ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
389/KH-UBTVQH15
|
Hà Nội, ngày 26
tháng 12 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
TỔ
CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU LỰC,
HIỆU QUẢ CÔNG TÁC GIÁM SÁT, HƯỚNG DẪN CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI ĐỐI VỚI HOẠT
ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN”
Để tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Tiếp tục
đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, hướng dẫn của
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân”, Ủy ban
Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Bảo đảm tính thống nhất và nâng cao chất lượng,
hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối
với hoạt động của Hội đồng nhân dân.
- Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để
khắc phục được những hạn chế, bất cập trong giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân.
2. Yêu cầu
- Bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp và pháp
luật về trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc,
các Ủy ban, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng nhân
dân.
- Bảo đảm và phát huy tính chủ động, sáng tạo,
khách quan, độc lập về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng
nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân trước cử
tri và Nhân dân địa phương.
- Bảo đảm sự gắn kết trong toàn bộ hệ thống cơ quan
dân cử thông qua hoạt động giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối
với Hội đồng nhân dân.
II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Tiếp tục nghiên cứu rà soát,
đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về giám sát, hướng dẫn của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân
a) Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Ban Công
tác đại biểu, Ban Dân nguyện nghiên cứu các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy
ban Thường vụ Quốc hội theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 về triển
khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng chương
trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đề xuất sửa đổi, bổ sung
các quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, đồng thời hệ thống
hóa các văn bản pháp luật thành văn bản hướng dẫn chung của Ủy ban Thường vụ Quốc
hội đối với Hội đồng nhân dân.
b) Giao Ban Công tác đại biểu nghiên cứu, tham mưu Ủy
ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế mẫu hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp
tỉnh để bảo đảm tính thống nhất trong quy trình, thủ tục thực hiện chức năng,
nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
2. Tiếp tục đổi mới hoạt động
giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân
a) Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các
Ủy ban của Quốc hội tăng cường tổ chức giám sát chuyên đề hoạt động của Hội đồng
nhân dân mỗi nhiệm kỳ; tiếp tục làm rõ nội dung, phạm vi giám sát về việc thực
hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong các Đoàn giám sát
chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối
với việc thực hiện chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội,
an ninh, quốc phòng đối với địa bàn cụ thể theo chương trình giám sát hằng năm
(nếu có nội dung giám sát liên quan đến trách nhiệm của Hội đồng nhân dân),
giám sát việc ban hành các nghị quyết của Hội đồng nhân dân; về tổ chức và hoạt
động của Hội đồng nhân dân, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ giám sát, tái giám
sát, hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và các lĩnh vực khác mà cử
tri quan tâm.
b) Văn phòng Quốc hội giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội
xây dựng chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng
Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có các nội dung liên quan đến việc thực hiện
chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân cần bảo đảm hài hòa, hợp lý về mặt thời
gian, nội dung, tần suất giám sát nhằm giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện
đầy đủ thẩm quyền giám sát đối với Hội đồng nhân dân, đồng thời không ảnh hưởng
đến hoạt động của Hội đồng nhân dân.
3. Tiếp tục đổi mới hoạt động
hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân
a) Ban Công tác đại biểu nghiên cứu rà soát, đánh
giá các Nghị quyết, văn bản hướng dẫn cá biệt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về
tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân để ban hành một nghị quyết chung của
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thay thế Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 ngày
30/01/2019 hướng dẫn một số hoạt động của Hội đồng nhân dân nhằm mở rộng phạm
vi điều chỉnh theo hướng cơ bản bảo đảm bao quát các nội dung cần hướng dẫn về
tổ chức và hoạt động.
b) Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân
trong quá trình hoạt động, nếu có những vấn đề phát sinh, vướng mắc từ thực tiễn
cần hướng dẫn; Ban Công tác đại biểu căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực
phụ trách của từng cơ quan, có trách nhiệm tổng hợp, tham mưu Ủy ban Thường vụ
Quốc hội phân công các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm nghiên cứu đề xuất hướng
dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân theo lĩnh vực phụ trách.
4. Tiếp tục đổi mới, nâng cao
vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc điều hòa, phối hợp
hoạt động giám sát và hướng dẫn của Hội đồng nhân dân
a) Ban Công tác đại biểu tham mưu Ủy ban Thường vụ
Quốc hội tiếp tục duy trì và đổi mới việc tổ chức định kỳ Hội nghị Thường trực
Hội đồng nhân dân khu vực theo hướng thiết thực, hiệu quả gắn với việc theo
dõi, giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế
- xã hội của vùng, các địa bàn: (1) Khối các thành phố trực thuộc trung ương;
(2) Khối các tỉnh, thành phố theo yêu cầu liên kết vùng hoặc có đặc điểm chung
về tính chất địa bàn (ven biển, biên giới, trung du và miền núi, đồng bằng),
về quy mô và đặc điểm phát triển kinh tế. Kết hợp việc tổ chức các Hội nghị Thường
trực Hội đồng nhân dân chuyên đề về từng lĩnh vực.
b) Ban Công tác đại biểu tham mưu Chủ tịch Quốc hội
phân công các Phó Chủ tịch Quốc hội dự luân phiên Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh,
thành phố theo các vùng, miền để định hướng hoạt động của Hội đồng nhân dân
trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm thúc đẩy
việc thực hiện có hiệu quả cao các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội
ở địa phương, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu quả.
c) Ban Công tác đại biểu làm đầu mối tham mưu Ủy
ban Thường vụ Quốc hội định kỳ hằng năm tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của
Hội đồng nhân dân, Hội nghị có sự tham gia của đại diện Chính phủ để tăng cường
công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và công tác hướng dẫn,
kiểm tra của Chính phủ đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân; tham mưu Ủy ban
Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của
Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân vào đầu nhiệm kỳ và kết thúc nhiệm kỳ.
d) Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn
phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi có kế hoạch tổ
chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề cần lưu ý mời đại diện Thường trực Hội đồng
nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân có chức năng, nhiệm vụ cùng lĩnh vực
phụ trách tham dự.
