ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3813/KH-UBND
|
Kon Tum, ngày 23
tháng 10 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC LÀM
CÔNG TÁC THAM MƯU XÂY DỰNG PHÁP LUẬT ĐÁP ỨNG YÊU CẦU, NHIỆM VỤ ĐẾN NĂM 2030
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
Thực hiện Quyết định số
916/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát
triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu
nhiệm vụ đến năm 2030 (viết tắt là Quyết định số 916/QĐ-TTg của Thủ tướng
Chính phủ); xét đề nghị của Sở Tư pháp[1], Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển
khai trên địa bàn tỉnh với các nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Thực hiện đồng bộ, đầy đủ,
có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực làm
công tác tham mưu xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đến năm 2030 trên
địa bàn tỉnh.
b) Xây dựng đội ngũ làm công
tác tham mưu xây dựng pháp luật trên địa bàn tỉnh có bản lĩnh chính trị vững
vàng, tư cách đạo đức tốt, chuyên môn phù hợp, thành thạo kỹ năng nghề nghiệp,
có cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
của tỉnh; từ đó góp phần xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, công
khai, minh bạch, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
c) Tạo chuyển biến tích cực về
nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với công tác
xây dựng pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
2. Yêu cầu
a) Xác định cụ thể nội dung
công việc và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc triển
khai Quyết định số 916/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
b) Đảm bảo việc sử dụng, phát
huy có hiệu quả nguồn nhân lực có kinh nghiệm trong công tác tham mưu xây dựng pháp
luật; trên cơ sở biên chế được giao, các cơ quan, đơn vị, địa phương chọn lựa một
số công chức có đủ kiến thức, năng lực vượt trội và kinh nghiệm để phân công, bố
trí, tổ chức trở thành lực lượng nòng cốt nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng
pháp luật; thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng để phát triển đội ngũ cán bộ,
công chức tham mưu xây dựng pháp luật kế cận, bảo đảm tính kế thừa.
c) Đảm bảo triển khai thực hiện
các nội dung của Kế hoạch nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả theo đúng yêu cầu, bám
sát tinh thần, nội dung Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định
số 916/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đồng bộ, thống nhất với và các Chương
trình, Kế hoạch khác có liên quan của tỉnh.
II. NỘI DUNG
1. Đổi mới tư duy, nâng cao nhận
thức, trách nhiệm trong việc xây dựng, phát triển nhân lực làm công tác tham
mưu xây dựng pháp luật
a) Đổi mới tư duy, nâng cao nhận
thức của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị về tầm quan trọng của công tác tham mưu
xây dựng pháp luật; vị trí, vai trò của cán bộ, công chức làm công tác tham mưu
xây dựng pháp luật và trách nhiệm trong việc xây dựng, phát triển đội ngũ này.
b) Nâng cao nhận thức, ý thức
trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu xây dựng pháp
luật; không để bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh nhằm cài cắm
lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
c) Thủ trưởng cơ quan chuyên
môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật của cơ quan, đơn vị, địa phương.
d) Ưu tiên chọn cử cán bộ, công
chức đã được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng xây dựng pháp luật phù hợp hoặc có
kinh nghiệm trong công tác tham mưu xây dựng pháp luật tham gia tổ biên tập, soạn
thảo văn bản quy phạm pháp luật.
đ) Tăng cường kỷ luật, kỷ
cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác
xây dựng pháp luật; không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm
trong công tác xây dựng pháp luật.
2. Tiếp tục nghiên cứu, rà
soát, tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện quy định của pháp luật về
tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức; quy định của Hội đồng nhân dân,
Ủy ban nhân dân tỉnh về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức thuộc thẩm
quyền; thực hiện quy định về thu hút, trọng dụng người có tài năng trong các
ngành, lĩnh vực góp phần bảo đảm chất lượng đầu vào của nguồn nhân lực làm công
tác xây dựng pháp luật
3. Thu hút, tuyển dụng, trọng dụng
người có tài năng vào làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật
a) Tìm kiếm, phát hiện người có
phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực, có khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc
và Nhân dân, có trình độ năng lực sáng tạo, vượt trội để thu hút, tuyển dụng
vào làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
b) Có chính sách thu hút, trọng
dụng người có tài năng ở khu vực ngoài nhà nước vào làm công tác tham mưu xây dựng
pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
c) Khuyến khích, đề cao trách
nhiệm của người phát hiện, giới thiệu, tiến cử người có tài năng vào làm công
tác tham mưu xây dựng pháp luật.
d) Xây dựng chương trình, kế hoạch
hợp tác, liên kết với các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước và nước ngoài trên
địa bàn tỉnh để đào tạo, bồi dưỡng người có tài năng làm công tác tham mưu xây
dựng pháp luật theo yêu cầu của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
4. Nâng cao năng lực cho đội
ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật; tổ chức các buổi
hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật.
a) Coi chất lượng nhân lực làm
công tác tham mưu xây dựng pháp luật là một trong những đột phá để nâng cao chất
lượng xây dựng pháp luật.
b) Xây dựng, duy trì đội ngũ
công chức có đủ kiến thức, năng lực vượt trội và kinh nghiệm trong công tác xây
dựng pháp luật để trở thành lực lượng nòng cốt bồi dưỡng, dẫn dắt, phát triển
nguồn nhân lực tham mưu xây dựng pháp luật tại các ngành, các địa phương trên địa
bàn tỉnh.
