Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 686/NQ-UBTVQH15 Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Người ký: Vương Đình Huệ
Ngày ban hành: 18/09/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

Sẽ sửa đổi quy định về tiền lương, phụ cấp đối với giáo viên

Ngày 14/8/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15 giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Sẽ sửa đổi quy định về tiền lương, phụ cấp đối với giáo viên

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra nhiệm vụ là sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi; đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo phù hợp với chủ trương và lộ trình cải cách tiền lương của Đảng và Nhà nước.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định về khung vị trí việc làm, định mức số người làm việc tối thiểu (Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017) và lộ trình áp dụng tại các cơ sở giáo dục phổ thông phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc thù ở từng vùng, miền, địa phương.

Bên cạnh đó, về tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai đổi mới giáo dục phổ thông có các nhiệm vụ đơn cử như sau:

- Thực hiện tốt việc phân bổ, quản lý và sử dụng biên chế giáo viên theo Quyết định 72-QĐ/TW ngày 17/8/2022 của Bộ Chính trị về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026.

- Tập trung tuyển dụng đủ giáo viên theo biên chế được phân bổ. Chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc trong tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

- Nâng cao chất lượng đào tạo ngành sư phạm. Tổ chức đào tạo đủ nguồn giáo viên dạy các môn học mới. Nâng cao chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng, tập huấn cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên; phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên cốt cán. Có chính sách hỗ trợ giáo viên ngoài công lập tập huấn, bồi dưỡng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Xem chi tiết nội dung tại Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15 ngày 14/8/2023.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 686/NQ-UBTVQH15

Hà Nội, ngày 18 tháng 9 năm 2023

NGHỊ QUYẾT

GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 88/2014/QH13 VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 51/2017/QH14 CỦA QUỐC HỘI VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13;

Căn cứ Nghị quyết số 23/2022/UBTVQH15 ngày 04 tháng 8 năm 2022 về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 và Nghị quyết số 581/NQ-UBTVQH15 ngày 29 tháng 8 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 584/BC-ĐGS ngày 11 tháng 8 năm 2023 của Đoàn giám sát về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”; ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đánh giá kết quả việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành nội dung của Báo cáo số 584/BC-ĐGS ngày 11 tháng 8 năm 2023 của Đoàn giám sát với những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ yếu sau đây:

1. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương cũng như toàn ngành giáo dục đã nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14), tạo chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận.

1.1. Việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông đã được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành nghiêm túc thực hiện. Hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện đã được ban hành tương đối toàn diện, bao quát những vấn đề cốt lõi, cần thiết nhất theo yêu cầu đổi mới. Trong giai đoạn 2014 - 2022, Quốc hội đã ban hành 02 luật, 05 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 02 kết luận; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ban hành 19 nghị định, 02 nghị quyết, 05 quyết định, 01 chỉ thị, 62 thông tư và thông tư liên tịch về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

1.2. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng công phu, nghiêm túc, dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, lý luận và thực tiễn, có tính kế thừa và phát triển; bám sát mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 88/2014/QH13. Quy trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt, ban hành Chương trình tổng thể và các chương trình môn học đã được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; xác định rõ 05 phẩm chất và 10 năng lực chủ yếu, cốt lõi cần phát triển đối với học sinh phổ thông; đổi mới đồng bộ về nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng thành hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Hệ thống môn học được thiết kế theo hướng bảo đảm cân đối các nội dung giáo dục, phù hợp với từng cấp học, lớp học; tổ chức, sắp xếp lại một số môn học theo hướng tích hợp ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; khắc phục sự chồng lấn giữa các môn; bảo đảm kết nối giữa các lớp học, cấp học, giữa các chương trình môn học. Nội dung các môn học được xây dựng theo hướng giảm tải, tăng cường thực hành, gắn với thực tiễn đời sống.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được triển khai trên phạm vi cả nước từ năm học 2020 - 2021 theo đúng lộ trình quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14.

