BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG
VĂN PHÒNG
-------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số: 03-HD/VPTW
|
Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 1998
|
HƯỚNG DẪN
XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC CỦA CẤP ỦY
Xây dựng chương trình công tác của cấp
ủy là nhiệm vụ hàng đầu trong các nhiệm vụ của văn phòng cấp ủy để thực hiện chức năng tham mưu, giúp cấp ủy tổ chức điều hành công
việc lãnh đạo của Đảng.
Các chương trình công tác chủ yếu của cấp ủy gồm:
- Chương trình công tác toàn khóa, chương trình công tác năm của cấp ủy.
- Chương trình công tác năm, quý, tháng của
ban thường vụ cấp ủy.
- Chương trình công tác tuần (hay lịch làm việc) của thường trực cấp
ủy.
Yêu cầu chung
đối với các chương trình công tác của cấp ủy là: vừa bảo
đảm giải quyết công việc trước mắt, vừa chú ý nghiên cứu giải quyết những nhiệm vụ lâu dài; bảo
đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phát huy hiệu lực quản
lý, điều hành của bộ máy nhà nước và vai trò của các đoàn thể nhân dân; bảo đảm
lãnh đạo toàn diện nhưng nắm vững lãnh đạo kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, công tác xây dựng đảng là nhiệm vụ then chốt; công tác an ninh, quốc phòng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng; giảm bớt
họp hành, dành quỹ thời gian thích
đáng cho công tác kiểm tra và tăng cường chỉ đạo cơ sở của cấp ủy.
Tiêu chuẩn để xác
định một chương trình công tác hợp lý, tối ưu là lựa chọn
trúng, có trọng tâm, trọng điểm, đúng lúc những vấn đề cần thiết để
cấp ủy, thường vụ, thường trực cấp ủy bàn và quyết định.
Thực hiện kết luận Hội nghị Chánh Văn
phòng toàn quốc tháng 10-1996, Văn phòng Trung ương
hướng dẫn việc xây dựng chương trình
công tác của cấp ủy như sau:
I- Nội dung và yêu
cầu chủ yếu của mỗi loại chương trình.
A- Chương trình
công tác của ban chấp hành (sau đây gọi tắt là cấp ủy).
1- Chương trình công tác toàn khóa:
- Xây dựng
chương trình công tác toàn khóa là bố trí, ấn định, phân bổ các hoạt động chính của cấp ủy trong cả nhiệm kỳ, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đại hội đảng bộ đề ra.
Nội dung chủ yếu
trong chương trình công tác toàn khóa bao gồm những việc cơ bản,
quan trọng nhất, xuyên suốt trong nhiệm
kỳ và những việc chuẩn bị cho nhiệm kỳ tiếp theo; những vấn
đề còn lại của nhiệm kỳ trước chưa được giải quyết, cần phải
có chủ trương, giải pháp chỉ đạo tiếp.
- Căn cứ để
xác định những vấn đề
đưa vào chương trình công tác toàn khóa
của cấp ủy:
+ Nghị quyết đại
hội đảng bộ cấp mình, trong đó tập trung vào những vấn đề quan
trọng, cốt lõi về kinh tế - xã hội,
an ninh, quốc phòng, xây dựng đảng, củng cố và tăng cường hệ thống
chính trị...; các vấn đề bức bách hoặc
mới nảy sinh có tác động và chi phối nhiều mặt ở địa
phương.
- Quy chế làm việc của cấp ủy. Đây là cơ sở để xác định
nội dung công việc theo chức trách và thẩm quyền (cấp ủy, thường vụ, thường trực
cấp ủy).
- Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương và
các chủ trương, chính sách từ trên đưa xuống.
+ Các cuộc họp định kỳ của cấp ủy theo quy
định của Điều lệ Đảng.
- Yêu cầu của chương trình toàn khóa:
+ Chỉ cần xác định loại vấn đề của
cấp ủy phải bàn và giải quyết, chưa cần xác định rõ phạm vi, nội dung cụ thể.
+ Chỉ cần xác định
thời gian sẽ bàn vào quý, năm nào, chưa
cần ghi rõ tên cơ quan chủ đề án, tên người được phân công trực tiếp phụ trách việc chuẩn bị nội dung đề án
đó.
