ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
24/2013/CT-UBND
|
Nghệ An, ngày
27 tháng 9 năm 2013
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG
CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA XE MÁY ĐIỆN, XE ĐẠP MÁY VÀ XE ĐẠP ĐIỆN TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH NGHỆ AN
Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh, các phương
tiện như xe máy điện, xe đạp máy và xe đạp điện đã trở nên phổ biến và được nhiều
người dân sử dụng làm phương tiện đi lại, trong đó chủ yếu là đối tượng học
sinh phổ thông. Bên cạnh những lợi ích như góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm
chi phí do không phải sử dụng nhiên liệu... thì hoạt động này vẫn đang tiềm ẩn
nguy cơ về tai nạn giao thông rất cao. Tốc độ tối đa của loại phương tiện này
có thể đạt đến 50-60 km/h, tương đương tốc độ của các loại xe mô tô khác, trong
khi ý thức của người điểu khiển phương tiện này chưa cao, không tuân thủ các
quy tắc về an toàn khi tham gia giao thông, đặc biệt là đối tượng học sinh sử dụng
xe máy điện, xe đạp máy và xe đạp điện mà không đội mũ bảo hiểm, đi dàn hàng
hai, hàng ba, thậm chí còn đùa giỡn, lạng lách, đánh võng... gây nguy hiểm cho
bản thân và những người tham gia giao thông khác.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng mất an toàn nói trên,
hạn chế tối đa nguy cơ tai nạn giao thông do xe máy điện, xe đạp máy và xe đạp
điện gây ra. UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban ngành cấp tỉnh,
Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố, thị xã thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ cấp bách sau:
1. Công an tỉnh
a) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông và Cảnh
sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an các huyện, thành phố, thị xã
phối hợp với chính quyền địa phương, Thanh tra Sở Giao thông vận tải tăng cường
kiểm tra thường xuyên, liên tục để xử lý, nhắc nhở các trường hợp điều khiển xe
máy điện, xe đạp máy và xe đạp điện không chấp hành nghiêm túc các quy định về
an toàn giao thông. Đặc biệt xử lý nghiêm đối với các trường hợp người điều khiển
xe máy điện, xe đạp máy và xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe lạng
lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, dàn hàng ngang, chở quá số người cho phép... theo
quy định của pháp luật.
b) Tổng hợp, gửi thông báo về UBND phường, xã,
thị trấn nơi cư trú của người điều khiển xe máy điện, xe đạp máy và xe đạp điện
vi phạm các quy định về giao thông để có biện pháp giáo dục, răn đe; trường hợp
người vi phạm là học sinh thì gửi thông báo cho Sở Giáo dục & Đào tạo và
nhà trường nơi học sinh theo học để làm căn cứ xếp loại hạnh kiểm cuối năm.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo các
Phòng Giáo dục & Đào tạo các huyện thành thị và các trường THPT trên địa
bàn tỉnh:
a) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho học sinh
các quy định của pháp luật về quy tắc tham gia giao thông và các hình thức xử
phạt khi sử dụng xe máy điện, xe đạp máy và xe đạp điện vi phạm quy tắc tham
gia giao thông.
b) Các nhà trường xây dựng phương án, kế hoạch
quản lý, giám sát học sinh sử dụng xe máy điện, xe đạp máy và xe đạp điện đến
trường và giao nhiệm vụ cụ thể cho 01 lãnh đạo nhà trường chịu trách nhiệm chỉ
đạo chung đối với hoạt động này.
c) Tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm
các quy định về an toàn giao thông khi sử dụng xe máy điện, xe đạp máy và xe đạp
điện.
d) Đưa việc thực hiện các quy định này vào chỉ
tiêu đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học sinh và đánh giá thi đua cho các đơn vị.
đ) Căn cứ thông báo vi phạm của cơ quan chức
năng gửi về, nhà trường tiến hành kiểm điểm và có hình thức kỷ luật nghiêm minh
đối với các trường hợp vi phạm trước toàn trường để có tác dụng giáo dục chung,
đảm bảo tính răn đe với học sinh vi phạm.
3. Sở Công Thương
Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, xử
lý nghiêm các cơ sở kinh doanh xe máy điện, xe đạp máy và xe đạp điện không rõ
xuất xứ, không có tem hợp chuẩn hợp quy, không đảm bảo chất lượng và an toàn.
4. Sở Thông tin & Truyền thông, Đài Phát
thanh & Truyền hình, Báo Nghệ An
a) Tăng cường thời lượng, tin bài để phổ biến,
tuyên truyền các quy định và các chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với người
điều khiển xe máy điện, xe đạp máy và xe đạp điện vi phạm các quy định của pháp
luật về trật tự an toàn giao thông.
b) Liên tục đưa tin, phản ánh kết quả thực hiện
các nội dung Chỉ thị này của từng địa phương, từng trường học.
5. UBND các huyện thành thị
a) Chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn tổ chức
thống kê, rà soát số lượng xe máy điện, xe đạp máy và xe đạp điện của người dân
trên địa bàn.
b) Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm
tra, xử lý người điều khiển xe máy điện, xe đạp máy và xe đạp điện vi phạm các
quy tắc giao thông. Đồng thời tổ chức giáo dục, các trường hợp vi phạm khi có
thông báo của cơ quan chức năng; gắn trách nhiệm của bố mẹ, người nuôi dưỡng
khi có con cái, người thân vi phạm;
6. Tỉnh đoàn
a) Chỉ đạo các tổ chức Đoàn Thanh niên tuyên
truyền Luật Giao thông đường bộ và các văn bản liên quan đến việc xử lý vi phạm
đối với người điều khiển xe máy điện, xe đạp máy và xe đạp điện trong các tầng
lớp thanh, thiếu niên trên địa bàn.
b) Phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức hướng
dẫn, chỉ huy giao thông trong các dịp lễ hội, các kỳ thi diễn ra trên địa bàn;
tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về trật tự an toàn giao thông để nâng
cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng thanh, thiếu niên.
7. Giao thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh
a) Chủ trì, biên soạn tài liệu và hướng dẫn nhà
trường tuyên truyền đến học sinh các quy định của pháp luật đối với xe máy điện,
xe đạp máy và xe đạp điện tham gia giao thông.
b) Tổ chức kiểm tra, đôn đốc thực hiện, tổng hợp
báo cáo thường xuyên về Ủy ban nhân tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành
cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình để phối hợp, chỉ đạo tổ chức
thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc,
yêu cầu các cơ quan đơn vị báo cáo về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, tham
mưu trình UBND tỉnh xử lý kịp thời./.
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Huỳnh Thanh Điền
|