BỘ CHÍNH TRỊ
--------
|
ĐẢNG CỘNG
SẢN VIỆT NAM
---------------
|
Số: 88-KL/TW
|
Hà Nội, ngày
18 tháng 2 năm 2014
|
KẾT LUẬN
VỀ TỔ CHỨC KỶ
NIỆM 100 NĂM, TRÊN 100 NĂM NGÀY SINH; XÂY DỰNG KHU LƯU NIỆM, NHÀ LƯU NIỆM; XÂY
DỰNG, CÔNG BỐ PHIM TÀI LIỆU VỀ THÂN THẾ, SỰ NGHIỆP CÁC ĐỒNG CHÍ LÃNH ĐẠO CHỦ
CHỐT CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ LÃNH ĐẠO TIỀN BỐI TIÊU BIỂU
Tại phiên họp ngày 19-12-2013, sau khi nghe Ban
Tuyên giáo Trung ương trình Đề án “Một số vấn đề liên quan đến việc đổi mới tổ
chức kỷ niệm 100 năm, trên 100 năm ngày sinh; xây dựng khu lưu niệm, nhà lưu
niệm; xây dựng, công bố phim tài liệu về thân thế, sự nghiệp các đồng chí lãnh
đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu” (Tờ trình số
155-TTr/BTGTW và Đề án số 45-DA/BTGTW, ngày 02-12-2013), ý kiến của các cơ quan
liên quan, Bộ Chính trị kết luận như sau:
I- Về kỷ niệm 100 năm, trên 100 năm ngày sinh
1- Các đồng chí được tổ chức kỷ
niệm 100 năm và trên 100 năm ngày sinh là lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước
và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu đã hy sinh, từ trần
- Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước là các
đồng chí đã giữ một trong các chức vụ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng
Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội (hoặc tương đương) được tổ chức kỷ niệm gồm 19 đồng
chí: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn,
Nguyễn Văn Linh, Võ Nguyên Giáp (trường hợp đặc biệt), Tôn Đức Thắng, Phạm Văn
Đồng, Phạm Hùng, Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Thúc Kháng,
Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn, Lê Quang Đạo, Huỳnh Tấn Phát.
- Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu là các đồng chí đã
giữ những cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng, Nhà nước từ năm 1945 về trước,
có công lao to lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc được tổ chức
kỷ niệm gồm các đồng chí: Tô Hiệu, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng
Lưu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên,
Hoàng Văn Thụ, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Phong Sắc, Lê Đức Thị, Lê Văn Lương,
Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân, Tố Hữu.
2- Nguyên tắc tổ chức kỷ niệm
Chỉ tổ chức kỷ niệm ngày sinh khi các đồng chí
lãnh đạo đã hy sinh, từ trần. Lần kỷ niệm đầu tiên là tròn 100 năm ngày sinh,
các lần tiếp theo là 10 năm/1 lần với quy mô nhỏ hơn kỷ niệm 100 năm. Trường
hợp thọ trên 100 tuổi thì lần kỷ niệm đầu tiên sau khi mất (vào dịp 110 năm
hoặc 120 năm...) tổ chức như kỷ niệm 100 năm. Tỉnh, thành phố quê hương đồng
chí lãnh đạo hoặc ban, bộ, ngành nơi đồng chí lãnh đạo đó đã công tác và giữ chức
vụ cao nhất chủ trì tổ chức Lễ kỷ niệm.
3- Hình thức tổ chức kỷ niệm
- Đối với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của
Đảng, Nhà nước:
+ Tổ chức kỷ niệm 100 năm (110 năm hoặc 120
năm...) ngày sinh lần đầu tiên sau khi mất quy mô cấp quốc gia với các hoạt động:
Lễ dâng hương, Lễ kỷ niệm, hội thảo khoa học, xuất bản sách, xây dựng phim tài
liệu, tổ chức tuyên truyền trên báo chí, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, triển
lãm...
