HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 44B-LCT/HĐNN8
|
Hà Nội, ngày 13
tháng 11 năm 1990
|
PHÁP LỆNH
CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC SỐ 44B-LCT/HĐNN8 NGÀY 24/11/1990 VỀ
LÃNH SỰ
Để phát triển quan hệ hữu nghị
và hợp tác giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước, bảo vệ ở
nước ngoài quyền và lợi ích của Nhà nước, pháp nhân và công dân Việt Nam;
Căn cứ vào Điều 14 và Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Nam;
Pháp lệnh này quy định tổ chức và hoạt động lãnh sự của nước Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1
Cơ quan
lãnh sự
Cơ quan lãnh sự nước Cộng hoà xã
hội chủ nghĩa Việt Nam gồm Tổng lãnh sự quán và Lãnh sự quán.
Người đứng đầu Tổng lãnh sự quán
là một Tổng lãnh sự, người đứng đầu Lãnh sự quán là một Lãnh sự, dưới đây gọi
chung là "Lãnh sự".
Điều 2
Nhiệm vụ,
quyền hạn của cơ quan lãnh sự
Cơ quan lãnh sự có nhiệm vụ, quyền
hạn sau đây:
1- Bảo vệ ở nước ngoài quyền và
lợi ích của Nhà nước, pháp nhân và công dân Việt Nam;
2- Góp phần phát triển và mở rộng
quan hệ hữu nghị và hợp tác với nước tiếp nhận; tìm hiểu pháp luật, tình hình
kinh tế, thương mại, văn hoá, khoa học, kỹ thuật, du lịch và các lĩnh vực khác;
phát hiện khả năng, mức độ và chuyên ngành mà Việt Nam có thể hoặc cần hợp tác
để giúp các cơ quan, tổ chức hữu quan phát triển quan hệ hợp tác với nước tiếp
nhận;
3- Nghiên cứu khả năng phát triển
quan hệ lãnh sự giữa Việt Nam với nước tiếp nhận, tìm hiểu quan hệ lãnh sự giữa
nước tiếp nhận với các nước khác, đề xuất kiến nghị việc ký kết điều ước quốc tế
liên quan đến quan hệ lãnh sự.
Điều 3
Nguyên tắc
thực hiện chức năng lãnh sự
1- Lãnh sự thực hiện chức năng
lãnh sự theo quy định của Pháp lệnh này. Lãnh sự cũng có thể thực hiện những chức
năng khác không trái với pháp luật Việt Nam và được nước tiếp nhận chấp thuận.
2- Lãnh sự bắt đầu thực hiện chức
năng khi được nước tiếp nhận chấp thuận.
3- Lãnh sự trực tiếp hoặc uỷ nhiệm
cho viên chức lãnh sự khác thực hiện chức năng lãnh sự.
4- Người thực hiện chức năng
lãnh sự trong cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam thực hiện chức năng ở nước
tiếp nhận theo quy định của Pháp lệnh này.
Điều 4
Thực hiện
chức năng lãnh sự liên quan đến nước thứ ba
1- Lãnh sự có thể được Bộ trưởng
Bộ ngoại giao Việt Nam uỷ nhiệm thực hiện chức năng lãnh sự ở nước thứ ba nếu
được nước đó đồng ý.
2- Lãnh sự có thể thực hiện chức
năng lãnh sự do nước thứ ba uỷ nhiệm nếu được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam
cho phép và nước tiếp nhận đồng ý.
Điều 5
Thực hiện
chức năng ngoại giao
Lãnh sự có thể được Bộ trưởng Bộ
Ngoại giao Việt Nam uỷ nhiệm thực hiện một số chức năng ngoại giao nếu ở nước
tiếp nhận không có cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam và được nước này chấp
thuận.
Điều 6
áp dụng điều
ước quốc tế
Trong trường hợp điều ước quốc tế
mà Việt Nam và nước tiếp nhận ký kết hoặc tham gia có quy định khác, thì Lãnh sự
áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Điều 7
Giá trị của
văn bản do cơ quan lãnh sự cấp
Văn bản do cơ quan lãnh sự Việt
Nam cấp theo quy định của Pháp lệnh này có giá trị như văn bản do cơ quan Nhà
nước Việt Nam có thẩm quyền trong nước cấp.