1.3. Việc đổi mới phương pháp giáo dục được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục. Học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng. Hình thức tổ chức dạy học đa dạng, từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến.

1.4. Phương thức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng đã được chuyển dần từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất của người học; đo lường sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập và mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục, bảo đảm độ tin cậy, công bằng, khách quan.

1.5. Quy mô, chất lượng đội ngũ nhà giáo cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tổng số giáo viên phổ thông cả nước tính đến cuối năm học 2021 - 2022 là 857.993 người (tăng 12.109 người so với đầu năm học 2018 - 2019), được bổ sung 14.835 biên chế trong năm học 2022 - 2023. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đào tạo của cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông lần lượt là 75,3%, 86,4% và 99,9%, vượt chỉ tiêu so với lộ trình quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã được bồi dưỡng, tập huấn theo đúng kế hoạch. Trong giai đoạn 2016 - 2022 đã có 30.127 giáo viên cốt cán và 3.815 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán hoàn thành chương trình bồi dưỡng thường xuyên; 319.158 giáo viên và 22.860 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục hoàn thành chương trình bồi dưỡng đại trà.

1.6. Hệ thống sách giáo khoa, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản đúng tiến độ theo Nghị quyết số 51/2017/QH14, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Nội dung sách giáo khoa bám sát yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông mới, phù hợp yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Việc biên soạn sách giáo khoa đã huy động được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có trình độ, uy tín, kinh nghiệm. Từ năm 2020 đến năm 2022, đã có 381 đầu sách giáo khoa mới được xuất bản; 194 triệu bản sách giáo khoa mới được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) phát hành.

1.7. Hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư. Năm học 2021 - 2022, cả nước có 12.354 trường tiểu học, 10.672 trường trung học cơ sở, 2.441 trường trung học phổ thông, trong đó, có 316 trường phổ thông dân tộc nội trú tại 49 tỉnh, thành phố và 1.097 trường phổ thông dân tộc bán trú tại 28 tỉnh. Tổng số phòng học trên cả nước là 465.530 phòng (tăng 156.346 phòng so với năm học 2018 - 2019); tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 87,42% (tăng 5,8% so với năm học 2018 - 2019). Cả nước có 87.426 phòng học bộ môn, 211.572 bộ thiết bị dạy học. Tỷ lệ trường có thư viện ở cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông lần lượt đạt 92,9%, 88,9% và 86,4%.

1.8. Nhà nước đã cân đối ngân sách, ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong giai đoạn 2015 - 2022, tổng kinh phí đã bố trí là 213.449,72 tỷ đồng, chiếm 1,46% tổng chi ngân sách nhà nước. Trong đó, chi thường xuyên là 81.770,14 tỷ đồng, chiếm 38,3%, chi đầu tư là 131.679,58 tỷ đồng, chiếm 61,7%. Nguồn vốn ngân sách địa phương, nguồn vốn vay nước ngoài, vốn viện trợ không hoàn lại và nguồn ngân sách trung ương chiếm tỷ lệ lần lượt là 71,6%, 19,2% và 6,2% tổng kinh phí.

1.9. Chính sách xã hội hóa giáo dục tiếp tục được thực hiện, huy động được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng cơ sở giáo dục tư thục, hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, biên soạn sách giáo khoa. Trong giai đoạn 2015 - 2022, đã thu hút được 6.420,22 tỷ đồng (chiếm 3% tổng kinh phí cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông); 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục phổ thông với tổng số vốn đăng ký là 33,71 triệu USD.

2. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vẫn còn tồn tại, hạn chế.

2.1. Còn 12 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chưa bảo đảm tiến độ; 18 nội dung được giao nhưng chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện; 21 văn bản có nội dung chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn; 07 văn bản chưa phù hợp về thể thức. Các chiến lược, quy hoạch phát triển giáo dục thời kỳ 2021-2030 chậm được phê duyệt, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo.