+ Tổ chức kỷ niệm trên 100 năm ngày sinh (từ lần
kỷ niệm thứ hai trở đi) với các hoạt động: Lễ dâng hương, hội thảo khoa học
hoặc toạ đàm, chiếu lại bộ phim tài liệu đã có (có thể bổ sung, hoàn chỉnh thêm
nội dung phim nhưng không kéo dài thời lượng quá mức quy định).
- Đối với các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu
biểu:
+Tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh quy mô cấp
tỉnh, thành phố (hoặc cấp ban, bộ, ngành) với các hoạt động: Lễ dâng hương, Lễ
kỷ niệm, hội thảo khoa học, có thể xuất bản sách, xây dựng phim tài liệu, tổ
chức tuyên truyền trên báo chí, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, triển lãm...
+ Tổ chức kỷ niệm trên 100 năm ngày sinh với các
hoạt động: lễ dâng hương, toạ đàm, tuyên truyền trên báo chí, chiếu lại bộ phim
tài liệu đã có (có thể bổ sung, hoàn chỉnh thêm nội dung phim nhưng không kéo
dài thời lượng quá mức quy định.
II- Về xây dựng khu lưu niệm, nhà lưu niệm
1- Khu lưu niệm đồng chí lãnh đạo bao gồm
các di tích, nhà lưu niệm, nhà tưởng niệm. Nhà lưu niệm là nhà ở, nơi làm việc
lưu giữ những kỷ vật của đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh
đạo tiền bối tiêu biểu đã hy sinh, từ trần, hoặc công trình kiến trúc được xây
dựng để trưng bày giới thiệu tài liệu, hiện vật gắn với cuộc đời, sự nghiệp
cách mạng của đồng chí đó.
2- Xây dựng khu lưu niệm, nhà lưu niệm
chỉ được thực hiện khi các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và
lãnh đạo tiền bối tiêu biểu đã hy sinh, từ trần. Khu lưu niệm, nhà lưu niệm
phải gắn với di tích gốc như nhà ở, vườn, nơi làm việc hoặc từ đường dòng họ
của các đồng chí đó. Trường hợp không có di tích gốc hoặc di tích gốc không đủ
điều kiện xây dựng thì chính quyền địa phương xem xét cấp đất xây dựng mới,
nhưng phải đảm bảo mối liên hệ gắn bó với di tích gốc và không ảnh hưởng tới
quy hoạch chung. Việc xây dựng khu lưu niệm, nhà lưu niệm do chính quyền, nhân
dân địa phương phối hợp với gia đình, gia tộc, dòng họ thực hiện với quy mô phù
hợp với điều kiện của địa phương, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Nếu xây dựng tại
các di tích đã được xếp hạng phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy
định của Luật Di sản văn hoá. Đối với những công trình đã làm trước đây, không
đặt vấn đề xem xét lại, thu nhỏ, mở rộng hoặc xây dựng mới.
3- Đối tượng và diện tích xây dựng
- Khu lưu niệm đồng chí lãnh đạo chủ chốt của
Đảng, Nhà nước được xây dựng trên đất của tổ tiên để lại, có di tích gốc thì
không hạn chế diện tích nhưng phải có quy mô phù hợp, bảo đảm tương quan chung
giữa các khu lưu niệm trong cả nước, không phô trương, hình thức. Nếu là đất
cấp mới thì diện tích không quá 1.000m2 ở nông thôn và không quá
500m2 ở đô thị.
- Nhà lưu niệm đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu
biểu, được xây dựng trên đất của tổ tiên để lại, có di tích gốc, quy mô, diện
tích phù hợp, đảm bảo tương quan chung giữa các nhà lưu niệm khác. Nếu là đất
cấp thì diện tích không quá 500m2 ở nông thôn và không quá 300 m2
ở đô thị.
- Ngoài ra, đối với các đồng chí không thuộc hai
đối tượng nêu trên, nếu có công lao lớn với sự nghiệp cách mạng của đồng chí đó
được trưng bày trong các bảo tàng thích hợp.
