NGHỊ ĐỊNH
QUY
ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA THANH TRA CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Khiếu
nại ngày 11 tháng 11 năm 2011;
Căn cứ Luật Tiếp
công dân ngày 25 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Tố cáo
ngày 12 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Luật Phòng,
chống tham nhũng ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Thanh
tra ngày 14 tháng 11 năm 2022;
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP
ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ
quan ngang bộ;
Theo đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ.
Điều 1. Vị trí và chức năng
Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ của Chính
phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân,
giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi
cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố
cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
Thanh tra Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn
quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP
ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ (bộ, cơ quan ngang bộ sau đây gọi
chung là bộ); Nghị định số 101/2020/NĐ-CP
ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016
của Chính phủ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
1. Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của
Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự
thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ, dự thảo Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực theo Chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng
năm của Thanh tra Chính phủ đã được phê duyệt và các dự án, dự thảo văn bản quy
phạm pháp luật khác theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
2. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược,
quy hoạch, kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn, hàng năm về các lĩnh vực quản
lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ; các dự thảo quyết định, chỉ thị, các văn bản
khác về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực và tổ chức triển khai thực hiện.
3. Ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị và các
văn bản khác về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
4. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện
các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, định hướng Chương trình đã được phê
duyệt về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về
thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực.
5. Về thanh tra:
a) Xây dựng Định hướng chương trình thanh tra trình
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính
phủ; hướng dẫn bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế
hoạch thanh tra; tổ chức thực hiện và hướng dẫn bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra;
b) Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật
và nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương; Thanh tra việc quản lý vốn và tài sản nhà nước
tại doanh nghiệp nhà nước khi được Thủ tướng Chính phủ giao; thanh tra vụ việc
phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của nhiều bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
c) Thanh tra vụ việc khác do Thủ tướng Chính phủ
giao;
d) Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận
thanh tra của Thanh tra bộ, cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ,
Thanh tra tỉnh và quyết định xử lý sau thanh tra của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi cần thiết;
đ) Quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận
của Thanh tra bộ, cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra tỉnh
nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
e) Đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc
Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thanh tra đối với
vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trường hợp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không thực hiện thì ra quyết
định thanh tra hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo;
g) Phối hợp với Kiểm toán nhà nước để xử lý chồng
chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước; chủ
trì xử lý việc chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra
giữa các cơ quan Thanh tra theo quy định của pháp luật;
h) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết
luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Thanh tra Chính phủ và Thủ
tướng Chính phủ;
i) Xem xét, xử lý những vấn đề liên quan đến công
tác thanh tra mà Chánh Thanh tra bộ không nhất trí với chỉ đạo của Bộ trưởng,
Chánh Thanh tra tỉnh không nhất trí với chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh. Trường hợp Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không đồng ý thì
Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
k) Đề nghị Bộ trưởng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đình
chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng, Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh ban hành trái với Hiến pháp,
luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên được phát hiện
qua thanh tra; trường hợp đề nghị không được chấp thuận thì trình Thủ tướng
Chính phủ xem xét, quyết định;
l) Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi
hành một phần hoặc toàn bộ nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật
của cơ quan nhà nước cấp trên được phát hiện qua thanh tra; báo cáo Thủ tướng
Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nghị
quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có nội dung trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật
của cơ quan nhà nước cấp trên được phát hiện qua thanh tra;
m) Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa
đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý; kiến nghị đình
chỉ, hủy bỏ hoặc bãi bỏ quy định trái pháp luật phát hiện qua công tác thanh
tra;
n) Đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc
Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, chấn chỉnh, khắc phục sai
phạm trong ngành, lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý do Thanh tra Chính phủ
phát hiện qua thanh tra;
o) Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, cơ quan, tổ chức
có thẩm quyền xem xét trách nhiệm, xử lý đối với cá nhân thuộc quyền quản lý của
Thủ tướng Chính phủ, của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có hành vi vi phạm pháp
luật được phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết
định xử lý về thanh tra; yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức khác xem xét
trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức có hành vi vi
phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, kiến
nghị, quyết định xử lý về thanh tra.
6. Về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo:
a) Tổ chức việc tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn
khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định
của pháp luật;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực
hiện nhiệm vụ tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân ở trung ương;
c) Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại,
thi hành quyết định giải quyết khiếu nại;
d) Khi phát hiện việc giải quyết khiếu nại vi phạm
pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của
công dân, cơ quan, tổ chức thì kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hoặc kiến nghị người
có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết để chấm dứt vi phạm, xem xét trách
nhiệm, xử lý đối với người vi phạm;
đ) Tiếp nhận, phân loại, đề xuất việc giải quyết tố
cáo thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
e) Xác minh nội dung tố cáo, báo cáo kết quả xác
minh, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng
Chính phủ khi được giao;
g) Xem xét việc giải quyết tố cáo mà Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh đã giải quyết nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trường hợp
có căn cứ cho rằng việc giải quyết có vi phạm pháp luật thì kiến nghị Thủ tướng
Chính phủ xem xét, giải quyết lại;
h) Xây dựng, quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu Quốc
gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến
nghị, phản ánh.
