TỔNG LIÊN ĐOÀN
LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1689/HD-TLĐ
|
Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2019
|
HƯỚNG DẪN
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG “CBCCVC NÓI KHÔNG VỚI TIÊU CỰC” GẮN VỚI PHONG TRÀO
“CBCCVC THI ĐUA THỰC HIỆN VĂN HÓA CÔNG SỞ” GIAI ĐOẠN 2019 - 2028
Ngày 22 tháng 7 năm 2019, Đoàn Chủ tịch
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1190/QĐ-TLĐ về việc
Phê duyệt Đề án Phát động Cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không
với tiêu cực”; ngày 24 tháng 7 năm 2019, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã tổ chức
Lễ phát động Cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”
gắn với Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công
sở” do Thủ tướng Chính phủ phát động (sau đây viết tắt là Cuộc vận động, Phong trào thi đua). Để Cuộc vận động và Phong trào thi
đua lan tỏa rộng rãi và thu được kết quả cao, góp phần xây dựng hệ thống chính
trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng cơ quan văn hóa, xây dựng
đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đáp ứng yêu cầu của tình hình mới,
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Hướng dẫn tổ chức thực
hiện Cuộc vận động, Phong trào thi đua với nội dung như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG THỰC
HIỆN
1. Tập thể
Các cấp công đoàn Việt Nam, đặc biệt
là công đoàn cơ sở trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ
chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội; lực lượng vũ
trang; đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi tắt là cơ quan, đơn vị).
- Đối với Cuộc vận động: Tổ chức công
đoàn chủ trì việc triển khai thực hiện.
- Đối với Phong trào thi đua: Cơ quan
chuyên môn/ chính quyền chủ trì việc thực hiện, tổ chức công đoàn chủ động,
tích cực phối hợp.
2. Cá nhân
Đoàn viên công đoàn, cán bộ, công chức,
viên chức và người lao động ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức
xã hội; cán bộ, đoàn viên trong lực lượng vũ trang nhân dân (sau đây gọi tắt là
CBCCVC).
II. NỘI DUNG
1. Nội dung của Cuộc vận động
gồm
1.1. Đối với tập thể: Tích cực, chủ động cải cách hành chính, phục vụ nhân dân, ngăn ngừa
các hành vi tiêu cực.
1.2. Đối với cá nhân
- Không cửa quyền, hách dịch, gây khó
khăn, phiền hà;
- Không quan liêu, vô cảm, vô trách
nhiệm;
- Không tham nhũng, lãng phí, lợi ích
nhóm;
- Không xu nịnh, chạy chọt, gian dối;
- Không lợi dụng
chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ.
2. Nội dung của Phong trào thi đua
gồm
2.1. Đối với tập thể:
Xây dựng cơ quan, đơn vị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp.
2.2. Đối với cá nhân: Thực hiện kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp.
III. TIÊU CHUẨN THI ĐUA VÀ HÌNH
THỨC KHEN THƯỞNG
1. Tiêu chuẩn thi
đua
1.1. Đối với tập thể
1.1.1.
Một số tiêu chuẩn chung
- Quán triệt và triển khai thực hiện
có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính
trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh”, có hoạt động, mô hình, điển hình cụ thể;
- Tham gia xây dựng và thực hiện
chính sách, pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ đảm bảo kịp thời, chất lượng, hiệu quả;
- Thực hiện đầy đủ các quy định Công
đoàn tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở;
có cơ chế giám sát, phản biện các tiêu cực trong quá trình
thực thi công vụ;
- Quản lý và sử dụng có hiệu quả tài
sản, tài chính công đoàn, ngân sách nhà nước và các nguồn
kinh phí được giao;
- Xây dựng, ban hành và thực hiện
nghiêm nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị.