III- Về xây dựng và công bố phim tài liệu
1- Về xây dựng phim
- Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà
nước được xây dựng một bộ phim tài liệu nhựa (hoặc các hình thức tiêu chuẩn kỹ
thuật tương đương) với độ dài không quá 40 phút.
- Các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu được
xây dựng một bộ phim tài liệu video (hoặc các hình thức số hoá khác) với độ dài
không quá 35 phút.
- Trường hợp đặc biệt, nếu số lượng tập phim và
độ dài phim nhiều hơn quy định trên, phải trình Bộ Chính trị xem xét, quyết
định. Việc làm phim giao cho Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương; trường
hợp đặc biệt giao cho Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện.
2- Về chiếu phim
Đài Truyền hình Việt Nam và các đài truyền hình
khác, các điểm, rạp công chiếu và phát sóng phim tài liệu về thân thế, sự
nghiệp đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ngay sau khi đồng chí đó từ trần và vào
dịp kỷ niệm 100 năm, trên 100 năm ngày sinh trong khung giờ phù hợp, ý nghĩa.
IV- Kinh phí
- Kinh phí tổ chức các hoạt động kỷ niệm, xây
dựng khu lưu niệm, nhà lưu niệm, xuất bản sách, xây dựng phim tài liệu do ngân
sách Trung ương đảm bảo. Trường hợp huy động nguồn kinh phí xã hội hoá, phải
trình Ban Bí thư xem xét, quyết định.
- Tỉnh, thành phố quê hương đồng chí lãnh đạo
(hoặc cơ quan, tổ chức được giao) có trách nhiệm xây dựng khu lưu niệm, nhà lưu
niệm theo quy định, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm; không kết hợp với
việc xây dựng các công trình khác.
Ngoài các quy định nêu trên, trường hợp đặc biệt
phải trình Ban Bí thư xem xét, quyết định.
V- Tổ chức thực hiện
- Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thể chế hoá
các nội dung trong Kết luận này; bố trí kinh phí tổ chức các hoạt động nêu trên
bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, không phô trương, hình thức; thành lập Ban Tổ
chức cấp quốc gia kỷ niệm ngày sinh các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng,
Nhà nước.
- Ban Tuyên giáo Trung ương lập danh mục tổ chức
kỷ niệm 100 năm và trên 100 năm ngày sinh các đồng đồng chí lãnh đạo chủ chốt
của Đảng, Nhà nước và các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu trong từng nhiệm
kỳ đại hội đảng toàn quốc; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng
kế hoạch tổ chức kỷ niệm 100 năm và trên 100 năm ngày sinh các đồng chí lãnh
đạo, báo cáo Ban Bí thư xem xét, quyết định cụ thể. Chỉ đạo, hướng dẫn công tác
tuyên truyền, xuất bản sách, thẩm định nội dung phim tài liệu.
- Ban cán sự đảng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du
lịch chỉ đạo Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất phim tài liệu
được giao; đầu tư thiết bị làm phim đạt chất lượng cao; bổ sung tư liệu trong,
ngoài nước và nâng cấp kho tư liệu phim về các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà
nước; chỉ đạo triển khai việc chiếu phim theo quy định trên tại các rạp và điểm
chiếu phim.
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiếp
tục nghiên cứu, rà soát về thân thế, sự nghiệp cách mạng của các đồng chí lãnh
đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu thuộc diện được
tổ chức kỷ niệm; nếu phát hiện thêm đồng chí có đủ tiêu chí được tổ chức kỷ
niệm, kịp thời báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
- Các ban, bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan báo
chí ở Trung ương và địa phương căn cứ nội dung Kết luận này chủ động triển khai
thực hiện tại địa phương, đơn vị mình.
Ban Tuyên giáo Trung ương có trách nhiệm theo
dõi, nắm tình hình triển khai thực hiện Kết luận này, định kỳ báo cáo Bộ Chính
trị, Ban Bí thư theo quy định.
|
T/M BỘ CHÍNH
TRỊ
Lê Hồng Anh
|