HIỆP ĐỊNH
VỀ QUY CHẾ BIÊN GIỚI QUỐC GIA GIỮA CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM VÀ CỘNG HOÀ DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO
Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào;
Căn cứ Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và
Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ký ngày 18 tháng 7 năm 1977;
Căn cứ Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và Công hoà dân chủ nhân dân Lào ký ngày 18 tháng 7 năm 1977 và
Hiệp ước Bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước ký ngày
24 tháng 01 năm 1986;
Với lòng mong muốn không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt
Nam - Lào trên cơ sở những nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng độc lập,
chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau,
không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác về mọi mặt theo nguyên
tắc cùng có lợi và hết lòng giúp đỡ nhau;
Để xây dựng biên giới hữu nghị lâu dài giữa hai nước, góp phần bảo vệ an ninh
biên giới, tăng cường tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân hai nước và tạo
thuận lợi cho việc sinh sống của nhân dân hai bên biên giới;
Đã quyết định ký Hiệp định về Quy chế biên giới quốc gia giữa hai nước và cử
đại diện toàn quyền ký Hiệp định này;
Hội đồng Bộ trưởng Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cử đồng chí Nguyễn Cơ
Thạch, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao;
Hội đồng Bộ trưởng Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào cử đồng chí Phun Xipaxớt, Bộ
trưởng Bộ Ngoại giao.
Chương 1:
VIỆC BẢO VỆ ĐƯỜNG BIÊN
GIỚI VÀ CÁC MỐC QUỐC GIỚI
Điều 1.
a. Đường biên giới quốc gia giữa
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào được quy
định bởi Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa
Việt Nam và Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ký ngày 18 tháng 7 năm 1977 và Hiệp
ước Bổ sung ký ngày 24 tháng 01 năm 1986 cùng các văn bản, phụ lục, tài liệu,
bản đồ, sơ đồ về phân giới trên thực địa và cắm mốc kèm theo các Hiệp ước nói
trên, bao gồm:
- Nghị định thư ký ngày 24 tháng
01 năm 1986 và Nghị định thư bổ sung ký ngày 16 tháng 10 năm 1987.
- Các biên bản phân giới và cắm
mốc trên thực địa các đoạn biên giới đã miêu tả toàn bộ đường biên giới Việt Nam - Lào .
- Các biên bản cắm mốc trên thực
địa đã miêu tả từng mốc quốc giới.
- Các mảng sơ đồ đường biên giới
Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/25.000 đã vẽ toàn bộ đường biên giới Việt Nam - Lào.
- Các sơ đồ vị trí mốc quốc giới
tỷ lệ 1/5000 và tỷ lệ 1/10.000 vẽ vị trí từng mốc quốc giới.
- Các ảnh của từng mốc quốc giới.
b. Đường biên giới nói ở khoản a
điều này cũng là đường dùng để phân ranh giới vùng trời và lòng đất giữa hai
nước vạch theo hướng thẳng đứng.
Điều 2.
Hai Bên ký kết có nhiệm vụ bảo
vệ tôn trọng đường biên giới giữa hai nước, bảo vệ toàn bộ hệ thống mốc quốc
giới giữa hai nước.
Việc giải quyết vấn đề đường
biên giới thuộc thẩm quyền của cơ quan Nhà nước cao nhất. Các Bộ, các ngành và
các địa phương của hai Bên không được phép thoả thuận bất kỳ sự sửa đổi nào về
đường biên giới, nếu có những thoả thuận như vậy thì những thoả thuận đó hoàn
toàn không có giá trị và phải huỷ bỏ.
Điều 3.
Hai Bên ký kết phân công bảo
quản các mốc quốc giới giữa hai nước như sau:
a. Các mốc quốc giới đặt trên
lãnh thổ Bên nào thì Bên đó chịu trách nhiệm bảo quản (Phụ lục l).
b. Các mốc quốc giới đặt trên
chính tâm đường biên giới được phân công như sau (Phụ lục 2):
- Bên Việt Nam chịu trách nhiệm đối với các mốc số chẵn.
- Bên Lào chịu trách nhiệm đối
với các mốc số lẻ.
Nếu vì địa hình hiểm trở một Bên
không đi tới được mốc mình được phân công phụ trách thì có thể giao cho Bên kia
bảo quản thay theo sự thoả thuận của hai Bên.
c. Nếu cần thiết, hai Bên ký kết
sẽ cùng nhau thoả thuận điều chỉnh sự phân công nói trên.
Điều 4.
Ở những nơi có điều kiện thuận
lợi, mỗi Bên phát quang xung quanh mốc quốc giới do Bên mình phụ trách để dễ
nhận thấy.
Ở nơi nào cần thiết và có điều
kiện thuận lợi, hai Bên ký kết phát quang dọc theo biên giới sâu vào lãnh thổ
mỗi Bên 5 mét (năm mét), dải phát quang này không phải là đường biên giới.
Điều 5.