Công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông trong giai đoạn đầu chưa đồng bộ, kịp thời, hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên, phạm vi còn hạn chế, chưa bao quát, toàn diện, hiệu quả chưa cao, nhiều sai phạm chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh,

2.2. Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành chậm 30 tháng so với yêu cầu của Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ máy chỉ đạo, tổ chức triển khai xây dựng, thẩm định chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới chưa hợp lý về cơ cấu, thành phần, số lượng, phải thay đổi nhiều lần. Việc thực nghiệm, đánh giá tác động đối với những nội dung đổi mới quan trọng của Chương trình chưa được chú trọng, thực hiện trong thời gian ngắn, phạm vi hẹp, hiệu quả chưa cao.

Quy định về môn học Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới gây bức xúc trong Nhân dân và các chuyên gia, nhà khoa học; Quốc hội đã phải thảo luận, hai lần ra nghị quyết về nội dung này vào năm 2015 và 2022. Nội dung kiến thức của một số môn học, bài học chưa thực sự được tinh giản, còn gây áp lực đối với học sinh. Việc thiết kế nội dung các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở chưa đạt mục tiêu, chủ yếu là tập hợp kiến thức của các môn học, sử dụng nhiều giáo viên cùng giảng dạy.

Chủ trương triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đồng thời ở cả ba cấp học dẫn tới thời gian chuẩn bị ngắn, công tác bảo đảm các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Việc tổ chức các môn học mới (Mỹ thuật, Âm nhạc,...), hoạt động giáo dục chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Việc xây dựng các tổ hợp môn học tại cấp trung học phổ thông còn bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu định hướng nghề nghiệp và nhu cầu của học sinh.

2.3. Kết quả đổi mới phương pháp dạy và học ở nhiều cơ sở giáo dục chưa cao, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Việc đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục chưa theo kịp yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhận thức, thói quen của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh về phương pháp giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập chậm thay đổi. Năng lực áp dụng các kỹ thuật và phương pháp giáo dục mới của đội ngũ giáo viên chưa đồng đều. Hệ thống quy định về thi, kiểm tra, đánh giá chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu về định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Quy định và hướng dẫn thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa được ban hành, gây khó khăn cho học sinh, giáo viên trong việc định hướng lựa chọn tổ hợp môn học ở bậc trung học phổ thông và tổ chức dạy học.

2.4. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới diễn ra phổ biến. Cả nước còn thiếu 62.877 giáo viên phổ thông; thừa cục bộ 5.091 giáo viên. Từ nay đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học thiếu 6.621 giáo viên môn Tin học và 5.780 giáo viên môn Ngoại ngữ; cấp trung học cơ sở thiếu 6.631 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý, thừa cục bộ 375 giáo viên; thiếu 2.366 giáo viên môn Khoa học tự nhiên, thừa cục bộ 4.627 giáo viên; thiếu 4.321 giáo viên môn Nghệ thuật, thừa cục bộ 885 giáo viên. Cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền; chưa đồng bộ giữa cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, nhất là đối với một số môn học mới. Chất lượng giáo viên không đồng đều. Công tác tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán, giáo viên đại trà để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai trong thời gian ngắn, hiệu quả chưa cao, nhất là hình thức tập huấn trực tuyến. Việc tuyển dụng giáo viên phổ thông gặp khó khăn, vướng mắc, nhất là giáo viên môn Âm nhạc, Nghệ thuật đạt chuẩn. Năm học 2021-2022, cả nước có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục.

2.5. Việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định sách giáo khoa còn nhiều bất cập: Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa theo quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước, nhất là việc quản lý, cập nhật, phát triển nội dung giáo dục phổ thông; quản lý, điều tiết giá sách giáo khoa; thực hiện chính sách xã hội với một số đối tượng và địa bàn. Việc thực nghiệm sách giáo khoa chưa được coi trọng đúng mức, thời gian ngắn, chưa bảo đảm yêu cầu về quy mô và chất lượng. Việc thẩm định, tiếp thu, chỉnh sửa sách giáo khoa chưa chặt chẽ, dẫn tới còn sai sót về nội dung ở 18 cuốn sách giáo khoa, nhất là sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6, Lịch sử lớp 11.

