BAN
CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số:
57-QĐ/TW
|
Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 2022
|
QUY ĐỊNH
VỀ ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHUẨN VÀ PHÂN CẤP ĐÀO TẠO LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp
hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XIII;
- Căn cứ Quy định số 54-QĐ/TW, ngày
12/5/1999 của Bộ Chính trị về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng;
- Căn cứ Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày
30/7/2005 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ và nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh;
- Căn cứ Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày
26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao
chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo,
quản lý,
Ban Bí thư quy định về đối tượng,
tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào
tạo lý luận chính trị sơ cấp, trung cấp và cao cấp trong hệ
thống chính trị.
2. Đối tượng áp dụng
- Cán bộ, công chức, viên chức trong
cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội,
đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, lực lượng vũ trang (gọi chung là
cán bộ).
- Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan
tham mưu, giúp việc của cấp ủy; các học viện, trường, trung tâm được giao nhiệm
vụ đào tạo lý luận chính trị.
Điều 2. Nguyên tắc
1. Bám sát chủ trương, nghị quyết,
quy định của Đảng về công tác đào tạo lý luận chính trị; tổ chức đào tạo đúng đối
tượng, tiêu chuẩn, theo phân cấp và phù hợp với chức vụ, chức danh cán bộ.
2. Đào tạo lý luận chính trị bảo đảm
tính thống nhất, đồng bộ gắn với quy định của Đảng về công tác quy hoạch, bổ
nhiệm, giới thiệu ứng cử, phân cấp quản lý cán bộ; xác định rõ trách nhiệm, thẩm
quyền của các cơ quan trong đào tạo lý luận chính trị.
3. Học tập lý luận chính trị là nghĩa
vụ, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo,
quản lý các cấp.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Đào tạo lý luận chính trị
là quá trình truyền thụ, tiếp thu hệ thống tri thức lý luận chính trị; củng cố
thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học và cách mạng của chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, củng cố
niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao tầm nhìn, tư
duy, phương pháp, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và vận dụng thực tiễn cho đội ngũ
cán bộ. Đào tạo lý luận chính trị gồm ba cấp: Sơ cấp, trung cấp và cao cấp.
2. Sơ cấp lý luận chính trị là cấp đào tạo lý luận chính trị
cơ sở cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên... ở cơ sở; trang bị những
nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường
lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kỹ năng vận dụng thực tiễn.
3. Trung cấp lý luận chính trị
là cấp đào tạo lý luận chính trị cho đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ
sở; trang bị cơ bản, có hệ thống, cập nhật về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh; quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của
Nhà nước; nâng cao nhận thức và hoàn thiện kỹ năng lãnh đạo, quản lý và vận dụng
thực tiễn.
4. Cao cấp lý luận chính trị là cấp đào tạo lý luận chính trị cho
cán bộ lãnh đạo, quản lý trung và cao cấp; trang bị cơ bản, hệ thống, thực tiễn
và hiện đại, toàn diện về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm,
chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao
tầm nhìn, tư duy chiến lược; nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý và vận dụng thực
tiễn.
5. Phân cấp đào tạo lý luận chính
trị là phân định thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy các cấp, các học viện,
trường, trung tâm và cơ quan liên quan trong việc chủ trì, phối hợp xây dựng kế
hoạch, nội dung và tổ chức đào tạo (xét, cử cán bộ đúng đối tượng, tiêu chuẩn
tham gia đào tạo; quản lý đào tạo và kiểm tra, giám sát công tác đào tạo lý luận
chính trị) phù hợp các cấp học.
Chương II
ĐỐI TƯỢNG, TIÊU
CHUẨN ĐÀO TẠO LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
Điều 4. Sơ cấp lý
luận chính trị
1. Đối tượng
a) Đảng viên; đoàn viên, hội viên của
các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở.
b) Công chức cấp xã (trừ trưởng công
an và chỉ huy trưởng quân sự cấp xã).
c) Người hoạt động không chuyên trách
cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và một số đối tượng khác có nguyện vọng phù hợp với
yêu cầu chung.
2. Tiêu chuẩn
Tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên.
