BAN TỔ CHỨC
TRUNG ƯƠNG
--------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số: 24/HD-BTCTW
|
Hà Nội, ngày
06 tháng 3 năm 2009
|
HƯỚNG DẪN
VỀ VIỆC THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM CHỦ TRƯƠNG ĐẠI HỘI
ĐẢNG BỘ CƠ SỞ TRỰC TIẾP BẦU BAN THƯỜNG VỤ, BÍ THƯ, PHÓ BÍ THƯ
Thực hiện Kết luận của Hội nghị
lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khoá X về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến
lược cán bộ từ nay đến năm 2020, ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về “Thực hiện
thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở bầu cấp uỷ, ban thường vụ, bí thư,
phó bí thư” (Thông báo số 210-TB/TW ngày 22-12-2008 của Bộ Chính trị), Ban Tổ
chức Trung ương hướng dẫn việc thực hiện chủ trương này như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
Theo quy định của Điều lệ Đảng,
một trong những nhiệm vụ của đại hội đảng bộ cơ sở là bầu cấp uỷ. Việc đại hội
đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư chưa được quy định
trong Điều lệ Đảng nên cần thực hiện thí điểm. Việc thực hiện chủ trương này là
nhằm:
- Rút kinh nghiệm trong việc mở
rộng dân chủ trong bầu cử của Đảng, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của đảng
viên;
- Phát huy trí tuệ, đề cao ý thức
trách nhiệm của toàn đảng bộ trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng của cấp uỷ,
ban thường vụ, bí thư, phó bí thư; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến
đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đây là vấn đề mới nên các cấp uỷ
đảng cần tập trung chỉ đạo, làm tốt công tác tư tưởng; tạo sự thống nhất nhận
thức trong cán bộ, đảng viên.
II. NỘI DUNG
THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM
1. Phạm vi,
đối tượng và thời gian thực hiện
- Việc thực hiện thí điểm chủ
trương đại hội đảng bộ cơ sở bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư được tiến
hành ở tất cả các đảng bộ trực thuộc Trung ương.
- Mỗi tỉnh, thành uỷ, đảng uỷ
trực thuộc Trung ương chọn và chỉ đạo thực hiện thí điểm tại 5% đến 7% số đảng
bộ cơ sở của đảng bộ mình. Những đơn vị thực hiện thí điểm phải đại diện cho
các loại hình tổ chức cơ sở đảng trong đảng bộ (xã, phường, thị trấn, cơ quan,
đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang,...); có đơn vị trong
sạch, vững mạnh, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ và đơn vị hoàn thành nhiệm vụ để
có cơ sở tổng kết rút kinh nghiệm chỉ đạo chung.
- Việc thực hiện thí điểm được
tiến hành vào Quý 1 năm 2010 trong dịp đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XI
của Đảng. Những đảng bộ cơ sở được chọn thí điểm, nếu đã hết nhiệm kỳ, thì thực
hiện ngay trong năm 2009.
2. Nội dung
và các bước tiến hành
Để thực hiện tốt chủ trương thí
điểm đại hội đảng bộ cơ sở bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, các cấp uỷ cấp
trên của tổ chức cơ sở đảng cần tăng cường lãnh đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng
trong sạch, vững mạnh, củng cố các cơ sở yếu kém; chỉ đạo chặt chẽ, bảo đảm thật
sự dân chủ, khách quan; chống các biểu hiện dân chủ hình thức, dân chủ cực
đoan, tư tưởng cục bộ. Các cấp ủy cơ sở thực hiện thí điểm cần thực hiện tốt
các nội dung sau đây:
2.1. Công tác chuẩn bị nhân
sự trước đại hội
- Trên cơ sở nhận xét, đánh giá
cán bộ hằng năm, cấp uỷ cơ sở hoàn chỉnh quy hoạch cán bộ, trong đó có quy hoạch
cấp uỷ, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp uỷ nhiệm kỳ tới.
- Căn cứ quy hoạch và phương hướng
công tác nhân sự cấp uỷ nhiệm kỳ tới, đảng uỷ cơ sở chỉ đạo các chi bộ trực thuộc
giới thiệu nhân sự tham gia ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng
uỷ nhiệm kỳ tới.