1.1.2. Công tác cải cách hành
chính
- Niêm yết đầy đủ các quy định về hồ
sơ, phí, lệ phí, thủ tục hành chính tại trụ sở các cơ quan, đơn vị và cổng
thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị;
- Đơn giản hóa các thủ tục hành
chính, rút ngắn cao nhất thời gian giải quyết công việc, phục vụ nhân dân, doanh
nghiệp tốt hơn;
- Thường xuyên quan tâm nâng cao
trình độ đội ngũ CBCCVC; đổi mới tác phong, tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục
vụ nhân dân, doanh nghiệp; chấp hành kỷ cương, kỷ luật;
- Ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa dịch vụ hành chính công, giúp người dân, doanh nghiệp
tiếp cận thủ tục hành chính chủ yếu
thông qua hình thức trực tuyến;
- Triển khai hiệu quả các phần mềm
đã được Tổng Liên đoàn xây dựng, triển khai.
1.1.3.
Xây dựng và giữ gìn cơ quan, đơn vị văn minh, hiện
đại, xanh, sạch, đẹp
- Xây dựng tập thể đoàn kết, chia sẻ,
tôn trọng nhân dân và đồng nghiệp;
- Thực hiện đúng quy định trong Quy
chế văn hóa công sở tại các cơ quan, đơn vị;
- Thực hiện tốt phong trào Xanh - sạch
- đẹp, an toàn vệ sinh lao động, đáp ứng tốt điều kiện làm việc của CBCCVC;
- Triển khai và thực hiện hiệu quả
các cuộc vận động, các phong trào thi đua góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được
giao.
1.2. Đối với cá nhân
1.2.1. Đạo đức công vụ và kỷ luật,
kỷ cương hành chính
- Luôn tôn trọng, lắng nghe nhân dân,
gần gũi, chia sẻ với những khó khăn, bức xúc của nhân dân; tận tình hướng dẫn,
giải thích cặn kẽ những thắc mắc của từng người dân, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân
và doanh nghiệp; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, thực hành
đạo đức công vụ và trách nhiệm nghề nghiệp.
- Đặt lợi ích của tập thể, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; nêu cao ý thức, trách nhiệm đối
với công việc được giao. Trung thành, trung thực, thẳng
thắn, không hám danh lợi; chấp hành mọi sự phân công của tổ chức,
tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều
hành của cấp trên.
- Thực hiện lối sống lành mạnh, tiết
kiệm, không phô trương, lãng phí; tôn trọng truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân
tộc và địa phương; gương mẫu trong giao tiếp, ứng xử, phát ngôn; giữ gìn không
gian xanh, sạch, đẹp, môi trường văn hóa thân thiện, văn minh nơi công sở;
- Chấp hành nghiêm chủ trương, đường
lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan,
đơn vị; tôn trọng và chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần
tự phê bình và phê bình. Tuyệt đối không đưa ra yêu sách, đòi hỏi, nhận tiền
quà của người dân hoặc doanh nghiệp để giải quyết công việc của họ.
- Tuân thủ thời giờ làm việc; sử dụng
thời gian làm việc khoa học và hiệu quả; trang phục gọn
gàng, sạch sẽ, lịch sự, phù hợp với tính chất công việc, đặc
thù trang phục của ngành và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
1.2.2. Thực hiện nhiệm vụ chuyên
môn, nghiệp vụ
- Nêu cao tinh thần tự học, thường
xuyên học tập, cập nhật, trau dồi kiến thức, kỹ năng để nâng cao trình độ
chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
- Tâm huyết, trách nhiệm, cần mẫn, tận
tụy, năng động, sáng tạo, công tâm, khách quan, chu đáo, cẩn trọng trong thực
thi công vụ. Đảm bảo mọi công việc được giao đều đáp ứng yêu cầu về chất lượng,
tiến độ, phù hợp với quy định của pháp luật.
- Sẵn sàng nhận
và nỗ lực để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, đặc biệt là những việc khó, việc
mới; tích cực chia sẻ trách nhiệm công việc với đồng nghiệp và cấp dưới.
- Trung thực, khách quan trong tham
mưu, báo cáo, đề xuất, tham gia đóng góp với cấp trên và đồng nghiệp; chỉ thực
hiện nhiệm vụ trong phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm.