Điều 5. Trung cấp
lý luận chính trị
1. Đối tượng
1.1. Cán bộ, công chức, viên chức
a) Cấp ủy viên cấp xã; chủ tịch, phó
chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; cấp trưởng, cấp phó Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã.
b) Phó trưởng phòng và cấp phó các
đơn vị tương đương cấp phòng của cấp huyện, cấp tỉnh; phó ban (đơn vị tương
đương cấp ban) trực thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
c) Quy hoạch phó trưởng phòng (các
đơn vị tương đương cấp phòng) ở Trung ương. Quy hoạch các chức vụ quy định tại
Điểm a, b.
1.2. Cán bộ quân đội; Chỉ huy trưởng
ban chỉ huy quân sự cấp xã, chỉ huy cấp tiểu đoàn; phó chỉ huy trưởng, phó tham
mưu trưởng, chính trị viên, phó ban chỉ huy quân sự cấp huyện; phó tham mưu trưởng,
phó chủ nhiệm chính trị trung đoàn; lãnh đạo phòng (ban) cấp lữ đoàn, sư đoàn,
bộ chỉ huy quân sự, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng cấp tỉnh
(tương đương). Cán bộ quy hoạch những chức vụ trên.
1.3. Cán bộ công an: Đội trưởng, trưởng
công an cấp xã, tiểu đoàn trưởng, phó đội trưởng, phó trưởng công an cấp xã,
phó tiểu đoàn trưởng và tương đương; phó trưởng phòng, phó trưởng công an cấp
huyện, phó trung đoàn trưởng và tương đương. Cán bộ quy hoạch những chức vụ
trên.
1.4. Cán bộ có đủ 6 năm giữ ngạch, bậc
chuyên viên và tương đương; chức danh, vị trí việc làm theo quy định phải có
trình độ trung cấp lý luận chính trị và trong dự nguồn ngạch trung cấp (tương
đương).
1.5. Giảng viên lý luận chính trị ở
trường, trung tâm có nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị.
2. Tiêu chuẩn
- Đảng viên dự bị hoặc chính thức.
- Tốt nghiệp cao đẳng trở lên (tốt
nghiệp trung học phổ thông trở lên đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số hoặc
công tác tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc
thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).
- Cán bộ học hệ không tập trung: Nữ từ
33 tuổi, nam từ 35 tuổi trở lên.
Điều 6. Cao cấp
lý luận chính trị
1. Đối tượng
1.1. Cán bộ, công chức, viên chức
a) Trưởng phòng (các đơn vị tương
đương cấp phòng) cấp huyện, cấp tỉnh.
b) Cấp ủy viên cấp huyện trở lên; cấp
ủy viên cấp tỉnh, lãnh đạo cấp ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ
chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh.
c) Trưởng phòng (các đơn vị tương
đương cấp phòng) trở lên của các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các
tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, đảng ủy trực thuộc Trung ương; cấp
ủy viên, ban giám đốc, hội đồng thành viên (quản trị), trưởng ban (các đơn vị
tương đương cấp ban) ở các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
d) Phó trưởng phòng (các đơn vị tương
đương cấp phòng) ở Trung ương.
e) Phó trưởng phòng quy hoạch trưởng
phòng cấp huyện, cấp tỉnh. Quy hoạch các chức vụ quy định tại Điểm b, c.
1.2. Cán bộ quân đội: Chỉ huy trưởng,
chính trị viên ban chỉ huy quân sự cấp huyện; trung đoàn trưởng, chính ủy trung
đoàn và tương đương; chỉ huy cấp lữ đoàn, sư đoàn, bộ chỉ huy quân sự, bộ chỉ
huy bộ đội biên phòng cấp tỉnh và tương đương; chỉ huy các cơ quan cấp chiến dịch,
chiến lược; ban giám đốc bệnh viện, viện nghiên cứu, chủ tịch, ban giám đốc
công ty (tổng công ty) doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng. Cán bộ quy hoạch
những chức vụ trên.
1.3. Cán bộ công an: Trưởng phòng,
trưởng công an cấp huyện, trung đoàn trưởng và tương đương trở lên; cán bộ quy
hoạch những chức vụ trên. Cấp phó
trưởng phòng (tương đương) của cục (tương đương) trực thuộc Bộ Công an.