Chương 2:
TỔ CHỨC CỦA CƠ QUAN LÃNH
SỰ
Điều 8
Thành lập
cơ quan Lãnh sự
1- Việc xếp hạng cơ quan lãnh sự,
khu vực lãnh sự và nơi đặt trụ sở cơ quan lãnh sự được quy định trên cơ sở thoả
thuận với nước tiếp nhận.
Khu vực lãnh sự là khu vực được
nước tiếp nhận thoả thuận dành cho cơ quan lãnh sự để thực hiện chức năng lãnh
sự.
2- Việc thành lập cơ quan lãnh sự
do Hội đồng bộ trưởng quyết định.
Điều 9
Thành viên
cơ quan lãnh sự
Thành viên cơ quan lãnh sự gồm
viên chức lãnh sự và nhân viên lãnh sự.
Viên chức lãnh sự gồm Tổng lãnh
sự, Lãnh sự, Phó lãnh sự hoặc Tuỳ viên lãnh sự. Viên chức lãnh sự phải là công
dân Việt Nam.
Nhân viên lãnh sự gồm những người
thực hiện công việc hành chính, kỹ thuật, phục vụ trong cơ quan lãnh sự. Nhân
viên lãnh sự là công dân Việt Nam và cũng có thể là người nước ngoài.
Điều 10
Bổ nhiệm,
miễn nhiệm và triệu hồi Lãnh sự
1- Lãnh sự do Bộ trưởng Bộ Ngoại
giao bổ nhiệm, miễn nhiệm và triệu hồi.
2- Khi bổ nhiệm Lãnh sự, Bộ trưởng
Bộ Ngoại giao cấp cho người đó "Giấy uỷ nhiệm lãnh sự".
Điều 11
Chỉ định
người tạm thời đứng đầu cơ quan lãnh sự
Trong trường hợp người đứng đầu
cơ quan lãnh sự tạm thời bị khuyết, hoặc vì lý do nào đó mà không thực hiện được
chức năng của mình, thì người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở
nước tiếp nhận chỉ định một viên chức lãnh sự của cơ quan lãnh sự đó hoặc của
cơ quan lãnh sự khác hoặc một viên chức của cơ quan đại diện ngoại giao Việt
Nam tạm thời đảm nhận chức vụ đó; nếu ở nước tiếp nhận không có cơ quan đại diện
ngoại giao Việt Nam, thì một viên chức có hàm cao nhất trong cơ quan lãnh sự đó
tạm thời đảm nhận chức vụ người đứng đầu, đồng thời báo cáo ngay cho Bộ Ngoại
giao.
Điều 12
Nguyên tắc
tổ chức và hoạt động của cơ quan lãnh sự
1- Cơ quan lãnh sự trực thuộc Bộ
Ngoại giao và hoạt động dưới sự lãnh đạo chung của người đứng đầu cơ quan đại
diện ngoại giao Việt Nam tại nước tiếp nhận. Trong trường hợp ở nước tiếp nhận
không có cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam, thì cơ quan lãnh sự hoạt động dưới
sự lãnh đạo chung của người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao kiêm nhiệm ở
nước đó hoặc của Bộ Ngoại giao.
2- Cơ quan lãnh sự hoạt động
theo quy định của Pháp lệnh này, các quy định khác của pháp luật Việt Nam, điều
ước quốc tế mà Việt Nam và nước tiếp nhận ký kết hoặc tham gia và phù hợp với tập
quán quốc tế.
Điều 13
Mối quan
hệ công tác
1- Lãnh sự có quyền liên hệ với
nhà chức trách địa phương ở khu vực lãnh sự về những vấn đề có liên quan đến hoạt
động lãnh sự.
Khi cần liên hệ với nhà chức
trách của chính quyền Trung ương, Lãnh sự phải thông qua cơ quan đại diện ngoại
giao Việt Nam tại nước tiếp nhận; trong trường hợp ở nước đó không có cơ quan đại
diện ngoại giao, thì Lãnh sự có thể liên hệ trực tiếp, nếu pháp luật và tập
quán nước tiếp nhận cho phép hoặc giữa Việt Nam với nước tiếp nhận đã thoả thuận
về vấn đề này.