+ Khéo kết hợp những vấn đề trong
chương trình toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương với
các vấn đề của cấp ủy địa phương định
bàn để bố trí cuộc họp cho thích hợp.
- Thẩm quyền ban hành:
Chương trình công
tác toàn khóa của cấp ủy do cấp ủy bàn, quyết định và đồng chí bí thư thay mặt cấp ủy ký
chương trình này.
2- Chương trình công tác năm của
cấp ủy.
Xây dựng chương trình công tác năm của cấp ủy là sự cân nhắc, lựa chọn những công việc cơ bản, quan trọng trong chương trình công tác toàn khóa (theo thứ tự ưu
tiên) và những công việc bức bách (nếu có) để bố trí, sắp xếp tương ứng với các kỳ họp trong năm.
- Căn cứ để xác
định chương trình công tác năm của cấp ủy:
+ Chương trình công tác toàn khóa và quy chế
làm việc của cấp ủy.
+ Các cuộc họp định kỳ của cấp ủy
theo quy định của Điều lệ Đảng.
+ Những kiến nghị, đề xuất của các cơ quan tham mưu, các tổ chức đảng trực thuộc.
+ Các Nghị quyết,
chủ trương mới của Trung ương (kể cả ngành dọc).
- Yêu cầu của chương trình công tác
năm là phải xác định cụ thể về thời
gian (tháng hoặc quý nào trong năm); về nội dung công việc; xác định cơ quan chủ đề án và người được
phân công chỉ đạo trực tiếp việc xây dựng nội dung đề án, cơ quan nào thẩm định đề án trước khi trình ra cấp ủy.
B- Xây dựng chương trình công
tác của ban thường vụ và lịch làm việc của thường trực.
1- Chương trình công tác của ban
thường vụ cấp ủy.
- Căn cứ để
xác định những vấn đề
đưa vào chương trình công tác của ban thường vụ:
+ Đối với chương
trình công tác năm, cần lưu ý các yếu tố:
* Ban thường vụ là một cấp, có trách
nhiệm chỉ đạo việc tổ chức thực hiện chương trình công tác toàn khóa và hằng năm của cấp ủy.
* Các nội dung công việc lớn, quan trọng đã được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên trong chương trình công tác
toàn khóa và hàng năm của cấp ủy (từ
năm đầu đến năm cuối nhiệm kỳ) mà thường
vụ cấp ủy phải tổ chức chỉ đạo chuẩn bị để trình cấp ủy.
* Những công việc
mới nảy sinh hoặc những đề xuất, kiến nghị của các ban,
ngành, đoàn thể, các đảng bộ trực thuộc, xét
thấy là quan trọng, cần thiết; những ý kiến chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về một vấn đề nào đó mang
tính đặc thù của địa phương mà cấp ủy hoặc thường vụ cần
phải bàn để có giải pháp xử lý.
+ Đối với chương trình công tác quý, tháng:
Ngoài việc xuất phát từ những yếu tố
như khi xây dựng chương trình công tác năm, cần lưu ý nội dung quan trọng nhất của các chương trình này là thường vụ cấp ủy phân bổ quỹ thời
gian, sắp xếp các cuộc họp và nội dung công việc cụ thể phải làm để điều hành công việc lãnh đạo giữa hai kỳ họp của cấp ủy và chỉ đạo việc
chuẩn bị nội dung các kỳ họp cấp ủy theo đúng quy chế làm việc.
- Yêu cầu của
chương trình công tác của ban thường vụ (năm, quý, tháng)
là:
+ Bảo đảm hài hòa
các mối quan hệ giữa nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản với các công việc
thường xuyên, các vấn đề bức xúc, nổi cộm hoặc những biến
cố nảy sinh đột xuất để kịp thời chủ
động điều chỉnh một cách hợp lý, khoa học, để vừa giữ vững nội dung chương trình đã định, nhưng
không rập khuôn máy móc.
