BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG
-------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số: 101-QĐ/TW
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 02 năm 2023
|
QUY ĐỊNH
VỀ
TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN VÀ VIỆC BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM, KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT LÃNH
ĐẠO CƠ QUAN BÁO CHÍ
- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung
ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XIII;
- Căn cứ các quy định của Ban Chấp hành Trung ương
Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát
và kỷ luật của Đảng,
Ban Bí thư quy định trách nhiệm, quyền hạn và việc
bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng điều chỉnh
1. Cơ quan chỉ đạo báo chí và cơ quan quản lý báo
chí.
2. Cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí.
3. Lãnh đạo cơ quan báo chí
(người đứng đầu; người được giao thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu; cấp phó
của người đứng đầu).
4. Tổ chức đảng của cơ quan chủ quản báo chí và tổ
chức đảng của cơ quan báo chí.
Điều 2. Nguyên tắc, yêu cầu
1. Đảng thống nhất và trực tiếp lãnh đạo công tác
cán bộ, quản lý đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí.
2. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; bảo
đảm chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch, đúng trách nhiệm, quyền hạn, quy
trình, thủ tục.
3. Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản
lý, phóng viên cơ quan báo chí có bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp
vụ và đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Cơ quan chỉ đạo báo chí ở Trung ương là Ban
Tuyên giáo Trung ương; ở địa phương là ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy trực
thuộc Trung ương.
2. Cơ quan quản lý báo chí ở Trung ương là Bộ Thông
tin và Truyền thông; cơ quan quản lý báo chí ở địa phương là Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Cơ quan chủ quản báo chí là cơ quan, tổ chức được
quy định trong Luật Báo chí và đứng tên đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo
chí, thành lập và trực tiếp quản lý cơ quan báo chí.
4. Mức độ vi phạm
a) Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng: Vi phạm có
tính chất, mức độ, tác hại không lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của tổ chức
đảng và cơ quan báo chí.
b) Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng: Vi phạm có
tính chất, mức độ tác hại lớn, gây dư luận xấu, gây hoang mang trong xã hội,
làm giảm sút uy tín của tổ chức đảng và cơ quan báo chí.
c) Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng: Vi phạm có
tính chất, mức độ tác hại rất lớn, gây dư luận xấu, bức xúc trong xã hội, làm
giảm niềm tin, mất uy tín của tổ chức đảng, cơ quan báo chí.
Điều 4. Trách nhiệm, quyền hạn
của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí và cơ quan chủ quản báo chí
1. Cơ quan chỉ đạo báo chí
a) Thẩm định việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại lãnh đạo
cơ quan báo chí.
b) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình bổ
nhiệm, bổ nhiệm lại lãnh đạo cơ quan báo chí (qua hồ sơ do cơ quan chủ quản báo
chí gửi đến; khi cần thiết, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức đoàn
kiểm tra, giám sát).
c) Khen thưởng và cho ý kiến (nếu có) về khen thưởng
đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động báo chí.
d) Yêu cầu cơ quan chủ quản xem xét, xử lý kỷ luật
đối với lãnh đạo cơ quan báo chí do để cơ quan báo chí vi phạm quy định của Đảng
và pháp luật của Nhà nước về hoạt động báo chí.
đ) Đề nghị cấp thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật đối
với cấp ủy, lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí không thực hiện đúng chức trách,
nhiệm vụ chủ quản, để cơ quan báo chí xảy ra sai phạm nghiêm trọng kéo dài, có
hệ thống; không thực hiện đầy đủ, kịp thời việc xử lý kỷ luật cơ quan báo chí
có sai phạm theo yêu cầu của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí.
e) Phối hợp với cơ quan thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ
luật đối với đảng viên, cấp ủy, tổ chức đảng cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan
báo chí vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về hoạt động báo
chí.
