CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 09/2017/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 09
tháng 02 năm 2017
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY
ĐỊNH CHI TIẾT VIỆC PHÁT NGÔN VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA CÁC CƠ QUAN
HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật báo
chí ngày 05 tháng 4 năm 2016;
Căn cứ Luật ban
hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền
thông;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết
việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà
nước.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về người phát ngôn, chế độ
phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với:
1. Cơ quan hành chính nhà nước, gồm:
a) Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi
chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh);
b) Tổng cục, cục, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức cấp tỉnh thuộc cơ quan trung ương được tổ
chức theo ngành dọc đặt tại địa phương;
c) Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố
trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban
nhân dân cấp huyện) và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung
là Ủy ban nhân dân cấp xã).
2. Cơ quan báo chí, nhà báo và tổ chức, cá nhân
tham gia hoạt động báo chí tại Việt Nam.
Điều 3. Người thực hiện phát
ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
1. Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin
cho báo chí của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổng cục thuộc
bộ, cơ quan ngang bộ; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, gồm:
a) Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước;
b) Người được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà
nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên
(sau đây gọi chung là người phát ngôn);
c) Người có trách nhiệm thuộc cơ quan hành chính
nhà nước được người đứng đầu ủy quyền thực hiện phát ngôn (sau đây gọi chung là
người được ủy quyền phát ngôn) hoặc giao nhiệm vụ phối hợp cùng người phát ngôn
thực hiện phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể
được giao.
2. Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin
cho báo chí của các cục, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
và các tổ chức, cấp tỉnh thuộc cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt
tại địa phương, gồm:
a) Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước;
b) Trường hợp người đứng đầu cơ quan hành chính
không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền
cho cấp phó là người được giao phụ trách cơ quan thực hiện việc phát ngôn và
cung cấp thông tin cho báo chí.
3. Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin
cho báo chí của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã, gồm:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã;
b) Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân không thể thực
hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền cho cấp phó của
mình thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
4. Họ tên, chức vụ, số điện thoại
và địa chỉ e-mail của người phát ngôn phải được công bố bằng văn bản cho cơ
quan quản lý nhà nước về báo chí và phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện
tử, trang thông tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước.
5. Người phát ngôn quy định tại điểm b khoản 1 Điều
này nếu không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì phải
báo cáo để người đứng đầu cơ quan hành chính ủy quyền cho người có trách nhiệm
thuộc cơ quan mình thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
6. Việc ủy quyền phát ngôn quy định tại điểm c khoản
1, điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều này được thực hiện bằng văn bản, chỉ áp
dụng trong từng vụ việc và có thời hạn nhất định.
Khi thực hiện ủy quyền thì họ tên, chức vụ, số điện
thoại và địa chỉ e-mail của người được ủy quyền phát ngôn, văn bản ủy quyền phải
được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan
hành chính nhà nước hoặc niêm yết tại trụ sở (đối với Ủy ban nhân dân cấp xã
chưa có trang thông tin điện tử) trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ký văn bản ủy
quyền.
7. Người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn
quy định tại điểm b, điểm c khoản 1, điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều này
không được ủy quyền tiếp cho người khác.
8. Các cá nhân của cơ quan hành chính nhà nước
không là người được giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
được cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định pháp luật nhưng không được
nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo
chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp.
Điều 4. Hình thức phát ngôn và
cung cấp thông tin cho báo chí
1. Tổ chức họp báo.
2. Đăng tải nội dung phát ngôn và cung cấp thông
tin trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc trang mạng xã hội
chính thức của cơ quan hành chính nhà nước.
3. Phát ngôn trực tiếp hoặc trả lời phỏng vấn của
nhà báo, phóng viên.
4. Gửi thông cáo báo chí, nội dung trả lời cho cơ
quan báo chí, nhà báo, phóng viên bằng văn bản hoặc qua thư điện tử.
5. Cung cấp thông tin qua trao đổi trực tiếp hoặc tại
các cuộc giao ban báo chí do trung ương, địa phương tổ chức khi được yêu cầu.
