ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 118/KH-UBND
|
Tuyên Quang, ngày
29 tháng 5 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
KIỂM TRA TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TRONG VIỆC THỰC HIỆN
KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG HÀNH CHÍNH VÀ KIỂM TRA VIỆC CHẤP HÀNH CÁC QUY ĐỊNH VỀ ĐẠO ĐỨC
CÔNG VỤ, VĂN HÓA CÔNG SỞ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRONG CÁC CƠ QUAN,
ĐƠN VỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
Căn cứ Chỉ thị số 26/CT-TTg
ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong
các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của
Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng
nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Chỉ
thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực
hiện Chương trình tổng thể Cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030;
Căn cứ Quyết định số
1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Văn
hóa công vụ;
Thực hiện Công điện số
280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh, tăng cường trách
nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương;
Thực hiện Quy chế làm việc của Ủy
ban nhân dân tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 05/2023/QĐ-UBND ngày
30/3/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm tra trách nhiệm của người
đứng đầu trong việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính và kiểm tra việc chấp
hành các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở của cán bộ, công chức,
viên chức trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Thông qua kiểm tra để đánh
giá tình hình thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; trách nhiệm của người đứng
đầu các cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện kỷ luật,
kỷ cương hành chính; việc chấp hành các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa
công sở của cán bộ, công chức, viên chức.
- Kiểm tra việc thực hiện các
nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao; bảo đảm
các chỉ đạo được thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, đúng quy định; góp phần
tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ
và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Nâng cao hiệu quả tiếp nhận
và giải quyết thủ tục hành chính của công dân, tổ chức; góp phần tiếp tục cải
thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
- Nâng cao ý thức, trách nhiệm
của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, tổ chức,
đơn vị trong việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ,
văn hóa công sở. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong lề lối, tác phong làm việc của
cán bộ, công chức, viên chức; kịp thời phát hiện, kiến nghị cơ quan nhà nước có
thẩm quyền xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính,
văn hoá công vụ gây khó khăn, phiền hà, cửa quyền, hách dịch (nếu có); nâng cao
trách nhiệm tuân thủ pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện
chức trách, nhiệm vụ được giao.
2. Yêu cầu
- Hoạt động kiểm tra bảo đảm
khách quan, chính xác, trung thực, đúng quy định. Không làm cản trở hoạt động
bình thường của cơ quan, tổ chức đơn vị và cá nhân là đối tượng kiểm tra.
- Có kết luận, đánh giá rõ
ràng, cụ thể những vấn đề về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức
công vụ, văn hóa công sở tại các cơ quan, đơn vị; các kiến nghị, đề xuất phù hợp
với tình hình thực tế và quy định pháp luật.
II. ĐỐI TƯỢNG,
THÀNH PHẦN ĐOÀN KIỂM TRA VÀ PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA
1. Đối tượng kiểm tra
- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị
thuộc và trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố (bao
gồm cả các đơn vị thuộc, trực thuộc các cơ quan, đơn vị; Ủy ban nhân dân xã,
phường, thị trấn).
- Cán bộ, công chức, viên chức,
người lao động làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Ủy
ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; cán bộ, công chức xã, phường,
thị trấn.
2. Thành phần Đoàn Kiểm tra
Đoàn kiểm tra do Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập, gồm:
- Trưởng đoàn: Phó Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh (theo sự phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh).
- Phó Trưởng đoàn: Đại diện
lãnh đạo Thanh tra tỉnh, lãnh đạo Sở Nội vụ.
- Thành viên: Công chức Văn
phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Nội vụ.
3. Phương pháp kiểm tra
3.1. Đối với kiểm tra
theo kế hoạch
- Đoàn kiểm tra xây dựng lịch
kiểm tra, thông báo đến các cơ quan, đơn vị, địa phương được kiểm tra, yêu cầu
các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng báo cáo theo nội dung kiểm tra tại Kế
hoạch này và báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra; chuẩn bị đầy đủ hồ
sơ, tài liệu liên quan phục vụ công tác kiểm tra.
- Đoàn kiểm tra tiến hành
nghiên cứu báo cáo; kiểm tra thực tế tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Kết thúc kiểm tra, Đoàn kiểm
tra lập biên bản kết quả làm việc; tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra và kiến
nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm (nếu
có).
