ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
02/2020/QĐ-UBND
|
Quảng Bình,
ngày 10 tháng 01 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN
CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC TRONG CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG
LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày
19/6/2015;
Căn cứ Luật Cán bộ, Công chức ngày
13/11/2008;
Căn cứ Luật Viên chức ngày 15/11/2010;
Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày 18/6/2012;
Căn cứ Luật Tiếp Công dân ngày 25/11/2013;
Căn cứ Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày
23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong
giải quyết thủ tục hành chính;
Căn cứ Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày
02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ
quan hành chính nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày
27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án văn hóa công vụ;
Căn cứ Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày
26/02/2007 của Bộ Nội vụ ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức
làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ
trình số 577/TTr-SNV ngày 08/5/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định Quy tắc ứng xử của
cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan hành
chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2020.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ
trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và người đứng đầu các đơn vị
sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Công Thuật
|
QUY ĐỊNH
QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO
ĐỘNG LÀM VIỆC TRONG CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH QUẢNG BÌNH
(Kèm theo Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 10/01/2020
của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
và đối tượng áp dụng
Quy định này quy định các chuẩn mực ứng xử của
cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan hành
chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong thi hành
công vụ, nhiệm vụ và trong quan hệ xã hội; quy định trách nhiệm của cán bộ,
công chức, viên chức và người lao động trong việc thực hiện các quy tắc ứng xử
và xử lý vi phạm.
Điều 2. Mục đích
1. Bảo đảm tính nghiêm túc, liêm chính, văn
minh, chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước
và các đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán
bộ, công chức, viên chức và người lao động trong hoạt động công vụ, hướng tới mục
tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có phẩm chất
đạo đức tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
2. Thực hiện công khai các hoạt động công vụ,
nhiệm vụ và quan hệ xã hội của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động;
nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác
phòng, chống tham nhũng.
3. Là căn cứ để lãnh đạo các cơ quan, đơn vị xử
lý trách nhiệm khi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền
quản lý vi phạm các chuẩn mực ứng xử trong thi hành công vụ, nhiệm vụ và trong
quan hệ xã hội, đồng thời là căn cứ để nhân dân giám sát việc chấp hành các quy
định pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Chương II
QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA CÁN BỘ,
CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG KHI THI HÀNH CÔNG VỤ, NHIỆM VỤ
Điều 3. Những quy định
chung
1. Khi thi hành công vụ, nhiệm vụ, phải thực hiện
đúng và đầy đủ các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người
lao động theo Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Phòng, chống tham
nhũng; Luật Tiếp Công dân và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
2. Khi thi hành công vụ, nhiệm
vụ, nếu phát hiện đồng nghiệp thực hiện sai hoặc thực hiện không đầy đủ quy định
của pháp luật, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có trách nhiệm nhắc
nhở lẫn nhau hoặc báo cáo đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý cán bộ,
công chức, viên chức và người lao động để có biện pháp khắc phục và xử lý kịp
thời, đồng thời chịu trách nhiệm cá nhân về những báo cáo của mình.
3. Người đứng đầu và cấp phó của
người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý và sử dụng công chức, viên
chức và người lao động có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công vụ,
nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản
lý và xử lý các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật theo đúng phân cấp quản
lý.
4. Những hành vi bị cấm:
a) Sử dụng bia, rượu, đồ uống
có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực tại công
sở.
b) Chơi điện tử, nghe nhạc, xem
phim, truy cập các trang mạng có nội dung không liên quan đến công việc trong
giờ làm việc; sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền quảng bá các thông tin chưa
được kiểm chứng; đánh bạc, tham gia các tệ nạn hoặc các hành vi khác trái với
quy định của pháp luật.
c) Tàng trữ, sử dụng
vật liệu gây nguy hại, cháy nổ, vũ khí trái quy định tại cơ quan, đơn vị.
Điều 4. Thời gian làm việc
1. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động
chấp hành nghiêm chỉnh quy định về thời gian làm việc của Nhà nước, sử dụng hiệu
quả thời gian làm việc.
2. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền
sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có trách nhiệm quản lý
và giám sát thời gian làm việc.
Điều 5.
Trang phục và phong cách làm việc
1. Khi thực hiện nhiệm vụ, cán
bộ, công chức, viên chức và người lao động phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự, đi
giày hoặc dép có quai hậu. Trang phục phải phù hợp với tính chất công việc, đặc
thù trang phục của ngành và thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Đối với những
ngành có trang phục riêng thì phải thực hiện theo quy định của ngành.
