ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 88/KH-UBND
|
Cần Thơ, ngày 12 tháng 8 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1659/QĐ-TTg NGÀY 19 THÁNG 11 NĂM 2019 CỦA THỦ TƯỚNG
CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ HỌC TẬP NGOẠI NGỮ CHO CÁN BỘ,
CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC GIAI ĐOẠN 2019 - 2030”
Thực hiện Quyết định số 1659/QĐ-TTg
ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt
Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán
bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030” và Công văn số 3266/BNV-ĐT ngày 01 tháng 7 năm 2020 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn
triển khai Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành xây dựng Kế hoạch
triển khai thực hiện như sau:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU,
ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung:
- Triển khai và thực hiện có hiệu quả
Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho
cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030”;
- Tổ chức quán
triệt và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của cấp ủy đảng,
chính quyền các cấp và toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC) đối với việc thực hiện Đề án “Chương trình quốc gia về
học tập ngoại ngữ cho CBCCVC”;
- Đẩy mạnh và tăng cường công tác đào
tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho CBCCVC các cấp, góp phần xây dựng
đội ngũ CBCCVC có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm
nhiệm vụ; đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và
khung năng lực theo quy định và đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Đến năm 2025:
+ Xây dựng cơ chế chính sách đào tạo,
bồi dưỡng khuyến khích học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ1 trong CBCCVC;
+ Đối với cán bộ, công chức cấp thành
phố, cấp huyện (cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp
phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi): phấn đấu đạt
25 % trình độ ngoại ngữ bậc 4 và tương đương trở lên;
+ Đối với viên chức: phấn đấu đạt 60%
viên chức và 50% viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên;
+ Đối với cán bộ, công chức cấp xã:
phấn đấu đạt 20% cán bộ, công chức cấp xã và 15% cán bộ,
công chức lãnh đạo, quản lý cấp xã dưới 40 tuổi công tác tại địa bàn hoặc
lĩnh vực có yêu cầu có sử dụng ngoại ngữ đạt trình độ ngoại
ngữ bậc 3 trở lên.
- Đến năm 2030:
+ 35% cán bộ, công chức cấp thành phố,
cấp huyện (tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và
tương đương trở lên dưới 40 tuổi) đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên;
+ 70% viên chức và 60% viên chức giữ
chức vụ lãnh đạo, quản lý đạt trình độ ngoại
ngữ bậc 4 trở lên;
+ 30% cán bộ, công chức cấp xã
và 25% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp
xã dưới 40 tuổi công tác tại địa bàn hoặc lĩnh vực có yêu
cầu có sử dụng ngoại ngữ đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở
lên.
2. Yêu cầu
a) Quán triệt đầy đủ nội dung của Quyết
định số 1659/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ đến toàn
thể đội ngũ CBCCVC trong cơ quan hành chính, đơn vị sự
nghiệp công lập;
b) Việc tổ chức, triển khai thực hiện
đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho CBCCVC phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả; đáp ứng
mục tiêu, lộ trình thời gian đề ra;
c) Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao
năng lực ngoại ngữ cho CBCCVC các cấp được thực hiện bảo đảm
phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước và
nhu cầu thực tế phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị; đồng thời, gắn với
quy hoạch cán bộ, sử dụng và phát huy hiệu quả trong thực thi công vụ.
3. Đối
tượng thực hiện
a) Đối tượng:
- Cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà
nước ở thành phố, quận, huyện; cán bộ, công chức cấp xã; công chức trong bộ máy
lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập;
- Viên chức trong đơn vị sự nghiệp
công lập.
b) Không áp dụng đối với các đối tượng sau: giáo viên, giảng viên ngoại ngữ; công chức, viên chức
công tác trong hệ thống các cơ quan, đơn vị thuộc ngành
ngoại giao (Sở Ngoại vụ).
II. NHIỆM VỤ, GIẢI
PHÁP THỰC HIỆN
1. Tăng
cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của sở, ban, ngành, địa phương và đội ngũ CBCCVC về sự cần thiết phải học tập, nâng cao
năng lực ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ và
làm việc trong môi trường quốc tế;
a) Nâng cao ý thức, tầm quan trọng việc
học tập ngoại ngữ; ý thức trách nhiệm của đội ngũ CBCCVC, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong việc thường xuyên học tập, nâng cao trình độ, năng lực
ngoại ngữ, cập nhật thông tin, kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu công vụ; yêu
cầu hội nhập và làm việc trong môi trường quốc tế;
b) Thực hiện công tác quy hoạch đào tạo,
gắn với bồi dưỡng nâng cao chất lượng
ngoại ngữ trong CBCCVC; khuyến khích đội ngũ CBCCVC tích cực
nâng cao trình độ chuyên môn, chủ động tham gia các chương trình đào tạo, bồi
dưỡng ngoại ngữ để không ngừng nâng cao năng lực và khả năng
làm việc, thích ứng với môi trường làm việc quốc tế.