Nội dung công tác bảo quản các
mốc quốc giới là: giữ cho vị trí, loại mốc, hình dáng, kích thước, ký hiệu, chữ
và mầu sắc của mốc giới đúng với quy cách mà Uỷ ban Liên hợp đã thoả thuận
trong các văn kiện về phân giới và cắm mốc.
Điều 6.
a. Hai Bên ký kết cùng khôi
phục, sửa chữa mốc quốc giới hoặc phân công một Bên khôi phục, sửa chữa với sự
có mặt của đại diện Bên kia.
Đối với mốc bị phá hoại hoặc hư
hại, sau khi khôi phục hoặc sửa chữa xong hai Bên chụp lại ảnh mốc và làm biên
bản xác nhận sự khôi phục hoặc sửa chữa đó.
b. Nếu vì lý do địa hình thực tế
không thể làm lại mốc giới ở vị trí cũ thì đội kiểm tra liên hợp cần đề nghị vị
trí mới và chỉ được tiến hành xây dựng ở vị trí mới sau khi Chính phủ của hai
Bên chuẩn y.
Việc xây dựng lại mốc quốc giới
phải tiến hành đúng theo Điều 5 Hiệp định này và không được làm thay đổi đường
biên giới. Nếu xây dựng lại mốc ở vị trí cũ thì ghi ký hiệu và chữ đúng như mốc
cũ, nếu xây dựng mốc ở vị trí mới thi ghi năm xây dựng mới ở mặt mốc.
Sau khi xây dựng xong phải làm
biên bản, vẽ sơ đồ vị trí và chụp ảnh mốc quốc giới theo thể thức mà Uỷ ban
Liên hợp đã quy định.
c. Khi có cơ sở xác định rõ ràng
mốc quốc giới bị công dân một Bên phá hoại hoặc làm hư hại Bên đó phải chịu
toàn bộ phí tổn về việc khôi phục hoặc sửa chữa mốc quốc giới đó; trường hợp do
nguyên nhân khách quan thì kinh phí do hai Bên cùng chịu.
Điều 7.
Mỗi Bên tổ chức tuần tra để bảo
vệ biên giới và bảo quản các mốc quốc giới mà mình phụ trách. Đường tuần tra ở
trên lãnh thổ Bên mình.
Khi phát hiện mốc quốc giới có
hiện tượng khác thường hoặc bị mất, Bên phát hiện cần thông báo ngay cho bên
kia để cùng kiểm tra xác nhận, làm biên bản và báo cáo lên cấp trên của mình.
Điều 8.
Khi cần thiết, hai Bên tổ chức
các đội kiểm tra liên hợp để tiến hành kiểm tra song phương đường biên giới
hoặc các mốc quốc giới.
Biên bản kiểm tra song phương
làm thành hai bản, mỗi bản bằng hai thứ tiếng Việt Nam và Lào, có chữ ký của
đội trưởng đội kiểm tra và cán bộ kỹ thuật hai bên nếu có.
Điều 9.
a. Hai Bên ký kết thường xuyên
tiến hành việc tuyên truyền giáo dục công dân ở dọc biên giới nước mình tham
gia bảo vệ Các mốc quốc giới và hết sức giúp dỡ các lực lượng làm nhiệm vụ tuần
tra biên giới.
b. Mỗi Bên ký kết xử lý theo
pháp luật của nước mình những người cư trú trên lãnh thổ mình đã phá hoại, làm
hư hại hoặc tự ý xê dịch, di chuyển mốc quốc giới, ngăn cản các lực lượng làm
nhiệm vụ tuần tra biên giới.
Điều 10.
Hai Bên ký kết có những biện
pháp kiên quyết ngăn chặn mọi hành động dẫn đến sự thay đổi đường biên giới
trên các sông suối biên giới.
Bên nào vi phạm quy định trên
đây gây thiệt hại cho Bên kia phải có trách nhiệm bồi thường thích đáng và phá
huỷ các công trình đã dẫn đến sự thay đổi đường biên giới, khôi phục lại nguyên
trạng đường biên giới.
Điều 11.
Mỗi khi phát hiện thấy một đoạn
sông suối biên giới đổi dòng làm ảnh hưởng đến đường biên giới giữa hai nước,
các đồn Biên phòng gần nhau làm biên bản chung, có chữ ký của Đồn trưởng đồn
Biên phòng hai Bên xác nhận việc đổi dòng và nguyên nhân của nó để báo cáo lên
cấp trên của mỗi Bên.
Chương 2:
VIỆC QUA LẠI BIÊN GIỚI
Điều 12.
Hai Bên ký kết nhất trí rằng
"khu vực biên giới" nói trong Hiệp định này là khu vực bao gồm các xã
hoặc đơn vị hành chính tương đương của Việt Nam và các bản hoặc đơn vị hành
chính tương đương của Lào tiếp giáp với đường biên giới quốc gia giữa hai nước
nhằm làm cho việc qua lại biên giới của công dân cư trú trong khu vực biên giới
của hai Bên được thuận tiện, đáp ứng nhu cầu đời sống hàng ngày của họ và bảo
đảm an ninh cho mỗi khu vực biên giới.
