THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
367/CT-TTg
|
Hà
Nội, ngày 19 tháng 03 năm 2010
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NƯỚC CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI
Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ năm
thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 02 tháng 9
năm 2009) sau đây gọi là Luật Cơ quan đại diện) nhằm tăng cường quản lý thống
nhất các hoạt động đối ngoại của Đảng, Quốc hội, ngoại giao nhà nước, ngoại
giao nhân dân; phát huy sức mạnh của ngoại giao toàn diện, nâng cao vị thế,
trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện và thành viên cơ quan;
nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đại diện; bảo đảm tổ chức bộ
máy, biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất, an toàn, an ninh cho cơ quan đại diện
và các thành viên cơ quan đại diện. Để triển khai thực hiện Luật Cơ quan đại diện
đạt được kết quả tốt, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
I. TỔ CHỨC TUYÊN
TRUYỀN, PHỔ BIẾN VỀ LUẬT CƠ QUAN ĐẠI DIỆN
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương tổ chức đợt tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu rộng rãi nội
dung của Luật Cơ quan đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; đặc
biệt, tập trung vào các nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật, nhiệm
vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và cơ
chế phối hợp giữa các cơ quan trong nước và cơ quan đại diện.
2. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp
với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính chỉ đạo hướng dẫn người đứng đầu cơ quan đại diện tổ
chức phổ biến, quán triệt tinh thần, nội dung của Luật Cơ quan đại diện cho các
thành viên cơ quan đại diện, cán bộ, nhân viên cơ quan, văn phòng đại diện của
Bộ, ngành và địa phương Việt Nam và người Việt Nam tại nước sở tại.
II. TỔ CHỨC RÀ
SOÁT CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ CƠ QUAN ĐẠI DIỆN
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(sau đây được gọi là Bộ, ngành) trong quý II năm 2010, phối hợp với các cơ quan
hữu quan hoàn thành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính
khác liên quan đến công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành đối với cơ quan, văn
phòng đại diện thuộc Bộ, ngành ở nước ngoài và việc phân bổ, sử dụng, quản lý
kinh phí dành cho cơ quan, văn phòng đại diện thuộc Bộ, ngành; kịp thời đình chỉ
việc thi hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ theo thẩm quyền, hoặc kiến
nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ
sung, thay thế, bãi bỏ quy định trái với Luật Cơ quan đại diện.
2. Các Bộ, ngành có cán bộ công tác
biệt phái tại cơ quan đại diện trong quý II năm 2010, chủ trì, phối hợp với các
cơ quan hữu quan tổ chức hoàn thành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, văn
bản hành chính khác liên quan đến công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành đối với
cán bộ biệt phái, việc phân bổ, sử dụng, quản lý kinh phí dành cho cán bộ biệt
phái thuộc Bộ, ngành để kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung, thay
thế, bãi bỏ theo thẩm quyền, hoặc kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền
đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ quy định trái với Luật
Cơ quan đại diện.
3. Bộ Ngoại giao trong quý II năm
2010, chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức hoàn thành rà soát các
văn bản quy phạm pháp luật về cơ quan đại diện do Bộ Ngoại giao ban hành, văn bản
liên tịch giữa Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành và văn bản quy phạm pháp luật do
Bộ Ngoại giao trình cơ quan có thẩm quyền ban hành để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ
theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ.
4. Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính trong
quý II năm 2010, chủ trì, phối hợp với cơ quan hữu quan tổ chức hoàn thành rà
soát các văn bản quy phạm pháp luật về cơ quan đại diện do hai Bộ ban hành và
văn bản quy phạm pháp luật do hai Bộ trình cơ quan có thẩm quyền ban hành để sửa
đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi,
bổ sung, bãi bỏ.
5. Bộ Tư pháp tổ chức rà soát, kiểm
tra và xử lý theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về cơ quan đại diện.
6. Các Bộ, ngành có trách nhiệm trong
quý II năm 2010, gửi cho Bộ Ngoại giao kết quả rà soát văn bản được quy định tại
các điểm 1, 2 và 4 của Mục này để Bộ Ngoại giao tổng hợp báo cáo Thủ tướng
Chính phủ.