Cung ứng, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian. Có tình trạng khan hiếm, thiếu sách cục bộ đối với một số đầu sách trước thềm năm học mới; việc mua sách giáo khoa ngoài thị trường gặp khó khăn. Tình trạng in sách lậu, phát hành sách giáo khoa giả diễn ra phức tạp. Sách giáo khoa mới phát hành chậm, giáo viên có ít thời gian nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xảy ra sai phạm trong in ấn, xuất bản sách giáo khoa; một số tổ chức, cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Quy định về lựa chọn sách giáo khoa tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương; tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh. Thời gian lựa chọn ngắn, số bản mẫu sách giáo khoa nhiều (nhất là ở cấp tiểu học) nên giáo viên gặp khó khăn trong nghiên cứu, đề xuất lựa chọn. Nhiều tỉnh chậm phê duyệt kết quả lựa chọn sách giáo khoa, ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng sách giáo khoa.

Giá bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tăng gấp 2-4 lần giá bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Số đầu sách giáo khoa tăng, tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo dẫn đến tăng chi phí mua sách. Giá sách giáo khoa môn Tiếng Anh cao hơn nhiều so với các môn học còn lại nhưng không sử dụng được nhiều lần. Chi phí phát hành sách giáo khoa cao, chưa hợp lý đối với loại hình sách phát hành số lượng lớn, người học bắt buộc phải mua. Mức chi phí phát hành tối đa đối với sách giáo khoa phục vụ năm học 2020 - 2021, 2021 - 2022 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%; năm học 2022 - 2023, đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.

2.6. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chuẩn đã ban hành, số phòng học chưa được kiên cố hóa lớn (59.514 phòng học), tập trung chủ yếu ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Còn thiếu nhiều phòng học nhất là ở khu vực đô thị, địa bàn có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Tổng số phòng học bộ môn còn thiếu của các cấp học là 63.920 phòng, trong đó thiếu 3.031 phòng học tin học và 5.517 phòng học ngoại ngữ; thiếu 2.086 thư viện. Tỉ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước thấp, trung bình chỉ đáp ứng được 54,3%. Số lượng bộ thiết bị giáo dục cần bổ sung lớn (166.195 bộ), việc mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu ở các địa phương rất khó khăn. Thiết bị chuyên dùng tại các phòng học bộ môn ngoại ngữ, tin học còn thiếu; nhiều thiết bị đã cũ, chưa được bổ sung kịp thời. Việc quy hoạch, bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học chưa đáp ứng nhu cầu.

2.7. Ngân sách nhà nước chưa bảo đảm được đầy đủ nhu cầu đầu tư để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Hầu hết các địa phương, nhất là những nơi chưa cân đối được ngân sách, gặp khó khăn về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Việc triển khai một số chương trình, đề án liên quan tới đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn hạn chế. Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) và Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) có tỷ lệ giải ngân thấp (lần lượt đạt 23,05% và 63%), tiến độ chậm; phải hủy vốn đầu tư, số kế hoạch vốn đầu tư hoàn trả lớn; 3 nội dung trong các chương trình thành phần chưa hoàn thành; một số nội dung của dự án không thực hiện được toàn bộ các hoạt động theo thiết kế. Văn kiện Dự án RGEP được phê duyệt còn một số nội dung trùng lặp với chương trình, dự án khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc bố trí ngân sách của các địa phương để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo còn khó khăn, chủ yếu lồng ghép trong ngân sách chi thường xuyên. Tỷ lệ chi thường xuyên cho giáo dục chủ yếu là chi lương; chi dành cho các hoạt động giáo dục nhìn chung thấp, không đáp ứng được yêu cầu của Chương trình.

