HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
35/2014/NQ-HĐND
|
Cao Bằng, ngày 11
tháng 12 năm 2014
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN THƯỜNG TRỰC CÁC XÃ,
THỊ TRẤN BIÊN GIỚI TỈNH CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 2015 - 2025
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
KHÓA XV KỲ HỌP THỨ 10
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân
và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm
2003:
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 23
tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước
ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ
quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 102/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BNV-BTC ngày 02 tháng 9 năm
2010 của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động
Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện một
số chế độ, chính sách đối với dân quân tự
vệ và việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách cho công tác Dân quân
tự vệ;
Xét Tờ trình số 3422/TTr-UBND ngày
19 tháng 11 năm 2014 của Ủy ban nhân dân
tỉnh Cao Bằng về việc đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết phê chuẩn Đề án
xây dựng lực lượng dân quân thường trực các
xã, thị trấn biên giới tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2015 - 2025;
Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế
và Ngân sách và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua Đề án xây dựng lực lượng Dân
quân thường trực các xã, thị trấn biên giới tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2015 - 2025
như sau:
1. Mục tiêu
chung
Xây dựng lực lượng Dân quân thường trực
các xã, thị trấn biên giới đúng quy định của
pháp luật. Bảo đảm vững mạnh, rộng khắp, số lượng hợp lý, chất lượng ngày càng
cao, thực sự là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - quân sự ở địa
phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình
hình mới.
2. Một số chỉ
tiêu cụ thể
- Năm 2015 xây dựng 02 Tiểu đội Dân
quân thường trực các xã, thị trấn Biên giới có cửa khẩu, lối mở, xuất nhập hàng
hóa qua biên giới, trọng điểm về quốc phòng an ninh, xây dựng nhà ở, huấn luyện,
chỉ đạo hoạt động cho 04 tiểu đội Dân
quân thường trực (02 tiểu đội xây dựng mới và 02 tiểu đội đã xây dựng từ trước).
- Căn cứ vào điều kiện, tình hình, nguồn
ngân sách của địa phương từ năm 2016 trở
đi, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục lập kế
hoạch xây dựng các tiểu đội dân quân thường trực tại các xã, thị trấn trọng điểm
về quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, trình Hội đồng nhân dân tỉnh
xem xét quyết định, phấn đấu đến năm 2025
hoàn thành mục tiêu của Đề án;
- Đến hết quý III/2015 quán triệt và
ban hành đầy đủ các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng xong các kế hoạch, rà soát,
kiện toàn tổ chức biên chế lực lượng dân quân thường trực theo Đề án và tổ chức
huấn luyện, duy trì các hoạt động của lực
lượng dân quân thường trực theo quy định;
- Quý II/2017 sơ kết 02 năm thực hiện Đề án.
3. Nội dung xây dựng
lực lượng Dân quân thường trực
- Tiểu đội Dân quân thường trực: quân
số: 07 đồng chí, gồm 01 tiểu đội trưởng
và 06 chiến sỹ (nằm trong quân số của
trung đội dân quân cơ động xã, thị trấn trọng điểm
về quốc phòng, an ninh):
Luân phiên thường trực sẵn sàng chiến
đấu, thời gian luân phiên mỗi đồng chí Dân quân trực không quá 06 tháng; khi thực
hiện luân phiên thường trực sẵn sàng chiến đấu phải xen kẽ số cũ và số mới, số
mới không quá 50% quân số Tiểu đội:
- Về chất lượng chính trị: theo Điều
11 của Luật Dân quân, tự vệ "Tiêu chuẩn tuyển chọn vào Dân quân, tự vệ
nòng cốt";
- Phấn đấu tiểu đội dân quân thường
trực 100% là đoàn viên, có từ 1 đến 2 đảng viên trở lên để làm cơ sở
cho việc tổ chức thành lập chi bộ quân sự
ở cấp xã;
- Bảo đảm chế độ chính sách:
Bảo đảm theo Luật Dân quân, tự vệ và
các văn bản hướng dẫn thi hành đối với các đơn vị được thành lập hàng năm. Cụ
thể:
+ Ngân sách chi cho nhiệm vụ thường
xuyên, bao gồm: trợ cấp ngày công lao động, bảo đảm ăn (kể cả chế độ ăn thêm
ngày lễ, tết), trang phục, tiền điện, nước sinh hoạt, y tế và tủ cất giữ súng cho lực lượng Dân quân thường
trực theo điều 49 và điều 51 của Luật Dân quân tự vệ và khoản d điều 21 của Nghị
định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01/6/2010 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ; Nghị quyết số
19/2012/NQ-HĐND ngày 05/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng và Quyết định
số 996/QĐ-UBND ngày 26/7/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về xây dựng lực
lượng Dân quân tự vệ tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2012- 2015. Tiểu đội trưởng Dân
quân thường trực được hưởng phụ cấp trách nhiệm quản lý, chỉ huy đơn vị tại Điều
37 của Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01/6/2010 của
Chính phủ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực được hưởng
chế độ quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật Dân quân tự vệ;
+ Ngân sách đáp ứng theo khả năng của địa phương hàng năm, bao gồm: bảo đảm doanh
cụ. báo chí, thông tin tiên lạc;
+ Ngân sách bảo đảm về nhà ở: căn cứ
nguồn ngân sách xin Trung ương, nguồn ngân sách của địa phương, bố trí nguồn vốn xây dựng cơ bản các hạng mục công
trình của Đề án theo hình thức phân kỳ đầu tư cho cả giai đoạn 2015 - 2025; trước
mắt, xây dựng nhà cấp 4 cho các tiểu đội được thành lập trong năm 2015; từ năm
2016 căn cứ khả năng phân bổ nguồn ngân
sách của trên và nguồn ngân sách của địa phương xây dựng nhà ở cho các tiểu đội
thành lập tiếp theo và từng bước nâng cấp nhà ở cho các tiểu đội đã được thành
lập trước, bảo đảm điều kiện sống sinh hoạt cho lực lượng dân quân thường trực.
