HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 616/NQ-HĐND
|
Thanh Hóa, ngày
14 tháng 12 năm 2024
|
NGHỊ QUYẾT
KỲ HỌP THỨ 24, HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA KHÓA XVIII
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 24
Căn cứ Luật Tổ chức
chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22
tháng 11 năm 2019;
Căn cứ kết quả kỳ họp
thứ 24, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII từ ngày 12 đến ngày 14
tháng 12 năm 2024;
Theo đề nghị của Thường
trực Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh
tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Sau 2,5 ngày làm việc
tích cực, dân chủ, nghiêm túc, kỳ họp thứ 24, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII
đã hoàn thành chương trình đề ra. Kết quả kỳ họp tiếp tục thể hiện tinh thần
đoàn kết, trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy
ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ quan, tổ chức
hữu quan trong việc chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, bảo đảm hoạt động của Hội đồng
nhân dân tỉnh ngày càng dân chủ, đổi mới, công khai, minh bạch; các đại biểu Hội
đồng nhân dân tỉnh đã thực hiện nghiêm túc Nội quy kỳ họp, tích cực nghiên cứu,
thảo luận, thể hiện trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân trong tỉnh.
1. Kỳ họp thứ 24, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII đã thống
nhất xem xét, quyết nghị thông qua 38 nghị quyết, bao gồm:
- 16 nghị quyết
liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư phát triển,
phân bổ vốn; thu, chi ngân sách nhà nước:
1- Kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội năm 2025;
2- Phê chuẩn quyết toán thu
ngân sách nhà nước trên địa bàn; quyết toán thu, chi ngân sách địa phương năm
2023, tỉnh Thanh Hóa;
3- Dự toán thu ngân sách
nhà nước trên địa bàn; thu, chi ngân sách địa phương năm 2025, tỉnh Thanh Hóa;
4- Phân bổ dự toán chi
ngân sách địa phương năm 2025, tỉnh Thanh Hóa;
5- Kế hoạch đầu tư công
nguồn ngân sách nhà nước năm 2025, tỉnh Thanh Hóa;
6- Dự kiến lần 1 nhu cầu
Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 của tỉnh Thanh Hóa;
7- Phân bổ chi tiết kế hoạch
đầu tư công trung hạn nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh giai
đoạn 2021 - 2025 tỉnh Thanh Hóa (đợt 4);
8- Phân bổ chi tiết nguồn
vốn tăng thu ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương
năm 2023 để đầu tư trở lại cho tỉnh Thanh Hóa theo Nghị quyết số 37/2021/QH15
ngày 13/11/2021 của Quốc hội thuộc kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước
năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa (đợt 2);
9- Điều chỉnh kế hoạch đầu
tư công trung hạn nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương giai đoạn
2021-2025 (đợt 7);
10- Điều chỉnh kế hoạch vốn
đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 do tỉnh quản lý (đợt 3);
11- Điều chỉnh kế hoạch vốn
đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 Chương trình
mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;
12- Phân bổ vốn đầu tư
phát triển ngân sách Trung ương năm 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc
gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (đợt 1);
13- Quyết định phân bổ vốn
sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
giảm nghèo bền vững năm 2024 (đợt 3);
14- Điều chỉnh kế hoạch vốn
đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương năm 2022, năm 2023 được kéo dài thời
gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm
nghèo bền vững trên địa bàn huyện Mường Lát và huyện Thường Xuân;
15- Phân bổ kế hoạch vốn
đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương năm 2025 thực hiện Chương trình mục
tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (đợt 1);
16- Phân bổ chi tiết kế
hoạch vốn đầu tư- công nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 tỉnh Thanh Hóa từ nguồn
tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh (đợt 3).