3.2. Đối với các cuộc kiểm
tra đột xuất
- Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm
tra thực tế, đột xuất không thông báo trước đối với các cơ quan, đơn vị, địa
phương, cán bộ, công chức, viên chức.
- Kết thúc kiểm tra, Đoàn kiểm
tra lập biên bản kết quả làm việc; tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra (có
các minh chứng bằng hình ảnh, video clip kèm theo...) và kiến nghị cơ quan
có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm (nếu có).
3.3. Tổng hợp, báo cáo kết
quả kiểm tra
- Kết quả kiểm tra đột xuất:
Báo cáo mỗi quý một lần tại các kỳ họp tháng cuối quý của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Đối với kết quả kiểm tra theo
kế hoạch: Báo cáo kết quả kiểm tra với Ủy ban nhân dân tỉnh định kỳ 06 tháng một
lần vào tháng 6 và tháng 12 hằng năm.
III. NỘI
DUNG, THỜI GIAN KIỂM TRA
1. Đối với kiểm
tra theo kế hoạch
1.1 Nội dung kiểm tra
- Trách nhiệm của người đứng đầu
các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố:
+ Việc thực hiện kỷ luật, kỷ
cương hành chính theo Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính
phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp;
+ Việc thực hiện chỉ đạo của Ủy
ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số 2912/UBND-NV ngày 20/10/2016 về thực hiện Chỉ
thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số
138/KH-UBND ngày 31/12/2019 về thực hiện Đề án Văn hóa công vụ trên địa bàn tỉnh
Tuyên Quang; Văn bản số 1628/UBND-NC ngày 21/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về
việc thực hiện Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ
chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa
phương.
+ Kết quả chỉ đạo, thực hiện
các nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao; kết
quả tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật (nếu có);
+ Việc thực hiện những nhiệm vụ
trọng tâm thuộc ngành, lĩnh vực quản lý theo Chương trình công tác của Ủy ban
nhân dân tỉnh (kiểm tra đối với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh);
+ Kết quả tổ chức thực hiện nhiệm
vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh (kiểm tra đối với Ủy ban
nhân dân huyện, thành phố);
+ Việc chấp hành Quy chế làm việc
của Ủy ban nhân dân tỉnh về trách nhiệm, phạm vi và cách thức giải quyết công
việc của người đứng đầu; rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế làm việc
của cơ quan, đơn vị; việc tuân thủ nội quy, quy chế làm việc, quy tắc ứng xử,
giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện nhiệm
vụ;
+ Việc chỉ đạo thực hiện các
quy định về tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đối với cá nhân, tổ chức
gắn với đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg
ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu
quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải
quyết công việc; thực hiện bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong giải quyết các
thủ tục hành chính; kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị;
+ Việc thực hiện công tác quản
lý cán bộ, công chức, viên chức; đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức,
viên chức, người lao động hằng năm.
- Trách nhiệm của cán bộ,
công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, quy định về văn hóa công
sở; thực hiện các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức,
viên chức.
1.2. Thời gian kiểm tra: Theo
lịch do Đoàn Kiểm tra xây dựng.
1.3. Địa điểm kiểm tra: Trụ
sở làm việc cơ quan, đơn vị và địa điểm làm việc của các cơ quan, đơn vị thuộc
và trực thuộc cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng kiểm tra.
2. Đối với
hình thức kiểm tra đột xuất
2.1. Nội dung kiểm tra
- Kiểm tra cán bộ, công chức,
viên chức trong việc chấp hành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nội
quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; tuân thủ kỷ luật, kỷ cương hành
chính trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; thái độ ứng xử, văn hóa giao tiếp tại
nơi làm việc; trang phục khi thực hiện nhiệm vụ (trang phục quần áo, giày
dép, việc chấp hành các quy định về đeo thẻ công chức khi làm việc).
- Việc tổ chức hoạt động của Bộ
phận Một cửa và thực hiện các quy định về tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành
chính tại Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã;
- Trách nhiệm của người đứng đầu
cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra tình trạng công chức, viên chức thuộc thẩm
quyền quản lý vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, văn hoá
công sở theo kết luận của Đoàn Kiểm tra.