III. TRÁCH NHIỆM
TỔ CHỨC THI HÀNH LUẬT CỦA CÁC BỘ, NGÀNH VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC
THUỘC TRUNG ƯƠNG
1. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ,
các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành trong quý IV năm 2010 Thông tư
liên tịch giữa hai Bộ về tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động và chế độ báo cáo,
cung cấp thông tin của cán bộ biệt phái tại cơ quan đại diện;
b) Chủ trì xây dựng và ban hành
trong quý II năm 2010 văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức và chế độ làm việc của từng cơ quan đại diện;
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ
và các Bộ, ngành hữu quan xây dựng và ban hành trong quý II năm 2010 văn bản hướng
dẫn về tiêu chuẩn cán bộ, công chức, bao gồm tất cả các chức danh là thành viên
cơ quan đại diện, kể cả cán bộ biệt phái được cử đi công tác tại cơ quan đại diện;
d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ,
Bộ Tài chính và các Bộ, ngành hữu quan trong quý II năm 2010 xây dựng trình Thủ
tướng Chính phủ ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ kèm theo Đề án tổng
thể về việc thành lập, tổ chức bộ máy và chỉ tiêu biên chế của cơ quan đại diện
thay thế Quyết định số 196/2007/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng
Chính phủ về việc phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức biên chế các cơ quan đại diện
theo hướng tinh giản và có hiệu quả và các quy định khác liên quan đến tổ chức,
biên chế, kinh phí của cơ quan đại diện trái với Luật Cơ quan đại diện;
đ) Quyết định về cơ cấu tổ chức và
nhân sự cụ thể của từng cơ quan đại diện đã được thành lập. Trường hợp có liên
quan đến cán bộ biệt phái, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định sau khi đã thống
nhất với cơ quan hữu quan theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật
Cơ quan đại diện;
e) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ
và các Bộ, ngành có cán bộ biệt phái tại một số cơ quan đại diện, trong quý II
năm 2010 chỉ đạo cơ quan đại diện tổ chức rà soát cơ chế quản lý hành chính,
kinh phí, phương tiện đi lại và cơ sở vật chất dành cho cán bộ biệt phái để kiện
toàn công tác tổ chức và quản lý cán bộ theo quy định tại các Điều
11 và 21 Luật Cơ quan đại diện;
g) Phối hợp với Bộ Tài chính và các
Bộ, ngành liên quan chậm nhất đến hết quý IV năm 2010 hoàn thành công việc kiểm
kê, đánh giá tài sản, trang thiết bị, cơ sở vật chất, số kinh phí còn dư đã được
cấp riêng tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2010 cho cán bộ biệt phái của cơ quan đại
diện để thống nhất quản lý và sử dụng từ năm 2011 theo quy định của Điều 15 Luật Cơ quan đại diện;
h) Từ năm 2011, chủ trì đề xuất
trình Thủ tướng Chính phủ các đề án, dự án thuê, mua trụ sở, nhà ở cho tất cả
cán bộ, nhân viên cơ quan đại diện, kể cả cán bộ biệt phái và tổ chức thực hiện
các đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định tại Điều
15 Luật Cơ quan đại diện.
2. Trách nhiệm của Bộ Nội vụ:
a) Phối hợp với Bộ Ngoại giao xây dựng
trình Chính phủ đề án về việc thành lập, tạm đình chỉ, chấm dứt hoạt động của
cơ quan đại diện theo quy định tại Điều 13 Luật Cơ quan đại diện;
b) Phối hợp với Bộ Ngoại giao và
các Bộ, ngành liên quan xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ về tổ chức bộ