6. Ban hành văn bản đề nghị cơ quan báo chí đăng,
phát phản hồi, cải chính, xin lỗi nội dung thông tin trên báo chí.
Chương II
PHÁT NGÔN VÀ CUNG CẤP
THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ
Điều 5. Phát ngôn và cung cấp
thông tin định kỳ
1. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ
trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức cung cấp thông tin
cho báo chí theo định kỳ 1 tháng một lần về hoạt động và công tác chỉ đạo, điều
hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức họp báo, cung cấp thông
cáo báo chí và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.
Cổng thông tin điện tử của Chính phủ có trách nhiệm
cập nhật thông tin theo các quy định hiện hành để cung cấp kịp thời, chính xác
thông tin chính thống cho các cơ quan báo chí trong cả nước.
2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức cung cấp thông tin định
kỳ cho báo chí về hoạt động của cơ quan mình, về lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm
vi quản lý của mình, thông qua các hình thức sau:
a) Hàng tháng cung cấp thông tin định kỳ cho báo
chí và cập nhật thông tin trên Cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện
tử của cơ quan mình theo quy định của Chính phủ về cung cấp thông tin và dịch vụ
công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ
quan nhà nước;
b) Ít nhất 3 tháng một lần tổ chức họp báo để cung
cấp thông tin định kỳ cho báo chí;
c) Trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước
tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí bằng văn bản hoặc thông tin trực
tiếp tại các cuộc giao ban báo chí hàng tuần do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ
Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức;
d) Cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho Cổng
thông tin điện tử của Chính phủ theo quy định hiện hành.
3. Tổng cục, cục, các cơ quan
chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các tổ chức cấp tỉnh thuộc cơ quan
trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương và Ủy ban nhân dân cấp
huyện:
a) Cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí và cập nhật
thông tin trên Cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan
mình theo quy định của Chính phủ về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến
trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;
b) Cử người phát ngôn cung cấp thông tin tại họp
báo của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi có yêu cầu;
c) Trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước
tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí bằng văn bản;
Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
các tổ chức cấp tỉnh thuộc cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại
địa phương và Ủy ban nhân dân cấp huyện có thể thông tin trực tiếp tại các cuộc
giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức.
d) Cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho Cổng
thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh theo quy định hiện hành.
4. Ủy ban nhân dân cấp xã:
a) Cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho Cổng
thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện;
b) Trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân cấp xã
cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí bằng văn bản hoặc các hình thức quy định
tại Điều 4 Nghị định này.
Điều 6. Phát ngôn và cung cấp
thông tin trong trường hợp đột xuất, bất thường
1. Trường hợp xảy ra sự cố mang tính quốc gia liên
quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe của cộng
đồng, trừ trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp, Thủ tướng Chính phủ hoặc người
phát ngôn của Chính phủ thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
ngay sau khi sự cố xảy ra và thường xuyên trong quá trình xử lý sự cố.
2. Đối với sự cố liên quan đến
nhiều bộ, ngành, nhiều tỉnh, thành phố, bộ, cơ quan ngang bộ hoặc Ủy ban nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Chính phủ giao chủ trì xử lý phải
thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên trong quá
trình xử lý sự cố.
3. Người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát
ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo
chí trong các trường hợp đột xuất, bất thường sau đây:
a) Khi xảy ra các sự kiện, vấn đề quan trọng có tác
động lớn trong xã hội hoặc khi dư luận xuất hiện nhiều ý kiến không thống nhất
về một vấn đề thuộc phạm vi quản lý của cơ quan hành chính nhà nước thì người
phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn phải thực hiện phát ngôn và cung cấp
thông tin cho báo chí để cảnh báo kịp thời và định hướng dư luận.