đ) Ban Dân nguyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan
đổi mới, tăng cường công nghệ thông tin trong công tác dân nguyện, tiếp xúc cử
tri của đại biểu Hội đồng nhân dân; có cơ chế phối hợp công tác dân nguyện của
Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố với công tác dân nguyện của Quốc hội, đảm
bảo sự liên thông, tăng tính hiệu quả.
e) Ban Công tác đại biểu tham mưu Ủy ban Thường vụ
Quốc hội hàng năm tổ chức 1 - 2 đoàn, gồm thành phần là đại diện Thường trực Hội
đồng nhân dân cấp tỉnh đi nghiên cứu, trao đổi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài
nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu Hội đồng nhân dân.
5. Đầu tư phát triển hệ thống
thông tin, cơ sở dữ liệu thống kê/báo cáo bảo đảm sự liên thông, đồng bộ giữa
Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp
a) Ban Công tác đại biểu phối hợp với các cơ quan
liên quan triển khai lập dự án phát triển hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đồng
bộ, liên thông từ Quốc hội đến Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Thời gian triển khai
từ năm 2023 đến chậm nhất là ngày 01/01/2025.
b) Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương chỉ đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân
cấp tỉnh lập dự toán và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, triển khai dự
án (trên cơ sở phê duyệt chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) phát
triển hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đồng bộ, liên thông từ Hội đồng nhân
dân cấp tỉnh đến Hội đồng nhân dân cấp huyện và cấp xã. Thời gian triển khai từ
năm 2023 đến 2025.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Căn cứ Đề án, Kết luận của Đảng đoàn Quốc hội và Kế
hoạch này, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy
ban của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố và các cơ quan, tổ chức khác ở trung ương và địa
phương khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch này.
1. Trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công đồng chí Phó Chủ
tịch Thường trực Quốc hội trực tiếp theo dõi, chỉ đạo việc triển khai thực hiện
và chủ trì công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch. Trực tiếp báo cáo
với đồng chí Chủ tịch Quốc hội những nội dung công việc cần có sự lãnh đạo, chỉ
đạo, kịp thời của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, cơ
quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội
- Ban Công tác đại biểu là cơ quan Thường trực giúp
Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi, kịp thời tham mưu quá trình tổ chức triển
khai thực hiện, đề xuất các giải pháp cụ thể theo từng giai đoạn và tổng kết việc
thực hiện theo Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Các cơ quan được phân công nhiệm vụ, dự tính đầy
đủ các điều kiện bảo đảm triển khai đồng bộ có hiệu quả các nhiệm vụ đã được
giao; báo cáo Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả thực hiện
trong báo cáo công tác hàng năm.
- Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm bảo đảm kinh
phí và các nguồn lực cơ sở vật chất, kỹ thuật cho việc thực hiện các nhiệm vụ,
giải pháp được Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định đối với Ủy ban
Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy
ban Thường vụ Quốc hội.
3. Trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ, ngành
liên quan
- Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ
Quốc hội trong quá trình thực hiện Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng
thời chỉ đạo việc bố trí kinh phí đầu tư triển khai các dự án thiết lập hệ thống
thông tin, cơ sở dữ liệu bảo đảm kết nối liên thông, đồng bộ giữa các cơ quan
dân cử (của Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).
- Bộ Nội vụ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với
Ban Công tác đại biểu trong việc tổ chức Hội nghị phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ
Quốc hội và Chính phủ về công tác Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; về việc
giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đề xuất nội dung hướng dẫn, kiểm
tra đối với Hội đồng nhân dân.
- Bộ Tài chính có trách nhiệm bố trí kinh phí cho
việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong kế hoạch ngân sách hằng
năm.
4. Trách nhiệm của chính quyền địa phương
- Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phối hợp tổ chức thực
hiện các nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có
liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm; báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn
và trách nhiệm theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân
chỉ đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh lập dự
toán và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, triển khai dự toán (trên cơ sở
phê duyệt chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) phát triển hệ thống
thông tin, cơ sở dữ liệu đồng bộ, liên thông từ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đến
Hội đồng nhân dân cấp huyện và cấp xã. Thời gian triển khai từ năm 2023 đến
2025.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương có trách nhiệm bảo đảm kinh phí thực hiện đối với các thực hiện các
nhiệm vụ, giải pháp được Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định đối
với Hội đồng nhân dân, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân;
phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân cùng cấp trong việc thực hiện các nhiệm
vụ, quyền hạn; chịu sự giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công đồng chí Phó Chủ
tịch Thường trực Quốc hội trực tiếp theo dõi, chỉ đạo việc triển khai thực hiện
và chủ trì công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch.
Nơi nhận:
- Chính phủ;
- UBTWMTTQVN;
- TANDTC, VKSNDTC; Tổng KTNN;
- Thường trực HĐDT, các UB của QH;
- VPQH, VPCP, VPCTN;
- Cơ quan thuộc UBTVQH;
- Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy;
- Thường trực HĐND, UBND tỉnh, TP;
- VP Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh, TP;
- Lưu: HC, CTĐB.
- Số Epas: 113503
|
TM. ỦY BAN THƯỜNG
VỤ QUỐC HỘI
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Thanh Mẫn
|