ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 17/KH-UBND
|
Sóc Trăng, ngày
30 tháng 08 năm 2010
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN
Căn cứ Quyết định số 858/QĐ-TTg , ngày
14/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng xây dựng Kế
hoạch triển khai thực hiện Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công
tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo am hiểu về pháp luật, có phẩm
chất đạo đức tốt, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tạo điều
kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản
ánh; tăng cường trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các
tổ chức tiếp công dân trên địa bàn tỉnh. Kiện toàn về tổ chức, chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn của các cơ quan tiếp công dân trên địa bàn tỉnh, nhằm tăng cường
hiệu quả công tác tiếp công dân của các cơ quan nhà nước; tăng cường cơ sở vật
chất kỹ thuật và hệ thống kết nối thông tin về tiếp công dân, đảm bảo hoạt động
tiếp công dân đạt hiệu quả.
2. Yêu cầu
- Tinh gọn về mặt thủ tục, tạo điều
kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo; nâng cao hiệu lực
quản lý Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Củng cố kiện toàn những
điều kiện hiện có đồng thời khắc phục, bãi bỏ những hạn chế, bất cập, từ đó xây
dựng và hoàn thiện các tổ chức tiếp công dân trên địa bàn tỉnh; chuẩn hóa đội
ngũ cán bộ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
- Đảm bảo cơ sở vật chất cho các tổ
chức tiếp công dân trên địa bàn; đảm bảo các chế độ, chính sách đãi ngộ đặc thù
cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân nhằm khuyến khích, động viên và
thu hút đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt về làm việc tại cơ
quan tiếp công dân. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, gắn với việc giải
quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các cơ quan nhà nước.
II. NỘI DUNG
1. Sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán
bộ, công chức làm công tác tiếp công dân:
- Ở cấp tỉnh: Thành lập Trụ sở tiếp
công dân tỉnh làm nhiệm vụ tiếp công dân cho Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội
đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh. Trụ sở tiếp công dân tỉnh có con dấu
riêng.
Các Sở, Ban ngành cử cán bộ tiếp công
dân tại trụ sở cơ quan để tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh
thuộc thẩm quyền.
- Ở cấp huyện: UBND các huyện, thành
phố cử từ 01 đến 02 cán bộ chuyên trách và một số cán bộ không chuyên trách tiếp
công dân tại Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện, làm nhiệm vụ tiếp công dân cho
Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
- Ở cấp xã: UBND các xã, phường, thị
trấn cử cán bộ chuyên môn kiêm công tác tiếp công dân tổ chức tiếp công dân tại
trụ sở UBND cấp xã.
2. Tăng cường cơ sở vật chất,
trang thiết bị phục vụ công tác tiếp công dân:
- Trụ sở tiếp công dân tỉnh được
trang bị trụ sở riêng và các điều kiện cơ sở vật chất cần thiết để phục vụ tốt
nhiệm vụ tiếp công dân của các cơ quan Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng
nhân dân và UBND tỉnh.
- Các Sở, Ban ngành tỉnh, UBND cấp
huyện, cấp xã tổ chức tiếp công dân tại trụ sở cơ quan, nhưng phải có phòng tiếp
công dân riêng, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc tiếp công dân.
3. Tăng cường nâng cao chất lượng
cán bộ và chính sách đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác tiếp công dân:
Rà soát đội ngũ cán bộ làm công tác
tiếp công dân ở các cấp, các ngành để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao
trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công tác tiếp công dân. Ban hành
cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc thù, thỏa đáng đối với cán bộ làm công tác tiếp
dân; xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh.
4. Thời gian thực hiện kế hoạch:
Các Sở ngành, địa phương hoàn
thành việc kiện toàn tổ chức, bộ máy tiếp công dân ở ngành, địa phương hoàn
thành trước ngày 30/10/2010; hoàn thành việc bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ
công tác tiếp dân trước ngày 31/12/2010; hoàn thành việc bồi dưỡng nghiệp vụ tiếp
công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho toàn bộ cán bộ, công chức làm công
tác tiếp công dân trước tháng 06/2011.