2. Rà
soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho CBCCVC tích cực học tập
ngoại ngữ, nâng cao năng lực thực thi công vụ và làm việc
trong môi trường quốc tế:
a) Rà soát tiêu chuẩn trình độ ngoại
ngữ đối với CBCCVC trên cơ sở chức danh, vị trí việc làm
và yêu cầu thực thi công vụ;
b) Thực hiện công tác quy hoạch đảo tạo,
bồi dưỡng kết hợp công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ trên
cơ sở yêu cầu cơ cấu theo vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh ngạch công chức,
tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp huyện, cấp xã;
c) Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ
quan, đơn vị và đội ngũ CBCCVC chủ động trong việc lựa chọn
hình thức học tập phù hợp; đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo, bồi
dưỡng có năng lực, uy tín tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho CBCCVC;
d) Kết hợp quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ với quy hoạch cán bộ; đồng thời, kết hợp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm phát
huy nguồn nhân lực của thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố
trong tiến trình thực hiện hội nhập quốc tế;
đ) Rà soát việc thực hiện cơ chế
chính sách hỗ trợ, khuyến khích, nâng cao chất lượng đào tạo,
bồi dưỡng và kết hợp học tập ngoại ngữ cho CBCCVC phù hợp với yêu cầu của thành
phố;
e) CBCCVC thuộc diện quy hoạch nâng
cao năng lực ngoại ngữ trong chỉ tiêu được cấp thẩm quyền giao cho cơ quan, đơn
vị sẽ được thanh, quyết toán kinh phí đi học khi có chứng chỉ phù hợp với quy định hiện hành;
- Công chức khối hành chính cấp thành
phố; công chức khối hành chính cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã: từ nguồn
ngân sách của thành phố phân cấp theo quy định;
- Viên chức khối sự nghiệp: từ nguồn
tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; đóng góp của viên
chức; tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp
luật.
3. Rà
soát thực trạng năng lực, trình độ và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ của
đội ngũ CBCCVC của từng sở, ban, ngành; đơn vị sự nghiệp cấp
thành phố; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã để làm căn cứ xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu và yêu cầu theo
từng nhóm đối tượng, từng lĩnh vực công tác, từng vị trí
việc làm theo từng giai đoạn 05 năm và hàng năm.
4. Tăng
cường điều kiện dạy và học ngoại ngữ cho CBCCVC, tạo điều kiện hợp tác và phối
hợp với các cơ sở đào tạo có uy tín, năng lực được cấp thẩm
quyền phân công giảng dạy để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ CBCCVC; đồng thời, phát huy lợi thế các cơ
sở đào tạo đại học trên địa bàn thành phố trong việc đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho CBCCVC đáp ứng yêu cầu chuẩn theo quy định ngạch
công chức và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, góp phần nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực trong tiến trình hội nhập và kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế theo yêu
cầu vị trí việc làm.
5. Tăng
cường hợp tác quốc tế và xây dựng môi trường học tập ngoại ngữ cho CBCCVC
a) Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức,
cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ, hợp
tác, đầu tư, cung cấp các dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho CBCCVC;
b) Tranh thủ sự
hợp tác từ các nguồn học bổng thông qua chương trình, đề
án, chi tiêu của Bộ, ngành của Trung ương; chi tiêu đào tạo, bồi dưỡng từ nguồn
hỗ trợ hợp tác nước ngoài để cử CBCCVC tham gia đào tạo, bồi dưỡng vừa kết hợp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức
chuyên môn nghiệp vụ với nâng cao năng lực và kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, làm
việc trong môi trường quốc tế.