2. Cơ quan quản lý báo chí
a) Có ý kiến về việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại lãnh đạo
cơ quan báo chí theo quy định.
b) Thanh tra, kiểm tra việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại
lãnh đạo cơ quan báo chí.
c) Khen thưởng và đề nghị cấp thẩm quyền khen thưởng;
có ý kiến về khen thưởng đối với cơ quan báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí.
d) Yêu cầu cơ quan chủ quản xem xét, xử lý kỷ luật
lãnh đạo cơ quan báo chí do để cơ quan báo chí vi phạm pháp luật của Nhà nước về
hoạt động báo chí.
đ) Đề nghị cấp thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật đối
với lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ
chủ quản, để cơ quan báo chí sai phạm nghiêm trọng kéo dài, có hệ thống.
e) Phối hợp với cơ quan chỉ đạo báo chí và các cơ quan
liên quan xem xét, xử lý kỷ luật đối với lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí, cơ
quan báo chí vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về hoạt động
báo chí.
3. Cơ quan chủ quản báo chí
a) Thực hiện chức trách, quyền hạn của cơ quan chủ quản
báo chí theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
b) Lãnh đạo, chỉ đạo, đánh giá, quy hoạch, đào tạo,
bồi dưỡng lãnh đạo cơ quan báo chí theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
c) Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phân công phụ trách lãnh
đạo cơ quan báo chí sau khi có ý kiến bằng văn bản của Ban Tuyên giáo Trung
ương, Bộ Thông tin và Truyền thông.
d) Khen thưởng và đề nghị cấp thẩm quyền khen thưởng
đối với cơ quan báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí.
đ) Kỷ luật, tạm đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn
nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí theo quy định. Xem xét, thay thế kịp thời, không
chờ hết thời hạn giữ chức vụ đối với lãnh đạo cơ quan báo chí để cơ quan báo
chí bị xử lý vi phạm từ hình thức cảnh cáo trở lên. Chịu trách nhiệm trong phạm
vi, quyền hạn đối với sai phạm của cơ quan báo chí.
e) Thực hiện chế độ, chính sách đối với lãnh đạo cơ
quan báo chí theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
g) Thanh tra, kiểm tra, giám sát và giải quyết khiếu
nại, tố cáo đối với tập thể, cá nhân cơ quan báo chí thuộc thẩm quyền quản lý
theo quy định.
h) Lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kỷ luật cơ quan báo chí,
lãnh đạo cơ quan báo chí theo yêu cầu của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo
chí và cấp thẩm quyền. Báo cáo bằng văn bản với cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ
quan quản lý báo chí về việc chấn chỉnh, xử lý kỷ luật tập thể, cá nhân lãnh đạo
cơ quan báo chí vi phạm.
i) Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chỉ đạo, cơ quan
quản lý báo chí chỉ đạo, định hướng hoạt động của cơ quan báo chí.
Chương II
BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM
Điều 5. Tiêu chuẩn và điều kiện
bổ nhiệm
1. Bảo đảm tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn cụ thể của
chức danh bổ nhiệm theo quy định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
2. Là đảng viên Đảng Cộng sản
Việt Nam (Không bắt buộc đối với cơ quan báo chí thuộc tổ chức tôn giáo).
3. Có trình độ lý luận chính trị cao cấp (Không bắt
buộc đối với cơ quan báo chí thuộc tổ chức tôn giáo).
4. Tốt nghiệp đại học trở lên.
Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về báo chí.
5. Có thời gian hoạt động trong
lĩnh vực báo chí, xuất bản ít nhất 2 năm. Trường hợp đặc biệt, do cơ quan chỉ đạo
báo chí xem xét, quyết định.
6. Có đầy đủ hồ sơ và được cơ
quan chức năng có thẩm quyền xác nhận (theo Phụ lục II, Quy
định này).
7. Về độ tuổi bổ nhiệm
a) Lãnh đạo cơ quan báo chí thuộc diện Bộ Chính trị,
Ban Bí thư quản lý thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
b) Lãnh đạo cơ quan báo chí thuộc cơ quan đảng, nhà
nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải còn đủ
thời gian để công tác ít nhất trọn 1 nhiệm kỳ (60 tháng) trở lên.
c) Lãnh đạo cơ quan báo chí không thuộc Điểm a, Điểm
b, Khoản 7 Điều này, phải còn đủ thời gian để công tác ít nhất trọn 1 nhiệm kỳ
(60 tháng) trở lên và tuổi tối đa giữ chức vụ lãnh đạo không quá 65 tuổi đối với
nữ và 67 tuổi đối với nam.
