BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG
-------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số: 30-QĐ/TW
|
Hà Nội, ngày 19
tháng 8 năm 2021
|
QUY ĐỊNH
VỀ
TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, QUY TRÌNH BỔ NHIỆM, CHÍNH SÁCH, CHẾ
ĐỘ ĐỐI VỚI CHỨC DANH TRỢ LÝ, THƯ KÝ
- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung
ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII;
- Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 21/5/2018 Hội
nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Thông báo số 04-TB/TW,
ngày 15/6/2021 của Bộ Chính trị về quy định đối với các chức danh trợ lý, thư
ký,
Bộ Chính trị quy định như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối
tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này quy định về chức
vụ lãnh đạo được sử dụng trợ lý, thư ký và số lượng trợ lý, thư ký đối với từng
chức danh lãnh đạo; tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình bổ
nhiệm và chính sách, chế độ đối với chức danh trợ lý, thư ký.
2. Đối tượng áp dụng: Trợ lý, thư ký của chức vụ
lãnh đạo tại Điều 2 Quy định này.
Điều 2. Chức vụ lãnh đạo được sử
dụng trợ lý, thư ký
1. Chức vụ lãnh đạo được sử dụng trợ lý
a) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ,
Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư.
b) Ủy viên Bộ Chính trị.
c) Ủy viên Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ
tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội.
2. Chức vụ lãnh đạo được sử dụng thư ký
a) Chức vụ lãnh đạo tại Khoản 1 Điều này.
b) Ủy viên Trung ương Đảng; bộ trưởng và tương
đương; bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương.
Điều 3. Nguyên tắc tuyển chọn,
sử dụng
- Trợ lý, thư ký của đồng chí lãnh đạo nào thì do đồng
chí lãnh đạo đó giới thiệu hoặc cơ quan nơi đồng chí lãnh đạo làm việc đề xuất
theo yêu cầu của đồng chí lãnh đạo, đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện tại Điều 4 Quy định này.
- Chức danh trợ lý, thư ký nằm trong tổng số biên
chế được giao của từng cơ quan và bảo đảm liên thông với các vị trí tương đương
khác trong hệ thống chính trị.
- Khi thôi đảm nhiệm chức danh trợ lý, thư ký nếu
còn tuổi công tác thì tập thể lãnh đạo cơ quan, cấp ủy hoặc tổ chức đảng (nơi
trợ lý, thư ký công tác) căn cứ tình hình thực tế và năng lực, sở trường của
cán bộ để bố trí, sắp xếp, điều động công tác theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp
có thẩm quyền xem xét, quyết định. Việc phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử
chức vụ mới được thực hiện theo quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ
nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử của Đảng.
Chương II
TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN VÀ
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, QUY TRÌNH BỔ NHIỆM
Điều 4. Tiêu chuẩn, điều kiện
1. Tiêu chuẩn, điều kiện chung
a) Về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống
- Tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của
Đảng; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có lập trường,
quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng; kiên quyết đấu tranh bảo vệ Cương
lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Yên tâm công
tác, tuyệt đối chấp hành sự phân công của tổ chức.
- Có phẩm chất đạo đức trong sáng; lối sống giản dị,
khiêm tốn, chân thành, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đoàn kết nội bộ;
không cơ hội, lợi dụng chức trách, nhiệm vụ để vụ lợi; không để gia đình, người
thân lợi dụng uy tín bản thân để trục lợi. Có tinh thần trách nhiệm cao với
công việc; có ý thức phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đấu tranh
ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện
"tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
- Trung thành, trung thực, tận tụy, thận trọng, thẳng
thắn; gương mẫu, chấp hành nghiêm kỷ luật công tác, kỷ luật phát ngôn; giữ bí mật
nội dung công việc.
b) Về trình độ chuyên môn
Có trình độ đại học trở lên, nắm vững về chuyên
môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học, đáp ứng tốt yêu cầu,
nhiệm vụ được giao.
c) Về năng lực và uy tín
Hiểu biết về lĩnh vực được phân công; có khả năng
tham mưu, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp có hiệu quả; có tác phong làm việc khoa học,
khả năng làm việc độc lập; được lãnh đạo, đồng nghiệp nơi công tác và cơ quan,
cá nhân nơi phối hợp công tác tin tưởng, tín nhiệm.
2. Tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể
a) Đối với chức danh trợ lý
- Có trình độ chuyên môn phù hợp, am hiểu sâu về
lĩnh vực được phân công; có năng lực nghiên cứu, phân tích, tổng hợp thông tin
và tham mưu; có khả năng phối hợp công tác.
- Giữ chức vụ trưởng hoặc tương đương hoặc có hệ số
phụ cấp chức vụ lãnh đạo tương đương vụ trưởng trở lên ít nhất là 3 năm; trường
hợp đặc biệt, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
b) Đối với chức danh thư ký
- Am hiểu công việc hành chính; có năng lực nghiên cứu,
phân tích, tổng hợp thông tin và tham mưu; có khả năng sắp xếp công việc và phối
hợp công tác.
- Có thời gian công tác tối thiểu là 9 năm trong
các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị và đáp ứng điều kiện:
+ Thư ký chức vụ lãnh đạo tại Khoản
1, Điều 2 Quy định này đang giữ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương;
giữ chức phó vụ trưởng hoặc tương đương, được quy hoạch vụ trưởng cấp bộ và
tương đương trở lên.
+ Thư ký chức vụ lãnh đạo tại Điểm
b, Khoản 2, Điều 2 Quy định này ở cơ quan Trung ương phải được quy hoạch và
đủ điều kiện bổ nhiệm phó vụ trưởng hoặc tương đương; ở địa phương phải được
quy hoạch và đủ điều kiện bổ nhiệm cấp phó sở, ngành hoặc tương đương.
Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn
Chức danh trợ lý, thư ký có nhiệm vụ, quyền hạn sau
đây:
1. Chức danh trợ lý
a) Nhiệm vụ
- Tham mưu, đề xuất xây dựng và triển khai thực hiện
chương trình, kế hoạch hoạt động của đồng chí lãnh đạo.
- Chủ động nắm tình hình, nghiên cứu, cập nhật
thông tin, phân tích, tham mưu, đề xuất những nội dung liên quan đến nhiệm vụ,
quyền hạn của đồng chí lãnh đạo.
- Trực tiếp hoặc phối hợp với cơ quan, cá nhân có
liên quan tham mưu, chuẩn bị văn bản, bài viết, bài phát biểu… theo yêu cầu của
đồng chí lãnh đạo.
- Thực hiện nhiệm vụ khác theo yêu cầu của đồng chí
lãnh đạo.
b) Quyền hạn
- Được phối hợp với cơ quan, cá nhân có liên quan để
thực hiện nhiệm vụ; theo dõi tiến độ thực hiện các công việc được giao.
- Được yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ
công việc.
- Được mời tham dự và phát biểu trong các cuộc họp,
hội nghị, hội thảo thuộc phạm vi công việc.
2. Chức danh thư ký
a) Nhiệm vụ
- Nghiên cứu, tham mưu một số lĩnh vực theo sự phân
công của đồng chí lãnh đạo.
- Tham mưu, phối hợp, sắp xếp lịch làm việc của đồng
chí lãnh đạo; tiếp nhận, kịp thời báo cáo, xử lý công văn, tài liệu; kiểm tra
văn bản trước khi trình đồng chí lãnh đạo duyệt, ký ban hành.
- Phối hợp với cơ quan, cá nhân có liên quan để phục
vụ, ghi biên bản các cuộc họp do đồng chí lãnh đạo chủ trì hoặc chuẩn bị chương
trình công tác của đồng chí lãnh đạo.
- Thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của đồng
chí lãnh đạo.
b) Quyền hạn
- Tiếp nhận, truyền đạt ý kiến của đồng chí lãnh đạo
đến cơ quan, cá nhân có liên quan.
- Được yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ
công việc; được phối hợp với cơ quan, cá nhân có liên quan để thực hiện nhiệm vụ.
- Được mời tham dự các cuộc họp theo sự phân công của
đồng chí lãnh đạo và phát biểu khi cần thiết.