2- Khi thừa hành công vụ, Lãnh sự
có quyền liên hệ với các cơ quan, tổ chức trung ương và địa phương ở trong nước
thông qua người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước tiếp nhận,
trong trường hợp cấp bách có thể liên hệ trực tiếp, đồng thời báo cho người đứng
đầu cơ quan đại diện ngoại giao biết.
3- Trong các trường hợp nói tại khoản
2 Điều này, Lãnh sự đều phải đồng thời báo cáo Bộ Ngoại giao.
Điều 14
Quốc kỳ,
quốc huy, con dấu và biển đề tên cơ quan lãnh sự.
1- Cơ quan lãnh sự có quyền treo
quốc kỳ, quốc huy Việt Nam tại trụ sở của mình.
Lãnh sự có quyền treo quốc kỳ Việt
Nam tại nhà ở và trên phương tiện giao thông của mình khi phương tiện đó được sử
dụng để thừa hành công vụ.
2- Cơ quan lãnh sự có con dấu
tròn mang hình quốc huy Việt Nam và tên cơ quan lãnh sự bằng tiếng Việt.
3- Cơ quan lãnh sự treo biển tên
cơ quan lãnh sự bằng tiếng Việt và tiếng nước tiếp nhận tại trụ sở.
Điều 15
Lãnh sự
danh dự
1- Lãnh sự danh dự là Lãnh sự
không chuyên nghiệp và không thuộc biên chế Nhà nước Việt Nam.
ở những nơi có yêu cầu về công
việc lãnh sự, song không có điều kiện thành lập cơ quan hoặc cử viên chức lãnh
sự, thì Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có quyền bổ nhiệm Lãnh sự danh dự. Lãnh sự danh
dự là công dân Việt Nam và cũng có thể là công dân nước ngoài.
2- Lãnh sự danh dự thực hiện một
số chức năng lãnh sự theo sự uỷ nhiệm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
3- Bộ trưởng Bộ Ngoai giao căn cứ
vào Pháp lệnh này ban hành quy chế về Lãnh sự danh dự sau khi được Chủ tịch Hội
đồng bộ trưởng xét duyệt.
Chương 3:
CHỨC NĂNG LÃNH SỰ ĐỐI VỚI
PHÁP NHÂN VÀ CÔNG DÂN
Điều 16
Đăng ký
và thống kê công dân
1- Lãnh sự đăng ký, thống kê
công dân Việt Nam ở khu vực lãnh sự và cấp những giấy tờ phù hợp.
2- Khi có chỉ thị của cơ quan
Nhà nước Việt Nam có thẩm quyền ở trong nước, Lãnh sự đăng ký nghĩa vụ quân sự
đối với công dân Việt Nam ở khu vực lãnh sự.
Điều 17
Bảo hộ
pháp lý
1- Lãnh sự thi hành mọi biện
pháp để pháp nhân và công dân Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền và lợi ích
theo pháp luật nước tiếp nhận, điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước tiếp nhận
ký kết hoặc tham gia, hoặc theo tập quán quốc tế.
2- Khi các quyền và lợi ích
chính đáng của pháp nhân hoặc công dân Việt Nam bị vi phạm, Lãnh sự thi hành mọi
biện pháp để khôi phục quyền và lợi ích chính đáng đó.
Điều 18
Giúp công
dân trong trường hợp bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị tù
Lãnh sự có trách nhiệm bảo đảm để
việc bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù, hoặc hạn chế tự do thân thể
dưới bất cứ hình thức nào đối với công dân Việt Nam ở khu vực lãnh sự đều theo
đúng pháp luật nước tiếp nhận, điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước tiếp nhận
ký kết hoặc tham gia, hoặc theo tập quán quốc tế.
Lãnh sự có trách nhiệm liên hệ
hoặc đến thăm công dân Việt Nam đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang chấp hành
hình phạt tù; tìm hiểu sự việc xảy ra, điều kiện giam giữ và thi hành những biện
pháp cần thiết để bảo hộ pháp lý đối với họ.