- Bảo đảm khác: các huyện có các xã,
thị trấn trọng điểm về quốc phòng, an
ninh xác định địa điểm vị trí xây dựng nhà ở của Tiểu đội Dân quân thường trực,
bố trí diện tích thích hợp và giải phóng
mặt bằng, tạo mặt bằng xây dựng bằng nguồn ngân sách của huyện trước khi tỉnh đầu
tư xây dựng nhà ở cho Tiểu đội Dân quân thường trực. Khi bố trí đất để xây dựng
nhà ở cho Tiểu đội dân quân thường trực nên có thêm phần đất để kết hợp thường
trực sẵn sàng chiến đấu với tăng gia sản xuất để nâng cao đời sống. Từng bước
đáp ứng đủ vật chất, mô hình, học cụ, tài
liệu học tập, nghiên cứu theo quy định;
- Về vũ khí trang bị: thực hiện theo
quy định của Bộ Quốc phòng;
- Về công tác huấn luyện: thực hiện
theo Luật Dân quân tự vệ; Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01/6/2010 của Chính phủ
ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn
thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ và Thông tư số 79/2010/TT-BQP ngày
23/6/2010 của Bộ Quốc phòng ban hành chương
trình bồi dưỡng, tập huấn cán bộ và
huấn luyện dân quân tự vệ nòng cốt;
- Về hoạt động: như mục tiêu, yêu cầu
của Đề án đã nêu.
4. Giải pháp
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước về công tác dân quân
tự vệ nói chung và xây dựng lực lượng Dân quân thường trực biên giới nói riêng;
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về
Luật Dân quân tự vệ, các văn bản quy phạm pháp luật về Dân quân tự vệ trong đó
có nội dung xây dựng lực lượng Dân quân thường trực biên giới, trọng điểm về quốc phòng, an ninh từ đó thống nhất cao nhận
thức và trách nhiệm của toàn thể nhân dân đối với công tác Dân quân tự vệ;
- Quán triệt, triển khai đồng bộ, thống
nhất các văn bản hướng dẫn thực hiện việc
xây dựng tiểu đội Dân quân thường trực các xã, thị trấn biên giới trong phạm vi
09 huyện biên giới: các xã, thị trấn trọng điểm về quốc phòng, an ninh;
- Phát huy vai trò làm tham mưu của
cơ quan quân sự; các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của địa phương để xây dựng lực
lượng dân quân thường trực;
- Nâng cao chất lượng bồi dưỡng, huấn
luyện lực lượng dân quân thường trực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình
mới;
- Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết rút kinh nghiệm;
- Đáp ứng kịp thời ngân sách cho nhiệm
vụ xây dựng lực lượng Dân quân thường trực, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân thường trực theo quy định của
pháp luật và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
5. Nguồn kinh phí
Nguồn kinh phí thực hiện Đề án bố trí
trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm theo quy định của Luật Dân quân tự vệ,
Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, gồm:
- Ngân sách Trung ương hỗ trợ;
- Ngân sách địa phương cấp tỉnh, ngân
sách địa phương cấp huyện, ngân sách địa phương cấp xã và ngân sách của các cơ
quan tổ chức được phân bổ dự toán hàng năm
theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước;
- Quỹ quốc phòng và an ninh, các nguồn thu hợp pháp khác.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh
triển khai và thực hiện Nghị quyết này và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng nhân dân tỉnh.
Trong quá trình thực hiện, Ủy ban nhân
dân tỉnh cần xác định thứ tự ưu tiên các nội dung công việc để xây dựng theo lộ
trình cho phù hợp trên nguyên tắc tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với củng cố quốc phòng an ninh.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các Đại biểu Hội
đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Điều 4. Nghị quyết này có
hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân
dân tỉnh Cao Bằng khóa XV, kỳ họp thứ 10 thông qua.
Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Quốc phòng;
- Bộ Tư lệnh Quân khu I;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh;
- UB MTTQ tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Ban CHQS tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể tỉnh
- VP Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- Huyện ủy, Thành ủy, HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Trung tâm Thông tin (VP, UBND tỉnh);
- Lưu: VT.
|
CHỦ TỊCH
Hà Ngọc Chiến
|