UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 21/2002/CT-UB
|
Bến Tre, ngày 01
tháng 11 năm 2002
|
CHỈ THỊ
“VỀ VIỆC TĂNG
CƯỜNG CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM CƯỚP TÀI SẢN, CƯỚP GIẬT TÀI SẢN
VÀ HIẾP DÂM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE.”
Thực hiện Nghị quyết 09/1998/NQ-CP và Chương
trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ, trong 4 năm qua Tỉnh uỷ,
Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có nhiều chủ trương, biện pháp cấp
bách tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Các sở, ban
ngành, đoàn thể và các địa phương đã có nhiều cố gắng trong phối hợp tuyên
truyền, vận động quần chúng tấn công, tố giác bước đầu tạo sự chuyển biến tích
cực trong nhận thức và hành động của đa số cán bộ và đông đảo quần chúng nhân
dân trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Lực lượng Công an
các cấp đã thể hiện được vai trò nồng cốt, xung kích trong tổ chức thực hiện
các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm, tạo được chỗ dựa
cho quần chúng chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và bài trừ các tệ
nạn xã hội, góp phần tạo môi trường xã hội lành mạnh và tạo điều kiện thuận lợi
cho nhân dân trong tỉnh yên tâm lao động sản xuất.
Tuy nhiên, tình hình một số loại tội phạm trên
địa bàn tỉnh Bến Tre hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp. Đối tượng phạm tội ở
lứa tuổi từ 14 đến 30 chiếm tỷ lệ 65,70%. Đáng chú ý trong 3 năm 1999, 2000,
2001 tình hình phạm tội cướp tài sản tăng 184,61% (74/26 vụ), cướp giật tài sản
tăng 39,70% (190/136 vụ), hiếp dâm tăng 54,90% (158/102 vụ), hiếp dâm trẻ em
tăng 54,41% (105/68 vụ) so với 3 năm liền kề trước đó, có những vụ hậu quả
nghiêm trọng, gây tâm lý lo lắng trong một bộ phận cán bộ và nhân dân.
Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là
do yếu kém trong việc quản lý các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá của cơ
quan chức năng và các địa phương; sự tha hoá về đạo đức, lối sống của một bộ
phận thanh, thiếu niên và tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, việc làm
không ổn định; tình trạng thất học và bỏ học chưa được giải quyết tốt cũng là
nguyên nhân dẫn đến phạm tội; phong trào quần chúng chưa thật sự đủ mạnh, còn
một bộ phận nhân dân không dám đấu tranh trước những hành vi phạm pháp là do
pháp luật chưa có chế định bảo vệ có hiệu quả người tấn công, tố giác tội phạm,
thậm chí vẫn còn một số cán bộ không dám đấu tranh trực diện, hoặc tố giác tội
phạm; công tác nắm tình hình, quản lý các đối tượng của các cấp Công an chưa
chặt chẽ, Công an cơ sở mặc dù đã được củng cố tổ chức theo Nghị định 40/CP của
Chính phủ nhưng một số nơi vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công tác đấu tranh
chống tội phạm trong tình hình mới.
Để khắc phục những yếu kém tồn tại trên và giải
quyết tốt tình hình bức xúc nổi lên: cướp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản, hiếp
dâm... Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1- Sở Văn hoá - Thông tin phối hợp với Đài Phát
thanh và Truyền hình, Báo Đồng Khởi, Công an tỉnh, Sở Tư pháp, các sở, ban
ngành, đoàn thể liên quan và chính quyền cấp nhất là cơ sở đẩy mạnh công tác
tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phòng, chống tội phạm cướp, cướp
giật, cưỡng đoạt tài sản, hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, dâm ô trẻ em, giao cấu trẻ
em, tuyên truyền phổ biến, cập nhật thông tin về âm mưu, phương thức, thủ đoạn
hoạt động, tính chất nguy hiểm, nguyên nhân, điều kiện hình thành, phát triển
và hậu quả tác hại của các loại tội phạm hình sự nguy hiểm, bằng nhiều hình
thức, biện pháp phong phú, sáng tạo phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, nhằm
nâng cao ý thức cảnh giác phòng, chống các loại tội phạm trên. Tăng cường công
tác quản lý văn hoá và các dịch vụ văn hoá trên địa bàn.
