ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 12/CT-UBND
|
Phú Yên, ngày 17
tháng 09 năm 2015
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC TĂNG CƯỜNG HIỆU LỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC, XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG DU LỊCH AN TOÀN,
VĂN MINH, THÂN THIỆN.
Tỉnh Phú Yên có tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân
văn phong phú, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch trở thành ngành
kinh tế quan trọng của tỉnh. Những năm gần đây, hoạt động du lịch của tỉnh đã
có bước chuyển biến tích cực, nhất là các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ
sở vật chất kỹ thuật và xúc tiến quảng bá du lịch. Một số dự án du lịch đi vào
hoạt động đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động; lượng khách du lịch
đến Phú Yên ngày càng tăng, góp phần tác động chuyển dịch cơ cấu kinh tế của
tỉnh. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số mặt hạn chế đang tác động
xấu đến hình ảnh của du lịch Phú Yên như: Một số cơ sở kinh doanh du lịch chưa
thực hiện tốt việc niêm yết giá, chất lượng phục vụ chưa cao; vệ sinh môi
trường một số nơi chưa đảm bảo; xuất hiện tình trạng ăn xin, bán hàng rong,
chèo kéo, đeo bám khách du lịch tại một số khu vực; công tác an ninh trật tự ở
một số nơi chưa đảm bảo… Nguyên nhân của tình
trạng trên chủ yếu là thiếu sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương
trong công tác quản lý nhà nước; chưa thể hiện tốt vai trò và trách nhiệm của
chính quyền địa phương, của doanh nghiệp, cộng đồng; nhận thức về vai trò của
du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế.
Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg, ngày 02/7/2015 của
Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước,
tập trung khắc phục yếu kém thúc đẩy phát triển du lịch; nhằm xây dựng
Phú Yên trở thành “Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”, Ủy ban nhân dân Tỉnh yêu
cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực
hiện nghiêm túc Chỉ thị số 18/CT-TTg, ngày 04/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về
việc “tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn
cho khách du lịch”; phối hợp thực hiện tốt Quyết định số 23/2013/QĐ-UBND, ngày
06/8/2013 của UBND Tỉnh v/v ban hành Quy chế phối hợp quản lý hoạt động du lịch
trên địa bàn tỉnh Phú Yên; Quyết định số 21/2014/QĐ-UBND, ngày 22/7/2014 của
UBND Tỉnh V/v ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch
sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Phú Yên và các văn bản có
liên quan.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố:
- Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà
nước toàn diện trên địa bàn, trong đó tăng cường quản lý
giá cả, bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực
phẩm và bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn, ứng xử văn minh
với khách du lịch; xử lý kịp thời theo đúng quy định của
pháp luật mọi hành vi vi phạm; chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để tình trạng vi
phạm xảy ra trên địa bàn, gây bức xúc cho khách du lịch;
- Tăng cường năng lực cơ quan tham
mưu quản lý nhà nước về du lịch ở cấp huyện; bố trí, sắp xếp có biên chế
phụ trách lĩnh vực du lịch phù hợp. Đề cao trách nhiệm của cấp ủy
Đảng và Ủy ban nhân
dân cấp huyện, xã trong việc phát triển du lịch trở thành
ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp
phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh;
- Chủ động phối hợp với các Sở, ngành, các doanh
nghiệp kịp thời giải quyết theo thẩm quyền và đề xuất UBND
tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên tinh thần đẩy mạnh
xã hội hóa hoạt động du lịch và các dịch vụ du lịch; nâng cao chất lượng
phục vụ; văn minh lịch sự; bảo đảm trật tự
kỷ cương, an ninh, an toàn cho cho khách du lịch;
- Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kiên
quyết các đối tượng bán hàng đeo bám, gây phiền hà cho du khách du lịch, các
đối tượng có hành vi ném đất, đá lên tàu, xe, gây mất an toàn cho khách; kịp
thời xử lý không để người ăn xin lang thang ở các khu di tích, điểm du lịch.
