CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 107/2021/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 06
tháng 12 năm 2021
|
NGHỊ ĐỊNH
SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 61/2018/NĐ-CP NGÀY 23 THÁNG 4 NĂM
2018 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA, MỘT CỬA LIÊN THÔNG TRONG GIẢI
QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Tổ chức
chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Giao dịch
điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Công
nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Ban
hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành
văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng
Chính phủ;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một
số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về
thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành
chính.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về
thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành
chính
1. Bổ sung khoản 8 Điều 3 như sau:
“8. Thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc
vào địa giới hành chính là việc cá nhân, tổ chức có thể được cơ quan có thẩm
quyền tiếp nhận, trả kết quả hoặc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết
thủ tục hành chính không phụ thuộc vào đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp
xã nơi cư trú, đặt trụ sở hoặc nơi đã cấp các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức.”.
2. Sửa đổi, bổ sung điểm i, điểm k khoản 1 Điều 5 như sau:
“i) Yêu cầu cung cấp lại thông tin, giấy tờ, tài liệu
điện tử hoặc đã được số hóa có giá trị pháp lý theo quy định pháp luật, được kết
nối, chia sẻ dữ liệu trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính,
trừ trường hợp sử dụng cho mục đích xác minh, thẩm tra lại tính xác thực của
thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được số hóa;
k) Các hành vi vi phạm pháp luật khác trong thực hiện
công vụ.”.
3. Sửa đổi điểm
a khoản 1 và bổ sung khoản 7, khoản 8 Điều 7 như sau:
a) Sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 7
như sau:
“1. Tại cấp bộ
a) Căn cứ số lượng thủ tục hành chính thuộc thẩm
quyền giải quyết, tần suất tiếp nhận hồ sơ và tình hình bố trí trụ sở, Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết
quả tại bộ, cơ quan ngang bộ trực thuộc văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ hoặc tại
tổng cục (hoặc tương đương), cục hoặc tại cơ quan, đơn vị khác trực thuộc Bộ,
cơ quan ngang bộ;”.
b) Bổ sung khoản 7, khoản 8 Điều 7
như sau:
“7. Căn cứ tình hình thực tế và năng lực của doanh
nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ (đối với trường hợp cơ quan này thực hiện cơ chế một cửa, một cửa
liên thông theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định này), Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh quyết định việc thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu
chính công ích đảm nhận một hoặc một số công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp
nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định
pháp luật về đấu thầu.
8. Các trường hợp khác được thực hiện theo quyết định
của Thủ tướng Chính phủ.”.
4. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1, điểm đ khoản 2 Điều 8 như
sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1
Điều 8 như sau:
“b) Hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính; tiếp nhận,
số hóa hồ sơ thủ tục hành chính; giải quyết hoặc chuyển hồ sơ giải quyết thủ tục
hành chính; trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; theo dõi, giám sát, đánh
giá việc giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức,
cá nhân; thu phí, lệ phí (nếu có) theo quy định;”.
b) Sửa đổi, bổ sung điểm đ, khoản 2
Điều 8 như sau:
“đ) Đề xuất cấp có thẩm quyền nâng cấp cơ sở vật chất,
cơ sở hạ tầng thông tin và phần mềm ứng dụng của Cổng dịch vụ công, Hệ thống
thông tin một cửa điện tử; tham gia bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình
khai thác, sử dụng các Hệ thống này;”.
5. Bổ sung khoản 6 Điều 10 như sau:
“6. Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công
ích có trách nhiệm bố trí người làm việc tại Bộ phận Một cửa đáp ứng yêu cầu thực
hiện nhiệm vụ khi được giao đảm nhận một hoặc một số công việc trong quá trình
hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính
theo quy định pháp luật. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Bộ phận Một cửa,
cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phải
tuân thủ và thực hiện đầy đủ trách nhiệm, các nội dung công việc thuộc phạm vi
được giao theo quy định tại Nghị định này.”.
6. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 11 như sau:
“d) Tiếp nhận, số hóa, giải quyết hoặc chuyển hồ
sơ, theo dõi việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo quy định;
cập nhật hồ sơ đã tiếp nhận vào phần mềm quản lý và cấp mã số hồ sơ thủ tục
hành chính cho tổ chức, cá nhân;”.
7. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 13 như sau:
“b) Tại Bộ phận Một cửa: Bố trí khu vực cung cấp
thông tin, thủ tục hành chính; khu vực tiếp nhận và trả kết quả được chia thành
từng quầy tương ứng với một hoặc một số lĩnh vực khác nhau, trong đó căn cứ vào
quy mô, diện tích có thể tổ chức quầy hướng dẫn hoặc quầy dành riêng cho người
cao tuổi, phụ nữ mang thai, người khuyết tật; bố trí đủ ghế ngồi chờ, bàn để viết,
máy tính có kết nối mạng dành cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch, thực hiện dịch
vụ công trực tuyến; lắp đặt camera theo dõi toàn bộ khu vực làm việc của Bộ phận
Một cửa có kết nối với cơ quan nhà nước cấp trên và trong toàn hệ thống; bố trí
khu vực đặt các trang thiết bị: máy lấy số xếp hàng tự động kết nối tới Hệ thống
thông tin một cửa điện tử; các màn hình cảm ứng phục vụ tổ chức, cá nhân tra cứu
thông tin, thủ tục hành chính, tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính,
đánh giá mức độ hài lòng; thiết bị phục vụ số hóa hồ sơ, tài liệu; bố trí khu vực
cung cấp dịch vụ quy định tại điểm g khoản 1 Điều 8 Nghị định này.
Khuyến khích việc tích hợp các dịch vụ tiện ích để
bổ trợ, phục vụ nhu cầu của tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch tại Bộ phận Một
cửa.”.
8. Bổ sung khoản 6 Điều 14 như sau:
“6. Căn cứ việc triển khai số hóa, kết nối, chia sẻ,
liên thông dữ liệu của Hệ thống thông tin một cửa điện tử và kết quả triển khai
dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh và Cổng Dịch vụ
công quốc gia, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mở rộng phạm vi tiếp
nhận thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính tại Bộ phận Một
cửa các cấp thuộc phạm vi quản lý.”.
9. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 18 như sau:
“1. Chuyển dữ liệu hồ sơ điện tử được tiếp nhận trực
tuyến của tổ chức, cá nhân hoặc hồ sơ giấy đã được số hóa đến cơ quan có thẩm
quyền giải quyết trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.”.
10. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 20 như sau:
“5. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức,
cá nhân được lưu trữ tại Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ,
cấp tỉnh để phục vụ việc tích hợp, chia sẻ, tra cứu thông tin, dữ liệu, sử dụng
để thực hiện các thủ tục hành chính khác theo quy định của pháp luật.”.
11. Bổ sung Điều 21a như sau:
“Điều 21a. Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ
tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính
Ngoài việc thực hiện các quy định trong tiếp nhận,
giải quyết thủ tục hành chính tại Điều 17, Điều 18, Điều 19 và Điều 20 của Nghị
định này, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện thêm một số nhiệm vụ số hóa hồ
sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính như sau:
1. Tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính
a) Kiểm tra, xác thực tài
khoản số của cá nhân, tổ chức thông qua số định danh cá nhân của công dân Việt
Nam hoặc số hộ chiếu (hoặc số giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế) của người nước
ngoài và mã số của tổ chức theo quy định. Trường hợp tổ chức, cá nhân chưa có
tài khoản số, cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận Một cửa hướng dẫn thực hiện hoặc
tạo tài khoản cho cá nhân, tổ chức trên Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng Dịch
vụ công cấp bộ, cấp tỉnh. Trường hợp ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính,
tài khoản số được xác định theo số định danh của tổ chức, cá nhân ủy quyền.
b) Thực hiện kiểm tra dữ liệu điện tử của các thành
phần hồ sơ thủ tục hành chính. Trường hợp thông tin, dữ liệu, hồ sơ, giấy tờ điện
tử có giá trị pháp lý của tổ chức, cá nhân đã được kết nối, chia sẻ giữa các cơ
sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin, Cổng Dịch
vụ công quốc gia với Hệ thống thông tin một cửa điện tử thì tổ chức, cá nhân
không phải khai lại thông tin hoặc nộp lại hồ sơ, giấy tờ, tài liệu; cán bộ một
cửa kiểm tra và chuyển vào hồ sơ thủ tục hành chính điện tử cho tổ chức, cá
nhân. Trường hợp khi tiếp nhận, phát hiện thông tin trong hồ sơ, giấy tờ chưa
có sự thống nhất với thông tin, dữ liệu, hồ sơ, giấy tờ điện tử trong các cơ sở
dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành thì thực hiện tiếp nhận hồ sơ giấy;
việc điều chỉnh, sửa đổi thông tin thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên
ngành.
c) Đối với thành phần hồ sơ là kết quả giải quyết
thủ tục hành chính hoặc phải số hóa theo quy định của pháp luật chuyên ngành mà
chưa có dữ liệu điện tử, cán bộ một cửa thực hiện sao chụp, chuyển thành tài liệu
điện tử trên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và chịu trách nhiệm về tính đầy
đủ, toàn vẹn, chính xác của các nội dung theo bản giấy. Ký số vào tài liệu đã
được số hóa theo quy định trước khi chuyển hồ sơ đến cơ quan, đơn vị có thẩm
quyền giải quyết.