1.4. Cán bộ có đủ 4 năm giữ ngạch, bậc
chuyên viên chính và tương đương; chức danh, vị trí việc làm theo quy định phải
có trình độ cao cấp lý luận chính trị và trong dự nguồn ngạch cao cấp (tương
đương).
1.5. Giảng viên có đủ 5 năm trực tiếp
giảng dạy lý luận chính trị ở các học viện, trường có nhiệm vụ đào tạo lý luận
chính trị.
2. Tiêu chuẩn
- Đảng viên chính thức.
- Tốt nghiệp đại học trở lên.
- Cán bộ học hệ không tập trung: Nữ từ
38 tuổi, nam từ 40 tuổi trở lên.
Chương III
PHÂN CẤP ĐÀO TẠO
LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
Điều 7. Phân cấp
nhiệm vụ đào tạo
1. Trung tâm chính trị cấp huyện đào
tạo sơ cấp lý luận chính trị.
2. Trường chính trị cấp tỉnh đào tạo
trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ của địa phương và của các ban, bộ,
ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương làm việc trên địa bàn. Một số học
viện, trường của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đào tạo trung cấp lý luận chính trị
cho cán bộ lực lượng vũ trang.
3. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí
Minh đào tạo cao cấp lý luận chính trị.
Điều 8. Thẩm quyền,
trách nhiệm của các cơ quan đào tạo sơ cấp
1. Cấp ủy cấp huyện lãnh đạo, chỉ đạo
thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Trung ương và kế hoạch đào tạo của
cấp ủy cấp tỉnh; kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác đào tạo lý luận
chính trị theo thẩm quyền phân cấp.
2. Ban tổ chức cấp ủy cấp huyện rà
soát đội ngũ cán bộ, xác định nhu cầu đào tạo, tham mưu ban thường vụ cấp ủy cấp
huyện ban hành kế hoạch đào tạo; thực hiện kiểm tra, giám sát công tác đào tạo;
định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện và báo cáo ban thường vụ cấp ủy cấp huyện.
3. Ban tuyên giáo cấp ủy cấp huyện
theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra về định hướng chính trị, tư tưởng trong nội dung
đào tạo và báo cáo ban thường vụ cấp ủy cấp huyện.
4. Trường chính trị cấp tỉnh hướng dẫn
chuyên môn, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn giảng viên cho trung tâm chính trị cấp
huyện.
5. Trung tâm chính trị cấp huyện thực
hiện kế hoạch đào tạo của cấp ủy; tổ chức và quản lý đào tạo; định kỳ báo cáo kết
quả đào tạo với ban thường vụ cấp ủy và các cơ quan có thẩm quyền liên quan.
6. Ban thường vụ cấp ủy cơ sở và các
cơ quan có thẩm quyền cử cán bộ đi học sơ cấp lý luận chính trị bảo đảm đúng đối
tượng, tiêu chuẩn.
Điều 9. Thẩm quyền,
trách nhiệm của các cơ quan đào tạo trung cấp
1. Cấp ủy cấp tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo
thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Trung ương; xây dựng, ban hành
các quy định, quy chế đào tạo cán bộ theo thẩm quyền; xây dựng chương trình
toàn khóa về đào tạo cán bộ và kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác đào tạo
lý luận chính trị theo thẩm quyền phân cấp.
2. Ban tổ chức cấp ủy cấp tỉnh rà
soát đội ngũ cán bộ, xác định nhu cầu đào tạo, tham mưu ban thường vụ cấp ủy cấp
tỉnh xây dựng chương trình đào tạo toàn khóa và kế hoạch đào tạo hằng năm; thực
hiện việc kiểm tra, giám sát công tác đào tạo của cấp tỉnh; định kỳ sơ kết, tổng
kết việc thực hiện và báo cáo ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh.
3. Ban tuyên giáo cấp ủy cấp tỉnh định
hướng về chính trị, tư tưởng trong nội dung đào tạo; hướng dẫn, kiểm tra việc
thực hiện và báo cáo ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh.