2.8. Việc huy động các nguồn lực xã hội gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập khó tiếp cận với quỹ đất để phát triển trường học. Các chính sách ưu đãi về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chính sách thu hồi, giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình giáo dục, chính sách miễn, giảm thuế, ưu đãi về tín dụng, về đầu tư theo hình thức đối tác công tư... chưa đồng bộ, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Còn thiếu quy định cụ thể về quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập. Nhận thức về tầm quan trọng của việc triển khai chính sách xã hội hóa giáo dục chưa thực sự thống nhất.

3. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế

3.1. Nguyên nhân khách quan

- Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông là nhiệm vụ mới, khó, diễn ra trong bối cảnh ngành giáo dục đang tập trung hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức bộ máy.

- Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai đúng vào thời điểm đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Việc tổ chức dạy học, tập huấn cho đội ngũ giáo viên phải tổ chức chủ yếu bằng hình thức trực tuyến. Công tác thi, kiểm tra, đánh giá gặp nhiều khó khăn.

- Số lượng cơ sở giáo dục phổ thông lớn, phạm vi triển khai rộng. Điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương khác nhau, nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ các nhu cầu.

- Chính sách, chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là nhân lực chất lượng cao.

- Trình độ và khả năng tiếp thu của học sinh ở các địa bàn khác nhau có sự chênh lệch.

3.2. Nguyên nhân chủ quan

- Nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên về tầm quan trọng của việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông chưa đầy đủ, sâu sắc, toàn diện.

- Trình độ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, giáo viên còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tham mưu ở một số địa phương chưa rõ; chưa quyết liệt, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

- Công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 88/2014/QH13 và các văn bản liên quan chưa được chú trọng đúng mức. Công tác dự báo, lập kế hoạch, lộ trình đổi mới chưa sát. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương chưa chặt chẽ, thường xuyên.

4. Trách nhiệm chính của những tồn tại, hạn chế nêu trên thuộc về các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chỉ đạo, chủ trì tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện trong chỉ đạo thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; có trách nhiệm trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ, chất lượng; chưa kiên quyết chỉ đạo xử lý các vi phạm và giải quyết các vướng mắc phát sinh; chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện về kinh phí, đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chính trong tham mưu toàn diện việc triển khai đổi mới giáo dục phổ thông; về các tồn tại, hạn chế trong xây dựng, thực nghiệm, thẩm định chương trình, sách giáo khoa, hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông; việc không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa; giá các bộ sách giáo khoa, tỷ lệ chiết khấu cao; sai phạm trong in, xuất bản sách giáo khoa; các dự án hỗ trợ đổi mới chương trình, sách giáo khoa triển khai chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp, có sai sót, khuyết điểm trong quản lý.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm về các tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo tổ chức biên soạn, thẩm định, phát hành tài liệu giáo dục địa phương; việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa mới cho các cơ sở giáo dục; việc chưa tuyển dụng đủ giáo viên theo biên chế được duyệt, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm; công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương chưa được chú trọng; cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được bảo đảm đầy đủ.

Điều 2. Nhiệm vụ, giải pháp

1. Về hoàn thiện thể chế, chính sách

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong Danh mục kèm theo Nghị quyết.

- Khẩn trương hoàn thành việc ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục 2019 trong năm 2024.

- Ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.

- Khẩn trương ban hành các chiến lược, quy hoạch thời kỳ 2021-2030 về phát triển giáo dục, đào tạo và các quy hoạch khác có liên quan.

- Sửa đổi, bổ sung các quy định về đổi mới phương thức và nội dung thi, kiểm tra theo hướng đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh. Ban hành phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm 2023.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về thực nghiệm, phê duyệt sách giáo khoa. Ban hành văn bản hướng dẫn việc in và phát hành tài liệu giáo dục địa phương.

