Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Lực lượng
dự bị động viên ngày 26 tháng 11 năm 2019;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ sở
huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về cải tạo, đầu tư xây dựng,
quản lý, sử dụng cơ sở huấn luyện dự bị động viên các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).
2. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ
Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan quân sự cấp
tỉnh).
3. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến
cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, từ ngữ dưới đây được hiểu như
sau:
Cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh là nơi tổ
chức huấn luyện lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ và các lực lượng vũ
trang trên địa bàn của tỉnh, bao gồm các công trình phục vụ cho quản lý, huấn
luyện, diễn tập lực lượng dự bị động viên trong thời gian tập trung huấn luyện,
như: Doanh trại; trường bắn, thao trường huấn luyện và các công trình phụ trợ bảo
đảm khác.
Điều 4. Nguyên tắc cải tạo, đầu
tư xây dựng và quản lý, sử dụng cơ sở huấn luyện
1. Mỗi tỉnh cải tạo, đầu tư xây dựng 01 cơ sở huấn
luyện.
2. Tận dụng các cơ sở sẵn có ở địa phương phải phù
hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và yêu cầu nhiệm vụ
huấn luyện lực lượng dự bị động viên, để cải tạo, đầu tư xây dựng cơ sở huấn
luyện đủ điều kiện huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng
chiến đấu đối với lực lượng dự bị động viên đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu
dài.
3. Quản lý, sử dụng cơ sở huấn luyện dự bị động
viên phát huy tính đa năng của các công trình cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng
của địa phương; kết hợp chặt chẽ, bảo đảm tính liên hoàn vững chắc trong khu vực
phòng thủ tỉnh.
Điều 5. Chức năng, nhiệm vụ của
cơ sở huấn luyện
1. Huấn luyện lực lượng dự bị động viên trên địa
bàn tỉnh.
2. Tập huấn, bồi dưỡng và huấn luyện cho lực lượng
dân quân tự vệ; huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ cho các lực lượng vũ
trang trên địa bàn tỉnh và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối
tượng do cấp tỉnh tổ chức.
3. Thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao.
Chương II
CẢI TẠO, ĐẦU TƯ XÂY DỰNG
VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CƠ SỞ HUẤN LUYỆN DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN CẤP TỈNH
Điều 6. Cải tạo, đầu tư xây dựng
cơ sở huấn luyện
1. Việc cải tạo, đầu tư xây dựng cơ sở huấn luyện dự
bị động viên cấp tỉnh gồm doanh trại, trường bắn, thao trường huấn luyện, các
công trình phụ trợ khác phù hợp quy hoạch đã được Quân khu, Bộ Quốc phòng phê
duyệt.
2. Vị trí cải tạo, đầu tư xây dựng cơ sở huấn luyện
dự bị động viên cấp tỉnh
a) Trung tâm huấn luyện dự bị động viên của tỉnh đối
với các tỉnh đã có;
b) Doanh trại và các công trình phụ trợ thuộc Trung
đoàn bộ binh của tỉnh;
c) Doanh trại và các công trình phụ trợ thuộc trường
quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh;
d) Trường bắn, thao trường huấn luyện và các công
trình phụ trợ thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan quân sự cấp tỉnh.
Điều 7. Thẩm quyền quyết định cải
tạo, đầu tư xây dựng cơ sở huấn luyện
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc
cải tạo, đầu tư xây dựng cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh theo quy định
tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này sau khi có ý kiến thống nhất
của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
2. Cơ quan quân sự cấp tỉnh chủ trì, phối hợp các
cơ quan tham mưu lập hồ sơ quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở huấn luyện dự bị động
viên trên cơ sở quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh quyết định.
Điều 8. Doanh trại trong cơ sở
huấn luyện
Doanh trại của cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp
tỉnh được cải tạo, đầu tư xây dựng bảo đảm tối thiểu cho 01 tiểu đoàn bộ binh đủ
quân (theo thiết kế mẫu doanh trại tiểu đoàn bộ binh đủ quân của Bộ Quốc
phòng).