III. PHÂN CÔNG
NHIỆM VỤ
1. Văn phòng UBND tỉnh
- Điều hòa, phối hợp việc tiếp
công dân giữa các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh.
Kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan tiếp công dân của tỉnh; bố trí đủ cán bộ có
năng lực để thực hiện nhiệm vụ; quản lý, đảm bảo các điều kiện vật chất cho hoạt
động của Trụ sở.
- Phối hợp với Sở Tài chính, Thanh
tra tỉnh dự trù kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho
hoạt động của Trụ sở.
2. Thanh tra tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện
Đề án và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh trên địa bàn tỉnh; thường xuyên kiểm
tra, đôn đốc để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, giải quyết tháo gỡ những khó khăn,
vướng mắc đảm bảo thời gian, tiến độ thực hiện.
- Thanh tra tỉnh phối hợp với Sở Nội
vụ tổ chức tập huấn đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm
công tác tiếp công dân cấp tỉnh, huyện, cán bộ kiêm nhiệm làm công tác tiếp
công dân cấp xã.
- Hướng dẫn các ngành, địa phương
xây dựng nội quy, quy chế tiếp công dân; tổng hợp, dự thảo báo cáo định kỳ, sơ
kết, tổng kết về việc thực hiện Đề án, trình UBND tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng
nhân dân tỉnh xây dựng quy chế phối hợp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân
tỉnh.
3. Sở Nội vụ
- Chủ trì, phối hợp với Thanh tra
tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh có ý kiến về tổ chức và hoạt động của Trụ sở tiếp
công dân tỉnh; trình UBND tỉnh việc thành lập Trụ sở trước ngày 30/10/2010.
- Tổ chức rà soát đội ngũ cán bộ
làm công tác tiếp công dân hiện có trên địa bàn tỉnh; xây dựng phương án kiện
toàn, bố trí đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, năng lực làm công tác tiếp
công dân, kỹ năng giao tiếp, tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm
vụ trong tình hình mới; trình UBND tỉnh phê duyệt.
4. Sở Tài chính
Hướng dẫn Văn phòng UBND tỉnh lập
trù kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho hoạt động của
Trụ sở tiếp công dân tỉnh; hướng dẫn các Sở, Ban ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các
huyện, thành phố lập dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch; tổng hợp trình UBND tỉnh
trước ngày 15/11/2010.
5. Các Sở, Ban ngành tỉnh; Chủ
tịch UBND các huyện, thành phố
- Tiến hành rà soát, kiện toàn, sắp
xếp tổ chức đội ngũ cán bộ tiếp công dân hiện có; bố trí cán bộ làm nhiệm vụ tiếp
công dân thường xuyên tại trụ sở cơ quan theo quy định. Xây dựng nội quy, quy
chế tiếp công dân; các đơn vị đã xây dựng quy chế tiếp dân cần chủ động tiến
hành kiểm tra, rà soát bổ sung, sửa đổi phù hợp với Đề án.
- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết
bị phục vụ công tác tiếp công dân tại ngành, địa phương.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo
Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.
6. Đề nghị các cơ quan: Văn phòng
Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với
Thanh tra tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh xây dựng quy chế phối hợp tiếp công dân
nhằm thực hiện tốt công tác tiếp dân tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh,
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai
thực hiện tại đơn vị, địa phương. Định kỳ hàng quý báo cáo kết quả việc thực hiện
về Thanh tra tỉnh; giao Thanh tra tỉnh tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Trong quá trình thực hiện, nếu có
vướng mắc, khó khăn, đề nghị phản ánh về Thanh tra tỉnh để kịp thời hướng dẫn,
giải quyết hoặc đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Kế hoạch.
Nơi nhận:
- Thanh tra Chính phủ;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- VPTU, VP ĐĐBQH & HĐND tỉnh;
- Các Sở, Ban ngành tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- Lưu: HC, NC, QT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Huỳnh Thành Hiệp
|