- Đảng uỷ tổng hợp kết quả giới
thiệu của các chi bộ, tổ chức việc lấy ý kiến của đại diện mặt trận Tổ quốc,
các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở về nhân sự cấp uỷ, ban thường vụ, bí
thư, phó bí thư cho phù hợp với tình hình cụ thể của mỗi địa phương, cơ quan,
đơn vị.
- Tổ chức hội nghị ban chấp
hành đảng bộ, nghe kết quả giới thiệu của các chi bộ và ý kiến của đại diện mặt
trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội về nhân sự cấp uỷ, ban thường vụ,
bí thư, phó bí thư cấp ủy khoá tới. Trong trường hợp mặt trận Tổ quốc, các tổ
chức chính trị - xã hội có ý kiến khác đối với một số nhân sự được các chi bộ
giới thiệu thì cấp uỷ cần xem xét, phân tích và có kết luận cụ thể về các trường
hợp đó, tạo sự thống nhất trong cấp uỷ.
- Ban chấp hành đảng bộ thảo luận
và bỏ phiếu kín để giới thiệu danh sách bầu cử ban chấp hành, ban thường vụ, bí
thư, phó bí thư cấp uỷ khoá mới (chỉ giới thiệu những đồng chí được trên 50% uỷ
viên ban chấp hành đảng bộ giới thiệu).
2.2. Trình tự bầu ban thường
vụ, bí thư, phó bí thư tại đại hội.
Sau khi bầu cử ban chấp hành,
việc bầu ban thường vụ (nếu có), bí thư, phó bí thư tại đại hội tiến hành theo
trình tự sau:
2.2.1. Bầu ban thường vụ (nếu
có):
- Đoàn chủ tịch đại hội báo cáo
phương hướng chuẩn bị nhân sự ban thường vụ cấp uỷ khoá mới (số lượng, cơ cấu,
tiêu chuẩn) để đại hội tham khảo.
- Các chi bộ (đại hội đảng
viên) hoặc các đoàn đại biểu (đại hội đại biểu) thảo luận về số lượng, tiêu chuẩn,
cơ cấu và giới thiệu nhân sự ban thường vụ trong số các uỷ viên ban chấp hành vừa
trúng cử.
Đối với những đảng bộ cơ sở có
đông đảng viên, hoạt động phân tán, đoàn chủ tịch cần cung cấp đầy đủ thông tin
về các nhân sự được giới thiệu tham gia ban thường vụ để đại hội biết, có cơ sở
lựa chọn.
- Đại hội thảo luận và quyết định
số lượng ban thường vụ; ứng cử, đề cử, thông qua danh sách bầu cử và tiến hành
bầu ban thường vụ (danh sách bầu cử ban thường vụ phải có số dư theo quy định).
Khi bầu ban thường vụ, nếu bầu lần thứ nhất không đủ số lượng, có tiếp tục bầu
nữa hay không do đại hội quyết định.
2.2.2. Bầu bí thư:
- Sau khi bầu ban thường vụ (nếu
có), đoàn chủ tịch báo cáo việc chuẩn bị nhân sự bí thư của cấp uỷ khóa trước để
đại hội biết, có cơ sở lựa chọn.
- Đại hội thảo luận, ứng cử, đề
cử, thông qua danh sách bầu cử và tiến hành bầu bí thư. Danh sách ứng cử viên để
bầu bí thư phải trong số các uỷ viên ban thường vụ vừa trúng cử (nếu có) và nên
có số dư.
Đồng chí bí thư đảng uỷ được đại
hội bầu là người triệu tập và chủ trì phiên họp thứ nhất của ban chấp hành.
Trường hợp bầu lần thứ nhất
không có đồng chí nào trúng cử thì đại hội cần tiếp tục thảo luận, tạo sự thống
nhất trước khi bầu lần thứ hai. Nếu bầu lần thứ hai vẫn không có đồng chí nào
trúng cử thì việc bầu bí thư do cấp uỷ khoá mới thực hiện theo quy định của Điều
lệ Đảng và Quy chế bầu cử trong Đảng.
2.2.3. Bầu phó bí thư:
- Đoàn chủ tịch báo cáo phương
hướng cấu tạo, tiêu chuẩn và việc chuẩn bị nhân sự phó bí thư đảng uỷ của cấp uỷ
khoá trước để đại hội biết, có cơ sở lựa chọn.