Trường hợp đặc biệt không quá 70
tuổi, do cơ quan chỉ đạo báo chí xem xét, quyết định.
8. Người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí không được
kiêm giữ chức vụ lãnh đạo cơ quan báo chí; lãnh đạo cơ quan báo chí này không
được kiêm giữ chức vụ lãnh đạo cơ quan báo chí khác.
Điều 6. Về số lượng lãnh đạo cơ
quan báo chí
1. Số lượng lãnh đạo cơ quan báo chí thuộc diện Bộ
Chính trị, Ban Bí thư quản lý thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí
thư.
2. Số lượng lãnh đạo cơ quan báo chí thuộc cơ quan
đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực
hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy chế, quy định của cơ
quan chủ quản báo chí.
3. Số lượng lãnh đạo cơ quan báo chí không thuộc
Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, mỗi cơ quan báo chí có 1 cấp trưởng và tối đa
không quá 3 cấp phó.
Điều 7. Quy trình, thủ tục bổ
nhiệm
1. Quy trình, thủ tục bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo
chí thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và thuộc cơ quan đảng, nhà nước,
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện theo quy định
của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quy định khác có liên quan của cấp có thẩm
quyền.
2. Quy trình, thủ tục bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo
chí không thuộc Khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của
Nhà nước, của cơ quan chủ quản báo chí và theo Mục I của Phụ lục
I, Quy định này.
3. Việc bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí mà Quy định
này chưa điều chỉnh thì cơ quan chủ quản báo chí căn cứ vào quy định của Đảng,
pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan chủ quản báo chí để thực hiện quy
trình, thủ tục bổ nhiệm phù hợp với Quy định này.
Điều 8. Thời hạn giữ chức vụ
1. Thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ là 5 năm (60
tháng) đối với lãnh đạo cơ quan báo chí.
2. Người đứng đầu cơ quan báo chí không đảm nhiệm
chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp tại 1 cơ quan báo chí.
Điều 9. Bổ nhiệm lại
1. Bổ nhiệm lại lãnh đạo cơ quan báo chí thuộc diện
Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và thuộc cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện theo quy định của Đảng,
pháp luật của Nhà nước; các quy định khác có liên quan của cấp có thẩm quyền.
2. Bổ nhiệm lại lãnh đạo cơ quan báo chí không thuộc
Khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cơ
quan chủ quản báo chí và theo Mục II của Phụ lục I, Quy định này.
3. Lãnh đạo cơ quan báo chí trong thời hạn giữ chức
vụ có đơn, thư khiếu nại, tố cáo mà không giải quyết hoặc chưa giải quyết để
kéo dài, vượt cấp; cơ quan báo chí bị xử lý vi phạm hành chính hoặc cá nhân
lãnh đạo bị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, thì tùy mức độ, cơ quan chỉ đạo
báo chí, cơ quan quản lý báo chí xem xét, thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng trước
khi ra văn bản trả lời cơ quan chủ quản báo chí về việc bổ nhiệm lại.
Điều 10. Căn cứ xem xét miễn
nhiệm
1. Cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý báo chí
yêu cầu cơ quan chủ quản xem xét miễn nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí.
2. Lãnh đạo cơ quan báo chí bị kỷ luật cảnh cáo, uy
tín giảm sút, không thể đảm nhiệm chức vụ được giao hoặc bị kỷ luật khiển trách
hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ/thời hạn bổ nhiệm.
Điều 11. Quy trình, thủ tục miễn
nhiệm
1. Quy trình, thủ tục miễn nhiệm lãnh đạo cơ quan
báo chí thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và thuộc cơ quan đảng, nhà
nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện theo quy
định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các quy định khác có liên quan của cấp
có thẩm quyền.