2. Lễ phục của cán bộ, công chức,
viên chức và người lao động là trang phục chính thức được sử dụng trong những
buổi lễ, cuộc họp trọng thể.
a) Đối với nam: Quần tây, áo sơ
mi, cà vạt hoặc bộ com-lê nam.
b) Đối với nữ: Bộ áo dài truyền
thống hoặc bộ com-lê nữ.
c) Trường hợp cơ quan, đơn vị
có đồng phục thì cán bộ, công chức, viên chức và người lao động mang đồng phục
trong những buổi lễ, cuộc họp trọng thể.
3. Cán bộ, công chức, viên chức
phải đeo Thẻ Công chức, viên chức khi làm việc và khi thực hiện nhiệm vụ bên
ngoài cơ quan.
4. Có phong cách làm việc
nghiêm túc; thái độ lịch sự, tôn trọng người giao tiếp; sử dụng ngôn ngữ rõ
ràng, mạch lạc, không nói tục, đùa cợt, quát nạt, không tự ý phát ngôn, cung cấp
thông tin, tài liệu không đúng thẩm quyền.
Điều 6.
Giao tiếp và ứng xử trong thực thi công vụ, nhiệm vụ
1. Giao tiếp và ứng xử với nhân
dân
a) Có thái độ niềm nở, nhã nhặn, lắng nghe ý kiến,
giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết
công việc. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin
phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.
b) Không được có thái độ hách dịch,
nhũng nhiễu; không gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân.
2. Giao tiếp và ứng xử với cấp
trên, cấp dưới và đồng nghiệp
a) Giao tiếp và ứng xử với cấp
trên
Đối với lãnh đạo cấp trên, cán
bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo,
điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm
vụ.
b) Giao tiếp và ứng xử với cấp
dưới
- Cán bộ, công chức, viên chức
lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu trong đạo đức, lối sống, trong công tác.
- Thực hiện Quy chế dân chủ ở
cơ sở, tôn trọng, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đúng đắn, có chọn lọc của công
chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị.
- Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của
công chức, viên chức và người lao động để có cách thức sử dụng, điều hành phù hợp
với từng đối tượng nhằm phát huy khả năng, kinh nghiệm, tính sáng tạo, chủ động
của từng cá nhân trong việc thực thi công vụ, nhiệm vụ được giao.
- Phân công nhiệm vụ cho cấp dưới
rõ ràng và theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ của công chức, viên chức và người
lao động đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả. Thực hiện nguyên tắc dân chủ,
khách quan, công bằng và minh bạch. Không chuyên quyền, độc đoán, coi thường cấp
dưới; không được lợi dụng việc góp ý, phê bình làm tổn hại đến uy tín của cấp
dưới.
c) Giao tiếp và ứng xử với đồng
nghiệp
- Cán bộ, công chức, viên chức
và người lao động phải ứng xử có văn hóa, tôn trọng và bảo vệ danh dự, uy tín của
đồng nghiệp; chân thành, thân thiện và đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau hoàn
thành nhiệm vụ.
- Tôn trọng, lắng nghe và tiếp
thu ý kiến của đồng nghiệp, của tập thể; thẳng thắn góp ý với đồng nghiệp trên
tinh thần xây dựng, khách quan.
- Không được lợi dụng việc góp
ý, phê bình làm tổn hại đến uy tín của đồng nghiệp.
3. Giao tiếp qua điện thoại và
thư điện tử công vụ liên quan đến công việc
a) Khi giao tiếp qua điện thoại
liên quan đến công việc, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải
xưng tên, chức danh, chức vụ, cơ quan, đơn vị nơi công tác; trao đổi ngắn gọn,
tập trung vào nội dung công việc; thái độ lịch sự, không ngắt điện thoại đột ngột.
b) Cán bộ, công chức, viên chức
và người lao động phải thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử công vụ để trao đổi
công việc và thông tin qua mạng. Địa chỉ hộp thư điện tử phải được công khai trên
Trang/Cổng Thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị để thuận tiện cho việc trao đổi
thông tin liên lạc trong công việc và tiếp nhận thông tin, trả lời công dân. Việc
gửi, trả lời thư điện tử công vụ kịp thời và lịch sự. Không được sử dụng các hệ
thống thư điện tử ngoài hệ thống thư điện tử công vụ để trao đổi công vụ.
Điều 7. Chấp
hành các quyết định khi thi hành công vụ, nhiệm vụ
1. Cán bộ, công chức, viên chức
và người lao động phải chấp hành quyết định của cấp quản lý trực tiếp; trường hợp
có quyết định của cấp trên cấp quản lý trực tiếp thì phải thực hiện theo quyết
định của cấp có thẩm quyền cao nhất, đồng thời có trách nhiệm báo cáo cấp quản
lý trực tiếp của mình về việc thực hiện quyết định đó.