Hai Bên ký kết sẽ thông báo cho
nhau biết danh sách các xã, bản hoặc đơn vị hành chính tương đương nói trên và
nói rõ thuộc huyện, tỉnh nào.
Điều 13.
Công dân cư trú trong khu vực
biên giới của mỗi bên từ 15 (mười lăm) tuổi trở lên được nhà đương cục có thẩm
quyền của nước mình cấp một giấy chứng minh hoặc giấy chứng nhận có ký hiệu
riêng gọi là giấy chứng minh hoặc giấy chứng nhận biên giới để phân biệt với
công dân cư trú ngoài khu vực biên giới. Hai Bên ký kết thông báo cho nhau biết
ký hiệu của giấy chứng minh hoặc giấy chứng nhận đó.
Điều 14.
a. Công dân cư trú trong khu vực
biên giới bên này được sang các xã, bản tiếp giáp và lân cận thuộc khu vực biên
giới bên kia để mua bán, trao đổi hàng hoá cần thiết cho đời sống hàng ngày,
cho sản xuất, thăm viếng người thân, xem phim, xem biểu diễn văn nghệ.
b. Hai Bên ký kết quy định thể
thức, danh mục, giá trị và số lượng hàng và tiền tệ mà công dân ở khu vực biên
giới mỗi Bên được phép mang qua biên giới theo khoản a. điều này.
Điều 15.
a. Khi có dịch bệnh với người,
vật nuôi, cây trồng ở trong khu vục biên giới một Bên, chính quyền địa phương
bên đó phải có biện pháp phòng chống kịp thời; đồng thời báo ngay cho chính
quyền địa phương Bên kia biết. Nếu được yêu cầu, Bên kia sẽ tích cực và kịp
thời giúp đỡ với mọi khả năng của mình.
b. Trong thời gian có dịch bệnh
với người phải tạm ngừng việc qua lại khu vực biên giới có dịch bệnh.
Khi có vật nuôi, cây trồng nào
bị dịch bệnh phải tạm ngừng việc mua bán, di chuyển qua biên giới vật nuôi, cây
trồng đó.
c Việc tạm ngừng qua lại biên
giới cũng như việc tạm ngừng mua bán, di chuyển vật nuôi, cây trồng trong phạm
vi xã, bản biên giới hoặc đơn vị hành chính tương đương do chính quyền nơi đó
quyết định và báo cáo ngay lên cấp trên của mình.
Việc tạm ngừng qua lại tại các
cửa khẩu chính ghi trong Điều 18 của Hiệp định này do Chính phủ mỗi Bên ký kết
quyết định và thông báo cho Bên kia.
Điều 16.
Công dân của một Bên ở khu vực
biên giới bị bệnh hoặc tai nạn có thể trực tiếp liên hệ với cơ sở y tế của Bên
kia nhờ giúp đỡ cứu chữa; sau đó báo cho chính quyền phía Bên mình biết để liên
hệ làm thủ tục cần thiết với chính quyền Bên kia.
Điều 17.
a. Mỗi Bên ký kết giáo dục nhân dân
ở khu vực biên giới Bên mình tránh không để gia súc sang khu vực biên giới Bên
kia phá hoại hoa mầu. Trường hợp gia súc phá hoại hoa mầu, người chủ gia súc đó
phải bồi thường thích đáng theo sự thoả thuận của các bên đương sự.
b. Khi có gia súc ở khu vực biên
giới Bên kia sang khu vực biên giới Bên này, nhà chức trách và công dân Bên này
giữ lại và trông nom giúp, đồng thời báo ngay cho nhà chức trách Bên kia và chủ
gia súc biết để sang nhận và chủ gia súc phải trả tiền công trông nom gia súc
đó. Trong lúc gia súc còn dưới sự quản lý của mình, cấm bắt gia súc đó làm việc
hoặc đánh đập làm cho gia súc đó bị thương hoặc bị chết; nếu cố tình làm cho
gia súc bị thương hoặc bị chết, người trông nom phải bồi thường thích đáng.
c. Nếu các đương sự không thể tự
giải quyết được, chính quyền địa phương hai Bên giúp đỡ họ giải quyết trên tinh
thần hữu nghị anh em.
Điều 18.
Hai Bên ký kết thoả thuận mở 8
cửa khẩu chính trên các đường bộ sau đây:
a.
Tên
cửa khẩu phía Việt Nam
|
Đường
qua biên giới
|
Tên
cửa khẩu phía Lào
|
Tây Chang
|
Đường 42
|
Xốp Hun
|
Pa Háng
|
Đường 43
|
Xốp Bau
|
Na Mèo
|
Đường 217
|
Bản Lợi
|
Nậm Cắn
|
Đường 7
|
Nậm Căn
|
Keo Nưa
|
Đường 8
|
Keo Nưa (Na Pe)
|
Cha Lo (đèo Mụ Giạ)
|
Đường 12
|
Thông Khảm
|
Lao Bảo
|
Đường 9
|
Huội Ka Ky (Bản A Lôn)
|
Bờ Y
|
Đường 18
|
Giang Giơn
|
b. Ở những nơi xa các cửa khẩu
nói ở khoản a . Điều này, nếu xét thấy cần thiết, chính quyền cấp tỉnh hai Bên
có thể thoả thuận mở thêm những cửa khẩu phụ để thuận tiện cho công dân trú ở
khu vực biên giới qua lại. Việc kiểm soát qua lại biên giới ở cửa khẩu phụ phải
theo nguyên tắc kiểm soát chung.