- Sửa đổi quy định lựa chọn sách giáo khoa (Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT) theo hướng đề cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên, cơ sở giáo dục trong lựa chọn sách giáo khoa. Về lâu dài, cần tổ chức theo hướng học sinh có thể sử dụng bất kỳ sách giáo khoa nào được phép lưu hành trong mỗi tiết học. Quy định về cung ứng, phát hành sách giáo khoa theo hướng chủ yếu phát hành sách tại các nhà sách, cửa hàng sách.

- Khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, định giá tối đa sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu xuống mức hợp lý, phù hợp với tính chất, phương thức phát hành để giảm giá sách giáo khoa.

- Sửa đổi, bổ sung các quy định về khung vị trí việc làm, định mức số người làm việc tối thiểu (Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT) và lộ trình áp dụng tại các cơ sở giáo dục phổ thông phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc thù ở từng vùng, miền, địa phương.

- Sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi; đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo phù hợp với chủ trương và lộ trình cải cách tiền lương của Đảng và Nhà nước.

- Sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý, cấp phát ngân sách nhà nước đối với cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng chuyển từ hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục phổ thông công lập sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng người nghèo, đối tượng chính sách; từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp đề xuất tiêu chuẩn đối với giáo viên các môn nghệ thuật; nghiên cứu, thí điểm mô hình liên kết đào tạo các môn học chuyên biệt (ngoại ngữ, tin học, nghệ thuật).

2. Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông

- Đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13 về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa.

- Nghiên cứu, xem xét cơ chế, chính sách miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản sách giáo khoa do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả.

- Hoàn thành việc biên soạn, tổ chức in, phát hành sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số, sách giáo khoa cho người khiếm thị đúng tiến độ; thử nghiệm và sử dụng sách giáo khoa điện tử theo chương trình mới.

- Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, tập trung vào một số nội dung, đối tượng, địa bàn trọng điểm để tạo sự đồng thuận và quyết tâm mạnh mẽ trong toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên.

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Tiến hành tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển Chương trình; nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, điển hình tiên tiến, tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục, tồn tại hạn chế.

- Tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương, trong đó có phân cấp về việc phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương; phát huy sự chủ động của các cơ sở giáo dục, các nhà giáo trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là trong việc mua sắm trang thiết bị, tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông; khẩn trương sửa chữa, khắc phục hậu quả đối với những lỗi sai trong các sách giáo khoa đã phát hành; xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm.

Thực hiện kiểm tra, thanh tra việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; quá trình biên soạn, thẩm định, xuất bản, in, phát hành, lựa chọn sách giáo khoa trên phạm vi toàn quốc, nhất là việc sử dụng chi phí phát hành sách giáo khoa.

Xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan về việc không chấp hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về nội dung “Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa” trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 122/2020/QH14; về việc để xảy ra sai sót đối với môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

- Tổng kết việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; rà soát, hoàn thiện, đề xuất các cơ chế, chính sách để bảo đảm vai trò chủ đạo của Nhà nước trong phát triển sự nghiệp giáo dục, tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho đổi mới giáo dục phổ thông.

3. Về tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai đổi mới giáo dục phổ thông

- Thực hiện tốt việc phân bổ, quản lý và sử dụng biên chế giáo viên theo Quyết định 72-QĐ/TW ngày 17/8/2022 của Bộ Chính trị về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026.

- Tập trung tuyển dụng đủ giáo viên theo biên chế được phân bổ. Chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc trong tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

- Nâng cao chất lượng đào tạo ngành sư phạm. Tổ chức đào tạo đủ nguồn giáo viên dạy các môn học mới. Nâng cao chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng, tập huấn cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên; phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên cốt cán. Có chính sách hỗ trợ giáo viên ngoài công lập tập huấn, bồi dưỡng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

- Xây dựng và phê duyệt Đề án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu đến năm 2025; tập trung đầu tư kiên cố hóa trường học, xóa phòng học tạm; phát triển trường học, phòng học ở các khu vực có dân số tăng nhanh, bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Khẩn trương mua sắm đầy đủ, kịp thời, sử dụng có hiệu quả trang thiết bị dạy học.