- Chủ động phát hiện những vướng mắc,
bất cập trong quá trình thực thi công vụ để báo cáo cá nhân và cơ quan có thẩm
quyền; chủ động, linh hoạt và trách nhiệm trong việc giải quyết các kiến nghị,
bức xúc, vướng mắc của nhân dân; không ngừng nâng cao sự hài lòng của người dân
và doanh nghiệp.
2. Hình thức khen
thưởng
2.1. Khen thưởng hàng năm
2.1.1. Đối với tập thể
Hàng năm, các cấp công đoàn phối hợp
với chính quyền đánh giá kết quả triển khai tổ chức thực
hiện Cuộc vận động và Phong trào thi đua đồng thời xem
xét, lựa chọn tập thể có thành tích xuất sắc nhất để tôn vinh, khen thưởng và đề
nghị cấp trên tôn vinh, khen thưởng; các hình thức khen
thưởng: Giấy khen, Bằng khen.
2.1.2. Đối với cá nhân
Hàng năm, các cấp công đoàn phối hợp
với chính quyền đánh giá kết quả triển khai tổ chức thực hiện Cuộc vận động và
Phong trào thi đua và xem xét, lựa chọn cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu
để tôn vinh. Đối với Công đoàn Viên chức Việt Nam có thể lựa chọn các cá nhân
có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động, Phong trào thi đua để
trao tặng Giải thưởng Gương mặt của năm (các đơn vị khác lựa chọn tên giải thưởng
phù hợp và có ý nghĩa).
2.2. Khen thưởng sơ kết, tổng kết Cuộc vận động và Phong trào thi đua
Tổng Liên đoàn sẽ ban hành Kế hoạch
sơ kết, tổng kết Cuộc vận động, Phong trào thi đua, theo
đó sẽ hướng dẫn tiêu chí và phân bổ chỉ tiêu khen thưởng cụ thể.
Dự kiến Tổng Liên đoàn tổ chức Hội nghị sơ kết vào năm 2023 và tổ chức Hội nghị tổng kết vào đầu
năm 2028.
3. Kinh phí bảo đảm: Kinh phí tổ chức thực hiện Cuộc vận động, Phong trào thi đua và kinh
phí khen thưởng được trích từ Quỹ thi đua, khen thưởng của các cấp công đoàn và
nguồn hỗ trợ của chuyên môn
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tập trung
tuyên truyền nâng cao nhận thức của CBCCVC trong thực thi công vụ
Thông qua các kênh truyền thông, các
hoạt động chuyên môn và sinh hoạt công đoàn, tuyên truyền để đoàn viên, người
lao động nhận thức đầy đủ yêu cầu, nội dung, ý nghĩa của Cuộc vận động và Phong
trào thi đua;
- Thường xuyên thông tin về tên gọi,
nội dung của Cuộc vận động, Phong trào thi đua trên các bản tin, cổng thông tin
của cơ quan, đơn vị và tổ chức công đoàn;
- In, phát hành các tờ rơi, tờ gấp, panô, áp phích; thường xuyên căng treo băng zôn, khẩu hiệu panô,
áp phích về nội dung Cuộc vận động và Phong trào thi đua;
- Phối hợp với cơ quan báo chí Trung
ương và địa phương thường xuyên đưa tin, viết bài phản ánh về việc thực hiện Cuộc
vận động, Phong trào thi đua, nhất là gương người tốt, việc tốt, mô hình, điển
hình tiên tiến;
- Tổ chức tọa đàm, chia sẻ, nói chuyện
chuyên đề về Cuộc vận động, Phong trào thi đua;
- Tuyên truyền, vận động CBCCVC tự học
tập rèn luyện, khắc phục hạn chế, yếu kém; không ngừng đổi mới, sáng tạo, đáp ứng
yêu cầu nhiệm vụ;
- Tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo cơ
quan, đơn vị với đoàn viên, CBCCVC về giải pháp, biện pháp
triển khai Cuộc vận động và Phong trào thi đua;
- Tổ chức các hoạt động tuyên dương,
biểu dương, khen thưởng các điển hình tập thể, cá nhân trong Cuộc vận động và
Phong trào thi đua.