Điều 19
Công dân của hai Bên ký kết khi
qua lại biên giới phải tuân theo những quy định sau đây:
a. Công dân cư trú trong khu vực
biên giới của mỗi Bên ký kết đi sang khu vực biên giới của Bên kia với mục đích
nêu trong Điều 14 của Hiệp định này phải có giấy chứng minh hoặc giấy chứng
nhận như quy định ở Điều 13 của Hiệp định này. Nếu đương sự muốn lưu lại khu
vực biên giới nơi đến quá 7 (bảy) ngày thì phải xin phép của chính quyền xã,
bản nơi mình cư trú hoặc đồn Biên phòng gần nhất bên mình. Thời hạn của giấy
phép không quá 20 (hai mươi) ngày, nhưng có thể được chính quyền địa phương nơi
đến gia hạn thêm không quá 15 ngày.
Những người dưới 15 (mười lăm)
tuổi chưa có giấy chứng minh hoặc giấy chứng nhận biên giới được đi sang khu
vực biên giới Bên kia với điều kiện là đi kèm với người có giấy chứng minh hoặc
giấy chứng nhận biên giới.
Đương sự phải xuất trình giấy
chứng minh hoặc giấy chứng nhận biên giôi và giấy phép cho đồn Biên phòng hoặc
chính quyền xã, bản nơi đến.
b. Công dân của Bên ký kết này
khi xuất, nhập cảnh lãnh thổ của Bên ký kết kia phải tuân theo các quy định có
liên quan của mời Bên ký kết và các quy định đã được hai Bên thoả thuận.
c. Hàng hoá, vật tư, thiết bị
(trừ các loại hàng được phép mua, bán, trao đổi theo quy định của Điều 14 Hiệp
định này) và các loại phương tiện vận chuyển nhập cảnh, xuất cảnh phải có đầy
đủ giấy tờ hợp lệ của các cơ quan hữu quan, phải tuân theo luật lệ hải quan,
kiểm dịch và luật lệ liên quan khác của mỗi Bên.
Điều 20.
Việc kiểm soát qua lại biên giới
quy định như sau:
a. Người, hành lý, hàng hoá,
phương tiện vận chuyển chỉ được qua lại biên giới của hai Bên ký kết khi có đủ
giấy tờ hợp lệ như Điều 19 Hiệp định này quy định và phải qua đúng cửa khẩu đã
được phép. Đương sự phải xuất trình hộ chiếu hoặc giấy thông hành và các giấy
tờ cần thiết khác cho nhà chức trách và tạo điều kiện thuận lợi cho họ làm
nhiệm vụ kiểm soát tại cửa khẩu.
b. Hai Bên ký kết sẽ thoả thuận
quy định những trường hợp đặc biệt được miễn thủ tục hải quan.
Điều 21.
a. Trường hợp có công dân cư trú
trong khu vực biên giới Bên này xin di cư sang khu vực biên giới Bên kia, nếu
thấy nguyện vọng của họ là chính đáng, thì chính quyền cấp tỉnh của đương sự
bàn bạc với chính quyền cấp tỉnh phía Bên kia nếu được sự chấp nhận của chính
quyền cấp tỉnh phía Bên kia mới cho phép di cư.
b. Khi một Bên thấy công dân Bên
kia tự tiện di cư qua khu vực biên giới Bên mình thì phải báo cho Bên kia biết
để chính quyền cấp tỉnh hai Bên bàn bạc giải quyết trên cơ sở tôn trọng chủ
quyền và pháp luật của mỗi bên.
Chương 3:
KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG
SÔNG SUỐI BIÊN GIỚI, BẢO VỆ RỪNG, SĂN BẮN, KHAI KHOÁNG VÀ GIỮ GÌN AN NINH TRONG
KHU VỰC BIÊN GIỚI
Điều 22.
Sông suối biên giới là những
sông suối có đường biên giới đi giữa lạch sâu nhất vào lúc mức nước thấp nhất
(nếu là sông suối tàu thuyền đi lại được) hoặc giữa sông suối (nếu là sông suối
tàu thuyền không đi lại được)
Trong việc khai thác sử dụng các
sông suối biên giới, mỗi Bên ký kết cần áp dụng những biện pháp cần thiết bảo
đảm tôn trọng lợi ích của cả hai Bên.