- Tiếp tục ưu tiên, thực hiện nghiêm việc bố trí đầy đủ ngân sách cho giáo dục và đào tạo, đặc biệt là kinh phí triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nhất là nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt. Ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

- Đề xuất hình thức hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho địa phương chưa cân đối được ngân sách để đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo.

- Rà soát, đánh giá chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Giao Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết trong năm 2023, xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, lộ trình, tiến độ và kinh phí bảo đảm hoàn thành từng nhiệm vụ, trong đó có việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Căn cứ kế hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể bảo đảm thực hiện đồng bộ, kịp thời, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Điều 2 Nghị quyết này và các giải pháp, kiến nghị nêu trong Báo cáo số 584/BC-ĐGS ngày 11/8/2023 của Đoàn giám sát. Gửi kế hoạch cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để giám sát, phối hợp.

Hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về kết quả thực hiện việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

2. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tiếp tục giám sát việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại phiên họp thứ 25 ngày 14 tháng 8 năm 2023.


Nơi nhận:
- Quốc hội;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Ủy ban Trung ương MTTQVN;
- HĐDT, các Ủy ban của QH, các CQ thuộc UBTVQH;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; CQ thuộc CP;
- Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu: HC, VHGD.
e-PAS: 150886.

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH




Vương Đình Huệ

DANH MỤC

VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CẦN ĐƯỢC RÀ SOÁT, SỬA ĐỔI, BỔ SUNG HOẶC BAN HÀNH MỚI
(Kèm theo Nghị quyết số .../2023/UBTVQH15 ngày ... tháng .... năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội)

STT

Nhiệm vụ

I

CÁC LUẬT, PHÁP LỆNH, NGHỊ QUYẾT

1.

Luật Giáo dục 2019.

2

Dự án Luật điều chỉnh về Nhà giáo.

3.

Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các luật có liên quan.

4.

- Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

- Nghị quyết số 122/2020/QH14 ngày 19/6/2020 Nghị quyết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

5.

Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các luật về thuế...

II

CÁC VĂN BẢN THUỘC THẨM QUYỀN CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

6.

- Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2022-2030 và tầm nhìn đến 2045.

- Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

7.

Ban hành văn bản quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong Luật Giáo dục 2019:

- Hướng dẫn việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục1;

- Phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam2;

- Quy định chi tiết về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục theo từng giai đoạn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội3;

- Quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân4;

- Quy định chi tiết một số chính sách đối với nhà giáo5;

- Quy định việc chuyển nhượng vốn đối với trường dân lập, trường tư thục phải bảo đảm sự ổn định và phát triển của trường6;

- Quy định chi tiết việc hợp tác, đầu tư của nước ngoài về giáo dục7;

- Quy định chi tiết điều kiện, thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập; cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục; sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường8.

8.

Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

9.

Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

10.

Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong Lĩnh vực giáo dục.

11.

Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

12.

Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 quy định lộ trình thực hiện nâng chuẩn trình độ được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

13.

Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

14.

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm.

15.

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

16.

Nghị định về chính sách tinh giản biên chế (thay thế Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP, Nghị định số 143/2020/NĐ-CP).

17

Nghị định sửa đổi Nghị định số 62/2020/NĐ-CP, Nghị định số 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm, biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

18.

Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

19.

Rà soát, nghiên cứu xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến nội dung Nghị quyết này để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

III

VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA CÁC BỘ, NGÀNH

Bộ Giáo dục và Đào tạo

20.

Tham mưu Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các nội dung quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục 2019.

21.

Ban hành văn bản hướng dẫn việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông để thực hiện thống nhất từ năm 2025.

22.

Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT ngày 16/06/2011 hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường tiểu học, trường THCS, trường THPT.

23.

Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/07/2017 hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập

24.

Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/05/2020 quy định, tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

25.

Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT ngày 26/05/2020 về tiêu chuẩn cơ sở vật chất và phòng học bộ môn của các cơ sở giáo dục.