2. Đối với lãnh đạo cơ quan báo chí không thuộc Khoản
1 Điều này, khi có một trong các căn cứ miễn nhiệm đối với nhân sự giữ chức vụ
lãnh đạo cơ quan báo chí, cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan chủ quản báo
chí họp, thống nhất, biểu quyết bằng phiếu kín. Việc quyết định miễn nhiệm phải
được trên 50% tổng số thành viên đồng ý.
Sau khi ra quyết định miễn nhiệm, trong thời hạn
không quá 10 ngày làm việc, cơ quan chủ quản báo chí có văn bản thông báo với
cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý báo chí.
Chương III
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 12. Khen thưởng
Cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo của cơ quan chỉ đạo,
cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí có thành tích trong
hoạt động báo chí và các lĩnh vực khác thì được khen thưởng theo quy định của Đảng,
pháp luật của Nhà nước.
Điều 13. Kỷ luật
1. Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo của cơ
quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản báo chí vi phạm quy định của Đảng,
pháp luật của Nhà nước thì căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan có thẩm
quyền xem xét xử lý kỷ luật với hình thức đúng mức, kịp thời.
2. Lãnh đạo cơ quan báo chí vi
phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì có văn bản
nghiêm khắc nhắc nhở hoặc kỷ luật khiển trách:
a) Chấp hành không nghiêm sự chỉ đạo của cơ quan chỉ
đạo báo chí, cơ quan quản lý báo chí.
b) Viết bài, duyệt đăng bài, sao chép, phát tán
tin, bài, ảnh, thông tin không chính xác; sử dụng các phương tiện thông tin,
truyền thông, mạng xã hội và các hội, nhóm, câu lạc bộ, diễn đàn để thông tin
không đúng sự thật, không đúng quy định.
c) Thực hiện không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ
tục công tác cán bộ trong cơ quan báo chí; bổ nhiệm người không đủ điều kiện,
tiêu chuẩn theo quy định.
d) Thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, kiểm tra,
giám sát để cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động trong cơ quan báo
chí, cộng tác viên (có hợp đồng cộng tác viên với cơ quan báo chí) vi phạm pháp
luật, đạo đức nghề nghiệp.
đ) Để xảy ra mất đoàn kết; có đơn, thư khiếu nại, tố
cáo mà không giải quyết hoặc chậm giải quyết để kéo dài quá quy định.
e) Để cơ quan báo chí vi phạm Luật Báo chí và các
văn bản quy phạm pháp luật đến mức bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt 2 lần trong
nhiệm kỳ vì hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc thực hiện không đúng tôn chỉ,
mục đích ghi trong giấy phép nhưng chưa đến mức độ bị tước quyền sử dụng giấy
phép.
3. Lãnh đạo cơ quan báo chí vi phạm một trong các
trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm
một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức.
a) Các trường hợp đã bị cơ
quan có thẩm quyền nhắc nhở từ 2 lần trở lên hoặc bị kỷ luật theo Khoản 2 Điều
này mà tái phạm.
b) Để cơ quan báo chí đăng, phát nội dung thông tin
sai lệch chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thông tin sai sự
thật hoặc không chấp hành chỉ đạo của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý về thông
tin tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ Việt Nam với các quốc gia và
các tổ chức quốc tế.
c) Viết bài, duyệt đăng, phát tin, bài, ảnh, thông
tin không đúng sự thật, không đúng quy định; đe dọa, yêu sách về nội dung bài
viết; đăng bài, chia sẻ thông tin trên không gian mạng liên quan đến các địa
phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân nhằm đe dọa, yêu sách hoặc trục lợi.
d) Buông lỏng quản lý, ủy quyền, chuyển giao quyền
quản lý, điều hành chuyên mục, chương trình, kênh chương trình liên kết trên thực
tế cho phóng viên, nhóm phóng viên, văn phòng đại diện, đối tác liên kết để đổi
lấy lợi ích.
