ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:05/2003/CT-UBBT
|
Phan Thiết, ngày
10 tháng 3 năm 2003
|
CHỈ THỊ
V/V TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH.
Theo báo cáo của Cục thuế tỉnh Bình Thuận, kết
quả thu ngân sách Nhà nước (NSNN) Tỉnh cả năm 2002 là 371.712 triệu đồng, đạt
103,25% so dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, tăng 30,88% dự toán Trung ương
giao. Có 9/15 loại thu đạt và vượt dự toán thu; có 6/15 loại thu không đạt dự
toán thu. Nhìn chung, kết quả thu NSNN năm 2002 trên địa bàn Tỉnh đạt khá nhưng
đáng chú ý nhất là các loại thu giảm như: thu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước
ngoài; thu tiền bán nhà; thu chuyển quyền sử dụng đất..., cần phải chấn chỉnh
và có giải pháp tốt hơn.
Để đạt được nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước Tỉnh
năm 2003 được giao là 450.000 triệu đồng và phấn đấu tăng thu thêm 150.000 triệu
đồng nhằm đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời,
thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị số 19/2002/CT-TTg ngày 13/9/2002 của Thủ tướng
Chính phủ “về tăng cường công tác quản lý thuế giá trị gia tăng” và các văn bản
chỉ đạo của các Bộ, Ngành Trung ương; UBND Tỉnh chỉ thị UBND các huyện, thành
phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành tổ chức thực hiện công tác quản lý thu ngân
sách Nhà nước năm 2003 trên địa bàn Tỉnh như sau:
1- Các cấp, các ngành phải nỗ lực
thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm của Tỉnh để tạo sức mạnh tổng hợp đẩy nhanh
tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao cải thiện đời sống
nhân dân và tạo nguồn thu vững chắc từ nội bộ nền kinh tế.
Ngành thuế phối hợp chặt chẽ với các cấp, các
ngành để thực hiện nhiệm vụ thu NSNN đúng, đủ, kịp thời và khai thác tốt các
nguồn thu để tăng thu thuế sát với tốc độ tăng trưởng kinh tế, hạn chế thấp nhất
thất thu ngân sách Nhà nước, tạo sự bình đẳng về nghĩa vụ nộp thuế của tổ chức,
cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh và tập trung lực lượng toàn ngành thực hiện
đạt và vượt dự toán thu ngân sách Nhà nước Tỉnh năm 2003.
2- Tăng cường công tác quản lý
thu thuế khu vực kinh tế ngoài quốc doanh:
Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tỉnh ta đang
phát triển nhanh và rất năng động; đã giải quyết được nhiều việc làm, sản xuất
nhiều sản phẩm hàng hoá, mang lại hiệu quả kinh tế khá tốt; tạo ra nguồn thu
NSNN rất lớn, nhưng tình trạng thất thu thuế vẫn còn, do công tác quản lý Nhà
nước và quản lý thuế chưa thật chặt chẽ, kịp thời. Cần phải tập trung vào các
lĩnh vực sau:
2.1- Về thuế Môn bài năm 2003:
- Rà soát đưa hết các tổ chức, cá nhân có hoạt động
sản xuất kinh doanh vào lập bộ quản lý thu thuế Môn bài theo đúng mức thuế Môn
bài quy định tại Nghị định 75/2002/NĐ-CP , ngày 30/8/2002 của Chính phủ “về điều
chỉnh mức thuế Môn bài”.
- Các trường hợp vướng mắc trong việc thực hiện
mức thu thuế Môn bài năm 2003 phải được giải thích, hướng dẫn cho các cơ sở sản
xuất kinh doanh thông hiểu để họ quyết định loại hình thành lập doanh nghiệp và
chấp hành tốt nghĩa vụ nộp thuế theo đúng quy định của Nhà nước.
2.2- Về quản lý thuế Gía trị gia tăng và thuế
Thu nhập doanh nghiệp:
2.2.1- Đối với các doanh nghiệp:
- Các doanh nghiệp khi thành lập và đi vào hoạt
động, phải được Sở Kế hoạch & Đầu tư kiểm tra cấp giấy chứng nhận đăng ký
kinh doanh; đăng ký thuế và kê khai nộp thuế đúng, đủ, kịp thời; hoạt động kinh
doanh đúng ngành nghề đăng ký trong giấy chứng nhận và báo cáo kết quả hoạt động
kinh doanh theo định kỳ với cấp thẩm quyền để quản lý, kiểm tra, ngăn chặn kịp
thời các trường hợp vi phạm Pháp luật.
- Doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc chế độ
kế toán kép theo quy định hiện hành của Nhà nước; phải hạch toán kế toán đầy đủ,
kịp thời, đúng với thực tế doanh thu - chi phí kinh doanh.
+ Về quản lý doanh thu: Các cơ quan chức năng phải
tăng cường quản lý đo lường chất lượng, sử dụng các thiết bị đo lường để quản
lý chặt chẽ số lượng, chất lượng hàng hoá; niêm yết giá và bán hàng hoá dịch vụ
theo giá niêm yết; đối chiếu kiểm tra chặt chẽ hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ của
các doanh nghiệp.
+ Về quản lý chi phí: Doanh nghiệp phải đăng ký
đầy đủ định mức kinh tế kỷ thuật của từng loại sản phẩm sản xuất chế biến; đăng
ký giá mua các loại nguyên vật liệu của người trực tiếp sản xuất bán ra không
có hoá đơn; đăng ký quỹ tiền lương với cơ quan thuế và cơ quan quản lý kinh tế
ngành. Các Sở, Ngành kinh tế, Sở Tài chính- vật giá, Cục thuế phối hợp tiến
hành kiểm tra các định mức của các doanh nghiệp để xây dựng các định mức chuẩn
làm căn cứ kiểm tra, tính thuế thu thuế sát hợp để tăng thu NSNN và tạo sự bình
đẳng trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, khuyến khích cải tiến quản
lý, cải tiến kỷ thuật và cạnh tranh lành mạnh trong cơ chế thị trường.
- Doanh nghiệp khi mua - bán hàng hoá, dịch vụ
phải thực hiện chế độ lập hoá đơn, chứng từ theo đúng quy định của Nhà nước. Tất
cả các khoản chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh phải có hoá đơn chứng
từ hợp lệ; đối với các chứng từ không hợp lệ, kiểm tra không đúng với thực tế
kinh doanh, nhằm trốn thuế đều bị xuất toán khỏi chi phí kinh doanh.
+ Doanh nghiệp phải sử dụng hoá đơn GTGT do Bộ
Tài chính phát hành khi xuất bán hàng hoá, dịch vụ; khuyến khích đăng ký, phát
hành, sử dụng hoá đơn tự in theo quy định của Nhà nước.
+ Doanh nghiệp sử dụng hoá đơn thu mua hàng
nông, lâm, thuỷ sản theo quy định của Nhà nước trong các trường hợp mua nông sản,
lâm sản, hải sản, của người trực tiếp sản xuất bán ra, mà bản thân người bán
chưa được phép sử dụng hoá đơn do Bộ Tài chính phát hành; không được sử dụng
hoá đơn thu mua hàng nông, lâm, thuỷ sản khi doanh nghiệp mua hàng của các tổ
chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có sử dụng hoá đơn hợp pháp. Đối với hàng hoá
là đất, đá, cát, sỏi, phế liệu và các loại hàng hoá- dịch vụ khác mà doanh nghiệp
mua của các cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ không có hoá đơn hợp pháp, phải yêu cầu
người bán đến cơ quan thuế mua hóa đơn lẻ xuất cho doanh nghiệp để xác lập chứng
từ đầu vào.
+ Cơ quan thuế phải công khai các tổ chức, cá
nhân kinh doanh có sử dụng hoá đơn; thông báo những hoá đơn không còn sử dụng
trên mạng Internet cho các doanh nghiệp theo dõi sử dụng trong quá trình hoạt động
kinh doanh. Tăng cường kiểm tra việc sử dụng hoá đơn, đối chiếu, xác minh hoá
đơn đã sử dụng của doanh nghiệp; Các trường hợp vi phạm chế độ sử dụng hoá đơn,
chứng từ để trốn thuế phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của
Pháp luật.