Điều 19
Đại diện
cho pháp nhân và công dân
1- Lãnh sự là người đại diện hợp
pháp, có trách nhiệm đại diện hoặc bảo đảm việc đại diện cho pháp nhân hoặc
công dân Việt Nam ở khu vực lãnh sự khi pháp nhân hoặc công dân vắng mặt mà không
uỷ nhiệm người khác đại diện hoặc vì lý do nào đó họ không tự bảo vệ được quyền
và lợi ích của mình.
2- Việc đại diện nói tại khoản 1
Điều này chấm dứt khi pháp nhân hoặc công dân đó đã uỷ nhiệm người đại diện hoặc
tự bảo vệ quyền và lợi ích của họ.
Điều 20
Giáo dục,
vận động và giúp đỡ công dân
1- Lãnh sự giáo dục công dân Việt
Nam tinh thân yêu nước, vận động họ hướng về Tổ quốc, đóng góp vào sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2- Lãnh sự tuyên truyền pháp luật
cho công dân Việt Nam để họ tôn trọng pháp luật của nước tiếp nhận và của Việt
Nam, quan hệ hữu nghị với nhân dân nước tiếp nhận.
3- Lãnh sự ủng hộ và giúp đỡ các
hoạt động văn hoá, giáo dục của pháp nhân và công dân Việt Nam;
4- Lãnh sự vận động mọi người
giúp đỡ vật chất cho những công dân Việt Nam ở khu vực lãnh sự khi họ gặp hoạn
nạn, khó khăn.
Điều 21
Cấp hộ
chiếu, thị thực
1- Lãnh sự cấp, gia hạn hộ chiếu,
sửa đổi những điều ghi trong hộ chiếu; khi cần thiết, tuyên bố hộ chiếu mất hiệu
lực, thu giữ hộ chiếu của công dân Việt Nam ở khu vực lãnh sự.
2- Lãnh sự cấp thị thực nhập cảnh,
nhập xuất cảnh và quá cảnh Việt Nam cho công dân Việt Nam và người nước ngoài;
gia hạn, huỷ bỏ thị thực hoặc sửa đổi những điều ghi trong thị thực đã cấp.
Điều 22
Đăng ký hộ
tịch
1- Lãnh sự đăng ký kết hôn giữa
công dân Việt Nam với nhau, đăng ký khai sinh, khai tử cho công dân Việt Nam
theo pháp luật Việt Nam. Trong trường hợp công dân Việt Nam kết hôn với công
dân nước ngoài, Lãnh sự chỉ đăng ký khi nước tiếp nhận đồng ý.
Lãnh sự thông báo cho nhà chức
trách của nước tiếp nhận về việc đăng ký nói tại đoạn 1 Điều này, nếu pháp luật
nước đó đòi hỏi như vậy.
2- Lãnh sự lập sổ đăng ký hộ tịch
và cấp cho công dân Việt Nam giấy tờ về hộ tịch theo quy định của pháp luật Việt
Nam.
3- Lãnh sự tiếp nhận và chuyển
những đơn đề nghị về hộ tịch không thuộc thẩm quyền của mình cho cơ quan Nhà nước
Việt Nam có thẩm quyền.
Điều 23
Công nhận
việc nuôi con nuôi, cử người đỡ đầu
1- Lãnh sự có quyền công nhận việc
nuôi con nuôi giữa các công dân Việt nam và ghi vào sổ đăng ký hộ tịch.
2- Lãnh sự có quyền công nhận, cử
và thay người đỡ đầu cho công dân Việt Nam chưa đến tuổi thành niên và có trách
nhiệm giám sát việc đỡ đầu đó.