Trường hợp xảy ra vụ việc cần có ngay thông tin ban
đầu của cơ quan hành chính nhà nước thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền
phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí
trong thời gian chậm nhất là 24 giờ, kể từ khi vụ việc xảy ra.
b) Khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan chỉ đạo, quản
lý nhà nước về báo chí có yêu cầu phát ngôn hoặc cung cấp thông tin về các sự
kiện, vấn đề của cơ quan, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan đã được
nêu trên báo chí hoặc về các sự kiện, vấn đề nêu tại điểm a khoản 3 Điều này.
c) Khi có căn cứ cho rằng báo chí đăng, phát thông
tin sai sự thật về lĩnh vực, địa bàn do cơ quan mình quản lý, người phát ngôn
hoặc người được ủy quyền phát ngôn yêu cầu cơ quan báo chí đó phải đăng, phát ý
kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Quyền và trách nhiệm của
người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc phát ngôn và cung cấp
thông tin cho báo chí
1. Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có thể
trực tiếp phát ngôn hoặc giao nhiệm vụ cho người phát ngôn của cơ quan hoặc ủy
quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan hành chính thực hiện phát ngôn và
cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định tại điểm b, điểm c
khoản 1, điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định này.
2. Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước chịu
trách nhiệm về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan
hành chính kể cả trong trường hợp ủy quyền cho người khác phát ngôn và cung cấp
thông tin cho báo chí.
3. Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước tổ chức
chỉ đạo việc chuẩn bị các thông tin và chế độ phát ngôn của cơ quan mình.
Điều 8. Quyền và trách nhiệm của
người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn
1. Người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn
được nhân danh đại diện cơ quan hành chính nhà nước phát ngôn và cung cấp thông
tin cho báo chí.
2. Người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn
có quyền yêu cầu các đơn vị, cá nhân có liên quan trong cơ quan mình cung cấp
thông tin, tập hợp thông tin để phát ngôn, cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất
cho báo chí theo quy định tại Điều 5, Điều 6
của Nghị định này; để trả lời các phản ánh, kiến nghị, phê bình, khiếu nại,
tố cáo của tổ chức, công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát trên
báo chí theo quy định của pháp luật.
Các đơn vị, cá nhân khi có yêu cầu của người phát
ngôn, người được ủy quyền phát ngôn về việc cung cấp thông tin để thực hiện việc
phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí có trách nhiệm thực hiện đúng yêu cầu
về nội dung và thời hạn cung cấp thông tin.
3. Người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn
có quyền từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong các
trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật báo chí.
4. Người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn
có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định này và chịu trách
nhiệm trước pháp luật, trước người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước về nội
dung phát ngôn và thông tin cung cấp cho báo chí.
5. Trong trường hợp các cơ quan báo chí đăng, phát
không chính xác nội dung thông tin mà người phát ngôn, người được ủy quyền phát
ngôn đã phát ngôn, người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn có quyền nêu
ý kiến phản hồi bằng văn bản đến cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ
quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện tại Tòa án.
Điều 9. Trách nhiệm của cơ quan
báo chí, nhà báo, phóng viên
1. Cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên có trách
nhiệm đăng, phát, phản ánh trung thực, khách quan, đầy đủ nội dung phát ngôn và
thông tin do người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn cung cấp, đồng thời
phải ghi rõ họ tên người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn, tên cơ
quan hành chính nhà nước của người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn.
Trường hợp cơ quan báo chí đăng, phát đúng nội dung thông tin mà người phát
ngôn, người được ủy quyền phát ngôn cung cấp thì không phải chịu trách nhiệm về
nội dung thông tin đó.
2. Cơ quan báo chí phải đăng, phát ý kiến phản hồi
của người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn đối với các nội dung đăng tải
không chính xác. Thời điểm đăng, phát thực hiện theo quy định tại khoản
5 Điều 42 Luật báo chí.
Điều 10. Xử lý vi phạm
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không thực
hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định trong Nghị
định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của
pháp luật.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30
tháng 3 năm 2017.
2. Nghị định này bãi bỏ các quy định của Quy chế
phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành kèm theo Quyết định số
25/2013/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 12. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chịu
trách nhiệm tổ chức triển khai, kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định
này./
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (3b).KN
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|