đ) Chỉ đạo cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người
lao động trong quá trình tác nghiệp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp
luật, bị cơ quan tiến hành tố tụng quyết định khởi tố bị can và chịu bản án,
quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên nhà báo, phóng viên đó có tội.
e) Để cơ quan báo chí vi phạm Luật Báo chí và các
văn bản quy phạm pháp luật đến mức bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt 2 lần trong
nhiệm kỳ vì hành vi gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng hoặc thực hiện không đúng
tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép đến mức bị tước quyền sử dụng giấy phép.
4. Lãnh đạo cơ quan báo chí vi phạm một trong các
trường hợp quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng
thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng:
a) Vi phạm Khoản 3 Điều này mà tái phạm.
b) Viết bài, duyệt đăng bài về nội dung phủ định chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo và các nguyên tắc tổ
chức, hoạt động của Đảng.
c) Đưa thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối,
quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bịa đặt, vu cáo lãnh tụ cách mạng tiền
bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, độc lập chủ quyền, thống nhất
và toàn vẹn lãnh thổ.
d) Để cơ quan báo chí vi phạm Luật Báo chí và các
văn bản quy phạm pháp luật gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng.
5. Lãnh đạo cơ quan báo chí vi phạm nội dung chưa
nêu trong Quy định này thì căn cứ vào các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà
nước, quy định của cơ quan có thẩm quyền để xử lý kỷ luật cho phù hợp.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Tổ chức thực hiện
1. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chỉ đạo báo
chí, cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí và đơn
vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy định này.
2. Trường hợp đã được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại theo
Quyết định số 75-QĐ/TW, ngày 21/8/2007 của Ban Bí thư thì tiếp tục đảm nhiệm chức
vụ đến hết thời hạn được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại. Khi hết thời hạn, việc bổ nhiệm,
bổ nhiệm lại thì thực hiện theo Quy định này.
3. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với
Ban Tổ chức Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ
quan có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định này; định
kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện, báo cáo Ban Bí thư.
Điều 15. Hiệu lực thi hành
Quy định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Quyết
định số 75-QĐ/TW, ngày 21/8/2007 của Ban Bí thư.
Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
- Các cơ quan chủ quản báo chí,
- Các cơ quan báo chí,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
|
T/M BAN BÍ THƯ
Võ Văn Thưởng
|
PHỤ LỤC I
THỦ TỤC, QUY TRÌNH BỔ NHIỆM, BỔ NHIỆM LẠI LÃNH ĐẠO CƠ QUAN
BÁO CHÍ KHÔNG THUỘC DIỆN BỘ CHÍNH TRỊ, BAN BÍ THƯ QUẢN LÝ; KHÔNG THUỘC CƠ QUAN
ĐẢNG, NHÀ NƯỚC, MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM VÀ CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
(Kèm theo Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 28/02/2023 của Ban Bí thư)
I- THỦ TỤC, QUY TRÌNH BỔ NHIỆM
1. Thủ tục bổ nhiệm
1.1. Căn cứ vào số lượng chức danh lãnh đạo cơ quan
báo chí cần kiện toàn, bổ sung và yêu cầu công tác, cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh
đạo cơ quan báo chí (sau đây gọi chung là tập thể lãnh đạo) thực hiện các công
việc sau:
a) Có văn bản trình cơ quan chủ quản báo chí xem
xét, cho chủ trương về số lượng chức danh lãnh đạo cơ quan báo chí cần kiện
toàn, bổ sung, trong đó dự kiến phân công lĩnh vực, nhiệm vụ cụ thể đối với
nhân sự dự kiến được bổ nhiệm.
b) Sau khi có chủ trương, chậm nhất trong thời gian
30 ngày làm việc, tập thể lãnh đạo cơ quan báo chí phải hoàn thành việc thực hiện
quy trình nhân sự theo quy định. Trường hợp sau thời gian quy định, chưa hoàn
thành việc thực hiện quy trình nhân sự thì tập thể lãnh đạo có trách nhiệm giải
trình rõ lý do, báo cáo cơ quan chủ quản báo chí.
1.2. Đề xuất nhân sự cụ thể.