Điều 23.
a. Công dân cư trú hai bên bờ
sông suối biên giới được sử dụng nước sông suối để đáp ứng các nhu cầu về sinh
hoạt, sản xuất và giao thông.
b. Việc làm các công trình thuỷ
lợi, thuỷ điện và các công trình khác cỡ nhỏ trên các sông suối biên giới phải
được phép của chính quyền cấp tỉnh hữu quan của hai Bên ký kết trên cơ sở tôn
trọng lợi ích của cả hai Bên ký kết và tránh không được làm thay đổi dòng chảy
và ô nhiễm môi trường của các sông suối đó.
c. Việc xây dựng những công
trình thuỷ lợi, thuỷ điện và các công trình khác cỡ vừa hoặc lớn trên các sông
suối biên giới, kể cả các công trình xa đường biên giới nhưng có ảnh hưởng trực
tiếp đến lưu lượng nước và môi trường của các sông suối đó, phải được Chính phủ
hai Bên ký kết thoả thuận.
d. Hai Bên ký kết có những biện
pháp bảo vệ môi trường các sông suối biên giới.
Trong việc khai thác nguồn lợi
thuỷ sản trên các sông suối biên giới cấm dùng chất nổ, chất độc hoá học, các
loại lá, rễ cây có chất độc và các phương tiện khác có thể làm cho thuỷ sản
chết hàng loạt.
Điều 24
a. Đối với cầu biên giới, mỗi
bên ký kết quản lý nửa cầu về phía bên mình.
b. Bên ký kết này phải thông báo
cho Bên ký kết kia về thời gian và nội dung sửa chữa, bảo dưỡng phần cầu do Bên
mình quản lý. Sau khi sửa chữa, bảo dưỡng xong phải thông báo cho Bên kia biết.
Phí tổn đối với việc sửa chữa,
bảo dưỡng phần cầu thuộc Bên nào do Bên đó chịu.
c. Việc xây dựng cầu mới hoặc
xây lại cầu cũ bị hư hỏng cần có sự thoả thuận của hai Bên ký kết về vị trí,
hình dáng, kích thước, cấu trúc, trọng tải, thời gian và kinh phí. Hai bên ký
kết cần có sự hợp tác tích cực trong việc xây dựng cầu đó.
Điều 25
a. Cấm công dân ở khu vực biên
giới Bên này sang khu vực biên giới Bên kia làm ruộng, rẫy, vườn, săn bắn, đốn
cây, khai thác lâm thổ sản, khoáng sản và thuỷ sản, trừ trường hợp được chính
quyền cấp tỉnh hoặc Chính phủ hai Bên cho phép.
b. Việc săn bắn trong khu vực
biên giới phải chấp hành theo các quy định có liên quan của mỗi Bên hoặc của
các thoả thuận của hai bên ký kết. Tuyệt đối cấm săn bắn các loại thú quý, hiếm
trong khu vực biên giới. Hai Bên ký kết sẽ cùng nhau quy định các loại thú đó.
Điều 26.
Hai Bên ký kết tăng cường hợp
tác bảo vệ rừng và có những biện pháp ngăn cấm mọi hành động gây hại cho rừng
trong khu vực biên giới. Khi một Bên bị sâu bệnh phá hoại hoa mầu, cây cối hoặc
bị cháy rừng Bên đó phải nhanh chóng diệt trừ sâu bệnh hoặc dập tắt đám cháy,
đồng thời báo cho chính quyền xã, bản hoặc đồn Biên phòng nơi gần nhất Bên kia
biết để kịp thời có biện pháp phòng ngừa. Nếu được yêu cầu, Bên kia cần tích
cực và kịp thời giúp đỡ với mọi khả năng của mình.
Điều 27.
a. Việc thăm dò địa chất và khai
khoáng của mỗi Bên ký kết trong khu vực biên giới chỉ được tiến hành trên lãnh
thổ phía Bên mình. Nếu việc thăm dò địa chất và khai khoáng đó có ảnh hưởng đến
đường biên giới giữa hai nước và tài nguyên của Bên kia thì phải được sự thoả
thuận trước của Bên đó trên cơ sở tôn trọng lợi ích của nhau.
b. Khi một Bên tiến hành khảo
sát bằng việc dùng máy bay chụp ảnh từ trên không ở khu vực biên giới của mình
cần thông báo cho Bên kia biết trước. Nếu cần bay qua đường biên giới hoặc chụp
ảnh khu vực biên giới của bên kia thì phải được sự đồng ý trước của Bên kia
thông qua đường ngoại giao.
Điều 28.
a. Hai Bên ký kết hợp tác chặt
chẽ giữ gìn an ninh khu vực biên giới giữa hai nước, ngăn ngừa và đập tan mọi
hành động xâm phạm an ninh quốc gia, ngăn chặn buôn lậu.
b. Khi một Bên phát hiện hoạt
động của biệt kích, gián điệp và các phần tử xấu khác trong khu vực biên giới
cần kịp thời thông báo phía Bên kia biết và phối hợp hoạt động truy quét.
c. Công dân của một Bên phạm tội
hình sự và bị bắt trong khu vực biên giới của Bên kia thì bên bắt giữ tiến hành
xét xử theo pháp luật của mình; sau khi xét xử xong trao trả đương sự cùng hồ
sơ vụ án và tư trang của đương sự nếu có cho bên kia.
d. Cấm bắn súng và ném chất nổ
qua bên kia biên giới. Nếu một Bên muốn nổ mìn và luyện tập quân sự trong khu
vực biên giới cần thông báo trước cho Bên kia biết.
