ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1030/KH-UBND
|
Quảng
Bình, ngày 14 tháng 6 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
KIỂM TRA VIỆC CHẤP HÀNH KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG HÀNH CHÍNH VÀ VĂN HÓA CÔNG SỞ
Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU ngày
28/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành
chính và văn hóa công sở; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm tra việc chấp hành kỷ
luật, kỷ cương hành chính và văn hóa công sở tại các sở, ban, ngành, đơn vị cấp
tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa
bàn tỉnh như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Đánh giá đúng tình hình triển khai thực
hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở tại các cơ quan, đơn vị, địa
phương, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; tiếp tục nâng cao việc
chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, ý thức trách nhiệm thực thi công vụ,
thái độ giao tiếp ứng xử, giờ giấc làm việc, chất lượng, hiệu quả công tác của
đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nâng cao chất lượng phục vụ và uy tín của
các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp; xây dựng
môi trường làm việc thân thiện vì nhân dân phục vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
trong thời gian tới.
Tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời
phát hiện, chấn chỉnh và xử lý đối với các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện
các quy định của Đảng và Nhà nước về kỷ luật, kỷ cương hành chính và văn hóa
công sở; chấm dứt các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên
chức trong hoạt động công vụ; đồng thời cổ vũ, động viên kịp thời các điển hình
về tinh thần và thái độ phục vụ trong thi hành nhiệm vụ, công vụ của cán bộ,
công chức, viên chức.
Đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao
ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc chấp hành các
quy định của pháp luật, tiếp tục hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả phong trào
thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tỉnh Quảng Bình thi đua
thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025.
2. Yêu cầu
Việc kiểm tra đảm bảo đúng pháp luật,
khách quan, chính xác; chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục
khuyết điểm, vi phạm; cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe
và giáo dục.
Có kết luận, đánh giá rõ ràng, cụ thể
những vấn đề về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở tại
các cơ quan, đơn vị và kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy
định của pháp luật.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ
PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA
1. Đối tượng kiểm tra
- Các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh
(bao gồm các đơn vị thuộc, trực thuộc); UBND các huyện, thị xã, thành phố (bao
gồm các đơn vị thuộc, trực thuộc và các xã, phường, thị trấn).
- Cán bộ, công chức, viên chức làm việc
tại các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các
xã, phường, thị trấn.
2. Phương pháp kiểm tra
2.1. Thành lập Đoàn kiểm tra
Giao Sở Nội vụ quyết định thành lập
Đoàn kiểm tra, số lượng từ 03 đến 05 thành viên do đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ
làm trưởng đoàn; thành viên của Đoàn gồm có: Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh.
2.2. Kiểm tra theo kế hoạch
- Đoàn kiểm tra xây dựng lịch kiểm
tra, thông báo đến các cơ quan, đơn vị, địa phương được kiểm tra, yêu cầu các
đơn vị, địa phương xây dựng báo cáo, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan phục vụ
công tác kiểm tra theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra.
- Đoàn kiểm tra tiến hành nghiên cứu
báo cáo, hồ sơ, tài liệu có liên quan và ý kiến giải trình thêm từ các cơ quan,
đơn vị. Kiểm tra thực tế tại các đơn vị thuộc, trực thuộc của các cơ quan, đơn
vị, địa phương được kiểm tra.
- Đoàn kiểm tra tổng hợp, báo cáo kết
quả kiểm tra và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với các tổ
chức, cá nhân vi phạm (nếu có).
2.3. Kiểm tra đột xuất
- Đoàn kiểm tra chủ động tiến hành kiểm
tra thực tế, đột xuất không thông báo trước đối với các cơ quan, đơn vị, địa
phương, cán bộ, công chức, viên chức.
- Đoàn kiểm tra được lập biên bản,
thông báo về cơ quan, đơn vị, địa phương có cá nhân vi phạm (nếu có) để xem
xét, xử lý theo thẩm quyền.
III. NỘI DUNG, THỜI
GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM KIỂM TRA
1. Đối với kiểm tra theo kế hoạch
1.1. Nội dung kiểm tra: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ
chức thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về tăng cường kỷ luật,
kỷ cương hành chính, xây dựng và thực hiện văn hóa công sở; thực hiện các kết
luận, quy định về trách nhiệm nêu gương; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 (khóa
XIII) về xây dựng Đảng; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính
phủ; Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 28/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Quyết định
số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Văn
hóa công vụ; Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 14/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về
việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức,
viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025”; các văn bản
chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về tăng cường kỷ luật, kỷ cương
hành chính và văn hóa công sở.
- Việc thực hiện các quy định về
trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, địa phương; việc phân
công, bố trí công việc cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; xây dựng
lịch công tác tuần, tháng.
- Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn, chức trách trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau kiểm tra của Đoàn kiểm tra.
- Việc thực hiện niêm yết công khai,
giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông.
1.2. Thời gian: Theo từng Quý hoặc 6 tháng trong năm.
1.3. Địa điểm: Tại trụ sở của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
2. Đối với kiểm tra đột xuất
2.1. Nội dung kiểm tra:
- Việc chấp hành Chỉ thị 26/CT-TTg ngày
05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ
quan hành chính nhà nước. Kiểm tra việc triển khai thực hiện các văn bản của
Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, địa
phương về thực hiện giờ giấc làm việc, kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành
chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
- Kiểm tra việc chấp hành quy chế, giờ
giấc làm việc, quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở, văn hóa giao tiếp
của cán bộ, công chức, viên chức tại nơi làm việc. Kiểm tra việc chấp hành các
quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế, nội quy làm việc của cơ
quan, đơn vị; không tham gia các tệ nạn xã hội; không làm việc cá nhân như:
chơi trò chơi điện tử, thể thao..., trong giờ hành chính; không sử dụng rượu,
bia trong thời gian làm việc hành chính và giờ nghỉ trưa; hút thuốc lá đúng nơi
quy định. Kiểm tra đột xuất trong giờ hành chính tại các địa điểm có dịch vụ ăn
uống, vui chơi giải trí....
2.2. Thời gian: Thường xuyên trong năm.
2.3. Địa điểm: Tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh hoặc tại các địa
điểm có dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí...
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Giao Sở Nội vụ quyết định thành lập
Đoàn kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính và văn hóa công sở.
Sau khi có Quyết định thành lập, Đoàn kiểm tra có trách nhiệm xây dựng lịch kiểm
tra cụ thể, thông báo và tiến hành kiểm tra. Riêng đối với kiểm tra đột xuất,
Đoàn kiểm tra chủ động tiến hành kiểm tra không thông báo trước đối với các cơ
quan, đơn vị, địa phương.
2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn
vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối hợp
và tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn kiểm tra hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các cơ
quan, đơn vị, địa phương được kiểm tra cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu, bố trí
thành phần, địa điểm làm việc theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra.
3. Hàng năm, trước ngày 25/12 Sở Nội
vụ tổng hợp, báo cáo kết quả về UBND tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch Kiểm tra việc chấp
hành kỷ luật, kỷ cương hành chính và văn hóa công sở; yêu cầu các cơ quan, đơn
vị, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy (B/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các cơ quan, đơn vị, địa phương;
- LĐ VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NCVX.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đoàn Ngọc Lâm
|