Đối với người có hoàn cảnh khó khăn, tập trung bố trí về nơi quy định và có
biện pháp hỗ trợ phù hợp; xử lý triệt để tình trạng giả danh người ăn xin gây
phiền hà cho khách du lịch;
- Tăng cường quản lý vỉa hè, lòng
đường, bảo đảm thông thoáng, vệ sinh sạch
sẽ; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lấn chiếm
vỉa hè, lòng đường, gây mất vệ sinh, trật tự. Ở các khu
vực có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải tăng cường
quản lý, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh đường phố, lòng đường, hè
đường và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm theo quy định;
- Tham mưu cấp ủy chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phát động phong trào người dân ứng xử văn minh, tận tình hỗ trợ khách du
lịch: “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên, niềm nở với
khách du lịch”; tuyên truyền vận động nhân dân chung tay giữ
gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự tại nơi công cộng, bãi biển,
khu di tích, điểm du lịch…
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du
lịch:
- Tiếp tục
tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày
08/12/2014 của Chính phủ về một số
giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới; Kết
luận số 78-KL/TU, ngày 15/12/2011 của Tỉnh ủy
(Khóa XV) và Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của HĐND tỉnh (Khóa VI)
về định hướng phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2015 và định hướng
đến năm 2020; Quyết định số 128/QĐ-UBND, ngày 19/01/2012 của UBND tỉnh phê
duyệt Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên đến năm 2020 và tầm nhìn đến
năm 2025; tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên
giai đoạn 2016 -2020;
- Tăng cường công
tác xúc tiến, quảng bá du lịch trên tinh thần huy động mạnh mẽ sự tham gia của Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp du lịch; tăng cường phối hợp với
các ngành liên quan trong việc xúc tiến du lịch gắn với việc quảng bá văn hóa,
hình ảnh đất nước, con người Phú Yên, kể cả trên máy
bay và các phương tiện giao thông công cộng;
- Tăng cường quản lý
di tích, gắn việc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch. Đối với các điểm du lịch có đông khách du lịch phải bố trí nhân viên hướng dẫn,
hỗ trợ khách du lịch, bảo đảm trật tự, văn minh;
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện khảo
sát đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hoặc
nâng cấp các nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch tại các khu
di tích được công nhận điểm du lịch địa phương, nhất là tại khu di tích gành Đá
Đĩa và khu di tích Bãi Môn – Mũi Điện (có thực hiện việc thu phí tham quan).
Đồng thời vận động xã hội hóa xây dựng công trình vệ sinh phục vụ khách du lịch
tại các khu di tích, điểm du lịch…; tổ chức rà soát, lắp đặt biển
báo, biển chỉ dẫn giao thông rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận các khu di tích, điểm
du lịch;
- Tăng cường công
tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý kịp thời mọi
hành vi vi phạm, kể cả việc tạm dừng kinh doanh hoặc đề nghị rút giấy phép đối
với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ, bán hàng tại các khu
di tích, điểm du lịch, điểm dừng chân trên các tuyến du lịch
không thực hiện việc niêm yết giá,
bán cao hơn giá niêm yết, các doanh nghiệp lữ hành không thực hiện đúng
chương trình du lịch theo hợp đồng đã ký kết hoặc không bảo
đảm chất lượng dịch vụ đã cam kết…;
- Tổ chức đoàn công
tác liên ngành kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch tại các địa phương trong
tỉnh, nhất là vào thời điểm lễ hội, ngày lễ tết, tháng cao điểm,
tập trung tại các khu di tích, các công trình văn hóa, điểm
du lịch tập trung đông khách du lịch;
- Thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông,
qua website du lịch, trên các ấn phẩm quảng bá du lịch về
chủ trương, chính sách phát triển du lịch của tỉnh; về y tế, an ninh, trật tự,
môi trường; về tuyến, điểm du lịch; về các cơ sở lưu trú (khách sạn, biệt thự,
nhà nghỉ…) đã được xếp hạng; về các cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, dịch vụ
ăn uống đã được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; biển số các
phương tiện đã được công nhận đủ điều kiện vận chuyển khách du lịch;
- Tuyên truyền, phổ biến và thực hiện việc công nhận
cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách
du lịch; phối hợp các đơn vị hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch của địa phương
quảng bá tại nhà ga, bến xe, khu di tích, điểm du lịch…
4. Sở Công Thương:
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành có liên quan tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm,
kịp thời các hành vi gian lận, không niêm yết giá và bán cao hơn giá đã niêm
yết, nâng giá bất hợp lý, ép giá; kiểm tra các cơ sở bán hàng lưu niệm, quà
tặng, bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm;
- Phối hợp kiểm tra, giám sát việc
thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí đối với những
mặt hàng, dịch vụ tại các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch,
theo quy định của pháp luật.