26.

Thông tư số 23/2020/TT-BGDĐT ngày 06/08/2020 bổ sung quy định về tiêu chuẩn của cá nhân biên soạn sách giáo khoa.

27.

Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.

28.

Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Công an ban hành Quy định về chương trình giáo dục cho trường giáo dưỡng (theo quy định tại khoản 21 Điều 64 Luật Giáo dục).

29.

Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp quy định tiêu chuẩn đối với giáo viên một số môn nghệ thuật ở các cấp học.

30.

Phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn việc xác định cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp khi xây dựng Đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập để làm cơ sở xác định chỉ tiêu thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; xác định vị trí việc làm để làm căn cứ tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới.

Bộ Tài chính

31.

Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo về chế độ học bổng, trang cấp hiện vật cho học sinh phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học.

32.

Sửa đổi, bổ sung văn bản chỉ đạo hướng dẫn về tài chính về các nội dung liên quan đến: Định mức chi trả kinh phí lựa chọn sách giáo khoa; đơn giá thiết bị dạy học tối thiểu; quy định, hướng dẫn về tiền bản quyền (bao gồm cả nhuận bút, thù lao) đối với người biên soạn để thực hiện in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương; sách chữ nổi Braille cho người khiếm thị; đối tượng được miễn học phí; đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập; việc bố trí kinh phí hợp đồng giáo viên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ; cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

33.

Ban hành Thông tư hướng dẫn cơ cấu chi phí và quy trình thực hiện đầu tư thiết bị giáo dục theo Nghị định số 40/2020/NĐ-CP; ban hành đơn giá thiết bị dạy học tối thiểu các cấp học theo các Thông tư số 37/2021/TT-BGDĐT, số 38/2021/TT-BGDĐT, số 39/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

34.

Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

35.

Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có liên quan chuẩn bị, ban hành Chương trình giáo dục hướng nghiệp và Chương trình giáo dục nghề phổ thông, chương trình trường trung học phổ thông kỹ thuật phù hợp với nhu cầu chung của quốc gia và nhu cầu riêng của các địa phương.

Bộ Tài nguyên và Môi trường

36.

Thông tư số 01/2017/TT-BTNMT ngày 09/02/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định định mức sử dụng đất xây dựng cơ sở văn hóa, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở thể dục thể thao.

Bộ Nội vụ

37.

Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan: Xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề (nếu có) đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non) theo nhiệm vụ được phân công tại điểm e khoản 4 Mục II Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.

38.

Rà soát, nghiên cứu xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến nội dung Nghị quyết này để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong đó có quy định về: tiêu chuẩn giáo viên dạy các môn nghệ thuật ở các cấp học; về tuyển dụng giáo viên đào tạo theo cơ chế đặt hàng; về cơ chế phân cấp quản lý giáo viên; về luân chuyển giáo viên để giải quyết tình trạng thừa, thiếu cục bộ...



1 Điều 11 Luật Giáo dục: Nội dung này đang thực hiện theo quy định tại Quyết định 72/2014/QĐ-TTg ngày 17/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, đây là văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục 2005, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản này đã hết hiệu lực.

2 Khoản 3 Điều 6 Luật Giáo dục: Nội dung này đang thực hiện theo quy định tại Quyết định 1982/2016/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản này đã hết hiệu lực.

3 Khoản 3 Điều 9 Luật Giáo dục.

4 Khoản 3 Điều 10 Luật Giáo dục.

5 Khoản 2 Điều 77 Luật Giáo dục chưa được quy định chi tiết.

6 Khoản 3 Điều 102 Luật Giáo dục.

7 Điều 108 Luật Giáo dục.

8 Khoản 3 Điều 52 Luật Giáo dục: Nội dung này đang thực hiện theo quy định tại Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2018/NĐ-CP). Đây là văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục 2009, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản này đã hết hiệu lực.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/09/2023 giám sát chuyên đề về thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.114

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.63.131
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!