e. Mỗi Bên ký kết có nghĩa vụ
bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của những công dân thuộc khu vực biên giới
Bên kia sang khu vực biên giới Bên mình một cách hợp pháp. Trường hợp họ gặp
tai nạn cần tích cực và kịp thời giúp đỡ; đồng thời xác minh nguyên nhân tai
nạn và thông báo ngay cho chính quyền Bên kia biết.
g. Khi phát hiện thấy xác chết ở
khu vực biên giới mà không rõ người chết là người của Bên nào, Bên phát hiện
phải thông báo ngay cho phía Bên kia biết để cùng nhau xác minh. Nếu người chết
là người của Bên nào thì Bên đó chôn cất.
Sau hai mươi bốn giờ kể từ khi
thông báo, nếu Bên kia không đến thì Bên phát hiện làm các thủ tục cần thiết và
được phép chôn cất.
Điều 29.
Mỗi Bên ký kết xử lý thích đáng
theo pháp luật của Bên mình những người có hành động vi phạm quy chế biên giới.
Đối với những người vi phạm quy
chế qua lại biên giới nếu là công dân của Bên nào thì trao cho Bên đó xử lý,
trừ những trường hợp phạm pháp về hình sự.
Khi giao nhận người vi phạm nói
trên cần làm biên bản ghi nhận hành động vi phạm của họ; về tang vật thì xử lý
theo pháp luật của bên bắt giữ.
Chương 4:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN HIỆP
ĐỊNH VỀ QUY CHẾ BIÊN GIỚI
Điều 30.
Trong việc quản lý đường biên
giới và bảo quản các mốc quốc giới, các đồn Biên phòng hai Bên có nhiệm vụ:
a. Tổ chức quản lý đoạn biên
giới và bảo quản các mốc quốc giới do đồn mình phụ trách.
b. Phát hiện những hiện tượng
thay đổi về đường biên giới trên thực địa, ngăn chặn kịp thời những hành động
phá hoại, di chuyển mốc quốc giới, phát hiện những mốc quốc giới bị phá hoại,
bị hư hại, bị di chuyển và những hiện tượng không bình thường khác, kịp thời
thông báo cho đồn đối diện biết và làm biên bản chung báo cáo lên cấp trên của
mỗi Bên sau khi cùng xem xét hiện trường.
c. Tiến hành kiểm tra liên hợp
định kỳ mỗi năm ít nhất một lần; thời gian kiểm tra định kỳ do các đồn có trách
nhiệm liên đới thoả thuận.
d. Tiến hành sửa chữa, bảo
dưỡng, khôi phục mốc quốc giới trong phạm vi đồn phụ trách theo kế hoạch của cơ
quan biên giới Trung ương.
Điều 31.
Đồn trưởng biên phòng mỗi bên có
nhiệm vụ:
a. Quan hệ với Đồn trưởng biên
phòng bên kia trong việc thực hiện những nhiệm vụ và giải quyết những vấn đề
trong phạm vi thẩm quyền của mình.
Những vấn đề ngoài nhiệm vụ,
quyền hạn của mình thì báo cáo lên cấp trên và chính quyền cấp tỉnh.
b. Tiếp nhận hoặc trao cho Bên
kia những người vi phạm quy chế qua lại biên giới nói ở Điều 29 của Hiệp định
này.
c. Phối hợp hoạt động với phía
bên kia cùng bảo vệ an ninh khu vực biên giới.
d. Cấp giấy phép cho công dân
khu vực biên giới phía Bên mình khi có việc phải qua khu vực biên giới Bên kia
theo khoản a. Điều 19 của Hiệp định này.
Điều 32.
Chế độ quan hệ làm việc giữa Đồn
trưởng biên phòng hai Bên quyết định như sau:
a. Tiến hành họp thường kỳ 3
tháng một lần và họp bất thường nếu cần để giải quyết những công việc đã quy
định ở điều 31 của Hiệp định này.
b. Các cuộc họp thường kỳ được
tổ chức luân phiên họp trên lãnh thổ Bên nào thì Bên đó chịu trách nhiệm về ăn,
ở, đi lại, hoạt động và an ninh. Hai Bên thông báo trước cho nhau biết các vấn
đề sẽ nêu và thành phần dự họp.
c. Đề nghị họp bất thường của
Đồn trưởng biên phòng cần đưa ra cho Đồn trưởng biên phòng Bên kia trước 24 giờ
và cần được Đồn trưởng biên phòng Bên kia chấp thuận.
d. Nếu Đồn trưởng một đồn biên
phòng gặp trở ngại không thể đến họp được, có thể uỷ nhiệm Phó trưởng đồn hoặc
người đại diện có thẩm quyền khác họp thay nhưng cần báo trước cho Đồn trưởng
đồn đối diện biết.
e. Cuộc họp của các Đồn trưởng
đồn biên phòng cần làm biên bản chung ghi rõ thời gian, thành phần, địa điểm,
nội dung cuộc họp, những vấn đề hai Bên đã thống nhất giải quyết, những vấn đề
chưa giải quyết được. Biên bản làm thành hai bản, mỗi bản bằng hai thứ tiếng
Việt Nam và Lào, có chữ ký của Đồn trưởng hai Bên hoặc người được uỷ quyền.
