HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
294/NQ-HĐND
|
Thanh
Hóa, ngày 13 tháng 7 năm 2022
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 7, HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÓA
XVIII
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 7
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của
Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa
XVIII.
QUYẾT NGHỊ:
1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất đánh giá, sau
một buổi làm việc nghiêm túc, trí tuệ, thẳng thắn và trách nhiệm cao; với tinh
thần đổi mới, dân chủ, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 đã
thành công tốt đẹp, thu hút được sự quan tâm của cử tri và Nhân dân trong tỉnh.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn
cho thấy, các nội dung chất vấn là những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong đời sống
kinh tế, văn hóa - xã hội, có những vấn đề mới phát sinh, có những vấn đề đã tồn tại và kéo dài nhiều năm. Đại biểu Hội đồng nhân
dân tỉnh, các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm
trong chất vấn và trả lời chất vấn, qua đó làm sáng tỏ nhiều vấn đề được cử tri
và Nhân dân trong tỉnh đang rất quan tâm.
Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận những
nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của Ủy ban nhân dân tỉnh,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành trong các lĩnh vực thu hút đầu tư,
quản lý đất đai, giáo dục và đào tạo thời gian qua, nhất là trong giai đoạn
kinh tế - xã hội bị tác động, ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Đồng thời, Hội đồng
nhân dân tỉnh cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết của Ủy ban nhân dân tỉnh,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại phiên chất vấn.
2. Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố tập
trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế
trong thời gian qua; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước
trên các lĩnh vực được chất vấn. Cụ thể:
2.1. Về
xử lý các dự án được giao đất nhưng qua nhiều năm
nhà đầu tư không triển khai thực hiện dù đã được gia hạn nhiều lần
Để việc sử dụng đất đai trên địa bàn
tỉnh nói chung và đất thực hiện các dự án đầu tư nói riêng
tiết kiệm, hiệu quả, yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện một số nội dung
sau:
- Thực hiện rà soát tiến độ thực hiện
các dự án đã được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh, bao gồm các dự án
được giao đất, cho thuê đất trước và sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực;
phân loại, đề ra biện pháp xử lý cụ thể đối với từng dự án; báo cáo Hội đồng
nhân dân tỉnh trước ngày 30 tháng 9 năm 2022.
- Thực hiện đúng quy định của pháp luật
trong việc thu hồi đất các dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng vi phạm
pháp luật đất đai. Đưa đất đã thu hồi vào sử dụng ngay, đúng quy định pháp luật,
lựa chọn nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng đất có năng lực tài
chính, có khả năng triển khai dự án, quyết tâm thực hiện và sớm hoàn thành dự
án đưa vào sử dụng.
- Nâng cao chất lượng tham mưu chấp
thuận chủ trương, địa điểm đầu tư dự án; đánh giá đúng năng lực nhà đầu tư, nhu
cầu sử dụng đất, tính khả thi trong triển khai dự án, hiệu quả kinh tế - xã hội
của dự án. Không chấp nhận nhà đầu tư năng lực tài chính, năng lực triển khai
thực hiện dự án hạn chế, không đảm bảo nguồn vốn và năng lực để hoàn thành đầu
tư dự án; có dấu hiệu đầu cơ giữ đất để chuyển nhượng kiếm lời, không có ý định
đầu tư.
- Chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân
dân cấp huyện, cấp xã làm tốt công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát, thanh tra,
kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất, việc thực hiện các dự án được giao đất, cho
thuê đất trên địa bàn. Kịp thời phát hiện, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xử
lý đối với các trường hợp chậm tiến độ sử dụng đất; không để tái diễn tình trạng
dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ kéo dài mà không được phát hiện,
xử lý kịp thời theo quy định.
- Chỉ đạo nâng cao chất lượng công
tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng cấp tỉnh với chính quyền địa phương
trong việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, theo dõi việc quản lý, sử dụng đất, đầu
tư dự án.