2.2. Thời gian kiểm tra: Thường
xuyên trong năm.
2.3. Địa điểm kiểm tra: Trụ
sở cơ quan, đơn vị và các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc cơ quan, đơn vị thuộc
đối tượng kiểm tra.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Nội vụ
- Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh quyết định thành lập Đoàn Kiểm tra và tham mưu tổ chức triển khai
thực hiện Kế hoạch này.
- Chuẩn bị các điều kiện cần
thiết phục vụ Đoàn kiểm tra theo Kế hoạch này.
- Tổng hợp chung kết quả kiểm
tra báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, cụ thể:
+ Kết quả kiểm tra đột xuất:
Báo cáo mỗi quý một lần, trước kỳ họp tháng cuối quý của Ủy ban nhân dân tỉnh
05 ngày.
+ Kết quả kiểm tra theo kế hoạch:
Kết quả 6 tháng đầu năm báo cáo trước ngày 25/6; báo cáo năm trước ngày 25/12 hằng
năm.
- Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh ban hành văn bản chấn chỉnh sau kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với
tổ chức, cá nhân có vi phạm.
- Lập dự toán kinh phí tổ chức
thực hiện Kế hoạch này, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét, phê duyệt theo quy định.
2. Các cơ quan, đơn vị thuộc
và trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Triển khai Kế hoạch này đến
các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý; phối
hợp với Đoàn kiểm tra khi Đoàn thực hiện kiểm tra tại cơ quan, đơn vị;
- Cung cấp đầy đủ, kịp thời,
chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra;
- Báo cáo, giải trình về nội
dung kiểm tra khi Đoàn kiểm tra yêu cầu;
- Thực hiện các kiến nghị của
Đoàn kiểm tra hoặc cơ quan có thẩm quyền.
3. Văn phòng Ủy ban nhân dân
tỉnh, Thanh tra tỉnh
Cử công chức tham gia Đoàn kiểm
tra, thực hiện có hiệu quả hoạt động kiểm tra theo kế hoạch.
3. Sở Tài chính
Thẩm định dự toán kinh phí tổ
chức thực hiện Kế hoạch này, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định theo
quy định.
4. Đài Phát thanh và Truyền
hình tỉnh, Báo Tuyên Quang
Theo chức năng, nhiệm vụ thực
hiện đăng tải, đưa tin về Kế hoạch kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu
trong việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính và kiểm tra việc chấp hành
các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở của cán bộ, công chức, viên chức
trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và kết quả kiểm tra của
các Đoàn kiểm tra.
5. Đoàn kiểm tra
Xây dựng lịch kiểm tra và tổ chức
kiểm tra theo Kế hoạch này. Kết thúc các đợt kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất,
Đoàn kiểm tra xây dựng báo cáo và đề xuất, kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh
những vấn đề cần chỉ đạo, chấn chỉnh và yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai
thực hiện (đồng gửi Sở Nội vụ để tổng hợp chung), cụ thể:
- Kết quả kiểm tra đột xuất: Gửi
Sở Nội vụ tổng hợp mỗi quý một lần trước kỳ họp tháng cuối quý của Ủy ban nhân
dân tỉnh 10 ngày.
- Kết quả kiểm tra theo kế hoạch:
Kết quả 6 tháng đầu năm báo cáo trước ngày 20/6; báo cáo năm trước ngày 20/12 hằng
năm.
Trên đây là Kế hoạch kiểm tra
trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành
chính và thực hiện đạo đức công vụ, văn hóa công sở của cán bộ, công chức, viên
chức các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Trong quá trình thực hiện,
nếu phát sinh vấn đề khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, đơn vị báo cáo
bằng văn bản về Sở Nội vụ để tổng hợp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét giải quyết theo quy định.
Yêu cầu các cơ quan, tổ chức,
đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- Các CQ, đơn vị thuộc và trực thuộc UBND tỉnh;
- Báo Tuyên Quang;
- UBND huyện, thành phố;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- TP, PTP, CV Nội chính; TP HC-TC;
- Lưu: VT, NC (Thg).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Sơn
|