Đối với các thành phần hồ sơ chưa có dữ liệu điện tử
còn lại, theo yêu cầu quản lý, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ (đối với trường hợp cơ quan này thực hiện cơ chế một cửa, một cửa
liên thông theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định này) quyết định việc tổ
chức thực hiện số hóa đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của
bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, đơn vị trực thuộc;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc tổ chức thực hiện số hóa đối
với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên
địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Giải quyết thủ tục hành chính
a) Kiểm tra thông tin trên tài liệu điện tử mà Bộ
phận Một cửa chuyển đến và cập nhật thông tin, dữ liệu điện tử trên hệ thống
thông tin, cơ sở dữ liệu, ký số của cơ quan, tổ chức vào bản sao y đối với
thành phần hồ sơ phải số hóa thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị.
Dữ liệu điện tử của giấy tờ phải có tối thiểu các
trường thông tin: Mã loại giấy tờ; số định danh của tổ chức, cá nhân, trường hợp
cá nhân không có số định danh cá nhân thì phải bổ sung họ tên, năm sinh, ngày cấp,
cơ quan cấp; tên giấy tờ; trích yếu nội dung chính của giấy tờ; thời hạn có hiệu
lực; phạm vi có hiệu lực (nếu có). Các thông tin, dữ liệu khác được thực hiện
theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
b) Trường hợp phải thẩm tra, xác minh, lấy ý kiến
các cơ quan liên quan trong quá trình xử lý hồ sơ, kết quả thẩm tra, xác minh
và kết quả trả lời của cơ quan liên quan phải được số hóa theo dữ liệu điện tử
để lưu vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, trừ trường hợp pháp luật có quy định
khác.
c) Kết quả giải quyết thủ tục hành chính trình cấp
có thẩm quyền ký số, phát hành theo quy định pháp luật về công tác văn thư để
trả bản giấy và bản điện tử cho tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp thủ tục hành
chính chỉ quy định cung cấp bản kết quả giải quyết điện tử hoặc tổ chức, cá
nhân đề nghị chỉ cung cấp bản kết quả giải quyết điện tử.
Khi có kết quả giải quyết thủ tục hành chính thành
công, các hồ sơ, giấy tờ được số hóa, có giá trị pháp lý trong quá trình tiếp
nhận, giải quyết thủ tục hành chính thì được sử dụng trong thực hiện các thủ tục
hành chính khác của tổ chức, cá nhân.
3. Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính
a) Kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử được
gắn mã số giấy tờ và lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc Cơ sở dữ liệu
chuyên ngành hoặc Kho dữ liệu hồ sơ thủ tục hành chính của Hệ thống giải quyết
thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh. Mã số giấy tờ gồm hai thành phần là mã số
định danh của cá nhân, tổ chức và mã loại giấy tờ, trong đó mã loại giấy tờ đối
với kết quả giải quyết thủ tục hành chính được thống nhất sử dụng theo mã loại
kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục
hành chính.
b) Kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử được
trả cho tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng Dịch vụ công
cấp bộ, cấp tỉnh, trừ trường hợp thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật
chuyên ngành phải có mặt để trực tiếp nhận kết quả.
c) Kết quả giải quyết thủ tục hành chính bằng bản
giấy được trả theo quy định tại Điều 20 Nghị định này, trừ trường hợp thủ tục
hành chính chỉ quy định cung cấp bản kết quả giải quyết điện tử cho tổ chức, cá
nhân.
4. Lưu trữ hồ sơ thủ tục hành chính điện tử
a) Thời hạn bảo quản hồ sơ thủ tục hành chính điện
tử được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ và pháp luật chuyên
ngành.
b) Hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được lưu trữ
điện tử và do cơ quan có thẩm quyền giải quyết quản lý trên Hệ thống thông tin
giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.”.