III. LỘ TRÌNH, KINH PHÍ
1. Lộ trình thực hiện
a) Năm 2020:
- Rà soát tiêu chuẩn, thực trạng
trình độ ngoại ngữ của CBCCVC để xây dựng quy hoạch đào tạo,
bồi dưỡng phù hợp yêu cầu tiêu chuẩn cán bộ, công chức
lãnh đạo quản lý, vị trí việc làm;
- Căn cứ nhu cầu thực tiễn trình độ,
năng lực ngoại ngữ của CBCCVC của cơ quan, đơn vị xây dựng Kế hoạch triển khai
thực hiện nội dung của Kế hoạch này với các mục đích, yêu
cầu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cụ thể nhằm thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch
đề ra.
b) Giai đoạn 2021 - 2025:
- Tiếp tục rà soát, tiêu chuẩn và thực
hiện đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ; kết hợp quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên
môn, nghiệp vụ;
- Tham mưu xây dựng
cơ chế chính sách liên quan đến hỗ trợ, khuyến khích nâng
cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và học tập ngoại ngữ cho CBCCVC phù hợp với
yêu cầu của thành phố;
- Tổ chức thực hiện Kế hoạch triển
khai thực hiện Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng
Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC đạt hiệu
quả.
c) Giai đoạn 2026 - 2030:
- Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải
pháp và đưa việc học tập ngoại ngữ thành những hoạt động
thường xuyên, thiết thực;
- Đưa việc học tập ngoại ngữ của
CBCCVC các cấp thành phong trào và được triển khai đồng bộ,
rộng khắp trên địa bàn thành phố nhằm phục vụ thiết thực và hiệu quả trong thực
thi công vụ và làm việc trong môi trường quốc tế.
2. Kinh phí thực hiện
Kinh phí thực hiện kế hoạch được bố
trí từ ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện
hành; kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công
chức; kinh phí của đơn vị sự nghiệp công lập; đóng góp của
CBCCVC; tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn tài chính
huy động hợp pháp theo quy định của pháp luật.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố; đơn vị
sự nghiệp cấp thành phố; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã triển
khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này, cụ thể như sau:
a) Tổ chức quán triệt, tuyên truyền,
phổ biến Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng
Chính phủ đến toàn thể CBCCVC thuộc cơ quan, đơn vị theo thẩm quyền quản lý góp
phần thúc đẩy tinh thần tự giác, tự nâng cao trình độ ngoại
ngữ trong đội ngũ CBCCVC nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng thích ứng với môi trường
làm việc quốc tế;
b) Rà soát, thống kê nhu cầu đào tạo,
bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ của CBCCVC thuộc cơ quan, đơn vị; xây dựng kế hoạch,
triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch này nhằm đáp ứng
tiêu chuẩn và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC thuộc thẩm quyền được giao;
c) Bảo đảm bố trí nguồn ngân sách,
huy động các nguồn lực kinh phí đảm bảo thực hiện đúng Kế hoạch đề ra;
d) Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch
và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho CBCCVC, gửi về Sở Nội vụ tổng hợp trước ngày 30 tháng 10 hàng năm.
2. Sở Nội vụ
a) Thường xuyên tổ chức triển khai thực
hiện Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2019 của
Thủ tướng Chính phủ;
b) Rà soát việc tham mưu xây dựng cơ
chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích nâng cao chất lượng đào tạo,
bồi dưỡng và học tập ngoại ngữ cho CBCCVC phù hợp với yêu cầu của thành phố;
c) Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn sở, ban, ngành thành phố; đơn vị sự nghiệp cấp thành phố;
Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện kế hoạch này;
d) Rà soát, tổng
hợp và tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt chỉ
tiêu bồi dưỡng ngoại ngữ cho CBCCVC để
thực hiện chỉ tiêu kế hoạch đề ra (lồng ghép
vào nội dung Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC hàng năm);
tham mưu mở lớp bồi dưỡng góp phần nâng cao năng lực ngoại ngữ cho CBCCVC khi có yêu cầu;
đ) Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh
giá, tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân thành
phố trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.
3. Sở Tài chính
a) Cân đối ngân
sách trình cấp có thẩm quyền phân bổ
kinh phí thực hiện;
b) Hướng dẫn việc thực hiện kinh phí
đào tạo, bồi dưỡng và bố trí kinh phí theo đúng quy định hiện hành.
4. Sở Giáo dục và
Đào tạo
Phối hợp với Sở Nội vụ nghiên cứu đề
xuất các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ phù hợp để đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ CBCCVC theo quy định.
Trên đây là Kế
hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2019
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại
ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030” của Ủy ban nhân
dân thành phố./.
Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ;
- TT TU, TT HĐND TP;
- CT, PCT UBND TP;
- Sở, ban,
ngành TP;
- UBND quận, huyện;
- VP UBND TP (2,3,4,5,6,7,8);
- Cổng TTĐT TP;
- Lưu: VT, ĐTS.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Quang Mạnh
|
1 Khung năng lực ngoại ngữ theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6
bậc dùng cho Việt Nam.