-13 nghị quyết quy
phạm pháp luật:
17- Quy định mức chi đảm
bảo cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu
hồi đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;
18- Quy định thẩm quyền
quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí mua sắm tài sản, trang thiết
bị; phân cấp thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực
hiện nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình
trong các dự án đã đầu tư xây dựng của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản
lý của tỉnh Thanh Hóa;
19- Điều chỉnh Bảng giá
các loại đất thời kỳ 2020 - 2024 trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Nghị quyết
số 231/2019/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2019 và Nghị quyết số 319/2022/NQ-HĐND
ngày 27 tháng 8 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh;
20- Sửa đổi Nghị quyết số
166/2021/NQ-HĐND ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định
về xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa
bàn tỉnh Thanh Hóa được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy
số 27/2001/QH10 có hiệu lực thi hành;
21- Sửa đổi một số điều của
Nghị quyết số 17/2024/NQ-HĐND ngày 14 tháng 3 năm 2024 của HĐND tỉnh quy định
chính sách hỗ trợ tiền ăn thêm đối với một số nhóm đối tượng đang được chăm
sóc, nuôi dưỡng tại các đơn vị do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý;
bổ sung chế độ, chính sách đối với trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại
Làng Trẻ em SOS Thanh Hóa;
22- Quy định mức chi phí
chi trả chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội thông qua tổ
chức dịch vụ chi trả trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;
23- Bãi bỏ Nghị quyết số
26/2024/NQ-HĐND ngày 31 tháng 5 năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định
giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc danh mục do Quỹ bảo hiểm y tế
thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đối với
các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc tỉnh Thanh Hóa quản lý;
24- Quy định mức hỗ trợ
giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi trên địa bàn tỉnh
Thanh Hóa;
25- Quy định chế độ ưu
đãi miễn tiền thuê đất đối với dự án sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh
doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc tại địa bàn ưu đãi đầu tư trên địa bàn
tỉnh Thanh Hóa;
26- Chính sách hỗ trợ thực
hiện bố trí, ổn định dân cư cho các hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ
quét, sạt lở đất trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025;
27- Quy định thẩm quyền
quyết định trong việc quản lý, sử dụng tài sản công của các cơ quan, tổ chức,
đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thanh Hóa;
28- Ban hành các biện
pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;
29- Quy định chính sách về
đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Thanh
Hóa.
- 9 nghị quyết về
các nội dung khác:
30- Điều chỉnh chủ trương
đầu tư Dự án cải tạo, sửa chữa, bổ sung một số hạng mục thuộc công trình Đền thờ
các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các Anh hùng liệt sỹ Hàm Rồng, thành phố Thanh
Hóa.
31- Giao biên chế của tỉnh
Thanh Hóa năm 2025;
32- Nghị quyết về việc
quyết định danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất
trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;
33- Thông qua mức vốn điều
lệ của Quỹ Phát triển đất tỉnh Thanh Hóa;
34- Đặt tên đường, phố và
công trình công cộng trên địa bàn thị trấn Thiệu Hóa và thị trấn Hậu Hiền, huyện
Thiệu Hóa;
35- Quy định giá cụ thể dịch
vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán, giá cụ
thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách nhà nước thanh toán, giá cụ thể dịch
vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc danh mục do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán mà
không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đối với các cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thanh Hóa;
36- Danh mục các công
trình, dự án phải thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, Đất rừng
phòng hộ, đất rừng sản xuất và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng
trên địa bàn tỉnh đợt 1, năm 2025;
37- Nghị quyết về hoạt động
chất vấn tại kỳ họp thứ 24, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII;
38- Nghị quyết kỳ họp thứ
24, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII.
2. Hội đồng nhân dân tỉnh quyết nghị thông qua các chỉ tiêu,
nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025, đó là:
2.1. Các chỉ tiêu chủ yếu
năm 2025:
a) Về kinh tế
- Tốc độ tăng trưởng tổng
sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên, trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy
sản tăng 3% trở lên; công nghiệp - xây dựng tăng 15% trở lên (công nghiệp tăng
18% trở lên; xây dựng tăng 7% trở lên); dịch vụ tăng 8% trở lên; thuế sản phẩm
tăng 10% trở lên.