2- Sở Tư pháp có kế hoạch đẩy mạnh việc tuyên
truyền nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật phòng, chống tội phạm
sâu rộng trong cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước, học sinh các trường học
và nhân dân, chú ý tập trung tuyên truyền đến số đối tượng thuộc diện quản lý,
đối tượng có biểu hiện nghi vấn phạm tội tại xã, phường, thị trấn, số đối tượng
trong trại giam, nhà tạm giữ, trung tâm giáo dục, dạy nghề bằng nhiều hình
thức, nội dung phù hợp; có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền,
giáo dục pháp luật về tội phạm hình sự nguy hiểm cho đội ngũ báo cáo viên,
tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở, góp phần làm tốt công tác phòng ngừa xã
hội trên địa bàn dân cư.
3- Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo cho các trường
học tăng cường giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên, quan hệ phối hợp với
chính quyền, các ban ngành, đoàn thể liên quan ở cơ sở và phụ huynh học sinh
trong việc quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên trong các trường học; thường
xuyên phổ biến những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm
cướp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản, hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, dâm ô trẻ em,
giao cấu trẻ em nhằm nâng cao ý thức phòng, tránh cho học sinh, sinh viên. Hạn
chế tình trạng bỏ học.
4- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp
với các sở, ngành liên quan tổ chức hướng nghiệp hỗ trợ giải quyết việc làm cho
số người trong độ tuổi lao động không có việc làm và thiếu việc làm, những đối
tượng thuộc diện đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, chấp hành án phạt
tù đã mãn hạn về địa phương nhằm góp phần làm tốt công tác phòng ngừa xã hội;
chủ trì hướng dẫn, hỗ trợ chính quyền, các ban ngành, đoàn thể ở cơ sở tổ chức
tốt việc cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng dân cư; tạo điều kiện giúp
họ tái hoà nhập với cộng đồng sau cai nghiện.
5- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội
biên phòng có kế hoạch phối hợp với lực lượng Công an tuyên truyền, phổ biến về
phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhằm nâng cao ý thức
phòng ngừa và vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào phát hiện, tố
giác, truy bắt các loại tội phạm; phối hợp kiểm tra việc quản lý, sử dụng vũ
khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong các cơ quan, đơn vị trong và ngoài
quân đội, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ rơi vãi, tàng trữ, sử
dụng trái phép.
6- Lực lượng Công an các cấp tổ chức thực hiện
có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ sau:
- Đẩy mạnh việc tổ chức kiểm tra nhân, hộ khẩu,
quản lý trạm trú, tạm vắng, quản lý di biến động các loại đối tượng hình sự,
nhằm phát hiện, xử lý kịp thời vấn đề vi phạm liên quan an ninh trật tự, phát
hiện bắt giữ các đối tượng có lệnh truy nã, đối tượng gây án bỏ trốn; nắm chắt
và hướng dẫn nhân dân nhất là các hộ độc thân, người già neo đơn, phụ nữ, trẻ
em cảnh giác tự bảo vệ mình và hướng dẫn những gia đình lân cận quan tâm bảo vệ
họ.
- Tiến hành rà soát thu thập tài liệu, lập hồ sơ
phân loại các đối tượng có tiền án, tiền sự về các tội cướp tài sản, cướp giật
tài sản, cưỡng đoạt tài sản, hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, giao cấu trẻ em, dâm ô
trẻ em tại địa phương, số đối tượng nghiện ma tuý, số đối tượng hình sự từ nơi khác
đến hoạt động phạm tội, số đối tượng đang có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội,
để có đối sách và biện pháp quản lý, giáo dục, giám sát, phòng ngừa tội phạm
phù hợp.
- Trong từng phạm vi, địa bàn được phân công phụ
trách, các lực lượng Công an phải có phương án phòng, chống các tội cướp tài
sản, cướp giật tài sản, cưỡng đoạt tài sản, hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, giao cấu
trẻ em, dâm ô trẻ em, để giải quyết có hiệu quả khi tội phạm gây án.
- Phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng để
thông báo rộng rãi về tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động các tội phạm
cướp tài sản, cướp giật tài sản, cưỡng đoạt tài sản, hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em,
giao cấu trẻ em, dâm ô trẻ em và những sơ hở trong phòng ngừa tội phạm của cá
nhân và gia đình để các hộ, nhân dân phòng ngừa tốt hơn.
