ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
199/KH-UBND
|
Hưng
Yên, ngày 28 tháng 12 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
NÂNG CAO CHỈ SỐ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG (PAPI) TỈNH HƯNG
YÊN NĂM 2022
Căn cứ kết quả công bố Chỉ số Hiệu quả
quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh Hưng Yên những năm gần đây do Chương
trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam chủ trì thực hiện nhằm đo lường, phản
ánh sự trải nghiệm và cảm nhận của người dân về hiệu quả, chất lượng thực thi
chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền các địa phương tại 63 tỉnh/thành
phố trực thuộc Trung ương;
Nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI
của tỉnh năm 2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ của
Chỉ thị số 06/CT-CTUBND ngày 17/5/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về nâng cao Chỉ số
Hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Hưng Yên, phấn đấu Chỉ số PAPI của tỉnh
Hưng Yên năm 2022 tăng bậc so với năm 2021.
b) Phát huy sự tham gia của mọi tầng
lớp Nhân dân vào quá trình xây dựng, thực thi và giám sát việc thực thi chính
sách; nâng cao chất lượng điều hành, quản trị và hành chính công của bộ máy
chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng nền hành chính minh bạch, liêm
chính, hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp, thống nhất, nâng cao chất lượng phục
vụ và uy tín của chính quyền các cấp đối với Nhân dân.
c) Xác định cụ thể trách nhiệm của từng
cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để
nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan
Nhà nước, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trong nỗ lực cải thiện
Chỉ số PAPI.
2. Yêu cầu
a) Kế hoạch được triển khai đồng bộ ở
các cấp chính quyền; tập trung trọng điểm tại các xã, phường, thị trấn trên địa
bàn tỉnh. Quá trình thực hiện cần kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ
chuyên môn của các sở, ban, ngành tỉnh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
của huyện, thị xã, thành phố; xác định cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI là nhiệm
vụ thường xuyên, lâu dài, kiên trì, liên tục của các cơ quan, đơn vị; đặc biệt
là cấp huyện và cấp xã.
b) Các cơ quan nhà nước phải đẩy mạnh
công tác tuyên truyền rộng rãi đến cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, thực hiện
tốt yêu cầu; thấu hiểu, chia sẻ và kịp thời giải quyết các vướng mắc, bức xúc của
Nhân dân, của tổ chức và cá nhân; đánh giá đúng thực trạng, xây dựng Kế hoạch
thực hiện các nội dung liên quan đến việc xác định Chỉ số PAPI của ngành, địa
phương mình.
II. NỘI DUNG
1. Tổ chức thực
hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị gắn với
các nội dung của Chỉ số PAPI:
a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, trách
nhiệm, quyền hạn, các địa phương, đơn vị lập kế hoạch, chủ động tổ chức thực hiện
nhằm phát huy được sự đồng thuận, tham gia, ủng hộ; cải thiện đánh giá của người
dân; góp phần cải thiện Chỉ số PAPI của tỉnh trên 08 lĩnh vực Chỉ số PAPI đề cập
như sau:
- Tổ chức các hoạt động, thực hiện
các phương thức phù hợp để người dân được tham gia tích cực và chủ động vào đời
sống chính trị, kinh tế, xã hội; phát huy quyền làm chủ của người dân, góp phần
cải thiện hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương.
- Thực hiện đúng, đủ việc công khai,
minh bạch trong việc ra quyết định theo quy định tại Pháp lệnh về thực hiện dân
chủ ở xã, phường, thị trấn; tiếp thu ý kiến đóng góp, kiến nghị, phát giác, thắc
mắc của người dân; thực hiện giải đáp, xử lý, điều chỉnh kịp thời, đúng quy định
những ý kiến của người dân.
- Nâng cao trách nhiệm giải trình với
người dân; tăng cường hiệu quả các phương thức tương tác giữa chính quyền và
người dân; thực hiện tốt công tác tiếp công dân; tập trung giải quyết có hiệu
quả những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.
- Tích cực kiểm soát tham nhũng trong
chính quyền các cấp; trong các dịch vụ công ích, đặc biệt các lĩnh vực thiết yếu
tới đời sống dân sinh như y tế, giáo dục; trong công tác tuyển dụng công chức,
viên chức.
- Nâng cao chất lượng giải quyết thủ
tục hành chính ở các cơ quan hành chính nhà nước; đặc biệt chú trọng các thủ tục
hành chính: chứng thực, xác nhận, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất và các dịch vụ hành chính cấp xã.
- Nâng cao chất lượng các dịch vụ
công ích thiết yếu cấp cơ sở như: Y tế công lập, Giáo dục bậc tiểu học; cải thiện
cơ sở hạ tầng căn bản đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người
dân: điện lưới, nước sạch, giao thông, quản lý rác thải, an ninh trật tự...
- Nghiêm túc trong công tác quản trị
môi trường; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường
sống của người dân hướng tới phát triển bền vững.