1.3. Thẩm định nhân sự
a) Tập thể lãnh đạo cơ quan báo chí làm tờ trình, hồ
sơ đề nghị bổ nhiệm gửi cơ quan chủ quản báo chí.
b) Không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ tờ
trình, hồ sơ theo quy định, cơ quan chủ quản báo chí thẩm định hồ sơ và làm văn
bản (kèm hồ sơ) gửi xin ý kiến Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền
thông.
c) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
đủ văn bản (kèm theo hồ sơ), Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ
Thông tin và Truyền thông thẩm định và có văn bản trả lời cơ quan chủ quản báo
chí về việc bổ nhiệm nhân sự dự kiến giữ chức vụ lãnh đạo cơ quan báo chí.
Trường hợp vì lý do khách quan, cần thêm thời gian
để xem xét, xác minh, thẩm tra thì cũng không quá 20 ngày làm việc.
d) Không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận văn bản
trả lời của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan chủ
quản báo chí họp và xem xét, quyết định việc bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí
trực thuộc; thông báo bằng văn bản tới Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin
và Truyền thông kết quả việc bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí, trường hợp
không bổ nhiệm phải nêu lý do. Nếu quá thời hạn này mà không bổ nhiệm, cơ quan
chủ quản báo chí và cơ quan báo chí phải thực hiện lại thủ tục, quy trình bổ
nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí.
2. Quy trình bổ nhiệm
2.1. Đối với nguồn nhân sự tại chỗ
Sau khi có đồng ý về chủ trương của cơ quan chủ quản
báo chí, tập thể lãnh đạo cơ quan báo chí phải thực hiện các công việc sau:
a) Trên cơ sở chủ trương, yêu cầu nhiệm vụ và nguồn
cán bộ của cơ quan, người đứng đầu chủ trì cùng tập thể lãnh đạo thảo luận, rà
soát, thống nhất về cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình nhân sự
và cách tiến hành bảo đảm công bằng, dân chủ, chặt chẽ, công khai, minh bạch (trường
hợp phát sinh những vấn đề khó khăn, phức tạp, phải báo cáo lãnh đạo cơ quan chủ
quản báo chí); thảo luận, giới thiệu nguồn nhân sự bằng phiếu kín. Người đạt
số phiếu cao nhất trên 50% tổng số người được triệu tập đồng ý thì được lựa chọn.
Trường hợp không có người nào đạt trên 50% số phiếu giới thiệu thì chọn tất cả
người có số phiếu giới thiệu đạt từ 30% trở lên để giới thiệu tiếp. Trường hợp
không có người đạt số phiếu 30% thì không tiếp tục thực hiện các nội dung tiếp
theo và báo cáo cơ quan chủ quản xem xét, chỉ đạo.
b) Tổ chức lấy ý kiến giới thiệu nhân sự theo danh
sách đã được giới thiệu trong cán bộ, đảng viên, người lao động trong toàn cơ
quan (kết quả kiểm phiếu không công bố).
- Thông báo danh sách nhân sự do tập thể lãnh đạo
giới thiệu; tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; nhận xét, đánh giá
ưu, khuyết điểm, triển vọng phát triển; dự kiến phân công công tác.
- Ghi phiếu giới thiệu nhân sự (có thể ký hoặc không
ký tên).
c) Trên cơ sở kết quả lấy phiếu ở các hội nghị; kết
quả xác minh, kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có) đối với nhân sự; tập
thể lãnh đạo thảo luận và biểu quyết giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín (người đạt
số phiếu cao nhất trên 50% số phiếu so với tổng số người được triệu tập thì được
lựa chọn giới thiệu đề nghị cơ quan chủ quản báo chí bổ nhiệm. Trường hợp có 2
người có số phiếu đồng ý giới thiệu ngang nhau đạt tỷ lệ 50%, thì lựa chọn nhân
sự do người đứng đầu cơ quan báo chí giới thiệu, đồng thời báo cáo đầy đủ các ý
kiến khác nhau để cơ quan chủ quản báo chí xem xét, quyết định.
d) Tập thể lãnh đạo cơ quan báo chí và người đứng đầu
chịu trách nhiệm về đánh giá, nhận xét, đề xuất, lựa chọn, giới thiệu nhân sự bổ
nhiệm.