7. Về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực:
a) Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện các
quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo thẩm quyền hoặc
theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực trong công tác thanh tra;
b) Thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo thẩm
quyền; thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
tại các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp, tổ
chức xã hội khu vực ngoài nhà nước theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ;
c) Chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong
việc phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực; thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham
nhũng, tiêu cực theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc
việc xử lý người có hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật và
theo phân cấp quản lý cán bộ của Đảng và Chính phủ;
d) Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ,
quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền;
đ) Xây dựng, quản lý, khai thác, bảo vệ cơ sở dữ liệu
quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; theo dõi, đánh giá tình hình tham
nhũng, tiêu cực và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các bộ,
ngành, địa phương và khu vực ngoài nhà nước;
e) Phối hợp với Kiểm toán nhà nước, Bộ Công an, Bộ
Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Ban Nội
chính Trung ương trong việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu, kinh nghiệm
về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tổng hợp, đánh giá, dự báo tình
hình tham nhũng, tiêu cực và kiến nghị chính sách, giải pháp phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực.
8. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp
công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, được
áp dụng các quyền hạn của Thanh tra Chính phủ theo quy định của pháp luật; được
yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan cử cán bộ, công chức, viên chức tham
gia đoàn thanh tra.
9. Yêu cầu bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh báo cáo tình hình, kết quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải
quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
10. Tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh
tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Chính phủ; tổng kết kinh nghiệm về
công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực.
11. Thực hiện chức năng cơ quan thường trực thực hiện
Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng,
làm đầu mối quốc gia hỗ trợ thông tin với quốc tế trong phòng, chống tham
nhũng; hợp tác quốc tế về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại,
tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
12. Tổ chức, chỉ đạo thực hiện Chương trình, kế hoạch
nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực thanh
tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực.
13. Quyết định và tổ chức thực hiện kế hoạch cải
cách hành chính của Thanh tra Chính phủ theo Chương trình, kế hoạch cải cách
hành chính nhà nước của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
14. Chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra; bồi
dưỡng nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện việc quản
lý, bổ nhiệm các ngạch công chức thanh tra theo quy định của pháp luật; cấp thẻ
thanh tra viên cho công chức được bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra viên thuộc
phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật. Cho ý kiến về việc bổ nhiệm, miễn
nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái Chánh Thanh tra Bộ và Chánh
Thanh tra tỉnh.
15. Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; cán bộ,
công chức, viên chức, người lao động; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ,
chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức,
người lao động thuộc phạm vi quản lý của Thanh tra Chính phủ theo quy định của
pháp luật.
16. Quản lý và chỉ đạo hoạt động đối với các tổ chức
sự nghiệp trực thuộc theo quy định của pháp luật.
17. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện ứng dụng công nghệ
thông tin, dữ liệu thông tin; chuyển đổi số và quản lý dữ liệu chuyên ngành phục
vụ chức năng quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ.
18. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức
thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật.
19. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ giao theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Vụ Pháp chế.
2. Vụ Tổ chức cán bộ.
3. Vụ Hợp tác quốc tế.
4. Vụ Kế hoạch - Tổng hợp.
5. Văn phòng.
6. Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối
kinh tế ngành (Vụ I).
7. Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối
nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II).
8. Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối
văn hóa, xã hội (Vụ III).
9. Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu
vực 1 (Cục I).
10. Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu
vực 2 (Cục II).
11. Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu
vực 3 (Cục III).
12. Cục Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực (Cục IV).
13. Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra
(Cục V).
14. Ban Tiếp công dân trung ương.
15. Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra.
16. Báo Thanh tra.
17. Tạp chí Thanh tra.
18. Trường Cán bộ Thanh tra.
19. Trung tâm Thông tin.
Tại Điều này, các đơn vị quy định từ khoản 1 đến
khoản 14 là các tổ chức hành chính, giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện chức
năng quản lý nhà nước; các đơn vị từ khoản 15 đến khoản 19 là các đơn vị sự
nghiệp công lập, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ.
Ban Tiếp công dân trung ương có bộ phận thường trực
tại Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước ở Thành phố Hồ Chí
Minh.
Tổng Thanh tra Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Thanh tra Chính phủ.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01
tháng 12 năm 2023.
2. Nghị định này thay thế Nghị định số 50/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2018 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra
Chính phủ.
3. Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra tiếp
tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo các quy định pháp luật hiện
hành cho đến khi Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Giám sát, Thẩm định và Xử
lý sau thanh tra.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, TCCV (2).
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Phạm Minh Chính
|