5. Công an tỉnh:
- Có phương án và hướng dẫn Công
an cấp huyện thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các
khu di tích, điểm du lịch; chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các
đối tượng có hành vi xâm hại đến tính mạng, tài sản của khách du lịch; chịu
trách nhiệm nếu để tình trạng mất an ninh, an toàn, chèo kéo, đeo bám, chèn ép
khách du lịch;
- Tăng cường triển khai lực lượng tuần tra, kiểm
soát tại các tuyến đường trung tâm, các khu, điểm du lịch tập trung đông khách
du lịch, có nguy cơ xảy ra mất an toàn đối với du khách; kịp thời kiểm tra, xử lý dứt điểm
hiện tượng tiêu cực, gây phiền hà cho lái xe du lịch trên
các tuyến đường giao thông, gây bức xúc cho người dân và khách du lịch; hướng
dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho lái xe du lịch và khách du lịch thực hiện đúng
quy định về an toàn giao thông.
- Chú trọng nâng cao trình độ cho lực lượng làm
nhiệm vụ thường xuyên tiếp xúc với khách du lịch như: Cán bộ Quản lý xuất nhập cảnh, cảnh sát giao thông về trình độ ngoại ngữ, kỹ năng
giao tiếp, thái độ ứng xử thân thiện với khách du lịch.
6. Sở Giao thông vận
tải:
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra
xử lý nghiêm tình trạng taxi và các phương tiện vận tải khách du
lịch khác kinh doanh không phép hoặc không đúng giấy phép, không niêm yết giá
và thu cước không theo giá đã niêm yết; phương tiện vận chuyển khách
không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; dùng xe hợp đồng vận chuyển khách du
lịch hoặc vận chuyển khách nhưng không có hợp đồng vận chuyển với hành khách;
- Chỉ đạo, hướng dẫn Ban quản lý nhà ga, bến xe
tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên và hành khách về ý thức giữ gìn vệ sinh môi
trường, thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng; tăng cường các phương tiện
kỹ thuật, hỗ trợ cung cấp thông tin, quảng bá du lịch Phú Yên và hỗ
trợ các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm du lịch tại ga hàng không, ga đường sắt,
bến xe…;
- Tiếp tục chủ trì, phối hợp với
các cơ quan chức năng khảo sát, cắm biển báo để xe ô tô vận chuyển khách du
lịch được ưu tiên nơi dừng, đỗ để đón, trả khách du lịch tại bến xe, nhà ga,
sân bay, bến cảng, khu di tích, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở bán
hàng hóa, dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch…;
- Thường xuyên phối hợp với Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho nhân
viên phục vụ, lái xe ô tô vận chuyển khách du lịch, lái xe buýt, xe taxi…
7. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Tuyên truyền, phổ biến,
hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo môi trường đối với
các cơ sở kinh doanh du lịch; thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi
trường tại các khu di tích, điểm du lịch; tăng cường công tác thanh kiểm tra,
xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các
khu di tích, các điểm du lịch, các điểm dừng chân, trạm xăng
không thực hiện đúng các quy định về vệ sinh, môi trường và các tổ chức, cá
nhân có hành vi làm mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường; khai thác, buôn
bán san hô sống tại các khu di tích, điểm du lịch;
- Hướng dẫn các Ban quản lý các khu
di tích, điểm du lịch, các điểm dừng chân, các trạm xăng thực
hiện đồng bộ các biện pháp để bảo đảm vệ sinh, môi trường, bố trí phương tiện và nhân viên để giữ gìn vệ sinh, thu gom, xử lý rác
thải, chất thải.
