HƯỚNG DẪN
CÔNG TÁC BẢO VỆ
CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ VÀ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH
Căn cứ điều 7 Pháp lệnh thi hành án dân sự ngày
21/4/1993 và điều 55 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6/7/1995 của Uỷ
ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lực lượng Cảnh
sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự và bảo vệ cưỡng
chế thi hành quyết định hành chính của UBND.
Thời gian qua, các phòng và Công an quận, huyện
đã tham gia công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự và bảo vệ cưỡng chế
thi hành quyết định hành chính (sau đây viết tắt là bảo vệ cưỡng chế) đạt nhiều
kết quả, kịp thời xử lý hạn chế tiêu cực xảy ra. Tuy nhiên, do chưa nắm vững
quy định trên có một số đơn vị Công an đã tham gia trực tiếp vào việc cưỡng chế
gây dư luận xấu và tạo hình ảnh không có lợi cho ngành Công an.
Cưỡng chế thi hành án dân sự và cưỡng chế thi
hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là trách nhiệm của cơ quan thi hành
án và UBND. Những vụ có khả năng phát sinh phức tạp ảnh hưởng xấu đến ANTT thì
cơ quan tiến hành cưỡng chế có văn bản đề nghị lực lượng Công an làm nhiệm vụ
bảo vệ ANTT trong quá trình cưỡng chế.
Để thực hiện đúng pháp luật và đúng chức năng
nhiệm vụ của ngành, trong khi chờ quyết định của Bộ về việc thành lập và quy
định chức năng nhiệm vụ của cảnh sát tư pháp, Công an TP. HCM tạm hướng dẫn các
đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế những nội dung cụ thể như sau:
1/ Những quy định chung:
a/ Lực lượng công an chỉ tham gia bảo vệ cưỡng
chế thi hành án dân sự và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính khi nhận
được đầy đủ các văn bản sau:
- Đối với cưỡng chế thi hành án dân sự
+ Bản án về phần dân sự đã có hiệu lực và quyết
định thi hành án của cơ quan thi hành án.
+ Quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự.
+ Công văn của cơ quan thi hành án cùng cấp đề
nghị công an tham gia bảo vệ cưỡng chế thi hành án.
- Đối với cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt
hành chính
+ Quyết định xử phạt hành chính của UBND
+ Quyết định cưỡng chế hành chính kèm theo thông
báo của UBND về việc quá hạn tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt hành chính.
+ Công văn của UBND cùng cấp yêu cầu công an bảo
vệ thi hành cưỡng chế hành chính.
b/ Cấp công an thành phố có nhiệm vụ bảo vệ
cưỡng chế khi có văn bản yêu cầu của phòng thi hành án Sở tư pháp hoặc của UBND
TP
Cấp công an quận, huyện có nhiệm vụ bảo vệ cưỡng
chế khi có văn bản yêu cầu của đội thi hành án quận, huyện hoặc của UBND quận,
huyện.
c/ Những vụ cưỡng chế có khả năng gây ảnh hưởng
xấu đến tình hình chính trị, trật tự xã hội, liên quan đến quyền lợi của cơ sở
tôn giáo, người có chức sắc trong tôn giáo từ linh mục, thượng toạ trở lên,
nhân sĩ trí thức, những người có danh hiệu cao quý (anh hùng lực lượng vũ
trang, anh hùng lao động, bà mẹ Việt Nam anh hùng), gia đình liệt sĩ... hoặc có
dấu hiệu của việc gây hoả hoạn, tự sát, tự thiêu, chống đối có tổ chức, có hung
khí, vũ khí thì các đơn vị phải báo cáo Giám đốc CATP và Phó Giám đốc phụ trách
Cảnh sát xin ý kiến chỉ đạo.
Căn cứ vào tính chất cụ thể của từng vụ và chỉ
đạo của Ban Giám đốc CATP, Trưởng phòng PC13B hoặc Trưởng Công an quận, huyện
chủ động đề xuất với cơ quan tư pháp (nếu là cưỡng chế thi hành án) hoặc bộ
phận thi hành quyết định hành chính của UBND (nếu là cưỡng chế hành chính) và
Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp họp bàn thống nhất phương án baỏ vệ cưỡng chế
nhằm ngăn chặn hậu quả xấu có thể xảy ra. Trường hợp cần tăng cưỡng lực lượng
quân đội và dân quân tự vệ thì Thủ trưởng đơn vị Công an báo cáo Chủ tịch UBND
cùng cấp chỉ đạo.
2/Thành phố và lực lượng Công an tham gia bảo vệ
cưỡng chế bao gồm:
- Cấp CATP: Ban Giám đốc CATP giao cho PC13B xây
dựng kế hoạch bảo vệ việc cưỡng chế: lực lượng tham gia bảo vệ việc cưỡng chế
gồm:
- PC13B
- CSTT công an quận, huyện
- Công an phường.
Do PC13B chịu trách nhiệm chính.
Chỉ huy chung: Trưởng PC13B, khi cần thiết,
trưng dụng điều tra việc (PC16), PC14, PC23, trinh sát các phòng An ninh, PA23
(quay video làm tư liệu). Quân số và thành phần tham gia bảo vệ việc cưỡng chế
do đ/c Phó Giám đốc phụ trách Cảnh sát quyết định.
