UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
15/2008/CT-UBND
|
Yên Bái, ngày
17 tháng 6 năm 2008
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH
CÔNG TÁC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Trong những năm qua, công tác cấp Giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất tỉnh Yên Bái đã dần đi vào nề nếp và đạt được kết quả
nhất định. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, tồn
tại như tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, chưa đáp ứng
được nhu cầu của nhân dân; hồ sơ cấp Giấy chứng nhận dựa trên cơ sở bản đồ địa
chính đã đo đạc từ những năm trước đây với công nghệ lạc hậu, độ chính xác
không cao; việc lập, quản lý hồ sơ địa chính phần lớn bằng phương pháp thủ
công, chưa đáp ứng được với yêu cầu hiện đại hóa hệ thống quản lý theo hướng
công nghệ thông tin; Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện chưa được
thành lập nên việc lập, quản lý, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận gặp
nhiều khó khăn; cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn thường xuyên luân chuyển
hoặc kiêm nhiệm nhiều công việc nên hiệu quả công tác chưa cao; một số cán bộ
có trình độ chuyên môn thấp hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn được Nhà nước giao
cố tình làm sai lệch hồ sơ trốn tránh nghĩa vụ tài chính, gây sách nhiễu, phiền
hà cho nhân dân để trục lợi. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp
luật về đất đai nói chung và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói riêng
chưa được sâu rộng nên nhận thức của nhân dân còn nhiều hạn chế.
Thực hiện Nghị quyết số 07/2007/QH12 ngày
12/11/2007 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, trong
đó có nhiệm vụ tập trung đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành cơ bản cấp Giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất đối với tất cả các loại đất vào năm 2010. Uỷ ban nhân
dân tỉnh Yên Bái yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và xã, phường, thị trấn thực hiện tốt
những nội dung sau:
1. Tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp
luật của tỉnh quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kịp thời kiến
nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp đặc thù của tỉnh theo
hướng cải cách thủ tục hành chính tạo mọi điều kiện cho người sử dụng đất được
đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận; các huyện, thành phố, thị xã cần rà soát
lại nhu cầu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân về số lượng Giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất và diện tích đất cần cấp để xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể tổ
chức thực hiện. Để đẩy nhanh tiến độ, khi xét cấp Giấy chứng nhận, Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố, thị xã phải thực hiện ghi nợ tiền sử dụng đất trên
Giấy chứng nhận đối với các trường hợp không có khả năng nộp tiền sử dụng đất
theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính
phủ quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi
đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái
định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai.
2. Thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất
trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố, thời
hạn chậm nhất đến hết tháng 7 năm 2008 và hoạt động theo hướng là cơ quan dịch
vụ công, thực hiện các thủ tục hành chính về quản lý, sử dụng đất đai.
Tổ chức đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ,
năng lực và đạo đức của cán bộ, công chức làm công tác quản lý đất đai, đặc
biệt là đội ngũ cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn bảo đảm tính ổn định và
chuyên nghiệp.
3. Tăng cường đầu tư kinh phí từ nguồn Ngân sách
tỉnh cho công tác cấp Giấy chứng nhận, đồng thời các huyện, thành phố, thị xã
cần giành 10% - 15% các nguồn thu từ đất đầu tư cho công tác quy hoạch sử dụng
đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đối với các huyện vùng cao có nguồn
thu từ đất thấp được hỗ trợ đầu tư từ Ngân sách cấp tỉnh.
4. Chú trọng công tác lập và quản lý hồ sơ địa
chính theo đúng quy định của Luật Đất đai; hoàn chỉnh hệ thống bản đồ địa chính
chính quy, việc cấp Giấy chứng nhận, lập và quản lý hồ sơ địa chính theo hệ
thống bản đồ chính quy; xây dựng hệ thống sổ bộ thống nhất với bản đồ địa chính
chính quy và Giấy chứng nhận.
Triển khai xây dựng dự án cơ sở dữ liệu địa
chính trong công tác lập, quản lý hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,
theo định hướng công nghệ thông tin, đối với các phường, thị trấn hoàn thành
trước năm 2010, sau đó thực hiện tại các xã trong tỉnh.
5. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ
biến pháp luật về đất đai dưới nhiều hình thức (thông qua báo chí, phát thanh,
truyền hình, tuyên truyền miệng tại cơ sở, kể cả bằng tiếng dân tộc, giao lưu
trực tuyến) để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký đất
đai, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận đối với thửa đất mình đang sử
dụng, hiểu biết và chấp hành pháp luật, giám sát thực hiện pháp luật, tạo điều
kiện cho việc cấp Giấy chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.
6. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp
thời uốn nắn các sai sót và nghiêm khắc xử lý những trường hợp cố tình vi phạm
pháp luật trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giải quyết
tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai theo quy định của pháp luật, khắc phục
tình trạng chậm trễ, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong giải quyết đơn thư. Kiên
quyết thu hồi đối với diện tích đất giao hoặc cho thuê không đúng đối tượng,
đất không sử dụng hoặc chậm sử dụng so với tiến độ của dự án, sử dụng sai mục
đích để giao cho người sử dụng đất có hiệu quả.
7. Trách nhiệm của các sở, ngành liên quan và Ủy
ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.
7.1. Sở Tài nguyên và Môi trường.
Là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện công tác
cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đảm bảo chất lượng và thời gian quy
định; phối hợp với các sở, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành
phố, thị xã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tập trung đẩy
nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Lập dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa
chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm
định thời hạn hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2008.
Kiểm tra, đôn đốc, uốn nắn chuyên môn, nghiệp
vụ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; tham
mưu giải quyết kịp thời, dứt điểm các khiếu nại, tố cáo về cấp Giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền.
7.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Phân định rõ 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ,
sản xuất) trên bản đồ và thực địa, chỉ đạo bàn giao đất đai, tài sản rừng từ
các nông, lâm trường bàn giao cho Ban quản lý Dự án 661 ở cấp huyện, thời hạn
hoàn thành trong tháng 7 năm 2008. Tổ chức xác định trữ lượng rừng để đẩy mạnh
công tác giao rừng, cho thuê rừng; quy hoạch xác định rõ vị trí, diện tích đất
chuyên trồng lúa nước của từng xã và giao chỉ tiêu kế hoạch bảo vệ nghiêm ngặt
diện tích đất chuyên trồng lúa nước đối với từng địa phương để đảm bảo an ninh
lương thực.
7.3. Sở Nội vụ.
Rà soát chức năng, nhiệm vụ của Sở Tài nguyên và
Môi trường trình Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung biên chế nhằm đáp ứng yêu cầu
nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố,
thị xã thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và
Môi trường.
7.4. Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Xây dựng kế hoạch đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh
phí cho công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hàng năm bố trí kế hoạch đầu tư kinh phí từ Ngân
sách tỉnh và Ngân sách cấp huyện đáp ứng đủ cho công tác cấp Giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất.
7.5. Sở Tài chính.
Hướng dẫn Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND
các huyện, thành phố, thị xã, lập dự toán, thanh quyết toán; Ưu tiên bố trí
ngân sách cho cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
7.6. Các sở, ngành liên quan.
Chủ động đến đăng ký đất đai để được cấp giấy
chứng nhận, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất.
Có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành dọc
cấp dưới phối hợp chặt chẽ với cơ quan Tài nguyên và Môi trường trong việc đăng
ký đất đai, lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
7.7. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị
xã.
Tập trung đầu tư cho công tác quy hoạch sử dụng
đất và công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trên cơ sở quy hoạch Ủy ban nhân dân cấp huyện
căn cứ chính sách pháp luật đất đai hiện hành xem xét ưu tiên giao đất cho các
hộ nông dân không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, đặc biệt chú ý đến các hộ là
đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, sau đó mới xem xét giao đất, cho thuê đất đối
với các trường hợp khác và các dự án đầu tư của các tổ chức kinh tế; tạo điều
kiện cho các hộ gia đình được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chỉ đạo
Phòng Tài nguyên và Môi trường, các phòng, ban liên quan và Uỷ ban nhân dân xã,
phường, thị trấn đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng về chuyên môn theo quy
định.
Thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất
trực thuộc phòng Tài nguyên và Môi trường xong trước tháng 7 năm 2008.
7.8. Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn.
Tập trung đẩy mạnh kê khai đối với trường hợp
chưa đăng ký để xem xét trình cấp có thẩm quyền quyết định công nhận quyền sử
dụng đất đối với trường hợp đủ điều kiện; xác nhận nguồn gốc đất đai, tình
trạng tranh chấp đất đai và điều kiện khác theo quy định của pháp luật phục vụ
cho công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bảo đảm tiến độ, chất lượng
công tác lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
7.9. Thành lập Ban Chỉ đạo cấp Giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện.
Để tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất, thành lập Ban Chỉ đạo cấp Giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất cấp tỉnh do Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban; Giám
đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm Phó ban thường trực; thành viên gồm có lãnh
đạo các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn và lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã. Ban Chỉ đạo
cấp huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện làm trưởng ban; Lãnh đạo Phòng
Tài nguyên và Môi trường làm Phó Ban thường trực và các phòng, ban có liên quan
làm thành viên.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của
tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc
Chỉ thị này./.
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Hoàng Thương Lượng
|