- Đại hội thảo luận, quyết định
số lượng phó bí thư; ứng cử, đề cử, lập danh sách bầu cử và tiến hành bầu phó
bí thư. Danh sách ứng cử viên để bầu phó bí thư phải trong số các uỷ viên ban
thường vụ vừa trúng cử (nếu có) và cần có số dư (trừ trường hợp số lượng phó bí
thư cần bầu bằng số uỷ viên ban thường vụ còn lại).
Khi bầu phó bí thư, nếu bầu lần
thứ nhất không có đồng chí nào trúng cử hoặc không đủ số lượng, thì đại hội tiếp
tục thảo luận, tạo sự thống nhất trước khi bầu lần thứ hai. Nếu bầu lần thứ hai
vẫn không có đồng chí nào trúng cử thì có bầu tiếp hay không do đại hội quyết định.
Trường hợp bầu lần thứ 2 hoặc lần thứ 3 vẫn không có đồng chí nào trúng cử, thì
việc bầu phó bí thư do cấp uỷ khoá mới thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng
và Quy chế bầu cử trong Đảng.
3. Tên gọi,
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban thường vụ, bí thư, phó bí thư.
3.1. Về tên gọi
Theo quy định của Điều lệ Đảng,
đại hội đảng bộ cơ sở bầu ra ban chấp hành đảng bộ; sau đó ban chấp hành đảng bộ
bầu ra ban thường vụ, bí thư, phó bí thư và gọi là ban thường vụ đảng uỷ, bí
thư đảng uỷ, phó bí thư đảng uỷ. Tuy gọi tắt là ban thường vụ, bí thư, phó bí
thư đảng uỷ, nhưng thực chất đó là ban thường vụ, bí thư, phó bí thư của cả đảng
bộ (vì ban chấp hành đảng bộ đại diện cho cả đảng bộ bầu ra ban thường vụ, bí
thư, phó bí thư).
Khi thực hiện đại hội đảng bộ
cơ sở bầu ra ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, tuy hình thức bầu cử có khác so
với trước nhưng ban thường vụ, bí thư, phó bí thư vẫn là ban thường vụ, bí thư,
phó bí thư của cả đảng bộ.
Vì vậy, khi đại hội đảng bộ
cơ sở bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư thì vẫn gọi là ban thường vụ đảng uỷ,
bí thư đảng uỷ và phó bí thư đảng uỷ.
3.2. Về chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
của ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp uỷ các cấp được quy định
trong Điều lệ Đảng. Sau mỗi kỳ đại hội, các cấp uỷ phải căn cứ vào Điều lệ Đảng
và các quy định, quy chế của Đảng để xây dựng quy chế làm việc; xác định chức
trách, nhiệm vụ, quyền hạn và các mối quan hệ công tác của ban chấp hành, ban
thường vụ, bí thư, phó bí thư. Đối với cấp cơ sở cũng vậy, sau đại hội, các cấp
uỷ phải căn cứ vào Điều lệ Đảng và Quy định của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm
vụ của tổ chức cơ sở đảng để xây dựng quy chế làm việc; xác định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và các mối quan hệ công tác của ban chấp hành, ban thường vụ, bí
thư, phó bí thư.
Như vậy, chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn của ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư không phụ thuộc
vào hình thức bầu cử.
Do đó, khi đại hội bầu ra
ban thường vụ, bí thư, phó bí thư thì chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban
thường vụ, bí thư, phó bí thư vẫn thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng và
quy chế làm việc của cấp uỷ.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
- Căn cứ Hướng dẫn này, các tỉnh
uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch thực hiện, báo
cáo các đơn vị làm điểm và thời gian tổ chức đại hội về Ban Tổ chức Trung ương
để tổng hợp và theo dõi tiến độ chung.
- Các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ
trực thuộc Trung ương và các cấp uỷ cấp trên trực tiếp của cơ sở cần chỉ đạo chặt
chẽ, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện ở cơ sở.
- Sau khi thực hiện thí điểm,
các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tiến hành sơ kết, rút kinh
nghiệm và báo cáo kết quả về Ban Tổ chức Trung ương để tổng hợp, báo cáo Bộ
Chính trị, Ban Bí thư./.