12. Sửa đổi khoản
3, bổ sung khoản 4 Điều 22
như sau:
“3. Trong trường hợp không nộp trực tiếp thì chứng
từ nộp tiền, chuyển khoản tiền phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính hoặc
biên lai thu phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính (nếu có) được gửi kèm
theo hồ sơ đến cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, trừ
trường hợp phí, lệ phí được xác định và nộp sau giai đoạn tiếp nhận hồ sơ thủ tục
hành chính của cá nhân, tổ chức.
4. Trong trường hợp nộp trực tuyến thì cơ quan, tổ
chức nhận tiền phải thực hiện chuyển toàn bộ số tiền thu từ lệ phí vào ngân
sách nhà nước theo đúng thời hạn được quy định của pháp luật chuyên ngành; đối
với số tiền thu từ phí thì phải chuyển toàn bộ số tiền đã thu trong kỳ vào tài
khoản phí chờ nộp ngân sách theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Trường hợp
chưa có quy định của pháp luật chuyên ngành thì thời hạn chuyển tiền vào ngân
sách nhà nước trong 24 giờ tính từ thời điểm thanh toán, trừ trường hợp thực hiện
thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia, thực hiện
theo quy định về thời gian làm việc áp dụng đối với Hệ thống này. Đối với thuế,
bảo hiểm xã hội thực hiện theo quy định pháp luật về thuế và bảo hiểm xã hội.”.
13. Bổ sung khoản 4 Điều 24 như sau:
“4. Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ,
ngành liên quan ban hành danh mục dữ liệu dùng chung phục vụ giải quyết thủ tục
hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối, chia sẻ với Cổng Dịch
vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và các hệ thống
thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, bao gồm:
a) Danh mục thủ tục hành chính;
b) Danh mục dịch vụ công trực tuyến;
c) Danh mục cơ quan;
d) Danh mục đơn vị hành chính;
đ) Danh mục ngành, lĩnh vực;
e) Danh mục kết quả giải quyết thủ tục hành chính;
g) Danh mục các khoản thu, nộp vào ngân sách nhà nước
khi thực hiện thủ tục hành chính;
h) Danh mục ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng
dịch vụ trung gian thanh toán.
Danh mục dữ liệu dùng chung tại các điểm a, b, c,
d, đ, e khoản 4 Điều này được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục
hành chính; tại các điểm g, h khoản 4 Điều này được cập nhật hoặc đồng bộ với Cổng
Dịch vụ công quốc gia.”.
14. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, điểm b khoản 2 và khoản 6 Điều 25 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 25
như sau:
“1. Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa
điện tử cấp bộ, cấp tỉnh phải được xây dựng tập trung, thống nhất, tạo thành Hệ
thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để tiếp nhận, giải
quyết, theo dõi, đánh giá chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch
vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban
nhân dân các cấp.”.
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2
Điều 25 như sau:
“b) Bảo đảm khả năng tích hợp với Cổng Dịch vụ công
quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, các cơ sở dữ liệu quốc
gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để truy xuất dữ liệu thủ tục hành chính, kết nối,
chia sẻ dữ liệu phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính của bộ, cơ quan
ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;”.
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 25
như sau:
“6. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ kết
nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên
ngành thuộc phạm vi quản lý với Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông
tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh theo quy định pháp luật để xác thực thông
tin cho tổ chức, cá nhân và phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.”.
15. Sửa đổi khoản
3 Điều 30 như sau:
“3. Văn phòng bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
có trách nhiệm tổng hợp kết quả đánh giá từ phần mềm; tích hợp kết quả đánh giá
với hệ thống đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của Cổng Dịch vụ
công quốc gia phục vụ chỉ đạo, điều hành chất lượng giải quyết thủ tục hành
chính, cung cấp dịch vụ công theo thời gian thực; công khai kết quả đánh giá nội
bộ trên trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương và Cổng Dịch vụ công
quốc gia.”.
16. Sửa đổi, bổ sung điểm i khoản 1 Điều 34 như sau:
“i) Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền
thông và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng, ban hành quy định thống
nhất về Mã số hồ sơ thủ tục hành chính và Mã ngành, lĩnh vực thủ tục hành chính
trên hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh; hướng dẫn số hóa hồ
sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục
hành chính.”.