4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí
Minh đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phương pháp giảng dạy, chuyên môn, nghiệp vụ
cho giảng viên trường chính trị cấp tỉnh và một số học viện, trường của Bộ Quốc
phòng, Bộ Công an.
5. Trường chính trị cấp tỉnh thực hiện
kế hoạch, tổ chức và quản lý đào tạo; định kỳ báo cáo kết quả đào tạo với ban
thường vụ cấp ủy cấp tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền liên quan.
6. Ban thường vụ cấp ủy cấp trên cơ sở
và các cơ quan có thẩm quyền cử cán bộ đi học trung cấp lý luận chính trị bảo đảm
đúng đối tượng, tiêu chuẩn.
Điều 10. Thẩm
quyền, trách nhiệm của các cơ quan đào tạo cao cấp
1. Ban Tổ chức Trung ương xây dựng
chiến lược, kế hoạch đào tạo, hướng dẫn thực hiện; kiểm tra, giám sát và định kỳ
sơ kết, tổng kết việc thực hiện.
2. Ban Tuyên giáo Trung ương định hướng
về chính trị, tư tưởng trong nội dung đào tạo; hướng dẫn và kiểm tra, giám sát
việc thực hiện.
3. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí
Minh thực hiện kế hoạch được giao, tổ chức và quản lý đào tạo; bồi dưỡng, tập
huấn giảng viên trực tiếp đào tạo cao cấp lý luận chính trị và báo cáo công tác
đào tạo về Ban Tổ chức Trung ương.
4. Học viện của Bộ Quốc phòng, Bộ
Công an được giao quyền đào tạo cao cấp lý luận chính trị thực hiện kế hoạch, tổ
chức và quản lý đào tạo theo quy định; định kỳ báo cáo công tác đào tạo với cơ
quan chủ quản và các cơ quan có thẩm quyền liên quan.
5. Ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, ban
đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đơn vị sự nghiệp
Trung ương cử cán bộ học cao cấp lý luận chính trị bảo đảm
đúng đối tượng, tiêu chuẩn.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 11. Tổ chức
thực hiện
1. Các tỉnh ủy, thành ủy, ban đảng,
ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đơn vị sự nghiệp
Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và cụ thể hóa thực
hiện Quy định theo thẩm quyền.
2. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối
hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn
việc thực hiện Quy định; hướng dẫn thống nhất công tác đào
tạo trung cấp lý luận chính trị đối với cán bộ các ban, bộ, ngành, tổ chức
chính trị - xã hội ở Trung ương; lựa chọn một số học viện, trường của Bộ Quốc
phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện đào tạo trung cấp lý luận chính trị.
3. Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo
định hướng về chính trị, tư tưởng trong chương trình đào tạo lý luận chính trị;
chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định nội dung các chương trình
đào tạo lý luận chính trị sơ cấp, trung cấp, cao cấp và kiểm tra, giám sát việc
thực hiện.
4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí
Minh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng nội dung, chương
trình, biên soạn giáo trình và thời gian đào tạo lý luận chính trị phù hợp từng
cấp (sơ cấp, trung cấp, cao cấp) và hướng dẫn thống nhất việc thực hiện nội
dung, chương trình đào tạo lý luận chính trị trong hệ thống chính trị.
5. Các học viện, trường, trung tâm được
giao nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị xây dựng quy chế và tổ chức, quản lý
đào tạo theo Quy định.
6. Các cơ sở đào tạo thuộc các ban, bộ,
ngành, đoàn thể ở Trung ương hiện đang đào tạo trung cấp lý luận chính trị sẽ kết
thúc nhiệm vụ đào tạo trung cấp lý luận chính trị từ ngày 01/01/2024. Các cơ sở
này phải xây dựng lộ trình để kết thúc khóa học đối với các lớp khai giảng mới
và các lớp đang đào tạo trung cấp lý luận chính trị trước ngày 31/12/2023.
Điều 12. Hiệu lực
thi hành
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày
ký, thay thế các điều khoản trong các quy định trước đây không còn phù hợp.
Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng,
đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc
Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
|
T/M BAN BÍ THƯ
Võ Văn Thưởng
|