Điều 6. Tuổi bổ nhiệm, tuổi
công tác
1. Tuổi bổ nhiệm
a) Tuổi bổ nhiệm lần đầu chức danh trợ lý của chức vụ
lãnh đạo tại Khoản 1, Điều 2 Quy định này phải còn trong độ
tuổi lao động.
b) Tuổi bổ nhiệm lần đầu chức danh thư ký của chức
vụ lãnh đạo tại Khoản 2, Điều 2 Quy định này phải còn đủ 5
năm công tác trở lên; trường hợp đặc biệt, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét,
quyết định.
2. Tuổi công tác
a) Thời gian công tác của trợ lý, thư ký chức vụ
lãnh đạo tại Điểm a, Khoản 1, Điều 2 Quy định này gắn với thời
gian công tác của đồng chí lãnh đạo. Việc chuyển công tác hoặc nghỉ công tác
trong thời gian đảm nhiệm chức danh trợ lý, thư ký do đồng chí lãnh đạo xem
xét, quyết định.
b) Thời gian công tác của trợ lý chức vụ lãnh đạo tại
Điểm b, c, Khoản 1, Điều 2 Quy định này gắn với thời gian
công tác của đồng chí lãnh đạo và không quá 65 tuổi đối với nam, 63 tuổi đối với
nữ.
c) Thư ký của chức vụ lãnh đạo tại Điểm
b, c, Khoản 1, Điều 2 và Điểm b, Khoản 2, Điều 2 Quy định này thực hiện
theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Số lượng
1. Số lượng trợ lý
a) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ,
Chủ tịch Quốc hội được sử dụng không quá 4 trợ lý.
b) Thường trực Ban Bí thư được sử dụng không quá 3
trợ lý.
c) Ủy viên Bộ Chính trị được sử dụng không quá 2 trợ
lý.
d) Ủy viên Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ
tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội được sử dụng 1 trợ lý.
Trong trường hợp cần thiết, nếu có nhu cầu sử dụng
số lượng trợ lý nhiều hơn quy định thì báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
2. Số lượng thư ký
a) Chức vụ lãnh đạo tại Khoản 1, Điều
2 Quy định này được sử dụng không quá 2 thư ký.
b) Chức vụ lãnh đạo tại Điểm b, Khoản
2, Điều 2 Quy định này được sử dụng 1 thư ký.
Điều 8. Quy trình bổ nhiệm trợ
lý
1. Đồng chí lãnh đạo trao đổi, thống nhất với tập
thể lãnh đạo là ban cán sự đảng, đảng đoàn hoặc lãnh đạo cơ quan nơi không lập
ban cán sự đảng, đảng đoàn (ở các ban, bộ, ngành, đơn vị Trung ương); hoặc với
ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương về dự kiến nhân
sự bổ nhiệm trợ lý.
2. Tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng (ở các
cơ quan Trung ương là ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ủy
viên ban chấp hành đảng bộ cơ quan, trưởng các đoàn thể, vụ trưởng và tương
đương trở lên; ở tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương là ban chấp
hành) để lấy phiếu tín nhiệm đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm trợ lý (bằng hình
thức bỏ phiếu kín và không công bố kết quả tại hội nghị).
3. Lãnh đạo cơ quan xem xét kết quả lấy phiếu tín
nhiệm của hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự dự kiến
bổ nhiệm (bằng hình thức bỏ phiếu kín và phải đạt trên 50% số phiếu của tập
thể lãnh đạo).
4. Lãnh đạo cơ quan hoặc cấp ủy, tổ chức đảng hoàn
thiện hồ sơ bổ nhiệm (tương tự hồ sơ bổ nhiệm cán bộ diện Trung ương quản
lý), báo cáo Ban Bí thư (qua Ban Tổ chức Trung ương) xem xét, quyết
định.
Điều 9. Quy trình bổ nhiệm thư
ký
1. Sau khi có ý kiến của đồng chí lãnh đạo về nhân
sự dự kiến bổ nhiệm thư ký, tập thể lãnh đạo cơ quan xem xét, giới thiệu (bằng
hình thức bỏ phiếu kín và phải đạt trên 50% số phiếu tán thành).