c) Xây dựng chương trình, đổi mới
phương pháp, nâng cao chất lượng tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ:
- Đổi mới phương pháp và nâng
cao chất lượng tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức tham mưu xây
dựng pháp luật, tăng cường kỹ năng nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị. Việc tập huấn,
hướng dẫn nghiệp vụ phải căn cứ vào nhu cầu thực tế, xử lý các vấn đề đặt ra
trong công tác tham mưu xây dựng pháp luật;
- Xây dựng chương trình, tài liệu
tập huấn có cơ cấu nội dung hợp lý, kết hợp giữa lý thuyết và trao đổi, thảo luận,
thực hành tình huống;
- Xây dựng, hoàn thiện các bộ
tài liệu, sổ tay điện tử về kiến thức, kỹ năng xây dựng pháp luật;
- Tổ chức hội thảo khoa học
trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật; tổ chức nghiên
cứu, khảo sát tình hình thực tế để xây chương trình, tài liệu tập huấn đáp ứng
yêu cầu.
5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
số, công nghệ thông tin và các công nghệ khác của cuộc Cách mạng công nghiệp lần
thứ tư trong việc hỗ trợ công tác xây dựng pháp luật
a) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
số, công nghệ thông tin và các công nghệ khác trong việc hỗ trợ công tác xây dựng
pháp luật; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, bảo đảm tính chính
xác, đầy đủ, cập nhật, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận.
b) Đẩy mạnh thông tin, truyền
thông về vai trò của nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật, về Đề
án phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật.
6. Kiểm tra việc triển khai Quyết
định số 916/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả
triển khai thực hiện; biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các gương tiên tiến điển
hình.
III. KINH PHÍ
THỰC HIỆN: Kinh phí thực hiện Kế hoạch này được bố trí từ nguồn
ngân sách nhà nước theo quy định phân cấp ngân sách hiện hành và kinh phí huy động
từ các nguồn lực tài chính hợp pháp khác (nếu có) theo quy định của pháp
luật.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Các sở, ban ngành thuộc Ủy
ban nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, đơn vị:
a) Xây dựng Kế hoạch, ban hành
các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện cụ thể để tổ chức triển
khai thực hiện có hiệu quả tại cơ quan, đơn vị.
b) Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở
Nội vụ và các sở, ban ngành khác có liên quan đến triển khai thực hiện Mục II Kế
hoạch theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
c) Định kỳ hoặc đột xuất báo
cáo tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo theo quy định, theo yêu cầu.
2. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố:
a) Xây dựng Kế hoạch cụ thể; chỉ
đạo Ủy ban nhân dân cấp xã để tổ chức triển khai thực hiện các nội dung tại Mục
II Kế hoạch này cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
b) Định kỳ hoặc đột xuất báo
cáo tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo theo quy định, theo yêu cầu.
3. Sở Nội vụ
a) Phối hợp với Sở Tư pháp triển
khai hoạt động có liên quan đến nội dung tại Mục II Kế hoạch này. Chủ trì đối với
các nội dung có liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Nội
vụ.
b) Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất,
tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn thiện quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử
dụng, quản lý công chức; rà soát quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban
nhân dân tỉnh về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền;
tiếp tục thực hiện các quy định về thu hút, trọng dụng người có tài năng vào
làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật, góp phần phát triển nguồn nhân lực
làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh.
4. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở
Tư pháp và các đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu cấp thẩm quyền bố trí
kinh phí thực hiện Kế hoạch này đảm bảo phù hợp với khả năng ngân sách hàng năm
theo đúng quy định Luật Ngân sách nhà nước, các quy định pháp luật có liên quan
và theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
5. Sở Thông tin và Truyền
thông: Phối hợp với Sở Tư pháp triển khai hoạt động có liên quan đến nội dung tại
Mục II Kế hoạch. Chủ trì đối với các nội dung có liên quan trực tiếp đến chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Thông tin và Truyền thông.
6. Sở Tư pháp:
a) Chủ trì theo dõi, đôn đốc hướng
dẫn, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan triển khai thực hiện Kế
hoạch triển khai Quyết định số 916/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn
tỉnh bảo đảm mục đích, yêu cầu và tiến độ đề ra. Thực hiện kiểm tra, đánh giá
tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 916/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
và Kế hoạch này, kịp thời tổng hợp các đề xuất, kiến nghị gửi các cơ quan có thẩm
quyền để được hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình
thực hiện; tổng hợp tình hình báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Ủy ban
nhân dân tỉnh theo đúng quy định.
b) Xây dựng, biên soạn các bộ
tài liệu chuyên sâu hướng dẫn kỹ năng xây dựng pháp luật cho các cán bộ, công
chức làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật.
c) Tổ chức các lớp tập huấn
chuyên sâu cho cán bộ, công chức tham mưu xây dựng pháp luật về kiến thức, kỹ
năng xây dựng pháp luật.
d) Thu thập, cập nhật đầy đủ, kịp
thời các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh
ban hành trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
đ) Tổ chức hội thảo khoa học,
khảo sát tình hình thực tế để nghiên cứu xây dựng chương trình, tài liệu tập huấn
đáp ứng yêu cầu.
Trên đây là Kế hoạch triển khai
Quyết định số 916/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về
phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp
luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ
quan, đơn vị triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành thuộc UBND tỉnh (t/h);
- Các doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh;
- UBND các huyện,thành phố (t/h);
- VP UBND tỉnh: CVP, các PCVP;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu VT, NC-NĐB.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hữu Tháp
|
[1] Tại Tờ trình số
163/TTr-STP ngày 27 tháng 9 năm 2024 của Sở Tư pháp.