- Nỗ lực hơn nữa trong công tác quản
trị điện tử; hỗ trợ người dân tiếp cận và thực hiện tốt trách nhiệm phản hồi đối
với ý kiến, phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua cổng thông tin điện tử.
b) Các cơ quan, đơn vị được phân công
nhiệm vụ cụ thể căn cứ Biểu tổng hợp nhiệm vụ (gửi kèm theo Kế hoạch này)
chủ động triển khai thực hiện.
2. Công tác thông
tin, tuyên truyền
a) Tăng cường các kênh truyền thông,
hình thức truyền thông, thời lượng truyền thông, tần suất truyền thông tới cộng
đồng, tới các khu vực dân cư, tới tận người dân. Khuyến khích các phương thức
truyền thông mới, phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ, xu hướng của từng khối
đối tượng và khu vực dân cư. Chủ động về thời điểm thông tin, nội dung thông
tin, tạo điều kiện thuận lợi để người dân kịp thời, dễ dàng tiếp cận thông tin
chính thống; chỉ dẫn cách thức, địa điểm, thời gian tiếp cận thông tin; hướng dẫn
người dân xử lý thông tin.
b) Nội dung tuyên truyền cần tập
trung: hiểu biết về chính sách, pháp luật trong những lĩnh vực gần gũi, sát với
đời sống người dân; quyền lợi, nghĩa vụ của người dân trong quá trình sinh sống,
học tập, làm việc tại địa phương; trách nhiệm tham gia các hoạt động và đóng
góp ý kiến xây dựng chính quyền cơ sở; Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường,
thị trấn; các nội dung, vấn đề mà người dân có quyền được biết, được bàn, được
tham gia thực hiện hoặc kiểm tra, giám sát việc thực hiện; trách nhiệm của
chính quyền, cán bộ, công chức cấp xã, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên
quan và của Nhân dân trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; phổ biến
những nỗ lực của các cấp, các ngành, các đơn vị trong vận hành chính quyền, thực
hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn; những thành quả trong phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh và địa phương; quan điểm, thái độ, quyết tâm và kết
quả tỉnh đã đạt được trong thực hiện an sinh xã hội, dịch vụ công, bảo vệ môi
trường, phòng chống tham nhũng, trách nhiệm giải trình của chính quyền...
c) Tuyên truyền tới đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức, người lao động về mục đích, ý nghĩa và kết quả Chỉ số
PAPI của tỉnh năm 2021 và những năm qua; chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên
nhân, trách nhiệm đối với các nội dung tại Chỉ số PAPI; từ đó xác định trách
nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức và cá nhân trong việc cải thiện, nâng
cao Chỉ số PAPI trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
3. Kiểm tra, giám
sát việc thực hiện Kế hoạch
a) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra; chú trọng kiểm tra đột xuất, chỉ đạo hoặc kiến nghị khắc phục các tồn tại
có thời hạn cụ thể; tái kiểm tra việc khắc phục các tồn tại đối với các đơn vị
đã được kiểm tra trước đây; chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, thiếu sót trong
thực thi nhiệm vụ, đặc biệt ở cấp chính quyền cơ sở. Công tác kiểm tra, giám
sát việc thực thi chính sách, thực thi công vụ thực sự đi sâu đi sát vào các nội
dung cụ thể, công việc cụ thể của các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở; có chế
tài mạnh đối với các sai phạm, thiếu sót, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ
chuyên môn, thực thi công vụ và triển khai thực hiện Kế hoạch; chỉ đạo khắc phục
hoặc kiến nghị khắc phục các tồn tại có thời hạn cụ thể.
b) Chủ động phối hợp với các cấp, các
ngành để đề xuất lồng ghép phù hợp nội dung cải thiện Chỉ số PAPI vào nội dung
kiểm tra của các đoàn công tác: Kiểm tra thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở; kiểm
tra công tác cải cách hành chính; kiểm tra công vụ; thanh tra ngành Nội vụ theo
kế hoạch.
c) Giao Sở Nội vụ chủ động, linh hoạt
trong hình thức kiểm tra, thời gian kiểm tra, phương thức kiểm tra đối với các
cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh; chú trọng địa bàn kiểm tra trực tiếp tới tận UBND cấp
xã, thôn, tổ dân phố.
d) UBND cấp huyện, UBND cấp xã chủ động,
tăng cường kiểm tra đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc; chấn chỉnh, khắc phục
kịp thời các thiếu sót, tồn tại trong thực hiện chức trách, thực thi công vụ của
các tổ chức, cá nhân trong cơ quan nhà nước. UBND cấp huyện sử dụng kết quả kiểm
tra và đưa nội dung thực hiện Kế hoạch vào tiêu chí xác định Chỉ số PAPI năm
2022 của các xã, phường, thị trấn.