2. Công tác triển
khai thực hiện
- Hàng năm, Ban Chấp hành công đoàn
tham mưu với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị để tại hội nghị
CBCCVC, hội nghị người lao động có nội dung: Báo cáo riêng
hoặc lồng ghép đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động, Phong trào thi đua của
năm trước; phát động thi đua thực hiện Cuộc vận động, Phong trào thi đua năm tới;
đăng ký thi đua; ký kết giao ước thi đua giữa các phòng, ban, đơn vị;
- Lồng ghép quá trình thực hiện nhiệm
vụ chuyên môn với việc thực hiện Cuộc vận động và Phong trào
thi đua;
- Tổ chức sơ kết, tổng kết theo hướng
dẫn của Tổng Liên đoàn.
3. Xây dựng mô
hình, điển hình
- Mỗi công đoàn cấp trên cơ sở nên lựa
chọn một hoặc một số mô hình cụ thể để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện và
phổ biến, nhân rộng, tạo điểm nhấn và sức lan tỏa. Quan tâm xây dựng các điển
hình cá nhân tiêu biểu, tạo sức thuyết phục của Cuộc vận động, Phong trào thi
đua đến với đông đảo CBCCVC và xã hội;
- Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào
thi đua, các cuộc vận động trong CBCCVC, trọng tâm là các
phong trào “Lao động sáng tạo”; “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”; “Đổi mới sáng tạo,
hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn”, Cuộc vận động người CBCCVC “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”...
4. Công tác kiểm
tra, giám sát
Hằng năm, công đoàn các cấp xây dựng
kế hoạch hoặc lồng ghép kiểm tra, giám sát cấp mình và cấp dưới về thực hiện Cuộc
vận động, Phong trào thi đua, cụ thể gồm:
- Đối tượng kiểm tra: Các tập thể và
cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp;
- Nội dung kiểm tra, giám sát: Việc tổ
chức phát động; ký kết giao ước thi đua; chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện
các nội dung thi đua; việc tự kiểm tra, giám sát; việc sơ kết, tôn vinh, khen
thưởng; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; việc thực hiện chức trách nhiệm
vụ được giao...
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt
Nam
- Ban hành Hướng dẫn tổ chức thực hiện
Cuộc vận động và Phong trào thi đua và chỉ đạo việc thực hiện;
- Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động và Phong trào thi đua cấp Tổng Liên đoàn; Ban
hành Hướng dẫn khen thưởng và trao tặng Giải thưởng “Gương mặt của năm” cho tập
thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động, Phong trào thi đua; in ấn tờ rơi, tờ gấp,
panô, áp phích và phát hành thống nhất trong phạm vi cả nước;
- Giao Ban Chính sách kinh tế - xã hội
và Thi đua khen thưởng là cơ quan Thường trực Cuộc vận động và Phong trào thi
đua của Tổng Liên đoàn: Tham mưu giúp Ban Chỉ đạo, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn
theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Cuộc vận động, Phong trào thi
đua định kỳ hằng năm báo cáo tình hình thực hiện với Ban Chỉ đạo và Đoàn Chủ tịch
Tổng Liên đoàn; tham mưu đánh giá xét thi đua và khen thưởng tập thể, cá nhân đạt
thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động, Phong trào thi đua;
- Giao Ban Tuyên giáo chủ trì phối hợp
với các cơ quan báo chí của tổ chức công đoàn và báo, đài ở trung ương, địa
phương tổ chức tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và sự đồng thuận trong CBCCVC, người lao
động trong toàn quốc.