3- Việc công nhận nuôi con nuôi
và cử người đỡ đầu thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 24
Thực hiện
công chứng
Lãnh sự có quyền thực hiện các
hành vi công chứng sau đây:
1- Chứng thực các hợp đồng, trừ
hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu bất động sản ở nước tiếp nhận, giữa công dân
Việt Nam với người nước ngoài, nếu hợp đồng đó được thực hiện ở Việt Nam hoặc
giữa công dân Việt Nam với nhau;
2- Chứng thực di chúc của công
dân Việt Nam và nếu đương sự yêu cầu, thì nhận bảo quản di chúc đó;
3- Chứng thực giấy uỷ quyền của
pháp nhân và công dân Việt Nam;
4- Chứng thực các đoạn trích tài
liệu, bản sao, bản chụp các giấy tờ, tài liệu;
5- Chứng thực chữ ký trên các giấy
tờ;
6- Chứng thực bản dịch;
7- Chứng thực thời gian trình nộp
giấy tờ;
8- Nhận bảo quản giấy tờ, tài liệu,
tiền, ngân phiếu và các đồ vật có giá trị của công dân Việt Nam.
Lãnh sự có thể thực hiện các
hành vi công chứng khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 25
Nguyên tắc
thực hiện công chứng
1- Hành vi công chứng được thực
hiện theo thủ tục do pháp luật Việt Nam quy định.
2- Hành vi công chứng được thực
hiện tại cơ quan lãnh sự và bằng ngôn ngữ mà cơ quan dùng làm việc.
Trong trường hợp cần thiết, hành
vi công chứng có thể được thực hiện ngoài cơ quan lãnh sự.
Điều 26
Hợp pháp
hoá giấy tờ, tài liệu
1- Lãnh sự chứng thực chữ ký và
con dấu trên giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức nước tiếp nhận lập và sự phù
hợp của giấy tờ, tài liệu đó với pháp luật nước tiếp nhận.
Lãnh sự không hợp pháp hoá giấy
tờ, tài liệu có nội dung trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Lãnh sự cũng hợp pháp hoá giấy tờ,
tài liệu do cơ quan, tổ chức Việt Nam lập, khi giấy tờ, tài liệu có được sử dụng
ở nước tiếp nhận.
2- Cơ quan Nhà nước Việt Nam chỉ
chấp nhận xem xét các giấy tờ, tài liệu đã được Lãnh sự hợp pháp hoá, trừ trường
hợp pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có
quy định khác.
3- Bộ trưởng Bộ
Ngoại giao quy định thể lệ hợp pháp hoá.
Điều 27
Chức năng
lãnh sự về thừa kế
1- Nếu ở khu vực lãnh sự có di sản
của công dân Việt Nam hoặc thừa kế được mở có lợi cho Nhà nước, pháp nhân và
công dân Việt Nam, thì Lãnh sự thi hành mọi biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm việc
thực hiện các quyền lợi đó.
Lãnh sự làm việc với cơ quan Nhà
nước có thẩm quyền của nước tiếp nhận để giải quyết những vấn đề liên quan đến
việc thừa kế đó.
2- Nếu có pháp nhân và công dân
Việt Nam đang ở Việt Nam hoặc ở nước thứ ba có thể được thừa kế, thì Lãnh sự
thông báo ngay Bộ Ngoại giao những điều biết được về việc thừa kế.
Lãnh sự thực hiện quyền đại diện
cho người thừa kế theo yêu cầu của họ.
3- Trong trường hợp công dân Việt
Nam ở khu vực lãnh sự chết mà di sản không có người thừa kế, thì Lãnh sự nhận
và chuyển di sản đó cho cơ quan Nhà nước Việt Nam có thẩm quyền.
4- Nếu một phần hoặc toàn bộ di
sản nói tại khoản 2 và khoản 3 Điều này dễ bị hư hỏng, khó bảo quản hoặc khó vận
chuyển, thì Lãnh sự có thể bán và chuyển tiền cho người thừa kế hoặc cơ quan
Nhà nước Việt Nam có thẩm quyền.
Điều 28
Tiếp nhận
và chuyển đơn, bằng chứng
Lãnh sự có trách nhiệm tiếp nhận
đơn và bằng chứng liên quan của pháp nhân, công dân Việt Nam trong khu vực lãnh
sự và chuyển về cơ quan Nhà nước Việt Nam có thẩm quyền.