2.2. Đối với nhân sự từ nguồn cán bộ ở nơi khác
a) Trường hợp nhân sự do cơ quan báo chí đề xuất
- Căn cứ nhu cầu công tác, tập thể lãnh đạo cơ quan
báo chí thống nhất có văn bản báo cáo cơ quan chủ quản xin chủ trương, nêu rõ
yêu cầu, số lượng, dự kiến phân công công tác đối với nhân sự đề nghị bổ nhiệm.
- Sau khi được cơ quan chủ quản báo chí đồng ý bằng
văn bản, cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan báo chí thảo luận, thống
nhất chủ trương và căn cứ theo Quy định này thực hiện các công việc sau:
+ Trao đổi, lấy ý kiến của cấp ủy, tổ chức đảng, tập
thể lãnh đạo nơi nhân sự đang công tác về chủ trương điều động, bổ nhiệm (người
được giới thiệu phải đạt số phiếu trên 50% so với tổng số người được triệu tập;
trường hợp số phiếu đạt tỷ lệ 50% (không quá bán) thì do người đứng đầu xem
xét, quyết định), có nhận xét, đánh giá bằng văn bản của cơ quan, đơn vị nơi
nhân sự đang công tác và hồ sơ nhân sự theo quy định.
+ Gặp nhân sự được đề nghị bổ nhiệm để trao đổi về
yêu cầu nhiệm vụ công tác.
+ Lập tờ trình kèm hồ sơ báo cáo cơ quan chủ quản
báo chí xem xét, quyết định.
b) Trường hợp nhân sự do cấp ủy, tổ chức đảng, tập
thể lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí dự kiến điều động, bổ nhiệm cán bộ từ nguồn
nhân sự ngoài cơ quan báo chí thì cơ quan chủ quản báo chí căn cứ vào Quy định
này tiến hành các công việc sau:
- Trao đổi, lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo của cơ
quan báo chí về dự kiến điều động, bổ nhiệm nhân sự.
- Trao đổi, lấy ý kiến của cấp ủy, tổ chức đảng, tập
thể lãnh đạo nơi nhân sự đang công tác về chủ trương điều động, bổ nhiệm (người
được giới thiệu phải đạt số phiếu trên 50% so với tổng số người được triệu tập;
trường hợp số phiếu đạt tỷ lệ 50% (không quá bán) thì do người đứng đầu xem
xét, quyết định), có nhận xét, đánh giá bằng văn bản của cơ quan, đơn vị nơi nhân
sự đang công tác và hồ sơ nhân sự theo quy định.
- Gặp nhân sự được đề nghị bổ nhiệm để trao đổi về
yêu cầu nhiệm vụ công tác.
- Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan chủ
quản báo chí họp và xem xét, quyết định.
3. Cơ quan chủ quản báo chí làm văn bản (kèm
hồ sơ) gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông xin ý kiến về
việc bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí. Cơ quan chủ quản báo chí chỉ ra quyết định
bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí khi có sự thống nhất bằng văn bản của Ban Tuyên
giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông.
II- THỦ TỤC, QUY TRÌNH BỔ NHIỆM LẠI
1. Yêu cầu
Chậm nhất 90 ngày trước ngày hết thời hạn bổ nhiệm,
cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí thông báo đến cán bộ chuẩn bị thủ tục
bổ nhiệm lại theo quy định.
2. Điều kiện
a) Được cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đánh giá
là hoàn thành nhiệm vụ trong thời hạn giữ chức vụ và vẫn đủ tiêu chuẩn, điều kiện,
đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan báo chí.
b) Cơ quan báo chí có nhu cầu.
c) Đủ sức khoẻ để tiếp tục đảm nhiệm chức vụ.