- Thực hiện tốt công tác lập hồ sơ đề nghị xét
duyệt các đối tượng đủ tiêu chuẩn đưa vào diện giáo dục tại xã, phường, thị
trấn, đưa đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc nhằm
làm trong sạch hoá địa bàn, tạo khí thế cho phong trào phòng, chống tội phạm
của nhân dân.
- Chủ động tổ chức khảo sát, kịp thời phát hiện
các băng, nhóm cướp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản, bọn tội phạm và người
nghiện ma tuý hoạt động theo tuyến, địa bàn, đường dây, tụ điểm để có kế hoạch
triệt phá; tập trung giải quyết triệt để các tệ nạn sử dụng trái phép ma tuý,
các loại hình cờ bạc (đánh bài, đánh đề, đá gà...) trên các địa bàn dân cư để
ngăn chặn nguồn phát sinh tội phạm.
- Đẩy mạnh thực hiện công tác điều tra làm rõ
kịp thời và khai thác mở rộng các vụ án cướp tài sản, cướp giật tài sản, cưỡng
đoạt tài sản, hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, giao cấu trẻ em, dâm ô trẻ em, tổ chức
truy bắt đồng bọn gây án lẫn trốn không để chúng tiếp tục gây án.
7- Chính quyền cơ sở tập trung chỉ đạo công tác
giáo dục đối tượng tại xã, phường, thị trấn, xử lý hành chính kịp thời theo
thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật; tổ chức phối hợp các ban ngành, đoàn
thể quản lý tốt các đối tượng cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng dân cư;
đẩy mạnh vận động nhân dân tích cực phòng ngừa phát hiện, tố giác và phối hợp
truy bắt các loại tội phạm cướp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản, hiếp dâm, hiếp
dâm trẻ em, giao cấu trẻ em, dâm ô trẻ em.
8- Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân
dân các cấp có kế hoạch phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh,
huyện, thị tăng cường chỉ đạo công tác điều tra truy tố, xét xử các vụ án cướp,
cướp giật, cưỡng đoạt tài sản, hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, giao cấu trẻ em, dâm
ô trẻ em, không để vụ việc tồn động kéo dài; tổ chức xét xử lưu động một số vụ
án điển hình để tạo khí thế phát động quần chúng tấn công, trấn áp tội phạm và
thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả
công tác điều tra, truy tố, xét xử các loại án trên.
9- Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành Công an, các
sở, ngành liên quan và các địa phương trong việc vận động giáo dục và tổ chức
cho cán bộ, công nhân, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham
gia quản lý, cảm hoá, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư và phát hiện,
tố giác, truy bắt các loại tội phạm cướp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản, hiếp
dâm...ở cơ sở xã, phường, thị trấn; thông qua các phong trào, các cuộc vận
động, sinh hoạt định kỳ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục từng gia đình và con em
trong gia đình nâng cao ý thức cảnh giác phòng, chống tội phạm xâm hại, không
tham gia tội phạm và tệ nạn xã hội; chỉ đạo cấp cơ sở xây dựng, củng cố và thúc
đẩy hoạt động của các tổ chức bảo vệ dân phố, dân phòng, tổ nhân dân tự quản...
để làm nồng cốt vận động quần chúng tham gia phong trào tuần tra vây bắt tội
phạm.
10- Đề nghị Tỉnh đoàn Thanh niên tích cực phát
động phong trào công tác giáo dục, nâng cao nhận thức về pháp luật cho lực
lượng đoàn viên, thanh niên; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong
công tác phòng, chống tội phạm, đặc biệt là những tội phạm có tính chất phổ
biến trong lứa tuổi thanh thiếu niên đang là vấn đề bức xúc hiện nay.
11- Cơ quan thường trực Chương trình quốc gia
phòng, chống tội phạm - Công an tỉnh có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh
tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo các sở, ngành địa phương thực hiện tốt các
nội dung của Chỉ thị và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị của các sở,
ban ngành, đoàn thể và địa phương với Uỷ ban nhân dân tỉnh và Thường trực Ban
chỉ đạo 138 - Bộ Công an để theo dõi chỉ đạo chung.
Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh,
Uỷ ban nhân dân các cấp và đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Uỷ
ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội các cấp
xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này./.
|
TM.UỶ BAN NHÂN
DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Huỳnh Văn Be
|