Điều 29
Chức năng
lãnh sự về quốc tịch
Lãnh sự tiếp nhận đơn xin vào,
xin thôi, xin trở lại quốc tịch Việt Nam và đơn khiếu nại về việc tước quốc tịch
Việt Nam, hoặc về việc huỷ bỏ quyết định cho vào quốc tịch Việt Nam và chuyển
những đơn đó về cơ quan Nhà nước Việt Nam có thẩm quyền ở trong nước; khi có kết
quả, Lãnh sự thông báo cho đương sự.
Điều 30
Thực hiện
uỷ thác tư pháp
Lãnh sự thực hiện uỷ thác tư
pháp của cơ quan Nhà nước Việt Nam có thẩm quyền đối với công dân Việt Nam ở
khu vực lãnh sự, nếu việc đó không trái với pháp luật nước tiếp nhận hoặc điều ước
quốc tế mà Việt Nam và nước tiếp nhận ký kết hoặc tham gia. Việc thực hiện các
uỷ thác này phải tuân theo các quy định của pháp luật tố tụng Việt Nam.
Điều 31
Lệ phí
lãnh sự
Lãnh sự thu lệ phí và những phí
tổn thực tế liên quan đến việc thực hiện công việc lãnh sự theo quy định của Hội
đồng bộ trưởng.
Chương 4:
CHỨC NĂNG LÃNH SỰ ĐỐI VỚI
TẦU THUỶ, MÁY BAY VÀ CÁC PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG, VẬN TẢI KHÁC
Điều 32
Chức năng
chung
Lãnh sự theo dõi, giúp đỡ mọi sự
cần thiết để các phương tiện giao thông, vận tải Việt Nam ở khu vực lãnh sự được
hưởng đầy đủ các quyền mà pháp luật nước tiếp nhận, điều ước quốc tế mà Việt
Nam và nước tiếp nhận ký kết hoặc tham gia, hoặc tập quán quốc tế dành cho các
phương tiện đó.
Điều 33
Giúp đỡ về
pháp lý
1- Lãnh sự thi hành mọi biện
pháp cần thiết để khôi phục các quyền bị xâm phạm của tầu biển mang cờ quốc tịch
tầu biển Việt Nam ở khu vực lãnh vực, dưới đây gọi chung là tầu.
2- Lãnh sự giúp thuyền trưởng nắm
được những quy định của cảng, pháp luật, tập quán địa phương và cung cấp thông
tin khác liên quan đến hoạt động của tầu.
3- Lãnh sự được quyền có mặt
trong các vụ khám xét tầu do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của nước tiếp nhận
tiến hành.
Điều 34
Trách nhiệm
thăm và kiểm tra tầu
Lãnh sự có trách nhiệm thăm tầu
đang ở khu vực lãnh sự và có quyền kiểm tra các giấy tờ của tầu.
Điều 35
Quyền yêu
cầu báo cáo
Trong trường hợp cần thiết, Lãnh
sự có quyền yêu cầu thuyền trưởng đến trụ sở cơ quan lãnh sự và trình báo mọi
chi tiếp về hành trình của tầu.
Điều 36
Cấp và chứng
thực các giấy tờ, tài liệu
1- Lãnh sự cấp "Giấy phép
mang cờ quốc tịch tầu biển tạm thời" cho tầu mua hoặc nhận ở nước ngoài.
2- Lãnh sự chứng thực các giấy tờ,
tài liệu của tầu, các bản khai liên quan đến tầu, hàng hoá, tài chính của tầu,
cấp giấy tờ cần thiết để tầu vào cảng, lưu lại cảng hoặc rời cảng dễ dàng.
Điều 37
Quyền đối
với thuyền bộ
1- Trong trường hợp thuyền trưởng
không thể thực hiện được nhiệm vụ được giao, Lãnh sự có quyền chỉ định người tạm
thời thay thế, đồng thời báo cáo Bộ Ngoại giao và thông báo cho chủ tầu.
2- Lãnh sự chứng thực và ghi vào
nhật ký tầu những thay đổi về nhân sự xảy ra trong hành trình của tầu hoặc khi
tầu ở cảng.
3- Lãnh sự giải quyết tranh chấp
xảy ra giữa thuyền trưởng và thuyền viên khác của tầu.