đ) Các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc UBND
tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra về nghiệp vụ chuyên ngành theo ngành dọc
thuộc lĩnh vực quản lý; tham mưu, kiến nghị UBND tỉnh chấn chỉnh kịp thời các
sai phạm, thiếu sót về chuyên môn thuộc lĩnh vực phụ trách, quản lý.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Nội vụ
a) Là cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh
triển khai thực hiện các nội dung nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành
chính công của tỉnh; thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực
hiện của các đơn vị, báo cáo UBND tỉnh theo quy định;
b) Tham mưu UBND tỉnh kiểm tra việc
thực hiện Kế hoạch này (lồng ghép trong kiểm tra công tác cải cách hành chính);
đưa kết quả thực hiện Kế hoạch này thành một nội dung đánh giá trong tiêu chí
thành phần để xác định Chỉ số PAPI năm 2022 của UBND cấp huyện.
2. Các đơn vị
được UBND tỉnh giao làm đầu mối tham mưu thực hiện các nhiệm vụ nâng cao Chỉ số
Hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh
Giao Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị
chủ trì tham mưu, đầu mối theo dõi, đôn đốc, tổng hợp các Chỉ số nội dung, nội
dung thành phần của Chỉ số PAPI (tại Biểu tổng hợp nhiệm vụ cụ thể kèm theo
Kế hoạch này) có trách nhiệm:
a) Chủ động triển khai thực hiện nhiệm
vụ theo thẩm quyền, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành, đơn vị
năm 2022.
b) Hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn đối
với UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các đơn vị theo ngành dọc tại cấp huyện, cấp
xã; theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thực hiện nhiệm vụ thuộc ngành,
lĩnh vực phụ trách.
c) Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm
tra việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ tại Kế hoạch này, gắn với kế hoạch
thanh tra, kiểm tra hàng năm hoặc kiểm tra chuyên đề của đơn vị.
d) Chủ động xây dựng các quy chế phối
hợp công tác, phối hợp thực hiện nhiệm vụ, chuyên đề; trao đổi thông tin thường
xuyên, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh triển khai thực
hiện các nội dung nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh
(Sở Nội vụ), chủ động tham mưu UBND tỉnh hoặc đề nghị các cơ quan liên quan
thành lập các đoàn công tác, các tổ công tác chuyên đề (nếu cần thiết).
đ) Xây dựng các biểu, bảng mẫu báo
cáo theo ngành, lĩnh vực; đề nghị các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã,
thành phố báo cáo định kỳ (nếu cần thiết). Chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả thực
hiện trên phạm vi toàn tỉnh đối với các nhiệm vụ được phân công vai trò chủ trì
tại Biểu tổng hợp nhiệm vụ kèm theo Kế hoạch này, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội
vụ) theo quy định.
3. Các sở, ban,
ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố
a) Trên cơ sở các nội dung của Kế hoạch
này, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình địa phương, đơn vị cụ thể
hóa, xây dựng kế hoạch (ban hành trước ngày 31/01/2022), chủ động triển
khai thực hiện theo nhiệm vụ và thẩm quyền. Trong kế hoạch của từng cơ quan,
đơn vị cần phân công rõ trách nhiệm, vai trò người đứng đầu và giữa các
phòng/đơn vị trực thuộc để có cơ sở kiểm tra, đôn đốc kết quả thực hiện của các
đơn vị.
b) Các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND
cấp huyện trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc
thực hiện Kế hoạch này, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành mình, cấp
mình, đơn vị mình.
c) UBND cấp huyện:
- Tổ chức thực hiện đầy đủ các nhiệm
vụ cụ thể tại Biểu tổng hợp nhiệm vụ do các Sở, ngành tỉnh chủ trì (kèm theo
Kế hoạch này); tổng hợp kết quả thực hiện theo ngành, lĩnh vực gửi các Sở,
ngành chủ trì.
- Thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm
tra, trực tiếp chỉ đạo công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra công vụ, tăng
cường kiểm tra đột xuất tại địa phương, cơ quan, đơn vị trực thuộc; chủ động phối
hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra
UBND cấp xã (bao gồm việc triển khai thực tế tại các thôn, tổ dân phố trên địa
bàn khu dân cư) trong việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở;
đưa nội dung thực hiện Kế hoạch vào tiêu chí xác định Chỉ số PAPI hằng năm của
các xã, phường, thị trấn.
- Giải trình và chịu trách nhiệm trước
UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả khảo sát PAPI tại các thôn, tổ dân phố
thuộc địa bàn dân cư do huyện, thị xã, thành phố quản lý.
4. Đề nghị Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
Phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh
(thông qua Sở Nội vụ) trong việc nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh; hướng dẫn Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với UBND cùng cấp tuyên truyền về nội
dung, mục đích, ý nghĩa của Chỉ số PAPI và tổ chức thực hiện có hiệu quả các
nhiệm vụ tại Kế hoạch này nhằm nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh.
5. Sở Thông tin
và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên, Báo Hưng Yên
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên
truyền, phổ biến Kế hoạch này; đưa tin, bài phản ánh về kết quả triển khai thực
hiện để nhân dân biết, giám sát.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ
quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Chủ tịch và các Phó Chủ
tịch UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Hưng Yên, Đài PTTH Hưng Yên;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- Trung tâm PVHCC&KSTTHC;
- Trung tâm Thông tin-Hội nghị tỉnh;
- CV: HCTCĐức;
- Lưu: VT, CVNCNH.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Duy Hưng
|