CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG
CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, NGĂN CHẶN KHAI THÁC TRÁI PHÉP, PHÁ HOẠI CÁC TUYẾN CÁP VIỄN
THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Mạng lưới viễn thông là tài sản, huyết mạch thông
tin quốc gia, công cụ phục vụ cho sự chỉ đạo của Đảng và điều hành của Nhà
nước, phương tiện thông tin liên lạc không thể thiếu đối với mọi tổ chức, cá
nhân trong đời sống và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian
qua, tình trạng khai thác trái phép, phá hoại các tuyến cáp viễn thông đã xảy
ra ở một số địa phương, đặc biệt hiện nay hầu hết lưu lượng viễn thông (điện
thoại, Internet, dữ liệu) quốc tế của Việt Nam được truyền dẫn qua Tuyến cáp
quang biển quốc tế SMW3 (có trạm cập bờ tại Hoà Hải - Đà Nẵng) và nếu tuyến cáp
quang trên bị xâm hại thì Việt Nam có nguy cơ bị cách ly liên lạc với thế giới.
Để bảo đảm an toàn cho các tuyến cáp viễn thông nói chung và tuyến cáp viễn
thông ngầm trên biển nói riêng trên địa bàn thành phố, UBND thành phố Đà Nẵng
chỉ thị:
1. Cáp viễn thông nói chung và cáp viễn thông
ngầm trên biển nói riêng là tài sản quốc gia. Mọi tổ chức, cá nhân phải có
nghĩa vụ bảo vệ. Nghiêm cấm khai thác trái phép, phá hoại dưới bất kỳ hình thức
nào.
2. Sở Bưu chính, Viễn thông
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở: Văn hóa - Thông
tin, Thương mại, Tài nguyên và Môi trường, Thuỷ sản – Nông lâm, Bộ Chỉ huy Bộ đội
Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, UBND các quận huyện, Đài Phát thanh -
Truyền hình và Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng tổ chức tuyên truyền nâng cao
nhận thức cho nhân dân, đặc biệt là ngư dân về tầm quan trọng và nghĩa vụ phải
bảo vệ đối với các tuyến cáp viễn thông.
b) Làm đầu mối tiếp nhận thông tin việc khai thác
trái phép, phá hoại các tuyến cáp viễn thông trên địa bàn thành phố, yêu cầu
các cơ quan chức năng của thành phố triển khai các biện pháp nghiệp vụ để kịp
thời ngăn chặn, đồng thời phối hợp trong công tác kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm
các hành vi xâm hại.
3. Sở Thủy sản - Nông lâm
Kết hợp công tác quản lý hoạt động đánh bắt hải sản
với việc tuyên truyền cho ngư dân về tầm quan trọng và nghĩa vụ phải bảo vệ các
tuyến cáp viễn thông ngầm trên biển.
4. Sở Tài Nguyên và Môi trường
Tăng cường công tác quản lý các hoạt động khai thác
tài nguyên, khoáng sản nhằm hạn chế việc lợi dụng hoạt động trên để dò tìm,
khai thác trái phép, phá hoại các tuyến cáp viễn thông.
5. Sở Thương mại
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường,
Sở Bưu chính, Viễn thông, Công an thành phố và các đơn vị liên quan kiểm tra,
phát hiện, xử lý việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng phế liệu cáp viễn
thông có nguồn gốc từ khai thác trái phép.
6. Công an thành phố
a) Chủ trì triển khai công tác nghiệp vụ, chủ động
phòng ngừa, kịp thời phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm các hành vi khai thác
trái phép, phá hoại công trình viễn thông, các tuyến cáp viễn thông trên địa bàn
thành phố;
b) Yêu cầu và hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông
trên địa bàn thành phố xây dựng các phương án bảo vệ công trình viễn thông, các
tuyến cáp viễn thông.
7. Ủy ban nhân dân các quận, huyện
Chỉ đạo các UBND xã, phường và các đơn vị, đoàn thể
trực thuộc tăng cường phối hợp với các cơ quan có liên quan trong công tác bảo
vệ công trình viễn thông, các tuyến cáp viễn thông; tổ chức tuyên truyền nâng
cao nhận thức cho nhân dân về tầm quan trọng của các tuyến cáp viễn thông, trách
nhiệm phải bảo vệ.
8. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố
Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động của tàu,
thuyền trên vùng biển có tuyến cáp viễn thông ngầm, đặc biệt đối với tuyến cáp
quang; xử phạt nghiêm theo quy định đối với việc khai thác, vận chuyển phế liệu
cáp viễn thông có nguồn gốc từ khai thác trái phép; đẩy mạnh công tác tuyên
truyền để ngư dân hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ các tuyến cáp viễn
thông ngầm trên biển, mức độ nguy hiểm, nghiêm trọng của hành vi khai thác trái
phép, phá hoại.
9. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo
vệ công trình viễn thông, các tuyến cáp viễn thông, đặc biệt là việc bảo vệ các
tuyến cáp viễn thông ngầm trên biển cho cán bộ, chiến sĩ thuộc phạm vi quản lý
và nhân dân trên địa bàn.
10. Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng
Kết hợp trong việc phát sóng hằng ngày, thông báo
cho ngư dân biết về việc bảo vệ và nghiêm cấm các hành vi khai thác trái phép,
phá hoại các tuyến cáp viễn thông ngầm trên biển và nội dung của Chỉ thị này.
11. Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng
a) Ưu tiên bố trí thời lượng phù hợp để đăng tải
kịp thời, chính xác thông tin về những hành vi khai thác trái phép, phá hoại các
tuyến cáp viễn thông và việc xử lý đối với những hành vi đó;
b) Tăng cường công tác tuyên truyền về tầm quan trọng
của công trình viễn thông, các tuyến cáp viễn thông, đặc biệt là nghĩa vụ bảo
vệ, tố giác các hành vi vi phạm, báo cáo kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm
quyền, góp phần bảo vệ an ninh thông tin trên địa bàn.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể
từ ngày ký.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Giám đốc các Sở: Bưu
chính, Viễn thông, Văn hóa - Thông tin, Tài nguyên và Môi trường, Thương mại,
Thuỷ sản – Nông lâm, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Chỉ huy
trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự, Chủ tịch UBND các quận, huyện, Giám đốc Đài Phát
thanh - Truyền hình, Trưởng Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng, các cơ quan, đơn
vị và cá nhân có liên quan nghiêm túc thực hiện./.