Điều 33.
Chính quyền các tỉnh biên giới
có nhiệm vụ:
a. Tổ chức phổ biến rộng rãi và
thường xuyên nội dung Hiệp định về quy chế biên giới cho cán bộ, chiến sĩ và
nhân dân trong tỉnh, nhất là trong khu vực biên giới.
b. Chỉ đạo việc quản lý, bảo vệ
đường biên giới và bảo quản hệ thống mốc quốc giới trong phạm vi tỉnh mình phụ
trách.
c. Chỉ đạo việc kiểm tra đường
biên giới và mốc quốc giới, theo kế hoạch do cơ quan Biên giới Trung ương hai
Bên thoả thuận đề ra.
d. Theo dõi tình hình công tác
biên giới trong phạm vi tỉnh mình.
e. Liên hệ với đại diện chính
quyền cấp tỉnh của tỉnh biên giới bên kia để giải quyết những sự kiện về biên
giới.
g. Báo cáo lên cơ quan Biên giới
Trung ương bên mình tình hình thực hiện quy chế biên giới và những vấn đề không
giải quyết được hoặc ngoài thẩm quyền của mình. Trong khi chờ ý kiến giải quyết
của cấp trên, mỗi Bên cố gắng giữ quan hệ bình thường, không làm cho tình hình
phức tạp hơn.
h. Cử ra một thành viên của Uỷ
ban nhân dân tỉnh (phía Việt Nam) hay Uỷ ban chính quyền tỉnh (phía Lào) phụ
trách theo dõi, chỉ đạo thường xuyên việc thực hiện Hiệp định về quy chế biên
giới trong phạm vi tỉnh mình và đại diện cho tỉnh giải quyết các vấn đề về biên
giới với tỉnh biên giới Bên kia. Người đại diện này có một Phó và một số chuyên
viên giúp việc.
i. Các đại diện chính quyền cấp
tỉnh có chung biên giới tiến hành hội nghị khi hai Bên thấy cần thiết hoặc theo
đề nghị của một Bên. Hai Bên sẽ thoả thuận về thời gian và địa điểm từng hội
nghị. Hội nghị tổ chức trên lãnh thổ Bên nào, Bên đó đảm nhiệm chi phí.
Trong các cuộc họp, nếu xét thấy
cần thiết có thể có đại diện các ngành có liên quan và một số chuyên viên tham
dự, nhưng cần thông báo trước cho Bên kia. Công việc của các kỳ họp được ghi
trong biên bản chung: thời gian, thành phần, địa điểm, nội dung cuộc họp, những
vấn đề hai Bên đã thống nhất giải quyết, những vấn đề chưa giải quyết được.
Biên bản làm thành hai bản, mỗi bản bằng hai thứ tiếng Việt Nam và Lào có chữ ký của đại diện hai tỉnh.
Điều 34.
a. Cơ quan Biên giới Trung ương
của hai Bên được trao nhiệm vụ trực tiếp quan hệ với nhau để giúp Chính phủ hai
Bên chỉ đạo việc thực hiện Hiệp định này.
b. Hai Bên tiến hành hội nghị
cần thiết hoặc theo đề nghị của một Bên. Hai Bên đã thoả thuận về thời gian và
địa điểm hội nghị. Hội nghị tổ chức trên lãnh thổ Bên nào, Bên đó đảm nhiệm chi
phí.
Các hội nghị của cơ quan Biên
giới Trung ương hai Bên nếu xét thấy cần có thể có đại diện các Bộ, ngành và
tỉnh biên giới liên quan cùng các chuyên viên tham dự.
Công việc của mỗi hội nghị của
cơ quan Biên giới Trung ương hai Bên được ghi vào biên bản chung, có chữ ký của
Trưởng đoàn đại biểu hai Bên.
Chương 5:
CÁC ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 35.
a. Hiệp định này có thể được sửa
đổi, bổ sung theo sự thoả thuận của hai Bên ký kết.
b. Hai Bên ký kết phải giải
quyết các bất đồng có liên quan đến việc giải thích và vận dụng Hiệp định này
thông qua thương lượng giữa cơ quan Biên giới Trung ương hai Bên; nếu không
giải quyết được thì báo cáo lên hai Chính phủ.
Điều 36.
a. Hiệp định này sẽ được phê
chuẩn và sẽ có hiệu lực sau 180 ngày kể từ ngày hai Bên trao đổi thư phê chuẩn.
b. Hiệp định này có giá trị
trong 10 năm kể từ ngày có hiệu lực và tiếp tục có giá trị thêm từng năm năm
một nếu sáu tháng trước khi Hiệp định hết hạn, không Bên nào thông báo bằng
công hàm ý định muốn huỷ bỏ Hiệp định.
Điều 37.
