồng, thanh lý hợp đồng và
hoá đơn do Bộ Tài chính phát hành.
Điều 5: Các khoản hỗ trợ
thanh toán và trợ cấp đi học cho các đối tượng khác:
1. Ngoài các đối tượng qui định tại điều 1, thủ
trưởng các cơ quan hành chính; các đơn vị sự nghiệp; Chủ tịch UBND các huyện,
thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn có thể sử dụng một phần kinh phí
tiết kiệm được hoặc đưa vào dự toán kinh phí hằng năm của đơn vị được cấp có thẩm
quyền phê duyệt để chi cho CBCC được thủ trưởng cơ quan, đơn vị cử đi học để
nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ được giao.
2. Các doanh nghiệp nhà nước sử dụng nguồn kinh
phí đào tạo hoặc kinh phí tiết kiệm được của doanh nghiệp để chi cho cán bộ
công nhân viên của đơn vị mình đi học để nâng cao trình độ chính trị, chuyên
môn nghiệp vụ nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ được giao.
Nội dunhg và mức chi cho các đối tượng nêu trên
không vượt quá mức qui định tại văn bản này.
CHƯƠNG III
LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, CẤP
PHÁT VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ ĐÀO TẠO.
Điều 6: Lập dự toán
Hằng năm, căn cứ vào qui hoạch cán bộ và nhu cầu
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, các đơn vị, địa phương lập kế hoạch và dự
toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng gửi cho các cơ quan có chức năng: Các đơn vị
thuộc khối Nhà nước gửi về Sở Nội vụ tỉnh, các đơn vị thuộc khối Đảng, đoàn thể,
mặt trận gửi về Ban Tổ chức Tỉnh uỷ trước ngày 15/7 hằng năm để các cơ quan này
thẩm định và tổng hợp báo cáo Hội đồng đào tạo tỉnh (trong tháng 8 hằng năm).
Căn cứ vào đối tượng, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, công chức Nhà nước đã được Hội đồng đào tạo tỉnh thống nhất và căn cứ
vào khả năng cân đối ngân sách, Sở Nội vụ tỉnh và Ban Tổ chức Tỉnh uỷ phối hợp
với Sở Tài chính tham mưu trình UBND tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi ngân
sách phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước cùng với
giao chỉ tiêu kế hoạch và dự toán thu, chi ngân sách hằng năm.
Điều 7: Quản lý, cấp phát và
quyết toán.
Căn vào dự toán ngân sách nhà nước được giao và
yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chi của công tác đào tạo, bồi dưỡng theo đúng tiến độ,tiêu
chuẩn, định mức quy định, cơ quang tài chính và Kho bạc Nhà nước thực hiện cấp
phát trực tiếp cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nứơc :
1. Kinh phí mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng do UBND
tỉnh hoặc Sở nội vụ tỉnh triệu tập đi học thì sở Nội vụ (hoặc uỷ quyền cho cơ sở
mở lớp đào tạo, bồi dưỡng) quản lý sử dụng và thanh quyết toán với sở tài chính
tỉnh và Kho bạc Nhà nước.
2. Kinh phí mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Tỉnh
uỷ hoặc Ban Tổ chức Tỉnh uỷ triệu tập đi học thì Ban Tổ chức Tỉnh uỷ (hoặc uỷ
quyền cho cơ sở mở lớp đào tạo, bồi dưỡng) quản lý sử dụng và thanh quyết toán
với Sở Tài chính tỉnh và Kho bạc Nhà nước.
3. Kinh phí mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng do các
trường, trung tâm... thuộc địa phương chiêu sinh thì các trường, Trung tâm,...
quản lý sử dụng và thanh quyết toán với Sở Tài chính tỉnh và Kho bạc Nhà nước.
Kinh phí mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ,
công chức cơ sở tại các huyện, thị xã và kinh phí trợ cấp đi học, tiền tài liệu,
tiền tàu xe cho các đối tượng là cán bộ, công chức thuộc cấp huyện, thị xã thì
phân bổ vào dự toán ngân sách huyện, thị hằng năm.
4. UBND các huyện, thị xã phê duyệt dự toán kinh
phí và giao cho đơn vị có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếp nhận kinh
phí, tổ chức thực hiện, quản lý sử dụng và thanh quyết toán với cơ quan quản lý
tài chính cùng cấp.
5. Các lớp do Sở, Ban, ngành, các tổ chức chính
trị - xã hội và kinh phí trợ cấp đi học, tiền tài liệu, tiền tàu xe...cho các đối
tượng là cán bộ, công chức trực thuộc thì các Sở, Ban, ngành, các tổ chức chính
trị xã hội đó quản lý sử dụng và thanh quyết toán với Kho bạc Nhà nước và cơ
quan tài chính cùng cấp (kể cả cấp huyện, thị xã).
CHƯƠNG IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
Điều 8: Trách nhiệm của cơ quan,
đơn vị và cá nhân CBCC được cử đi đào tạo bồi dưỡng.
1. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị sử dụng CB
CC; tạo mọi điều kiện thuận lợi để CB CC học tập tốt, cử CB CC đi đào tạo bồi
dưỡng đúng đối tượng. Các đơn vị được phân bổ dự toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, công chức có trách nhiệm tổ chức thực hiện, quản lý, sử dụng kinh phí
đúng mục đích, đối tượng, tiết kiệm, đúng chế độ nguyên tắc tài chínhư và có hiệu
quả. Thực hiện công tác quyết toán đúng qui định của Luật ngân sách Nhà nước và
các văn bản có liên quan đến công tác quản lý tài chính hiện hành. Thu hồi số
tiền nói ở điểm 2 điều này nộp lại cho cơ quan cấp phát kinh phí.
2. Trách nhiệm của cán bộ công chức được cử đi
đào taọ, bồi dưỡng: CBCC được cử đi học nếu không hoàn thành chương trình khoá
học (học bồi dưỡng) hoặc không tốt nghiệp (học từ trung cấp trở lên) hoặc sau
khi được đào tạo, bồi dưỡng mà tự ý bỏ việc (hoặc chuyển công tác khỏi khu vực
Nhà nước vì lý do cá nhân) thì phải hoàn trả lại kinh phí cho Nhà nước, bao gồm
các khoản trợ cấp đi học và tiền học phí, tài liệu...và nếu không có lý do
chính đáng thì ngoài việc phải trả lại các khoản tiền nêu trên còn phải chịu kỷ
luật theo Pháp lệnh CB CC.
Điều 9:
1. Sở Tài chính, Sở Nội vụ
tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn và theo dõi thực hiện qui định này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề khó
khăn vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Tài chính, Sở
Nội vụ tỉnh và Ban Tổ chức Tỉnh uỷ để nghiên cứu trình UBND tỉnh xem xét bổ
sung, sửa đổi.