3. Thủ tục bổ nhiệm lại
a) Người được bổ nhiệm lại làm báo cáo tự nhận xét,
đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong thời hạn giữ chức vụ.
b) Cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo cơ quan
báo chí, toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động của cơ quan báo chí góp ý
kiến đánh giá và bỏ phiếu tín nhiệm (bằng phiếu kín) đối với cán bộ đề nghị bổ
nhiệm lại.
c) Tập thể lãnh đạo cơ quan báo chí thảo luận, xem
xét, bỏ phiếu kín đề nghị cơ quan chủ quản báo chí quyết định. Cán bộ được trên
50% số người được triệu tập ở các hội nghị đồng ý thì trình cơ quan chủ quản
báo chí xem xét, bổ nhiệm lại; trường hợp số phiếu đạt tỷ lệ 50% (không quá
bán) thì do người đứng đầu cơ quan báo chí xem xét, quyết định; trường hợp dưới
50% đồng ý thì báo cáo cơ quan chủ quản báo chí xem xét, quyết định.
4. Việc bổ nhiệm lại đối với lãnh đạo cơ quan
báo chí (theo Điểm c, Khoản 7, Điều 5 Quy định này)
không còn đủ thời gian công tác 5 năm, như sau:
a) Đối với lãnh đạo cơ quan báo chí còn từ 2 năm trở
lên thì phải thực hiện quy trình bổ nhiệm lại theo quy định.
b) Trường hợp còn dưới 2 năm thì người đứng đầu và
tập thể lãnh đạo thảo luận, xem xét, nếu cán bộ còn sức khoẻ, uy tín, đáp ứng được
yêu cầu nhiệm vụ, biểu quyết (bằng phiếu kín), báo cáo cơ quan chủ quản xem
xét, quyết định kéo dài thời hạn giữ chức vụ cho đến khi đủ tuổi tối đa giữ chức
vụ lãnh đạo mà không phải thực hiện quy trình bổ nhiệm lại.
5. Cơ quan chủ quản báo chí làm văn bản (kèm
hồ sơ) gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông xin ý kiến về
việc bổ nhiệm lại lãnh đạo cơ quan báo chí. Cơ quan chủ quản báo chí chỉ ra quyết
định bổ nhiệm lại lãnh đạo cơ quan báo chí khi có sự thống nhất bằng văn bản của
Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông.
PHỤ LỤC II
DANH MỤC HỒ SƠ NHÂN SỰ BỔ NHIỆM, BỔ NHIỆM LẠI LÃNH ĐẠO
CƠ QUAN BÁO CHÍ KHÔNG THUỘC DIỆN BỘ CHÍNH TRỊ, BAN BÍ THƯ QUẢN LÝ VÀ KHÔNG THUỘC
CƠ QUAN ĐẢNG, NHÀ NƯỚC, MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM VÀ CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ
HỘI
(Kèm theo Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 28/02/2023 của Ban Bí thư)
Danh mục hồ sơ nhân sự thống nhất khổ giấy A4 và sắp
xếp theo thứ tự sau:
1. Tờ trình và Biên bản kiểm phiếu ở các bước.
2. Sơ yếu lý lịch theo quy định hiện hành do cá
nhân tự khai và cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ xác nhận; có dán ảnh màu khổ
4x6 và đóng dấu.
3. Đánh giá, nhận xét 3 năm gần nhất của các cấp ủy,
tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo của cơ quan, đơn vị của cấp có thẩm quyền về:
(1) Phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ. (2)
Năng lực công tác và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; trong
đó, thể hiện rõ trong quá trình công tác nhân sự có sản phẩm cụ thể, thành tích
công tác, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm (nếu có). (3) Uy tín và triển vọng phát
triển.
4. Đánh giá, nhận xét của cấp ủy nơi công tác.
5. Nhận xét của cấp ủy nơi cư trú đối với bản thân
và gia đình cán bộ.
6. Bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định hiện
hành (có ký xác nhận của người kê khai).
7. Bản sao các văn bằng, chứng chỉ về trình độ
chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị... có liên quan (có xác nhận của cơ
quan có thẩm quyền).
8. Giấy khám sức khoẻ do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp.
* Lưu ý: Các tài liệu nêu tại Mục 2,
3, 4, 5, 6, 8 không quá 6 tháng tính đến thời điểm xem xét.