ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 17/2014/CT-UBND
|
Cao Bằng, ngày 01
tháng 12 năm 2014
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG
THỰC HIỆN CÔNG TÁC NUÔI CON NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
Thực hiện Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng
dẫn thi hành, trong những năm qua, việc cho và nhận con nuôi trên địa bàn tỉnh
Cao Bằng, nhìn chung, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định, giúp cho
nhiều trẻ em có được mái ấm gia đình thay thế, được chăm sóc, nuôi dưỡng và
giáo dục tốt; nhiều người, nhiều gia đình hiếm con có cơ hội được thực hiện
quyền làm cha, mẹ, đồng thời, cũng phát huy được truyền thống tương thân, tương
ái trong nhân dân.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết đăng ký việc nuôi
con nuôi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vẫn còn một số sai sót, hạn chế như: có
trường hợp lợi dụng việc làm con nuôi của người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng
chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước; có trường hợp nuôi con nuôi trên thực
tế nhưng không đăng ký theo quy định của pháp luật về cho, nhận nuôi con nuôi
mà chỉ có sự thỏa thuận của hai bên; còn tồn tại nhiều hình thức nuôi con nuôi
mà chỉ có sự thỏa thuận của hai bên; còn tồn tại nhiều hình thức nuôi con nuôi khác
nhau như: nuôi con nuôi theo phong tục tập quán, nuôi con nuôi tình nghĩa….;
nhiều trường hợp, đến nay, con nuôi đã quá tuổi quy định, không đủ điều kiện để
làm thủ tục đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền; thành phần hồ sơ của người nhận
và người được giới thiệu làm con nuôi chưa đầy đủ theo quy định; công tác phối
hợp của các cơ quan liên quan trong giải quyết việc nuôi con nuôi trong nước còn
gặp nhiều khó khăn, việc xác minh nguồn gốc của trẻ em bị bỏ rơi cho làm con
nuôi nước ngoài chưa đảm bảo thời gian theo quy định, kết quả xác minh chưa cụ
thể, rõ ràng….
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức về các
quy định của pháp luật về nuôi con nuôi chưa đầy đủ của một bộ phận cán bộ, công
chức và nhân dân năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực công tác
nuôi con nuôi của một số cán bộ Tư pháp hộ tịch còn hạn chế; tâm lý e ngại, không
đi đăng ký việc nuôi con nuôi của người dân… Để khắc phục những hạn chế nêu
trên và nâng cao hiệu quả quản lý công tác nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh. Ủy
ban nhân dân (UBND) tỉnh chỉ thị:
1. Sở Tư pháp
a) Chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các giải
pháp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác nuôi con nuôi trên địa
bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Cao Bằng, Đài
Phát thanh - Truyền hình tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến sâu
rộng nội dung của Luật nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành trên các
phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, cần tập trung tuyên truyền, phổ biến
các nội dung về mục đích nuôi con nuôi, nguyên tắc giải quyết nuôi con nuôi,
thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế, thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi,
thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi, các hành vi bị cấm,
trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết nuôi con nuôi….
b) Kiểm tra, hướng dẫn và hoàn thiện lập hồ sơ của
trẻ em được giới thiệu làm con nuôi người nước ngoài theo đúng quy định của
pháp luật; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vấn đề về nuôi con nuôi có
yếu tố nước ngoài, bảo đảm tính nhân đạo của hoạt động này, tránh lợi dụng việc
cho, nhận con nuôi để mua bán trẻ em.
c) Chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Tư pháp các huyện,
thành phố, công chức Tư pháp hộ tịch các xã, phường, thị trấn tham mưu cho UBND
cùng cấp thực hiện tốt việc đăng ký nuôi con nuôi, đăng ký nuôi con nuôi thực
tế, đăng ký nuôi con nuôi ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật.
d) Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội lập danh sách trẻ em trên địa bàn tỉnh cần tìm gia đình thay thế theo
quy định của Luật Nuôi con nuôi
đ) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng
dẫn nghiệp vụ nhằm phát hiện, khắc phục, sửa chữa kịp thời những sai sót trong
việc giải quyết nuôi con nuôi.
e) Báo cáo Bộ Tư pháp về tình hình giải quyết việc nuôi
con nuôi, nuôi con nuôi thực tế và thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi tại địa
phương.
2. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và UBND cấp huyện
tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp cấp
huyện, công chức Tư pháp hộ tịch cấp xã; trên cơ sở đó, tham mưu cho UBND tỉnh
phương án kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp cấp huyện, công chức Tư
pháp hộ tịch cấp xã; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ nhằm nâng
cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức tư pháp cấp huyện, công
chức Tư pháp hộ tịch cấp xã; bố trí những người có năng lực, trình độ đạt tiêu
chuẩn theo quy định để đảm nhiệm công việc.
3. Sở Tài chính
Phối hợp với đơn vị liên quan căn cứ quy định hiện hành
và thực trạng nguồn lực địa phương, cân đối báo cáo UBND tỉnh quyết định dự
toán kinh phí cho công tác nuôi con nuôi.
4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
a) Chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch
triển khai thực hiện Luật Nuôi con nuôi, trong đó cần tăng cường công tác hướng
dẫn, kiểm tra việc tiếp nhận trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng trên địa bàn tỉnh và
cho trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng làm con nuôi, bảo đảm đúng đối tượng quy định của
pháp luật.
b) Chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Bảo trợ xã hội lập danh
sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế gửi Sở Tư pháp theo định kỳ; thực hiện tốt
công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, kiểm tra, theo dõi việc
tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản hỗ trợ, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân
vì mục đích bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
5. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Cao Bằng,
Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Cao Bằng.
Phối hợp với Sở Tư pháp tuyên truyền, phổ biến nội dung
về Luật Nuôi con nuôi và các văn bản pháp luật liên quan đến các cấp, các ngành,
cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo, thực hiện
thông báo miễn phí các trường hợp cần tìm gia đình thay thế cho trẻ em trên các
phương tiện thông tin đại chúng.
6. Công an tỉnh
a) Tổ chức quán triệt, triển khai nội dung cơ bản
của Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, chiến sĩ
các đơn vị liên quan trong ngành; xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp
phòng ngừa, phát hiện, điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật đối với
hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nuôi con nuôi.
b) Thực hiện thẩm tra, xác minh hồ sơ nguồn gốc trẻ
em bị bỏ rơi được cho làm con nuôi và trả lời kết quả cho Sở Tư pháp đúng thời hạn
theo quy định của pháp luật.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
a) Tiếp tục tuyên truyền những quy định của pháp
luật về nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành bằng các hình thức và
biện pháp thích hợp cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn
huyện, thành phố.
b) Chủ động phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức bồi
dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về công tác nuôi con nuôi cho đội ngũ công
chức Tư pháp hộ tịch cấp xã, kiện toàn Phòng Tư pháp đảm bảo đủ về số lượng,
chất lượng; chỉ đạo Phòng Nội vụ thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo cán
bộ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức Tư pháp hộ tịch
đáp ứng yêu cầu công việc.
c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ
để phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai sót, vi phạm, đặc biệt là vi phạm
về mục đích nuôi con nuôi trong các đăng ký nuôi con nuôi ở cơ sở.
d) Báo cáo UBND tỉnh về tình hình giải quyết việc
nuôi con nuôi, nuôi con nuôi thực tế và thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi
tại địa phương.
8. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật
nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, nhân dân ở từng địa
bàn dân cư biết và thực hiện đúng quy định của pháp luật về nuôi con nuôi.
b) Kiểm tra kỹ hồ sơ, làm rõ mục đích của việc cho
và nhận nuôi con nuôi, đặc biệt là không giải quyết các trường hợp vi phạm về
mục đích nuôi con nuôi và lợi dụng việc làm con nuôi của người thuộc dân tộc
thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước, thực hiện đăng ký,
theo dõi việc nuôi con nuôi trong nước theo đúng quy định của Luật Nuôi con
nuôi, ghi chú việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; giải quyết khiếu nại, tố
cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nuôi con nuôi theo thẩm quyền.
c) Báo cáo UBND huyện về tình hình giải quyết việc nuôi
con nuôi, nuôi con nuôi thực tế và thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi tại địa
phương.
9. Thủ trưởng các sở, ngành liên quan: Chủ
tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các
đơn vị liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình
thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp
để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết.
Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm theo dõi, đôn
đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị và định kỳ báo cáo, đề xuất với
UBND tỉnh các giải pháp thực hiện.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ
ngày ký ban hành./.
Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Cục Kiểm tra VBQPPL- Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ngành; Tư pháp, Nội vụ, Tài chính, LĐTB&XH, Thông tin và Truyền
thông, Báo Cao Bằng, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Công an tỉnh;
- VP UBND các huyện, thành phố;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- Lưu: VT, NC.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Hoàng Anh
|