2. Khi thực hiện quyết định của
cấp có thẩm quyền, nếu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phát hiện
quyết định đó trái pháp luật hoặc không phù hợp với thực tiễn thì phải báo cáo
kịp thời với người ra quyết định. Trong trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định,
phải báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người ra quyết định hoặc được quyền ghi
ý kiến bảo lưu của mình tại hồ sơ công việc và không phải chịu trách nhiệm về hậu
quả gây ra do việc thực hiện quyết định đó.
3. Thực hiện nghiêm túc công việc,
nhiệm vụ được giao, không để trễ hạn, bỏ sót nhiệm vụ; không đùn đẩy trách nhiệm;
không né tránh công việc. Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phải đầy đủ nội dung,
thủ tục; không chuyển công việc thuộc nhiệm vụ của mình lên cấp trên và các cơ
quan, đơn vị cùng cấp khác.
4. Không được che giấu và làm
sai lệch nội dung các phản ánh của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động
làm việc trong cơ quan, đơn vị mình hoặc cơ quan, đơn vị, tổ chức khác hoặc của
công dân về những việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ do mình được giao thực
hiện không đúng quy định của pháp luật.
Điều 8. Giải
quyết các yêu cầu của cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân khi thi hành công vụ,
nhiệm vụ
1. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ,
chính xác các quy định về tiếp công dân. Tôn trọng lắng nghe ý kiến đóng góp và
xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức theo quy định.
2. Thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận,
xử lý và trả kết quả hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính theo quy định
của UBND tỉnh. Đảm bảo nhận đúng, đủ thành phần hồ sơ theo quy định; không được
yêu cầu cá nhân, tổ chức cung cấp, bổ sung giấy tờ ngoài thành phần hồ sơ đã
công khai. Ưu tiên giải quyết công việc đối với người già, yếu, người khuyết tật,
phụ nữ mang thai.
3. Khi giải quyết thủ tục hành chính sai
sót hoặc quá hạn, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải thực hiện
công khai xin lỗi theo đúng quy định tại Quyết định số 15/2018/QĐ-UBND ngày
19/6/2018 của UBND tỉnh ban hành Quy định về công khai xin lỗi tổ chức, cá nhân
khi giải quyết thủ tục hành chính sai sót, quá hạn trên địa bàn tỉnh Quảng
Bình. Trường hợp giải quyết hồ sơ trễ hạn từ 03 lần trở lên mà không có lý do
chính đáng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải tổ chức kiểm điểm và xử lý cán bộ,
công chức, viên chức và người lao động có thiếu sót, hạn chế hoặc vi phạm theo
quy định.
4. Không được từ chối giải quyết
các yêu cầu của cá nhân, tổ chức mà yêu cầu đó phù hợp với chức trách, nhiệm vụ
được giao và không trái với các quy định của pháp luật.
5. Không được làm mất, hư hỏng
hoặc làm sai lệnh hồ sơ, tài liệu liên quan đến yêu cầu của cá nhân, tổ chức
khi được giao nhiệm vụ giải quyết.
6. Không được làm lộ bí mật Nhà
nước, bí mật công tác và bí mật nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo của cá nhân,
tổ chức theo quy định của pháp luật.
7. Nghiêm cấm lợi dụng chức vụ,
quyền hạn để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc
liên quan đến cá nhân, tổ chức.
Điều 9. Sử dụng phương tiện, tài sản
1. Tiết kiệm điện, nước và các vật tư văn phòng của cơ
quan, đơn vị; quản lý chi tiêu theo quy định và Quy chế chi tiêu của cơ quan,
đơn vị.
2. Tích cực tham
gia xây dựng, giữ gìn không gian trụ sở cơ quan, đơn vị xanh,
sạch, đẹp; môi trường văn hóa thân thiện, văn minh nơi công sở.
Chương
III
QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA CÁN BỘ,
CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CÁC MỐI QUAN HỆ XÃ HỘI
Điều 10.
Những quy định chung
1. Khi tham gia các hoạt động
xã hội phải thể hiện văn minh, lịch sự. Không có lời nói, cử chỉ, hành động gây
bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức
và người lao động.
2. Gương mẫu chấp hành và vận động
gia đình, những người xung quanh chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách
của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
3. Có trách nhiệm hướng dẫn người
dân khi tham gia vào các hoạt động thuộc lĩnh vực mình được giao đúng quy định
của pháp luật, nhằm tạo nếp sống và làm việc theo quy định của pháp luật.