- Cấp Công an quận, huyện: Đ/c Trưởng CA quận,
huyện (hoặc Phó CA quận, huyện phụ trách Cảnh sát) chỉ đạo, Đội CSGT - TT chịu
trách chính việc bảo vệ cưỡng chế. Khi cần thiết trưng dụng thêm điều tra viên
(Đội CSĐT) trinh sát hình sự, an ninh, CA phường, xã và đề nghị Giám đốc CATP
huy động PC23 tham gia. Quân số CBCS Công an tham gia bảo vệ việc cưỡng chế do
lãnh đạo CA quận, huyện quyết định.
3/ nhiệm vụ của lực lượng Công an khi tham gia
cưỡng chế.
a/ Nhiệm vụ chung:
Đảm bảo an toàn cho việc cưỡng chế, chủ động
phòng ngừa không để xảy ra cháy nổ, xô xát, chống lại lực lượng thi hành nhiệm
vụ.
Ngăn ngừa kịp thời những hành vi quá khích, tiêu
cực như: Tự thiêu, tự sát, sử dụng hung khí cố thủ không thực hiện quyết định.
Khi xảy ra các hành vi trên, phải xử lý kiên quyết, nhanh gọn, dứt điểm, đúng
quy định của pháp luật không để kéo dài, phát sinh thêm phức tạp làm ảnh hưởng
đến TTATXH.
b/ Nhiệm vụ cụ thể của các lực lượng Công an
tham gia việc cưỡng chế
- Công an phường xã; Nắm dư luận nhân dân địa
phương và những tình hình liên quan trước khi cưỡng chế, báo cáo lên cấp trên
để chủ động có biện pháp đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra.
Phối hợp cùng lực lượng CSTT (thành phố hoặc
quận, huyện) giữ trật tự cô lập khu vực cưỡng chế, giải tán người tụ tập hiếu
kỳ, điều hoà lưu thông ngăn chặn người có hành vi quá khích, tiêu cực chống lại
việc cưỡng chế.
Lập biên bản và xử phạm vi phạm hành chính,
trường hợp xảy ra phạm tội quả tang thì Công an phường xã lập biên bản phạm tội
quả tang, giải giao người phạm tội cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận
huyện. Ghi lời khai người làm chứng, lập hồ sơ ban đầu chặt chẽ để khởi tố vụ
án.
- Cảnh sát trật tự (thành phố, quận, huyện) phối
hợp Công an phường, xã nơi cưỡng chế đảm bảo an ninh trật tự cho việc cưỡng
chế, cô lập khu vực, giải tán quần chúng hiếu kỳ, điều hoà lưu thông, ngăn chặn
có hành vi quá khích, tiêu cực chống lại việc cưỡng chế.
- Điều tra viên: Phối hợp, hướng dẫn công an
phường, xã lập biên bản khi xảy ra hành vi phạm tội quả tang đến mức xử lý hình
sự như: Hành hung, chống người thi hành công vụ, huỷ hoại tài sản Nhà nước...
hoặc khi có các hành vi cố ý gây cháy nổ, tự sát; ghi lời khai người làm chứng,
bàn giao người phạm tội cho cơ quan điều tra, củng cố hồ sơ ban đầu để khởi tố
vụ án.
- Trinh sát an ninh: chỉ tham gia khi vụ cưỡng
chế có liên quan trực tiếp đến các đối tượng chính trị (người nước ngoài, Việt
Kiều, đối tượng trong các tôn giáo, dân tộc, nguỵ quân, nguỵ quyền, đảng phái
phản động cũ, văn sĩ, trí thức để nắm tình hình và chủ động phát hiện, đề xuất
biện pháp ngăn chặn các hành vi chống đối hoặc kích động chống đối cưỡng chế.
- Trinh sát hình sự: Nắm tình hình các đối tượng
hình sự để chủ động ngăn chặn các đối tượng lợi dụng việc cưỡng chế trộm cắp,
cướp giật.
- PC23: Sẵn sàng cứu chữa khi xảy ra hành vi cố
ý gây cháy nổ, tự thiêu, đưa nạn nhân đi cấp cứu.
- PA23, Đội ANND (hoặc CSĐT) Công an quận, huyện
bố trí án bộ ghi hình làm tư liệu và làm chứng cứ để xử lý hình sự đối với hành
vi phạm pháp.
c/ Những việc không được làm của lực lượng Công
an tham gia bảo vệ cưỡng chế:
- Tham gia bảo vệ cưỡng chế thi hành các bản án
chưa có quyết định thi hành án hoặc có kháng nghị tái thẩm, giám đốc thẩm, các
quyết định hành chính không có văn bản hoặc công văn yêu cầu của UBND cùng cấp
- Trực tiếp tham gia việc cưỡng chế như: Đập phá
tài sản, khuân vác đồ đạc ra khỏi nơi cưỡng chế.
- Kê biên tài sản, cưỡng chế trả nhà, cưỡng chế giao
tài sản.
4/ Nhận được hướng dẫn này, Thủ trưởng các đơn
vị liên quan tổ chức quán triệt đến cán bộ chiến sĩ để thực hiện nghiêm túc.
Những đơn vị được phân công chịu trách nhiệm bảo vệ cưỡng chế phải chủ động để
sẵn sàng làm nhiệm vụ. Sau mỗi lần bảo vệ cưỡng chế, Thủ trưởng các đơn vị báo
cáo kết quả về Giám đốc CATP (qua PV11) trong báo cáo ngày sau khi cưỡng chế.