máy và chỉ tiêu biên chế của cơ quan đại diện theo quy định tại Điều
14 Luật Cơ quan đại diện.
3. Trách nhiệm của Bộ, ngành có cán
bộ biệt phái tại cơ quan đại diện:
a) Phối hợp với Bộ Ngoại giao xây dựng
đề án về tổ chức bộ máy và chỉ tiêu biên chế của cơ quan đại diện trong trường
hợp nội dung đề án có liên quan đến biên chế cán bộ do Bộ, ngành cử đi công tác
theo chế độ biệt phái tại cơ quan đại diện theo quy định tại Điều
14 Luật Cơ quan đại diện;
b) Tuyển chọn, giới thiệu cho Bộ
Ngoại giao những cán bộ, công chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, yêu cầu của Luật Cán
bộ, công chức và yêu cầu của Bộ Ngoại giao về chuyên môn, nghiệp vụ để bổ nhiệm
làm cán bộ biệt phái tại cơ quan đại diện;
c) Phối hợp với Bộ Ngoại giao, người
đứng đầu cơ quan đại diện trong việc chỉ đạo công tác chuyên môn, nghiệp vụ, quản
lý, đánh giá, nhận xét, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ biệt phái theo quy
định của Luật Cơ quan đại diện;
d) Tiếp tục thực hiện các đề án, dự
án đang được triển khai trong năm 2010 về việc mua, thuê trụ sở làm việc cho
cán bộ biệt phái tại một số cơ quan đại diện sau khi có ý kiến thống nhất với Bộ
Ngoại giao.
4. Trách nhiệm của Bộ Tài chính:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại
giao và các cơ quan hữu quan xây dựng trình Chính phủ trong quý II năm 2010 Nghị
định của Chính phủ quy định chi tiết điểm c khoản 2 Điều 15 Luật
Cơ quan đại diện;
b) Chủ trì xây dựng và trình Chính
phủ ban hành trong quý II năm 2010 Nghị định của Chính phủ về quản lý, sử dụng
tài sản nhà nước của Việt Nam ở nước ngoài;
c) Chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng
Chính phủ ban hành trong quý II năm 2010 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy
định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô và phương tiện đi
lại phục vụ công tác của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài;
d) Chủ trì hướng dẫn Bộ Ngoại giao
và các Bộ, ngành hoàn thành trong quý IV năm 2010 việc kiểm kê, đánh giá tài sản,
trang thiết bị, cơ sở vật chất, số kinh phí còn dư đã được cấp riêng cho cán bộ
biệt phái của cơ quan đại diện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2010, để bàn giao
cho Bộ Ngoại giao quý I năm 2011;
đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại
giao, các Bộ, ngành có cán bộ biệt phái tại các cơ quan đại diện được phép sử dụng
kinh phí riêng, tổ chức phân bổ và quản lý kinh phí hết ngày 31 tháng 12 năm
2010.
Từ năm 2011, Bộ Tài chính chủ trì,
phối hợp với Bộ Ngoại giao triển khai thực hiện việc phân bổ kinh phí cho cơ
quan đại diện theo quy định của Điều 15 Luật Cơ quan đại diện.
5. Trách nhiệm của Bộ, ngành và Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Phối hợp với cơ quan đại diện
trong việc trao đổi thông tin hai chiều phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước
trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng – an ninh, kinh tế, thương
mại, đầu tư, du lịch, lao động, khoa học – công nghệ, văn hóa và thông tin,
giáo dục và đào tạo, bảo hộ công dân và bảo vệ cộng đồng người Việt Nam ở nước
ngoài;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn các đoàn được
cử đi công tác nước ngoài có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đại diện tại nước
đến công tác về thời gian, địa điểm, mục đích, nội dung và kết quả chuyến đi công
tác để đảm bảo thực hiện thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại của Việt Nam ở
nước ngoài theo quy định tại Điều 34 Luật Cơ quan đại diện;
c) Chỉ đạo, hướng dẫn các văn
phòng, tổ chức đại diện của Bộ, ngành, địa phương tại nước ngoài thực hiện đúng
các yêu cầu thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại được quy định tại Điều 10 Luật Cơ quan đại diện.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Chỉ thị này có hiệu lực kể từ
ngày ký.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan có trách
nhiệm thực hiện Chỉ thị này.
3. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì,
phối hợp với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm đôn đốc,
kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, QHQT (5b).
|
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|