2.2. Về
nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn của
tỉnh
Yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các giải pháp đã báo cáo trước HĐND tỉnh; đề nghị
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các địa phương, các cơ sở giáo dục thực
hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
- Tiếp tục quán triệt, triển khai và
tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 700-QĐ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Chấp
hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn
2021-2025; từ đó xác định rõ trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, đơn vị
và lộ trình thực hiện từng nội dung, nhiệm vụ để hoàn thành các mục tiêu của
Chương trình. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định,
các cơ chế, chính sách của tỉnh về giáo dục; xóa bỏ những nội dung chồng chéo, bất cập, không phù hợp; ban hành mới các văn bản để thúc đẩy
phát triển giáo dục trong tình hình mới.
- Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ
quản lý, nhà giáo, nhân viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo về chất
lượng, trước mắt, trước ngày khai giảng năm học mới 2022-2023 phải giải quyết một
bước về việc bổ sung số lượng giáo viên, nhân viên; giải quyết căn bản về chế độ,
chính sách cho giáo viên hợp đồng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; tăng cường
công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và
thường xuyên cập nhật kiến thức về lý luận chính trị, về chuyên môn, nghiệp vụ
cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành. Tăng cường quản lý
Nhà nước trên tất cả các mặt của công tác giáo dục; siết chặt kỷ luật, kỷ
cương. Thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục; khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý; thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh quản
lý giáo dục các cấp học, bậc học. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám
sát việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục; kịp thời phát hiện, ngăn chặn
và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
- Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh mạng lưới các
cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh. Thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp,
tổ chức lại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh. Nâng cao
chất lượng giáo dục miền núi, thu hẹp chênh lệch giáo dục giữa các vùng, miền
thông qua việc hỗ trợ chuyên môn cho khu vực miền núi.
- Tích cực đổi mới phương pháp, hình
thức dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người
học. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, tin học ở các cơ sở giáo dục; khuyến
khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, hợp tác cung cấp các dịch vụ dạy và học ngoại
ngữ, tin học. Đổi mới công tác kiểm định chất lượng các cơ
sở giáo dục theo hướng thực chất và hiệu quả, chú trọng nâng cao chất lượng
công tác tự đánh giá của các nhà trường, các giải pháp thực hiện cải tiến chất
lượng.
- Xây dựng cơ chế thu hút, tuyển dụng
sinh viên tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành đào tạo sư phạm ở các trường đại học
hàng đầu trong nước và nước ngoài về dạy học tại các trường phổ thông trên địa
bàn tỉnh. Có cơ chế, chính sách để tuyển dụng giáo viên giỏi để bồi dưỡng học
sinh giỏi tại các trường THCS, các trường THPT, đặc biệt là trường THPT chuyên
Lam Sơn. Đổi mới công tác tuyển sinh vào trường THPT chuyên Lam Sơn; công tác
phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi; kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, chọn học
sinh vào đội tuyển tham dự thi học sinh giỏi Quốc gia khách quan, trung thực,
đánh giá đúng năng lực học sinh.
- Huy động đa dạng các nguồn lực đầu
tư cho giáo dục; ngân sách các cấp hằng năm giao dự toán cho sự nghiệp giáo dục
đào tạo không thấp hơn cấp trên giao; bảo đảm chi nghiệp vụ cho các trường;
tranh thủ các nguồn vốn, hỗ trợ của ngân sách Trung ương, nguồn vốn ODA để
xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học đáp ứng yêu cầu của sự
phát triển sự nghiệp giáo dục của tỉnh, nhất là khu vực miền núi. Đẩy mạnh xã hội
hóa, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước có tiềm
lực đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục, trung tâm đào tạo chất lượng cao trên địa
bàn tỉnh. Làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tăng cường công tác phối hợp
giữa nhà trường - gia đình và xã hội.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
các sở, ngành, các cơ quan, tổ chức hữu quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn
của mình, chịu trách nhiệm thực hiện Nghị quyết, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh
tại kỳ họp cuối năm 2022.
Thường trực Hội đồng nhân dân, các
Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội
đồng nhân dân tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành
viên của Mặt trận Tổ quốc, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách
nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân
dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2022
và có hiệu lực kể từ ngày thông qua./.
Nơi nhận:
- Ủy ban
Thường vụ Quốc hội (để b/c);
- Chính phủ (để b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (để b/c);
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể cấp tỉnh;
- Các VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND, UBND tỉnh;
- Các ban, sở, ngành cấp tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND các huyện, TX, TP;
- Lưu: VT.
|
CHỦ
TỊCH
Đỗ Trọng Hưng
|