Kể từ ngày Hiệp định này có hiệu
lực, Biên bản về Quy chế đầu tiên về Quy chế biên giới giữa Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ký ngày 3 tháng 7 năm 1978 tại
Viêng Chăn mặc nhiên không còn giá trị nữa.
Làm tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày
1 tháng 3 năm 1990 thành hai bản, mỗi bản bằng hai thứ tiếng Việt Nam và Lào,
cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.
Phụ
lục:
(Kèm theo Hiệp định về Quy chế biên giới quốc gia
giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào)
Toàn tuyến Biên giới Việt Nam - Lào gồm: 214 mốc
- Số đoạn: 19 đoạn
- Mốc đơn: 190 mốc
- Mốc đôi: 3 mốc
- Mốc ba : 6 mốc
Phụ lục
1:
A. Mốc
quốc giới nằm trên lãnh thổ Việt Nam: 15 mốc
- Đoạn B: B-13 (1) mốc ba
- Đoạn G: G-7
- Đoạn H: H-1 mốc đôi
- H-5
- Đoạn K: K-1 (2) mốc ba
K-1 (3) mốc ba
K-2 (2) mốc ba
- Đoạn L: L-4 mốc đôi
L-5 (1) mốc ba
- Đoạn M : M-6
- Đoạn Q: Q-7
- Đoạn R: R-1 mốc đôi
R-2 (1) mốc ba
R-7 (2) mốc ba
- Đoạn T: T-23
B. Mốc
quốc giới nằm trên lãnh thổ Lào: 21 mốc
- Đoạn B: B-13 (2) mốc ba
B-13 (3) mốc ba
- Đoạn E: E-4
- Đoạn G: G-9
- Đoạn H: H-1 mốc đôi
- Đoạn K: K-1 (1) mốc ba
K-2 (1) mốc ba
K-2 (3) mốc ba
K-4
K-5
- Đoạn L: L-1 mốc đôi
L-5 (2) mốc ba
L-5 (3) mốc ba
- Đoạn Q: Q-8
- Đoạn R: R-1 mốc đôi
R-2 (2) mốc ba
R-2 (3) mốc ba
R-7 (4) mốc ba
R-7 (3) mốc ba
- Đoạn T: T-13
T-32
Phụ lục
2:
A. Mốc
quốc giới mang số chẵn : 88 mốc
- Đoạn A: A-2, A-4, A-6
- Đoạn B: B-2, B-4, B-6, B-8,
B-10, B-12
- Đoạn C: C-2, C-4, C-6, C-8
- Đoạn D: D-2, D-4, D-6, D-8,
D-10
- Đoạn E: E-2, E-6, E-8
- Đoạn G: G-2, G-4, G-6, G-8,
G-10, G-12
- Đoạn H: H-2, H-4, H-6, H-8
- Đoạn I: I-2, I-4, I-6, I-8
- Đoạn K: K-6
- Đoạn L: L-2, L-6, L-8, L-10
- Đoạn M: M-2, M-4, M-8, M-10,
M-12, M-14
- Đoạn N: N-2, N-4, N-6, N-8,
N-10, N-12
- Đoạn O: O-2, O-4
- Đoạn P: P-2, P-4
- Đoạn Q: Q-2, Q-4, Q-6, Q-10,
Q-12, Q-14, Q-16
- Đoạn R: R-8, R-10, R-12, R-14,
R-16
- Đoạn S: S-2, S-4, S-6, S-8,
S-10
- Đoạn T: T-2, T-4, T-6, T-8,
T-10, T-12, T-14, T-16, T-18, T-20, T-24, T-26
- Đoạn U: U-2, U-4, U-6.
B. Mốc
quốc giới mang số lẻ: 90 mốc
- Đoạn A: A-3, A-5, A-7
- Đoạn B: B-1, B-3, B-5, B-7,
B-9, B-11
- Đoạn C: C-1, C-3, C-5, C-7, C-9
- Đoạn D: D-1, D-3, D-5, D-7, D-9
- Đoạn E: E-1, E-3, E-5, E-7, E-9
- Đoạn G: G-1, G-3, G-5, G-11
- Đoạn H: H-3, H-7
- Đoạn I: I-1, I-3, I-5, I-7
- Đoạn K: K-3
- Đoạn L: L-3, L-7, L-9
- Đoạn M: M-l, M-3, M-5, M-7,
M-9, M-11, M-13
- Đoạn N: N-1, N-3, N-5, N-7,
N-9, N-11, N-13
- Đoạn O: O-1, O-3
- Đoạn P: P-1, P-3, P-5
- Đoạn Q: Q-1, Q-3, Q-5, Q-9,
Q-11, Q-13, Q-15, Q-17
- Đoạn R: R-9, R-11, R-13, R-15
- Đoạn S: S-1, S-3, S-5, S-7,
S-9, S-11
- Đoạn T: T-1, T-3, T-5, T-7,
T-9, T-11, T-15, T-17, T-19, T-21, T-25, T-27
- Đoạn U: U-1, U-3, U-5.
Làm tại Thành phố Hồ Chí Minh,
ngày 1 tháng 3 năm 1990