Điều 9. Trường bắn, thao trường
huấn luyện của cơ sở huấn luyện
1. Trường bắn, thao trường huấn luyện của cơ sở huấn
luyện dự bị động viên cấp tỉnh được cải tạo, đầu tư xây dựng, gồm:
a) Trường bắn;
b) Thao trường huấn luyện, diễn tập chiến thuật;
c) Thao trường huấn luyện kỹ thuật chiến đấu bộ
binh, quân sự địa phương;
d) Thao trường huấn luyện kỹ, chiến thuật chuyên
ngành;
đ) Khu huấn luyện điều lệnh, thể lực và hoạt động
thể thao; phòng học chuyên ngành.
2. Trường bắn, thao trường huấn luyện quy định tại khoản
1 Điều này phải bảo đảm sự liên hoàn, phát huy hết công năng, đáp ứng yêu cầu
huấn luyện lực lượng dự bị động viên.
3. Cơ sở huấn luyện sử dụng trường bắn của cấp tỉnh
(nếu có), trường bắn khu vực hoặc trường bắn quốc gia có trên địa bàn.
4. Các cơ sở huấn luyện còn thiếu hạng mục công
trình theo quy định tại Điều 8 và các khoản 1, 2, 3 Điều này,
cơ quan quân sự cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương,
lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dự án cải tạo, đầu tư trình cấp có thẩm
quyền quy định tại Điều 7 Nghị định này xem xét, quyết định.
Điều 10. Ngân sách bảo đảm cải
tạo, đầu tư xây dựng cơ sở huấn luyện
1. Ngân sách địa phương bảo đảm nguồn kinh phí cải
tạo, đầu tư xây dựng thao trường, bãi tập, doanh trại và các công trình phụ trợ
phục vụ huấn luyện đơn vị dự bị động viên.
2. Ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu theo khả
năng cân đối cho các địa phương nhận bổ sung từ ngân sách trung ương.
Điều 11. Quản lý, sử dụng cơ sở
huấn luyện
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan quân sự
cấp tỉnh chỉ huy, quản lý, điều hành cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh.
2. Cơ quan quân sự cấp tỉnh trực tiếp quản lý, chỉ
huy và điều hành cơ sở huấn luyện dự bị động viên về nhiệm vụ quân sự, quốc
phòng địa phương.
3. Bảo đảm phát huy chức năng, nhiệm vụ của cơ sở
huấn luyện dự bị động viên quy định tại Điều 5 Nghị định này.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ,
NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG
Điều 12. Bộ Quốc phòng
1. Chỉ đạo các quân khu, cơ quan quân sự cấp tỉnh
chủ trì, phối hợp với các ban, ngành của địa phương tham mưu giúp Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh trong việc cải tạo, đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng cơ sở huấn
luyện dự bị động viên.
2. Cho ý kiến về cải tạo, nâng cấp cơ sở huấn luyện
dự bị động viên cấp tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định
này.
3. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra và quản
lý, sử dụng cơ sở huấn luyện dự bị động viên.
Điều 13. Các bộ, ngành liên
quan
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương có liên quan,
lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm trong đó có nhiệm vụ cải tạo, đầu
tư xây dựng cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh.
2. Bộ Tài chính
Tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền hỗ trợ các địa phương
nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương để đầu tư, cải tạo, thao trường,
bãi tập, doanh trại và các công trình phụ trợ phục vụ huấn luyện dự bị động
viên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước
và các văn bản hướng dẫn.
3. Các bộ, ngành có liên quan
Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về cải tạo, đầu
tư xây dựng cơ sở huấn luyện dự bị động viên theo chức năng, nhiệm vụ được
giao.
Điều 14. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Chỉ đạo cơ quan quân sự cùng cấp chủ trì, phối hợp
với các sở, ban, ngành của tỉnh, lập quy hoạch tổng thể cải tạo, đầu tư xây dựng
cơ sở huấn luyện dự bị động viên.
2. Bố trí ngân sách bảo đảm cho việc cải tạo, đầu
tư xây dựng cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh theo quy định của Luật Đầu tư công.
3. Kiểm tra, thanh tra việc cải tạo, đầu tư xây dựng
và quản lý, sử dụng cơ sở huấn luyện dự bị động viên.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 18 tháng
8 năm 2020.
Điều 16. Trách nhiệm thi hành
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định
này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NC (2).
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|