- Giao Ban Tài chính tham mưu bố trí kinh phí tổ chức Cuộc vận động, Phong trào thi đua
và kinh phí khen thưởng; hướng dẫn việc dự toán, quyết toán kinh phí;
- Văn phòng, Ủy ban Kiểm tra và các
ban Tổng Liên đoàn, theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp chỉ
đạo, tuyên truyền, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Cuộc vận động,
Phong trào thi đua;
2. Liên đoàn Lao động các tỉnh,
thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; các đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn
- Tham mưu với lãnh đạo cấp ủy cùng cấp,
phối hợp với chính quyền tổ chức phát động, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện Cuộc vận
động, Phong trào thi đua ở cấp mình và các cấp công đoàn trực thuộc;
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng
rãi mục tiêu, yêu cầu, nội dung Cuộc vận động, Phong trào thi đua đến các cấp
công đoàn và đoàn viên, CBCCVC trực thuộc, đồng thời vận động CBCCVC, đoàn viên
công đoàn tích cực tham gia thực hiện Cuộc vận động, Phong trào thi đua;
- Chỉ đạo xây dựng mô hình, điển hình
tiêu biểu và phổ biến, nhân rộng mô hình, điển hình trong phạm vi ngành, địa
phương;
- Hằng năm, chủ động phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả
thực hiện; xem xét khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng
các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động,
Phong trào thi đua (bắt đầu từ năm 2020, theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn);
- Tổ chức sơ kết, tổng kết Cuộc vận động,
Phong trào thi đua theo Kế hoạch của Tổng Liên đoàn.
3. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ
sở
- Tham mưu với lãnh đạo cấp ủy và phối
hợp với chính quyền đồng cấp triển khai thực hiện hiệu quả
Cuộc vận động, Phong trào thi đua ở cấp mình và công đoàn
trực tiếp quản lý;
- Xây dựng mô hình, điển hình tiêu biểu
và phổ biến, nhân rộng mô hình, điển hình; phối hợp tổ chức
kiểm tra, giám sát việc thực hiện Cuộc vận động, Phong trào
thi đua;
- Hằng năm, chủ động phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức đánh giá kết quả
thực hiện; xem xét khen thưởng và đề nghị cấp trên khen
thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động,
Phong trào thi đua; báo cáo kết quả thực hiện về công đoàn cấp trên trực tiếp;
- Tổ chức sơ kết, tổng kết Cuộc vận động,
Phong trào thi đua theo Kế hoạch của Tổng Liên đoàn.
4. Công đoàn cơ sở
- Tham mưu với
lãnh đạo cấp Ủy và phối hợp với chính quyền đồng cấp triển
khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động, Phong trào thi đua ở cấp mình;
- Trực tiếp triển khai các mô hình,
điển hình; vận động, tuyên truyền để đông đảo đoàn viên, người lao động tham
gia thực hiện Cuộc vận động và Phong trào thi đua;
- Hằng năm, phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức đánh giá kết quả thực hiện; xem xét
khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích
xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động, Phong trào thi đua tại Hội nghị CBCCVC,
người lao động của cơ quan, đơn vị; báo cáo kết quả thực hiện về công đoàn cấp
trên trực tiếp.
Trên đây là Hướng dẫn tổ chức thực hiện
Cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực” gắn với
Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công
sở”. Đề nghị các cấp công đoàn, các ban và đơn vị sự nghiệp
trực thuộc Tổng Liên đoàn khẩn trương triển khai thực hiện. Trong quá trình thực
hiện, nếu có vướng mắc kịp thời báo cáo Tổng Liên đoàn (qua Ban Chính sách kinh
tế - xã hội và Thi đua khen thưởng) để được hướng dẫn./.
Nơi nhận:
- Ban Dân vận TW;
- Ủy ban TWMTTQVN;
- Văn phòng TW Đảng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban TĐKTTW;
- Đ/c Chủ tịch TLĐ; (b/cáo)
- Các đ/c PCT TLĐ;
- Các LĐLĐ tỉnh, thành phố; CĐN TW, CĐ TCTy và các đơn vị trực thuộc TLĐ;
- Lưu: VT, CSKTXH&TĐKT.
|
TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Ngọ Duy Hiểu
|