2. Đối với chức danh thư ký của chức vụ lãnh đạo tại
Điểm a, Khoản 2, Điều 2 của Quy định này, lãnh đạo cơ quan
hoặc cấp ủy, tổ chức đảng hoàn thiện hồ sơ bổ nhiệm (như hồ sơ bổ nhiệm cán
bộ lãnh đạo, quản lý) gửi Ban Tổ chức Trung ương trình Thường trực Ban Bí
thư xem xét, quyết định. Đối với chức danh thư ký của chức vụ lãnh đạo tại Điểm b, Khoản 2, Điều 2 Quy định này do tập thể lãnh đạo cơ
quan xem xét, quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền.
Điều 10. Quy trình điều động,
phân công trợ lý, thư ký
Cán bộ đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hưởng
chính sách, chế độ tương đương chức danh trợ lý, thư ký theo Điều
11 của Quy định này, khi được đồng chí lãnh đạo giới thiệu vào chức danh trợ
lý, thư ký thì lãnh đạo cơ quan hoặc cấp ủy, tổ chức đảng xem xét, thống nhất,
báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét điều động, phân công, bổ nhiệm (hồ sơ
cán bộ thực hiện theo quy định tại Điều 8, Điều 9 của Quy định
này).
Chương III
CHÍNH SÁCH, CHẾ ĐỘ VÀ QUẢN
LÝ CÁN BỘ
Điều 11. Chính sách, chế độ
1. Đối với trợ lý
- Trợ lý của chức vụ lãnh đạo tại Điểm
a, Khoản 1, Điều 2 Quy định này được hưởng lương và chính sách, chế độ
tương đương thứ trưởng.
- Trợ lý của chức vụ lãnh đạo tại Điểm
b, c, Khoản 1, Điều 2 Quy định này được hưởng lương và chính sách chế độ
tương đương tổng cục trưởng.
2. Đối với thư ký
- Thư ký của chức vụ lãnh đạo tại Khoản
1, Điều 2 Quy định này được hưởng lương và chính sách, chế độ tương đương vụ
trưởng của bộ, ngành Trung ương.
- Thư ký của chức vụ lãnh đạo tại Điểm
b, Khoản 2, Điều 2 Quy định này được hưởng lương và chính sách, chế độ
tương đương phó vụ trưởng hoặc phó ban cấp ủy tỉnh và tương đương của cơ quan,
đơn vị cùng cấp.
3. Trường hợp trước khi đảm nhận chức danh trợ lý,
thư ký đã hưởng lương và chính sách, chế độ cao hơn thì được giữ nguyên.
Điều 12. Quản lý, sử dụng
1. Nhận xét, đánh giá hằng năm
Đồng chí lãnh đạo nhận xét, đánh giá trợ lý, thư ký
về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; chi bộ nơi trợ lý, thư ký
sinh hoạt nhận xét, đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên.
Kết quả nhận xét, đánh giá được làm căn cứ xếp loại
công chức, bình xét thi đua, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các khâu trong
công tác cán bộ.
2. Về chế độ làm việc
Trợ lý, thư ký có thể được bố trí làm việc tại các
đơn vị trong cơ quan hoặc làm việc độc lập theo yêu cầu của đồng chí lãnh đạo.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Trách nhiệm thi hành
1. Các cơ quan, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực
hiện nghiêm túc Quy định này.
Trường hợp số lượng trợ lý, thư ký của các đồng chí
lãnh đạo nêu tại Khoản 1, Điều 2 được bổ nhiệm theo Thông báo
kết luận số 88-TB/TW, ngày 17/4/2012 của Bộ Chính trị khóa XI nhiều hơn so với Quy
định này thì cơ quan quản lý có trách nhiệm sắp xếp lại theo quy định hoặc đề
xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
2. Ban Tổ chức Trung ương chịu trách nhiệm kiểm tra,
giám sát việc thực hiện Quy định này.
Điều 14. Hiệu lực thi hành
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các văn bản
trước đây trái với Quy định này không còn hiệu lực.
Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên
Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
|
T/M BỘ CHÍNH TRỊ
Võ Văn Thưởng
|