8. Sở Y tế:
Chỉ đạo việc cung cấp
thông tin chính xác, kịp thời và các giải pháp ứng phó đối với các bệnh, dịch
liên quan đến hoạt động du lịch; tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm
tại các nhà hàng, khách sạn, các khu, điểm kinh doanh ẩm thực.
9. Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội
Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp
huyện và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt cơ chế chính sách giải quyết các
vấn đề an sinh xã hội cho các đối tượng ăn xin, bán hàng rong tại các khu di
tích, điểm du lịch; rà soát, phân loại, hỗ trợ, tạo việc làm cho những đối
tượng có hoàn cảnh khó khăn đang kiếm sống tại các khu di tích, điểm du lịch;
phân loại đối tượng những người ăn xin đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội hoặc
chuyển về địa phương, nơi cư trú, quản lý theo quy định.
10. Các Sở,
ngành liên quan:
Căn cứ chức năng,
nhiệm vụ của mình chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp
huyện thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du
lịch.
11. Đài Phát thanh
và Truyền hình tỉnh Phú Yên, Báo Phú Yên và các cơ quan truyền thông khác:
Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về nếp
sống văn minh đô thị, văn minh thương mại, văn hóa kinh doanh tại các khu di
tích, điểm du lịch về trách nhiệm bảo vệ môi trường du lịch thông qua các bản
tin thời sự, chương trình chuyên đề, chuyên mục… góp phần cải thiện môi trường
du lịch.
12. Hiệp hội Du lịch
và các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch:
- Hiệp hội Du lịch phối hợp các hiệp hội, hội có liên
quan tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện việc niêm yết
giá, bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm
và bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn, ứng xử văn minh với khách
du lịch; thực hiện bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, bảo
đảm cạnh tranh lành mạnh; phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp
liên kết hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch; phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch tổ chức các
hoạt động xúc tiến du lịch và đề xuất cơ chế, chính sách phát triển du lịch;
- Các tổ chức, cá nhân kinh doanh
du lịch, dịch vụ du lịch: Chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;
nâng cao tính chuyên nghiệp và cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh; tích cực phối hợp cải
thiện môi trường du lịch, bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an
toàn thực phẩm và bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn, ứng
xử văn minh với khách du lịch; thực hiện niêm yết giá công
khai và bán không cao hơn giá niêm yết; các doanh nghiệp lữ hành thực hiện đúng chương trình du lịch theo hợp
đồng đã ký kết; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thực
hiện đúng quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm; các cơ sở bán hàng lưu
niệm, quà tặng thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, không bán hàng
giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
13. Đề nghị Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên, Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Yên, Hội
Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên, Tỉnh đoàn Phú Yên và các tổ chức chính trị - xã
hội khác tích cực tham gia vào các hoạt động cải thiện môi trường du lịch, tổ
chức các cuộc vận động, tuyên truyền xây dựng Phú Yên trở thành “Điểm đến hấp
dẫn và thân thiện”.
14. Tổ chức thực hiện:
- Các sở, ban,
ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện
nghiêm túc Chỉ thị này; định kỳ cuối tháng
6 và tháng 12 hàng năm báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị này gửi Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh;
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách
nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị này.
Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 19/CT-UBND, ngày
11/11/2013 của UBND Tỉnh “Về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch,
bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn
2013 -2015”./.
Nơi nhận:
- Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch (báo
cáo);
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh (báo cáo);
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, TX, TP;
- Báo PY, ĐPTTH PY, TT THVN tại PY;
- CVP, các Phó VP. UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TH, TTCB, VX(Lc).
|
TM. UBND TỈNH
CHỦ TỊCH
Phạm Đình Cự
|