ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 24/CT-UBND
|
Khánh Hòa, ngày 12
tháng 11 năm 2014
|
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG TRÁCH
NHIỆM VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ TRONG CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT
KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số
35-CT/TW ngày 26/5/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác
tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; văn bản số 1722/TTg-V.I ngày
11/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường và nâng cao
hiệu quả công tác tiếp công dân, Kế hoạch số 86-KH/TU ngày 31/7/2014 của Tỉnh
ủy Khánh Hòa, Kế hoạch số 2343/KH-TTCP ngày 02/10/2014 của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày
26/5/2014 của Bộ Chính trị, Luật Tiếp công dân, Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày
26/6/2014 của Chính phủ; công văn số 02-HD/NCTU ngày 12/8/2014 của Ban Nội
chính Tỉnh ủy; nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tiếp công dân,
giải quyết đơn trên địa bàn toàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các
sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành
phố khẩn trương thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. Quán triệt và tăng cường công tác phổ biến, tuyên
truyền trong cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức thực hiện nghiêm túc có
hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số
2343/KH-TTCP ngày 02/10/2014 của Thanh tra Chính phủ, Kế hoạch số 86-KH/TU ngày
31/7/2014 của Tỉnh ủy Khánh Hòa, công văn
số 02-HD/NCTU ngày 12/8/2014 của Ban Nội chính Tỉnh ủy các quy định của Luật
Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành
bằng các hình thức nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân và đội
ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực này.
2. Khẩn trương chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn
tại, yếu kém và hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời, tăng cường
công tác kiểm tra, rà soát nắm chắc tình hình đơn phát sinh, nhất là số lượng đơn
khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai… để kịp thời chỉ đạo, giải quyết dứt điểm
ngay từ cơ sở; bên cạnh đó, gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, cải cách
hành chính, chỉnh đốn Đảng của cơ quan, đơn vị. Trong quá trình giải quyết phải
tăng cường tổ chức đối thoại, vận động, thuyết phục bảo đảm đúng quy định pháp
luật, đúng trình tự thủ tục và phù hợp thực tiễn, có tính khả thi cao.
3. Kiện toàn tổ chức, cán bộ tiếp công dân, giải
quyết khiếu nại tố cáo:
- Bố trí người làm công tác tiếp công dân và phân
công cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tham mưu giải quyết đơn có phẩm
chất đạo đức, tinh thông nghiệp vụ, nắm vững chính sách của Đảng, pháp luật của
Nhà nước, am hiểu thực tế, có trách nhiệm, có kỹ năng giao tiếp tốt để vận
động, thuyết phục công dân hiểu và chấp hành đúng các quy định pháp luật.
- Bố trí trụ sở, địa điểm thuận lợi để tiếp công
dân, bảo đảm cơ sở vật chất và các điều
kiện khác để phục vụ công tác tiếp công dân nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để
công dân thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ; đồng thời, thực hiện đúng chính sách
và có chế độ đãi ngộ đối với người được giao nhiệm vụ tiếp công dân.
4. Tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố
cáo theo thẩm quyền và các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài:
Khẩn trương giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu
nại, tố cáo còn tồn đọng theo Kế hoạch số
1130/KH-TTCP ngày 10/5/2012 và Kế hoạch số 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013 của
Thanh tra Chính phủ, báo cáo kết quả về UBND tỉnh
(qua Thanh tra tỉnh) để tổng hợp. Cần chủ
động rà soát, xem xét, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng
khác.
Cơ quan, đơn vị, địa phương để đơn thư tồn đọng,
kéo dài, có kết quả giải quyết đơn đạt tỉ lệ dưới 85% vụ việc thuộc thẩm quyền hoặc
giải quyết trái quy định pháp luật làm phát sinh đơn khiếu nại, tố cáo vượt cấp hoặc làm phát sinh tình hình khiếu kiện
đông người, phát sinh điểm nóng gây mất trật tự xã hội thì người đứng đầu cơ
quan, đơn vị, địa phương đó sẽ phải bị kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định.
Kiên quyết xử lý đúng
pháp luật các đối tượng có hành vi lợi dụng dân chủ, lợi dụng quyền khiếu nại, tố
cáo để kích động, mua chuộc, lôi kéo người khác cùng tham gia tố cáo sai sự thật,
vu khống cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết, người thi hành công
vụ; xuyên tạc các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước (nhất là các quy định trong lĩnh vực đất đai, bồi thường giải
tỏa, các chính sách an sinh, xã hội; đặc biệt là các nội dung, nhân sự có liên
quan đến công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp
tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020).
5. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo cần
lưu ý:
a) Việc thụ lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải
thực hiện đúng quy định pháp luật, phù hợp thực tế, đảm bảo tính khả thi cao. Trường
hợp đã giải quyết đúng pháp luật nhưng do người khiếu nại có hoàn cảnh khó khăn
thì đề xuất phương án hỗ trợ trên cơ sở
vận dụng các chính sách có Iiên quan nhằm tạo điều
kiện cho người khiếu nại có cuộc sống ổn định để chấm dứt khiếu nại.
b) Những vụ việc khiếu nại, tố cáo có nội dung phức
tạp, có yếu tố lịch sử, tôn giáo, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực
phải thành lập Hội đồng tư vấn tham mưu giải quyết hoặc tham khảo ý kiến của cơ
quan chuyên môn và phải tổ chức đối thoại
trước khi kết luận giải quyết.
c) Trường hợp khiếu nại đã có quyết định giải quyết
hoặc tố cáo đã có kết luận giải quyết đúng pháp luật của cơ quan (hoặc người có
thẩm quyền), kể cả các cơ quan Trung ương đã xem xét và có ý kiến giải quyết
thì địa phương, đơn vị tham mưu người có thẩm
quyền ban hành Thông báo chấm dứt thụ lý giải quyết khiếu nại hoặc văn bản không thụ lý tố cáo công khai trên
các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp, các ngành thực hiện, không để
vụ việc kéo dài, tồn đọng.
6. Tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước và thanh
tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại,
tố cáo:
Thường xuyên tiến hành thanh tra trách nhiệm của
Thủ trưởng cơ quan hành chính cấp dưới trong việc chấp hành các quy định về
tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục
những tồn tại, hạn chế và xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm trong
việc thực hiện nhiệm vụ này.
7. Bên cạnh việc thực hiện các nội dung nêu trên,
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện một số
nội dung sau:
7.1. Thanh tra tỉnh:
a) Theo dõi tình hình tiếp công dân, giải quyết
khiếu nại, tố cáo; phối hợp với Phòng
Tiếp công dân tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đề xuất
UBND tỉnh biện pháp xử lý khi có phát sinh, tình hình khiếu kiện đông người,
phức tạp và các vụ việc tồn đọng, kéo dài theo hướng dẫn của Thanh tra Chính
phủ; đồng thời, đôn đốc nhắc nhở các địa
phương, đơn vị giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn
đọng, phức tạp, kéo dài. Báo cáo UBND tỉnh
xem xét xử lý trách nhiệm các đơn vị, địa phương, cá nhân không thực hiện hoặc
chậm thực hiện chỉ đạo nêu trên của UBND tỉnh.
b) Chủ trì, phối hợp
với Sở Tư pháp rà soát các văn bản của tỉnh, của địa phương, ngành về tiếp công
dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ
sung, bãi bỏ hoặc thay thế các văn bản bất
cập, không còn phù hợp nhằm đảm bảo tính đồng bộ, đúng pháp luật, bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp của công dân, nâng cao trách nhiệm của người có thẩm quyền
trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
c) Chủ trì, phối hợp
với Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan có liên
quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành
phố xây dựng kế hoạch thành lập Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện theo quy
định của Luật Tiếp công dân, Nghị định 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân và các Thông tư
hướng dẫn thi hành Nghị định.
d) Chủ động, tăng cường tham mưu UBND tỉnh tổ chức
tốt công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo;
thường xuyên thanh tra trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật về tiếp công
dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các địa phương, ngành.
7.2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Thanh tra
tỉnh hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho hoạt
động tiếp công dân và giải quyết đơn được thực hiện tốt; đồng thời, tham mưu
UBND tỉnh phê duyệt kinh phí phục vụ cho công tác này.
7.3. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các địa
phương, cơ quan, đơn vị có liên quan nắm chắc tình hình, kịp thời ngăn chặn và
xử lý những hành động quá khích, cản trở, chống người thi hành công vụ, hành vi
tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng và tại trụ sở các cơ quan hành
chính nhà nước...; tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh, trật tự tại Trụ sở
tiếp công dân. Chủ động nắm tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải
quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu quả; kịp thời ngăn chặn, không để các thế lực
thù địch, các phần tử xấu lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo gây mất ổn định
xã hội, chống phá Đảng, Nhà nước, chống chế độ.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND
các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này; báo cáo kết quả
thực hiện theo định kỳ tại các báo cáo tình hình, kết quả công tác tiếp công
dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hàng
Quý, 6 tháng, 9 tháng và năm gửi Thanh
tra tỉnh để tổng hợp báo cáo theo quy định./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Thanh tra Chính phủ;
- Cục II-Thanh tra Chính phủ;
- TTTU, TT.HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- MTTQVN tỉnh và các đoàn thể tỉnh;
- Các ban Đảng thuộc Tỉnh ủy;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- Các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy;
- VP UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT-TN-LT.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Chiến Thắng
|