Điều 38
Chức năng
Lãnh sự khi tầu rời cảng
1- Trong trường hợp đặc biệt,
Lãnh sự có quyền tạm hoãn việc khởi hành hoặc yêu cầu tầu phải rời cảng gấp trước
thời hạn và phải ghi rõ lý do vào nhật ký tầu, đồng thời báo cáo Bộ Ngoại giao
và thông báo cho chủ tầu.
2- Lãnh sự có quyền gửi công dân
Việt Nam, va ly lãnh sự lên tầu. Thuyền trưởng có trách nhiệm đối với va ly
lãnh sự như giao thông viên lãnh sự.
Điều 39
Chức năng
lãnh sự khi tầu bị sự cố
1- Khi tầu bị sự cố, Lãnh sự phải
báo cáo ngay Bộ Ngoại giao và thông báo cho chủ tầu, đồng thời thi hành mọi biện
pháp cần thiết để cứu hành khách, thuyền bộ, cứu tầu và hàng hoá; giúp đỡ họ mọi
sự cần thiết.
2- Lãnh sự xác nhận việc trình
kháng nghị hàng hải. Trên cơ sở tìm hiểu các tình tiết sự cố, lời khai của thuyền
trưởng và các thuyền viên khác, căn cứ nội dung nhật ký tầu, Lãnh sự chứng thực
kháng nghị hàng hải.
Điều 40
Chức năng
lãnh sự khi tầu bị cướp đoạt
Trong trường hợp tầu bị cướp đoạt
chạy đến khu vực lãnh sự, Lãnh sự phải báo cáo ngay Bộ Ngoại giao và thông báo
cho chủ tầu, đồng thời thi hành mọi biện pháp cần thiết để yêu cầu nhà chức
trách địa phương bắt giữ bọn cướp, bảo vệ hành khách, thuyền bộ, tầu và hàng
hoá trên tầu.
Điều 41
Chức năng
lãnh sự khi có người ốm, bị tai nạn, người chết
1- Khi trên tầu có người ốm, bị
tai nạn, Lãnh sự giúp đỡ họ vào bệnh viện, theo dõi sự chăm sóc, điều trị của bệnh
viện và giúp đỡ họ mọi sự cần thiết.
2- Trong trường hợp có người chết,
Lãnh sự giúp đỡ việc mai táng hoặc hoả táng, gửi thi hài hoặc di hài về nước với
đầy đủ nghi thức cần thiết.
Điều 42
Chức năng
lãnh sự đối với máy bay và các phương tiện giao thông, vận tải khác
Những quy định từ Điều
32 đến Điều 41 của Pháp lệnh này cũng được áp dụng phù hợp đối với máy bay
và các phương tiện giao thông, vận tải khác của Việt Nam ở khu vực lãnh sự.
Chương 5
CHỨC NĂNG LÃNH SỰ ĐỐI VỚI
VIỆC PHÒNG DỊCH VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT, ĐỘNG VẬT
Điều 43
Phòng dịch
Nếu ở khu vực lãnh sự xuất hiện
dịch bệnh, Lãnh sự phải báo cáo ngay Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và các cơ quan hữu
quan trong nước, nêu rõ loại, tình hình diễn biến của dịch và những biện pháp
chống dịch của chính quyền sở tại. Lãnh sự thông báo cho người nhập cảnh Việt
Nam là khi nhập cảnh, họ phải xuất trình giấy tiêm chủng phòng dịch.
Điều 44
Bảo vệ thực
vật, động vật
Nếu ở khu vực lãnh sự xuất hiện
dịch, côn trùng có hại cho cây trồng và vật nuôi, Lãnh sự phải báo cáo Bộ Ngoại
giao, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Y tế và các cơ quan hữu quan
trong nước, thông báo cho những người nhập cảnh Việt Nam là khi nhập cảnh họ phải
xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch đối với động vật và sản phẩm từ động vật,
thực vật sống, hoa quả và rau tươi mà họ mang theo.
Chương 6:
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 45
Pháp lệnh
này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1991.
Những quy định trước đây trái với
Pháp lệnh này đều bãi bỏ.