HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
58/2024/NQ-HĐND
|
Kon Tum, ngày 26
tháng 9 năm 2024
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ
CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
KHÓA XII, KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành
văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày 10
tháng 11 năm 2022;
Căn cứ Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng
8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân
chủ ở cơ sở;
Xét Tờ trình số 161/TTr-UBND ngày 17 tháng 9 năm
2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Nghị quyết về các biện pháp bảo đảm
thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Báo cáo thẩm tra của Ban
Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; Báo cáo số 321/BC-UBND ngày 26 tháng 9 năm
2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra của
các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân
dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối
tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Nghị quyết này quy định các
biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
2. Đối tượng áp dụng: Các cơ quan nhà nước, đơn vị
sự nghiệp công lập, cộng đồng dân cư, cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động
không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum và các
tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Điều 2. Các biện pháp bảo đảm
thực hiện dân chủ ở cơ sở
1. Bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
để đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở.
a) Người được giao phụ trách, tham mưu thực hiện
dân chủ ở cơ sở được tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về thực hiện dân chủ
ở cơ sở.
b) Phối hợp các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, báo cáo
viên đảm bảo uy tín, tiêu chuẩn trong giảng dạy; thường xuyên đổi mới phương
pháp, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa
phương.
2. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao nhận thức cộng
đồng về việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
a) Cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương thực hiện
tuyên truyền, quán triệt, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của
cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực
hiện nghiêm các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở; phát huy dân chủ đi đôi
với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, thực hiện công khai minh bạch các nội dung phải
công khai theo quy định.
b) Đa dạng hình thức tổ chức, phương pháp tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo yêu cầu thực tiễn, đảm bảo thực chất,
hiệu quả, tạo sức lan tỏa trong Nhân dân.
c) Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về thực
hiện dân chủ ở cơ sở nhằm nâng cao hiểu biết, để thực hiện tốt Luật Thực hiện
dân chủ ở cơ sở trong thực tiễn.
d) Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, khai
thác hiệu quả tiện ích của chính quyền số trong công tác thông tin, tuyên truyền,
phổ biến pháp luật trên Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương
hoặc trên các thiết bị di động; tuyên truyền qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật,
trong đó có Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
3. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ
chức, vai trò nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng
viên, cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp
xã, ở thôn, tổ dân phố trong việc thực hiện dân chủ và bảo đảm thực hiện dân chủ
ở cơ sở; lấy mức độ thực hiện dân chủ ở cơ sở của chính quyền địa phương cấp
xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức lãnh đạo quản lý và cán bộ, công chức, viên chức,
người lao động làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.
a) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương thực
hiện công khai, minh bạch, giải quyết những vấn đề cán bộ, công chức, viên chức,
người lao động và Nhân dân quan tâm kiến nghị, phản ánh chính đáng trong phạm
vi lãnh đạo, quản lý; có trách nhiệm tổ chức để cán bộ, công chức, viên chức,
người lao động và Nhân dân bàn, tham gia ý kiến, đồng thời kiểm tra, giám sát
việc thực hiện các nội dung đã được quyết định trong thực hiện dân chủ ở cơ sở;
thực hiện dân chủ đại diện; mở rộng dân chủ trực tiếp; nêu cao tinh thần phục vụ,
tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân.
b) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và
Nhân dân có trách nhiệm tích cực, gương mẫu tham gia ý kiến, bàn và quyết định
các nội dung được xin ý kiến nhằm bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích của cán bộ,
công chức, viên chức, người lao động, Nhân dân và nghiêm túc thực hiện các quyết
định đã được tập thể thống nhất.
c) Tổ chức thực hiện nghiêm Luật Tiếp công dân,
quan tâm giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân
theo quy định pháp luật; tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng
đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị với người dân, doanh nghiệp, cán bộ,
công chức, viên chức và người lao động.
d) Cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động
không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố nêu cao tinh thần, trách nhiệm
trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo
công khai, minh bạch các nội dung phải công khai để Nhân dân giám sát việc thực
hiện; nêu cao tinh thần phục vụ, tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân.
đ) Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động
của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; lựa chọn, bố trí
những người có phẩm chất, năng lực tốt, được tín nhiệm làm công tác Thanh tra
nhân dân, công tác Giám sát đầu tư của cộng đồng.
e) Cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương ở xã,
phường, thị trấn hỗ trợ tạo điều kiện để Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu
tư của cộng đồng thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và phát huy hiệu quả hoạt động
tại cơ sở.
g) Lấy mức độ thực hiện dân chủ ở cơ sở để đánh giá
xếp loại hằng năm đối với cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, lãnh đạo quản
lý theo phân cấp quản lý cán bộ.
4. Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông
tin, khoa học - kỹ thuật, trang bị phương tiện kỹ thuật và bảo đảm các điều kiện
cần thiết khác để tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở phù hợp với lộ trình xây dựng
chính quyền điện tử chính quyền số, xã hội số.
a) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng
công nghệ số trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện chủ
trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển
kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh phù hợp với tiến trình xây dựng
chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số.
b) Vận dụng, phát huy ưu thế của mạng nội bộ, Cổng
thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo
quy định của pháp luật trong việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở.
c) Tăng cường đào tạo, cử cán bộ, công chức, viên
chức, người lao động tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ
thông tin nhằm nâng cao trình độ, khả năng tiếp cận, khai thác, sử dụng công
nghệ thông tin về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong tình hình mới.
5. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các gương điển
hình, có nhiều thành tích trong việc phát huy và tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở
cơ sở; phát hiện và xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp
luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
a) Tổ chức các cuộc vận động, đẩy mạnh các phong
trào thi đua yêu nước; làm tốt công tác phát hiện và kịp thời biểu dương, tôn
vinh khen thưởng tập thể, cá nhân gương điển hình tiên tiến trong việc thực hiện
dân chủ ở cơ sở, nhất là người lao động trực tiếp, người có uy tín ảnh hưởng
trong việc phát huy và tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở.
b) Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện
dân chủ ở cơ sở, xử lý nghiêm minh tổ chức, đơn vị, cá nhân quan liêu, nhũng nhiễu,
vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phát huy dân chủ phải đi đôi với
giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng,
tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kịp thời xử lý việc lợi dụng dân
chủ, lôi kéo, kích động gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện
Kinh phí bảo đảm để triển khai thực hiện nghị quyết
được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định phân cấp quản lý ngân
sách hiện hành trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị, địa
phương và các nguồn lực hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực
hiện nghị quyết.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của
Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám
sát việc thực hiện nghị quyết này.
Nghị quyết này đà được Hội đồng nhân dân tỉnh Kon
Tum Khóa XII, Kỳ họp chuyên đề thông qua ngày 26 tháng 9 năm 2024 và có hiệu lực
kể từ ngày 07 tháng 10 năm 2024./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu của UBTVQH;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL);
- Bộ Nội vụ;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- Thường trực HĐND-UBND các huyện, thành phố;
- HĐND các xã, phường, thị trấn;
- Báo Kon Tum;
- Đài PT-TH tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT,CTHĐ, TH.
|
CHỦ TỊCH
Dương Văn Trang
|