- Cơ cấu các ngành kinh tế:
nông, lâm, thủy sản chiếm khoảng 12%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 51%;
dịch vụ chiếm khoảng 30%; thuế sản phẩm chiếm khoảng 7%.
- GRDP bình quân đầu người
đạt 3.750 USD trở lên.
- Sản lượng lương thực giữ
ở mức 1,5 triệu tấn.
- Tổng giá trị xuất khẩu
đạt 8.000 triệu USD trở lên.
- Tổng huy động vốn đầu
tư phát triển đạt từ 140 nghìn tỷ đồng trở lên.
- Thu ngân sách nhà nước
đạt 45.492 tỷ đồng trở lên.
- Diện tích đất nông nghiệp
được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ
cao tăng thêm 4.340 ha trở lên.
- Thêm 02 huyện, 21 xã đạt
chuẩn nông thôn mới; 02 huyện, 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 14 xã đạt
chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
- Số doanh nghiệp thành lập
mới đạt 3.000 doanh nghiệp trở lên.
- Tỷ lệ đô thị hóa đạt
40%.
- Tốc độ tăng năng suất
lao động xã hội đạt 9% trở lên.
b) Về văn hóa - xã hội
- Tốc độ tăng dân số dưới
1%.
- Tỷ lệ lao động nông
nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn dưới 30%.
- Tỷ lệ lao động qua đào
tạo đạt 75% trở lên.
- Tỷ lệ hộ nghèo theo
tiêu chí mới giai đoạn 2021 - 2025 giảm 1,5% trở lên.
- Số bác sỹ/1 vạn dân đạt
13 bác sỹ.
- Tỷ lệ trường học đạt
chuẩn quốc gia đạt 86,9% trở lên.
- Tỷ lệ dân số tham gia bảo
hiểm y tế đạt 95% trở lên.
- Tỷ lệ xã, phường, thị
trấn đạt tiêu chí an toàn thực phẩm đạt 100%; trong đó, tỷ lệ xã, phường, thị
trấn đạt tiêu chí an toàn thực phẩm nâng cao đạt 34% trở lên.
- Tỷ lệ xã, phường, thị
trấn, cơ quan đạt tiêu chí kiểu mẫu theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đạt
30% trở lên.
c) Về môi trường
- Tỷ lệ che phủ rừng đạt
54%.
- Tỷ lệ dân số nông thôn
được dùng nước hợp vệ sinh đạt 98,5% trở lên; trong đó, tỷ lệ dân số nông thôn
được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đạt 65%.
- Tỷ lệ chất thải rắn sinh
hoạt được thu gom, xử lý đạt 92%.
d) Về an ninh trật tự
- 80% xã, phường, thị trấn
đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự.
2.2. Hội đồng nhân dân tỉnh
giao Ủy ban nhân dân tỉnh:
a) Xây dựng, trình Hội đồng
nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, tạo
hành lang pháp lý cho quản lý Nhà nước trên các ngành, lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu
phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân
và doanh nghiệp; nhất là việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể
hóa các luật mới ban hành như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động
sản, Luật Đấu giá tài sản...
b) Quyết liệt tháo gỡ khó
khăn để nhanh chóng triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, các
dự án sản xuất kinh doanh, các dự án hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp,
hạ tầng du lịch, dịch vụ đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Chỉ đạo giải quyết
dứt điểm việc tính tiền sử dụng đất đối với các dự án đã được giao đất, cho
thuê đất tạo điều kiện để các doanh nghiệp triển khai đầu tư, sớm đưa các dự án
này vào sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu mới cho ngân sách tỉnh, giải quyết
việc làm cho người lao động, tạo môi trường hấp dẫn trong thu hút đầu tư vào tỉnh.
Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ
chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư để triển khai các dự án mới,
như: Điện khí LNG Nghi Sơn, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp WHA Smart Technology
2, Khu công nghiệp phía Tây TP Thanh Hóa, Khu công nghiệp dược phẩm công nghệ
cao Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 1... Rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án chậm
tiến độ, gây lãng phí, vi phạm các quy định của pháp luật.
c) Rà soát, hoàn chỉnh kế
hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 trình cấp có thẩm quyền,
trong đó quy định rõ các nguyên tắc, tiêu chí, sắp xếp thứ tự ưu tiên bố trí vốn
có trọng tâm, trọng điểm để khởi công mới những công trình, dự án quan trọng,
có tính liên vùng, có tác động lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế
- xã hội của tỉnh, của khu vực liên huyện; không phân bổ vốn dàn trải, bảo đảm
hiệu quả sử dụng vốn, không để thất thoát, lãng phí. Năm 2025, tạm dừng bố trí
vốn từ ngân sách để đầu tư, sửa chữa trụ sở các cơ quan thuộc diện sáp nhập,
tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Trong kế hoạch đầu tư
công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, cần rà soát, đề xuất tiếp tục bố trí vốn
đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi, hạ tầng thiết yếu khác là công
trình trọng điểm của tỉnh, hiện đã đầu tư nhưng còn dang dở hoặc đang dừng ở
giai đoạn 1, để tiếp tục bố trí vốn đầu tư, đưa công trình vào khai thác, tránh
lãng phí.
d) Tiếp tục phát triển
nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, giá trị gia
tăng cao; sản xuất sạch, hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn,
tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng cao, có giá trị, an toàn đối với sức khỏe
con người và bảo vệ môi trường. Trước mắt, năm 2025, ngành nông nghiệp cần tham
mưu xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh,
xác định rõ quy mô về diện tích, số lượng, của từng loại hình sản xuất để chỉ đạo.
Đồng thời, đề xuất cơ chế, chính sách để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ
trên địa bàn tỉnh.
đ) Nâng cao chất lượng
các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế. Tập trung giải quyết tình trạng thiếu
giáo viên trên địa bàn tỉnh. Sớm nghiên cứu tháo gỡ khó khăn trong tự chủ tài
chính cho các bệnh viện công lập tại 11 huyện miền núi, nhất là các huyện miền
núi cao, tạo điều kiện cho các bệnh viện duy trì hoạt động, phục vụ nhu cầu
khám, chữa bệnh cho Nhân dân các dân tộc. Thực hiện tốt công tác giải quyết việc
làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở cho hộ
nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, theo
tinh thần Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
e) Tập trung cao nhất
công tác lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị
tinh gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Trung
ương. Quá trình sắp xếp, kiện toàn tinh gọn bộ máy phải tập trung chỉ đạo giải
quyết thông suốt các nhiệm vụ, không để gián đoạn công việc, tạo thuận lợi
trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh
doanh.
2.3. Hội đồng nhân dân tỉnh
đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
tiếp tục phát huy kết quả đạt được, có giải pháp kiên quyết khắc phục những tồn
tại, hạn chế; tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đạt các
chỉ tiêu đã đề ra, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, tạo môi trường và điều kiện
thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
2.4. Các ý kiến, kiến nghị
của cử tri, Nhân dân trong tỉnh đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
phối hợp với các cơ quan có liên quan kịp thời tổng hợp đầy đủ gửi đến Hội đồng
nhân dân tỉnh. Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị các cơ quan, người có thẩm quyền
có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải
quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri và Nhân dân;
nghiêm túc thực hiện chế độ tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu; tập trung
giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài;
giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm
quyền, nhất là các vụ việc mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở.
3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân
dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các sở, ngành, chính quyền các cấp
theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, khẩn
trương triển khai, thực hiện các nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân tỉnh
thông qua, đi vào cuộc sống có hiệu quả.
Hội đồng nhân dân tỉnh
giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh,
các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị
quyết.
Hội đồng nhân dân tỉnh đề
nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên giám sát
và động viên các tầng lớp Nhân dân thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng
nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, kỳ họp thứ 24 thông qua ngày 14 tháng 12
năm 2024 và có hiệu lực kể từ ngày thông qua./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể cấp tỉnh;
- Các Ban của HĐND tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Các VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh;
- TTrHĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.
|
CHỦ TỊCH
Lại Thế Nguyên
|