4. Khi phát hiện có hành vi vi
phạm pháp luật phải có trách nhiệm báo cáo với cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để
xử lý.
5. Không tham gia xúi giục,
kích động, bao che các hành vi trái pháp luật.
Điều 11.
Quy định cụ thể về chuẩn mực xử sự của cán bộ, công chức, viên chức và người
lao động trong các mối quan hệ xã hội
1. Trong các quan hệ ứng xử với
gia đình
a) Vận động gia
đình tham gia thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của
Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; xây dựng gia đình văn hóa; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội.
b) Không được lợi dụng danh
nghĩa, chức vụ của bản thân để vụ lợi cho gia đình và bản thân; không được tổ
chức các hoạt động cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia, thăng chức
và các hoạt động khác của bản thân và gia đình xa hoa lãng phí, vì mục đích vụ
lợi.
2. Trong quan hệ ứng xử với
nhân dân nơi cư trú
a) Thực hiện quy chế dân chủ cơ
sở, tham gia đầy đủ sinh hoạt nơi cư trú, chịu sự giám sát của tổ chức Đảng,
chính quyền, đoàn thể và nhân dân nơi cư trú.
b) Không vi phạm các quy định về
đạo đức công dân đã được pháp luật quy định.
c) Không can thiệp trái pháp luật
vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi cư trú.
3. Trong quan hệ ứng xử tại nơi
công cộng
a) Chấp hành nghiêm túc các quy
định về nội quy, quy tắc ở nơi công cộng; thể hiện văn minh, lịch sự trong giao
tiếp, ứng xử.
b) Không vi phạm các chuẩn mực
về thuần phong mỹ tục tại nơi công cộng. Không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn,
mạo danh khi tham gia các hoạt động xã hội.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12.
Trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị
1. Quán triệt và tổ chức triển
khai thực hiện Quy định này đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao
động; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy tắc ứng xử;
đưa tiêu chí thực hiện Quy tắc ứng xử vào hoạt động đánh giá, xếp loại thi đua
hàng năm.
2. Niêm yết công khai Quy tắc ứng
xử tại trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị.
3. Tổ chức khen thưởng, tuyên
dương những cá nhân, tập thể thực hiện tốt Quy tắc ứng xử hoặc phê bình, chấn
chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm hoặc đề nghị cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử
lý các vi phạm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ
quan, đơn vị theo đúng phân cấp quản lý.
Điều 13.
Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động
1. Thực hiện Quy tắc ứng xử
theo đúng Quy định này.
2. Vận động, giám sát và nhắc
nhở cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác thực hiện đúng quy định;
phát hiện và báo cáo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền về những hành vi vi phạm Quy
tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác.
Điều 14.
Trách nhiệm giám sát hành vi ứng xử, giao tiếp trong giải quyết công việc của
cán bộ, công chức, viên chức và người lao động
Giao Giám đốc Sở Nội vụ phối hợp
với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ quan có
liên quan xử lý các thông tin phản ánh về cán bộ, công chức, viên chức và người
lao động. Trường hợp có dấu hiệu sai phạm, kiến nghị thủ trưởng cơ quan của cán
bộ, công chức, viên chức, người lao động để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị
cơ quan có thẩm quyền giải quyết, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 15. Kiểm tra công vụ
và quy tắc ứng xử
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định
thành lập Tổ Kiểm tra công vụ và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức
và người lao động trên địa bàn tỉnh.
2. Vị trí, chức năng, nguyên tắc làm việc và
phương thức hoạt động của Tổ Kiểm tra công vụ và quy tắc ứng xử thực hiện theo
Quy chế do Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
Điều 16.
Điều khoản thi hành
1. Những vấn đề khác chưa được
quy định trong Quy tắc ứng xử này sẽ được thực hiện theo Quyết định số
1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án văn
hóa công vụ và các quy định khác của pháp luật hoặc do người đứng đầu của cơ
quan, đơn vị xem xét, quyết định theo quy định hiện hành. Trường hợp các văn bản,
quy định được viện dẫn trong Quy tắc ứng xử này có sự thay đổi, sửa đổi, bổ
sung hoặc bị thay thế thì được áp dụng theo các văn bản, quy định mới ban hành
(trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).
2. Trong quá trình tổ chức thực
hiện, nếu có vấn đề phát sinh vướng mắc, thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có báo cáo UBND tỉnh (qua
Sở Nội vụ) để sửa đổi, bổ sung./.