+ Phân bổ hợp lý quỹ thời gian tương
đối để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy và thường
vụ cấp ủy; quỹ thời gian cho các kỳ họp phải tương ứng với nội dung công việc phải bàn và giải quyết; quỹ thời gian cho tập thể thường vụ hoặc
thường trực làm việc trực tiếp với các ban, ngành, đảng
đoàn, ban cán sự, đảng ủy trực thuộc...; quỹ thời gian cho bí thư và các ủy viên thường vụ đi kiểm
tra tình hình và chỉ đạo cơ sở.
+ Không nên bố
trí các cuộc họp, các cuộc làm việc nhiều ngày, quá sát hoặc trùng vào những thời
điểm không thuận lợi như mùa vụ, lễ hội truyền thống... trong nước và ở địa phương.
- Thẩm quyền ban hành:
Chương trình công tác năm của ban thường
vụ do ban thường vụ bàn và quyết định. Chương trình công tác quý và tháng do
thường trực bàn và quyết định. Chánh văn phòng cấp ủy thừa lệnh thường vụ cấp ủy
ký các chương trình này.
2- Lịch công tác hàng tuần của thường
trực cấp ủy.
Chương trình (hoặc lịch) công tác
hàng tuần là những công việc được lựa chọn và sắp xếp vào từng ngày trong tuần
và từng giờ trong ngày của thường trực cấp ủy.
- Nội dung lịch công tác hàng tuần
thường bao gồm:
+ Nội dung các cuộc hội ý hàng tuần
do thường trực cấp ủy chủ trì để xem xét công việc đã làm trong tuần qua, bàn định
công việc cho tuần tới.
+ Lịch làm việc của đồng chí bí thư
và phó bí thư trực nhằm xử lý các công việc hàng ngày; các cuộc tiếp xúc, các
cuộc họp cán bộ hoặc đi cơ sở kiểm tra, khảo sát tình hình; đồng thời có tính đến
kế hoạch thời gian đồng chí bí thư, các phó bí thư đi dự các cuộc họp do cấp
trên triệu tập.
- Để lịch công tác tuần của thường trực
không bị động, đảo lộn, cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với văn phòng
ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân, các ban, ngành để dự tính thời gian xử lý rất
nhiều công việc cụ thể từng ngày trong tuần, nhưng phải có thời gian dự phòng
cho thường trực xử lý công việc đột xuất, thực hiện các nhiệm vụ đối nội và đối
ngoại.
II- Quy trình xây
dựng chương trình công tác của cấp ủy.
1- Nghiên cứu, chọn
việc và dự kiến nội dung công việc đưa vào chương trình công tác.
- Nghiên cứu một số hồ sơ trong kho
lưu trữ văn phòng cấp ủy: Trước hết là nghị quyết đại hội đảng bộ (tỉnh, thành)
mới ban hành; chương trình công tác toàn khóa, quy chế làm việc, biên bản các
cuộc họp, biên bản kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy khóa trước; các chủ
trương, quyết định của Đảng và Nhà nước…
- Thông qua đó chọn lọc theo nhóm vấn
đề hoặc nhóm công việc trên từng lĩnh vực (kinh tế - xã hội, xây dựng đảng, an
ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo…) của khóa này và khóa trước còn lại chưa
giải quyết để chọn việc, xác định việc, việc nào là trọng tâm, trọng điểm, và
trình tự ưu tiên giải quyết các vấn đề đưa vào nội dung chương trình công tác
cho đúng với yêu cầu của từng loại chương trình.
2- Tham khảo ý kiến
của các cơ quan tham mưu, giúp việc.
Tham khảo, thu thập, tổng hợp ý kiến
của các cơ quan tham mưu giúp việc (bao gồm các ban đảng, các cơ quan nhà nước,
các văn phòng hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân) theo các yếu tố:
- Sự cần thiết của vấn đề dự kiến đưa
vào chương trình.
- Tính khả thi của việc thực hiện (điều
kiện và khả năng chuẩn bị, các bước phải tiến hành, thời gian dự kiến đưa ra
bàn v.v…)
3- Tranh thủ ý kiến
chỉ đạo, gợi ý của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt.
- Định hướng các công việc, nhiệm vụ
chủ yếu cần bàn, quyết định và chỉ đạo thực hiện.
