ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
28/CT-UBND
|
Nghệ
An, ngày 04 tháng 9 năm 2020
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ PHÁT HUY HIỆU QUẢ THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO SAU KHI
SẮP XẾP CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ, SÁP NHẬP XÓM, KHỐI, THÔN, BẢN TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH NGHỆ AN
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể
thao cơ sở có vai trò, vị trí quan trọng trong công tác tuyên truyền chủ trương,
đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tổ chức các hoạt động
văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở,
xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Thực hiện Quyết định số
2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng
thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 -
2020, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 3/01/2020 của UBND
tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện Nghị quyết số 831/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã
thuộc tỉnh Nghệ An;
Để quản lý, sử dụng và phát huy
hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của các xã sau khi
sắp xếp và các thôn, bản, khối, xóm (sau đây viết tắt là thôn) sau khi sáp nhập
đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tế ở cơ sở, Ủy ban nhân dân
tỉnh giao Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị chỉ đạo thực hiện một số nhiệm
vụ sau:
1. Thực hiện rà soát, lập phương án
xử lý nhà, đất kịp thời theo các nội dung đã được Sở Tài chính hướng dẫn tại
Công văn số 3728/STC-QLG&CS ngày 29/10/2019 về việc hướng dẫn phương án xử
lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ sau
khi sắp xếp, sáp nhập các đơn vị cấp huyện và đơn vị hành chính cấp xã; việc
thành lập, sáp nhập, đổi tên thôn, bản, khối, xóm ở các xã, phường, thị trấn
các huyện.
2. Giữ lại, tiếp tục sử dụng các
cơ sở văn hóa, cơ sở thể thao hiện có bao gồm: Nhà văn hóa xã đa năng, khu thể
thao và các công trình thể thao xã, sân vận động, nhà thi đấu, nhà tập luyện đa
năng, bể bơi; nhà văn hóa thôn, sân tập thể thao đơn giản và các công trình văn
hóa, thể thao khác nhằm duy trì tốt công tác tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ
chính trị, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và các hoạt động cộng đồng
của các tổ dân cư ở thôn.
3. Đối với địa phương có điều kiện
quy hoạch, xây dựng mới cơ sở văn hóa, thể thao của xã sau khi sắp xếp, thôn
sau khi sáp nhập
- Về diện tích đất quy hoạch
+ Căn cứ khoản 4, Điều 1 Quyết
định số 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Điều 4 và Điều 7
Thông tư số 01/2017/TT-BTNMT ngày 9/02/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy
định định mức sử dụng đất xây dựng cơ sở văn hóa, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và
đào tạo, cơ sở thể dục thể thao để quy hoạch đất sử dụng gắn với Quy hoạch phát
triển kinh tế - xã hội và phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất của các địa phương.
+ Rà soát, tổng hợp đầy đủ nhu cầu
sử dụng đất của các công trình văn hóa, thể thao dự kiến xây dựng mới vào
phương án Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện trình UBND tỉnh phê
duyệt theo quy định.
- Việc quy hoạch và dành quỹ đất
cho các công trình văn hóa, thể thao cơ sở phải đảm bảo vị trí trung tâm, thuận
lợi cho nhân dân dễ dàng đến sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa, luyện tập thể dục,
thể thao và vui chơi giải trí.
- Khuyến khích các địa phương dành
quỹ đất xây dựng Trung tâm văn hóa - thể thao xã, nhà văn hóa thôn sau khi sắp
xếp, sáp nhập phù hợp với quy mô hộ dân để khi có điều kiện xây dựng mới nhằm
phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đảm bảo đúng tiêu chuẩn,
kỹ thuật theo quy định.
- Quy mô xây dựng tương xứng với
sự phát triển về kinh tế, xã hội của địa phương, đáp ứng tối thiểu 70% số hộ
dân sau khi sáp nhập tham gia sinh hoạt trở lên, đảm bảo quy định tại Thông tư
số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 và Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày
8/03/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có kiến trúc phù hợp với đặc
trưng văn hóa vùng miền, dân tộc.
4. Đối với địa phương không có
điều kiện quy hoạch, xây dựng mới cơ sở văn hóa
- Rà soát, đánh giá hiện trạng cơ
sở văn hóa, thể thao hiện có, lựa chọn một trong các nhà văn hóa của xã, thôn ở
vị trí trung tâm, thuận lợi cho sinh hoạt của nhân dân để có phương án cải tạo,
nâng cấp, mở rộng khuôn viên, công trình phụ trợ làm điểm sinh hoạt chính của
cộng đồng dân cư.
- Bổ sung trang thiết bị hoạt
động, thay thế những trang thiết bị, khánh tiết cũ, lạc hậu, chỉnh trang khuôn
viên, công trình phụ trợ, vệ sinh môi trường, cây xanh, cây cảnh tạo cảnh quan
xanh – sạch – đẹp, đáp ứng đủ điều kiện hoạt động của hộ dân sau khi sắp xếp,
sáp nhập.
- Đối với nhà văn hóa đa năng của
xã sau khi sắp xếp: sau khi lựa chọn phương án 01 nhà văn hóa trung tâm làm
điểm chính tổ chức các hoạt động, các nhà văn hóa còn lại, khuyến khích địa
phương có phương án nâng cấp, cải tạo thành các công trình văn hóa phù hợp với
thực tế địa phương như thư viện, nhà bảo tàng, nhà truyền thống, nhà thiếu
nhi... của xã nhằm thực hiện mục tiêu phát triển phong phú đời sống văn hóa
nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
- Đối với nhà văn hóa của thôn sau
khi sáp nhập: sau khi lựa chọn phương án 01 nhà văn hóa làm điểm sinh hoạt
chính của thôn, các nhà văn hóa khác giữ lại tiếp tục sử dụng vào việc tổ chức
hoạt động của các tổ dân cư, các câu lạc bộ, điểm vui chơi dành cho trẻ em,
người cao tuổi...
5. Rà soát, có phương án sử dụng
đối với các công trình văn hóa, thể thao của xã, xóm sau khi sáp nhập dư thừa,
không có nhu cầu sử dụng, đã xuống cấp, lạc hậu, để trống hoặc rất ít hoạt động
để đưa vào phương án Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện trình UBND
tỉnh phê duyệt theo quy định.
6. Tiếp tục triển khai cụ thể hóa
Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy
hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn
2013 - 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện, thành, thị. Ưu tiên bố
trí nguồn lực hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao
đối với các xã, thôn sau khi sắp xếp, sáp nhập.
7. Chỉ đạo nâng cao chất lượng,
hiệu quả và đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, có
các giải pháp phát huy công năng sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở
trên địa bàn, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu các cơ sở văn hóa, thể thao;
công trình văn hóa, sân thể thao bị bỏ hoang hoặc đã đầu tư cơ sở vật chất
nhưng không tổ chức được các hoạt động thường xuyên và hiệu quả.
Yêu cầu các Sở, ngành liên quan,
UBND các huyện, thành, thị triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Bùi Đình Long
|