17. Sửa đổi khoản
3, khoản 5 và bổ sung khoản 10, khoản 11 Điều 35 như sau:
a) Sửa đổi khoản 3 Điều 35 như
sau:
“3. Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Bộ phận
Tiếp nhận và Trả kết quả, quy chế hoạt động của Hệ thống thông tin giải quyết
thủ tục hành chính được tạo thành trên cơ sở Cổng Dịch vụ công và Hệ thống
thông tin một cửa điện tử để thống nhất quản lý theo quy định tại Nghị định
này.
b) Sửa đổi khoản 5 Điều 35 như
sau:
“5. Chỉ đạo xây dựng và ban hành quy trình nội bộ,
quy trình điện tử đối với việc giải quyết từng thủ tục hành chính thuộc phạm vi
thực hiện của bộ, ngành bảo đảm áp dụng chung thống nhất cho quy trình xử lý
công việc liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính trong Hệ thống quản lý chất
lượng của cơ quan, tổ chức.”.
c) Bổ sung khoản 10, khoản 11 Điều
35 như sau:
“10. Đánh giá, quyết định hoặc trình cấp có thẩm
quyền quyết định tổ chức triển khai tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và trả kết quả
thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính đối với các thủ tục
hành chính mà thông tin, dữ liệu phục vụ xem xét, thẩm định hồ sơ đã có đầy đủ
trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành hoặc đã được kết nối,
chia sẻ, trừ trường hợp thủ tục hành chính yêu cầu phải kiểm tra thực địa, đánh
giá, kiểm tra, thẩm định tại cơ sở.
11. Trên cơ sở danh mục dữ liệu dùng chung quy định
tại khoản 4 Điều 24 Nghị định này, cập nhật hoặc đồng bộ dữ liệu thuộc phạm vi
quản lý để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.”.
18. Sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 36 như sau:
“3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chế hoạt
động của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính được tạo thành trên
cơ sở Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh để thống
nhất quản lý theo quy định tại Nghị định này.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo xây dựng và ban
hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử đối với việc giải quyết từng thủ tục
hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã bảo đảm áp dụng chung thống nhất cho quy
trình xử lý công việc liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính trong Hệ thống
quản lý chất lượng của cơ quan, tổ chức và thực hiện thống nhất trong toàn địa
phương.”.
Điều 2. Bổ sung, thay thế một số
từ, cụm từ tại một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm
2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải
quyết thủ tục hành chính
1. Bổ sung cụm từ “và tài khoản riêng” sau cụm từ
“có con dấu” tại điểm a khoản 2 Điều 7; bổ sung cụm từ
“theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức” sau
cụm từ “cử đến” tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 5 Điều 10,
sau cụm từ “Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả” tại điểm b khoản
2 Điều 10 và sau cụm từ “đến làm việc” tại điểm b khoản 3
Điều 10; bổ sung cụm từ “và quy định pháp luật về quản lý, sử dụng cán bộ,
công chức, viên chức” sau cụm từ “Nghị định này” tại điểm a khoản
2 Điều 10; bổ sung cụm từ “Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc” trước cụm từ “Cổng
Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh” tại khoản 3 Điều 16, khoản 2 Điều
17, khoản 3 Điều 20 và trước cụm từ “Hệ thống thông tin một cửa điện tử” tại
điểm c khoản 1 Điều 22, điểm c khoản 1 Điều 29 Nghị định
này.
2. Thay thế cụm từ “hệ thống thanh toán trực tuyến
của Cổng Dịch vụ công quốc gia” cho cụm từ “Cổng thanh toán tập trung của quốc
gia” tại điểm d khoản 2 Điều 25 Nghị định này.
Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực
hiện
1. Văn phòng Chính phủ hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc,
kiểm tra việc thực hiện Nghị định này; định kỳ hàng năm hoặc đột xuất báo cáo
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Nghị định này.
Điều 4. Điều khoản thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
2. Khoản 11 Điều 1 của Nghị
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6
năm 2022 đối với thủ tục hành chính thuộc phạm vi tiếp nhận của Bộ phận Một cửa
cấp bộ, cấp tỉnh; từ ngày 01 tháng 12 năm 2022 đối với thủ tục hành chính thuộc
phạm vi tiếp nhận của Bộ phận Một cửa cấp huyện và từ ngày 01 tháng 6 năm 2023
đối với thủ tục hành chính thuộc phạm vi tiếp nhận của Bộ phận Một cửa cấp xã.
Riêng các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn, biên giới, hải
đảo được thực thi chậm hơn nhưng phải trước ngày 31 tháng 12 năm 2024. Việc thực
thi sớm hơn thời hạn có hiệu lực thi hành của khoản này do Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Các Tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KSTT (2b).
|
TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Phạm Bình Minh
|