- Kế hoạch, chương trình công tác cá
nhân của từng đồng chí lãnh đạo chủ chốt trong từng thời gian cụ thể.
4- Xây dựng bản dự
thảo chương trình công tác của cấp ủy.
Trên cơ sở các dữ liệu đã được chọn lọc
từ các căn cứ nói trên, văn phòng tiến hành xây dựng bản dự thảo “chương trình
công tác của cấp ủy”, bao gồm các yếu tố chính sau đây:
- Tên gọi của chương trình:
Bao hàm 2 thông tin:
+ Phạm vi thời gian.
+ Đối tượng thực hiện.
(Chương trình công tác toàn khóa phải
là của ban chấp hành, không thể là của thường vụ. Chương trình công tác năm phải
là của ban thường vụ, không thể là của thường trực. Chương trình công tác tháng
và lịch làm việc hàng tuần thì có thể bao gồm của cả thường vụ và thường trực cấp
ủy).
- Tên công việc cần giải quyết:
Thông tin này phải khái quát và rõ,
nói lên thực chất vấn đề cần được cấp ủy giải quyết; không ghi nhiều về lý do
và nội dung cụ thể.
- Hình thức giải quyết:
Tùy từng vấn đề mà có thể nêu các
hình thức:
+ Chỉ nghe báo cáo để cung cấp thông
tin cho cấp ủy chuẩn bị ra quyết định.
+ Nghe báo cáo và có ý kiến chỉ đạo.
+ Nghe báo cáo, thông qua đề án, ra
quyết định (nghị quyết, kết luận…)
- Thời gian thực hiện:
Đối với chương trình công tác toàn
khóa, thời gian thực hiện chỉ cần ghi năm, quý ứng với kỳ họp cấp ủy. Chương
trình công tác năm của ban thường vụ cần ghi rõ quý nào; trường hợp xác định chắc
chắn thì ghi tháng nào (không cần ghi cụ thể đến ngày và tuần trong tháng).
Chương trình công tác quý cần ghi thời
gian thực hiện vào tháng nào (có thể ghi nửa đầu hay nửa cuối của tháng).
Chương trình công tác tuần của thường
trực cấp ủy cần ghi cụ thể ngày nào, thứ mấy, một buổi hay cả ngày (cần thiết
ghi cụ thể vào giờ nào trong ngày…).
- Cấp hoặc cơ quan trình đề án,
báo cáo:
Thông tin này xác định cụ thể cơ quan
nào sẽ chuẩn bị và trình đề án tại cuộc họp của cấp ủy.
- Lời mở đầu và lời kết thúc bản
chương trình:
Tùy theo yêu cầu của mỗi loại chương
trình mà có thể có hoặc không cần lời mở đầu (chủ yếu nêu tóm lược tình hình thực
hiện chương trình kỳ trước, những công việc trọng tâm trong chương trình kỳ
này…) hoặc lời kết thúc (chủ yếu nêu những yếu tố, các vấn đề cần lưu ý trong
chỉ đạo thực hiện chương trình…)
5- Trình lãnh đạo
quyết định và ban hành chính thức:
- Tùy loại chương trình mà văn phòng
cần báo cáo để cấp ủy, thường vụ hoặc thường trực góp ý và quyết định bằng một
trong hai hình thức:
+ Trực tiếp báo cáo và xin ý kiến quyết
định tại hội nghị.
+ Gửi lấy ý kiến từng thành viên cấp ủy
bằng văn bản, sau đó tổng hợp trình lãnh đạo quyết định.
- Sau khi chương trình được ban hành
văn phòng cấp ủy chủ trì đôn đốc, theo dõi việc thực hiện và kiến nghị điều chỉnh,
bổ sung vào chương trình đối với những vấn đề thấy cần thiết.
Trong quá trình tổ chức vận dụng thực
hiện bản hướng dẫn này, nếu cần có sửa đổi, bổ sung điểm nào, đề nghị các văn
phòng cấp ủy phản ánh về Văn phòng Trung ương Đảng.
|
K/T CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ VĂN PHÒNG
Ngô Văn Dụ
|