2.2.2 - Đối với hộ kinh doanh cá thể nộp thuế
GTGT trực tiếp trên doanh thu kê khai:
- Hộ kinh doanh nhỏ nộp thuế trực tiếp trên
doanh thu kê khai, phải thực hiện “chế độ kế toán hộ kinh doanh”; lập đầy đủ
hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ để kê khai nộp thuế đúng với thực tế kinh doanh.
- Hộ kinh doanh nhỏ, cá nhân kinh doanh hàng
nông, lâm, hải sản chưa qua chế biến và đất, đá, cát, sỏi, phế liệu mua của người
trực tiếp sản xuất, khai thác để bán ra cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến,
xuất khẩu; thuộc đối tượng nộp thuế trực tiếp trên doanh thu ấn định nhưng có
đăng ký sử dụng hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ thì được phép mở một sổ “nhật ký
bán hàng” để xác định doanh thu kê khai tính thuế đầy đủ; không yêu cầu lập chứng
từ mua vào.
2.2.3- Đối với hộ kinh doanh nộp thuế khoán ổn định:
- Cơ quan thuế căn cứ vào quy mô, ngành nghề, địa
điểm kinh doanh để phân loại xác định: loại hộ ổn định thuế 6 tháng hoặc cả
năm; thực hiện quy trình điều tra, khảo sát xác định doanh thu tính thuế phù hợp
với thực tế. Cơ quan thuế cùng với Hội đồng tư vấn thuế phường, xã tiến hành
xây dựng mức thuế khoán cho từng hộ trong thời gian ổn định thuế. Thực hiện
thông báo thuế một lần để các hộ kinh doanh yên tâm hoạt động và động viên nộp
thuế sớm vào NSNN.
- Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48/2002/CT-UBBT
ngày 30/10/2002 của UBND tỉnh Bình Thuận “về việc tăng cường công tác quản lý
thuế GTGT” để đẩy mạnh công tác quản lý thuế khu vực kinh tế ngoài quốc doanh
chặt chẽ, bình đẳng và tạo sự thông thoáng cho mọi cơ sở kinh doanh yên tâm đầu
tư phát triển sản xuất kinh doanh theo định hướng của Nhà nước.
3- Tập trung quản lý khai thác
các khoản thu về đất:
3.1- Thuế nhà đất:
- Tập trung thực hiện Chỉ thị số 52/2002/CT-UBBT
ngày 02/12/2002 của UBND tỉnh “về các biện pháp tăng cường quản lý lập bộ thu
thuế nhà đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận từ năm 2002”.
- Các Sở chuyên ngành: Địa chính, Xây dựng phối
hợp chặt chẽ với UBND các cấp xây dựng kế hoạch cụ thể đẩy mạnh việc cấp giấy
chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất theo quy định của Nhà nước để làm căn cứ quản
lý thu thuế nhà đất.
- Ngành thuế phải xây dựng đề án tổ chức thực hiện
việc lập phiếu kê khai diện tích đất ở, đất chuyên dùng của tất cả các tổ chức,
cá nhân đang sử dụng thuộc diện chịu thuế nhà đất, để lập bộ quản lý thuế đầy đủ
và sát đúng với thực tế sử dụng.
- Vị trí, đường phố cụ thể của từng loại đất ở,
đất chuyên dùng tính thuế phải thực hiện thống nhất theo quy định của UBND tỉnh,
huyện, thành phố và đúng theo Pháp luật hiện hành của Nhà nước.
3.2- Các khoản thu về đất:
3.2.1- Để khai thác đầy đủ các khoản thu về đất,
giao cho các Sở Ngành chức năng phối hợp với UBND huyện, thành phố, quy hoạch cụ
thể về sử dụng quỹ đất; xem xét, điều chỉnh giá đất phù hợp cho từng loại đất,
khu vực, vị trí và khả năng sinh lợi; khuyến khích thu hút vốn đầu tư của các
thành phần kinh tế vào khai thác quỹ đất theo quy hoạch và chiến lược phát triển
kinh tế-xã hội của Tỉnh.
3.2.2- Giao đất có thu tiền sử dụng đất của các
tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư để sản xuất kinh doanh ổn định lâu dài.
- Đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị
41/2002/CT-UBBT ngày 26/8/2002 của UBND tỉnh “thực hiện một số biện pháp thí điểm
về giao quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng
đất ở”
- Giao trách nhiệm cho Sở Tài chính - Vật
giá phối hợp với Cục Thuế Tỉnh và các Sở Ngành chức năng tính toán, xây dựng
giá giao quyền sử dụng đất tại các khu du lịch và các cơ sở sản xuất kinh doanh
khác trình UBND tỉnh xem xét quyết định, nhằm tổ chức thực hiện thí điểm đối với
các chủ đầu tư có nguyện vọng muốn được Nhà nước giao đất, có thu tiền sử dụng
đất để sản xuất kinh doanh ổn định lâu dài.
3.2.3- Thu tiền thuê đất:
- Tất cả các diện tích đất được cấp có thẩm quyền
quyết định cho thuê đất, ngành Địa chính phải tiến hành lập hợp đồng thuê đất
và ngành Thuế phải đưa vào lập bộ thu tiền thuê đất theo đúng quy định của Nhà
nước. Giá tính tiền thuê đất được lập theo giá đất của UBND tỉnh quy định theo
thời điểm hiện hành.
- Khuyến khích các chủ đầu tư nộp tiền thuê đất
một lần cho toàn bộ thời gian được thuê đất theo quy định của Nhà nước để được
hưởng các quyền lợi hiện hành.
3.2.4- Thu thuế chuyển quyền sử dụng đất, chuyển
mục đích sử dụng đất:
- UBND các cấp phải quản lý chặt chẽ việc
chuyển quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất. Chỉ cho phép người được
cấp quyền sử dụng đất hợp pháp mới được phép chuyển quyền sử dụng và chuyển mục
đích sử dụng đất.
+ Tổ chức, cá nhân sử dụng đất chưa hợp pháp phải
hoàn tất thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp trước
khi chuyển quyền và chuyển mục đích sử dụng đất.
+ Tổ chức, cá nhân sử dụng đất không hợp pháp,
UBND phường, xã phải kiểm tra, lập hồ sơ trình cấp thẩm quyền xử lý ngay theo
quy định của Pháp luật, để xác định tính hợp pháp trong việc sử dụng đất.
- Tất cả các loại đất được cấp thẩm quyền cho
phép chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất phải kê khai nộp thuế
chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và thuế Trước bạ theo quy
định của Pháp luật mới được cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
cho người nhận chuyển quyền, chuyển mục đích sử dụng đất.
- Tất cả các trường hợp mua bán sang nhượng, lấn
chiếm đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao UBND phường, xã kiểm tra
lập thủ tục trình cấp thẩm quyền xử lý nghiêm minh theo quy định của Pháp luật.
Chủ tịch UBND phường, xã phải chịu trách nhiệm trước cấp trên về công tác quản
lý đất đai trên địa bàn phụ trách.
4- Thu thuế sử dụng đất nông
nghiệp (SDĐNN):
Thực hiện văn bản số 577 TC/TCT ngày 16/01/2003
của Bộ Tài chính “về việc miễn thuế SDĐNN”, UBND tỉnh chỉ đạo Ngành Thuế và các
Ngành chức năng, UBND các cấp thực hiện như sau:
- Từ năm 2003 không thu thuế SDĐNN đối với diện
tích đất trong hạn điền của hộ nông dân; còn đối với các đối tượng sản xuất
nông nghiệp khác (các Doanh nghiệp, Nông lâm trường trạm trại, HTX sản xuất
nông nghiệp..., các hộ không phải là nông dân) thì việc thu nộp thuế SDĐNN và
miễn giảm thuế SDĐNN tạm thời thu như năm 2002 theo Quyết định số
199/2001/QĐ-TTg ngày 28/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số
09/2002/TT-BTC ngày 23/01/2002 của Bộ Tài chính.
- Căn cứ quy định trên, Ngành thuế tiến hành lập
bộ thu thuế SDĐNN năm 2003 và tập trung thu dứt điểm nợ thuế SDĐNN các năm trước
chuyển sang; đồng thời thực hiện chính sách miễn giảm thuế theo đúng quy định của
Pháp luật.
5- Thu thuế nợ đọng:
- UBND các cấp có kế hoạch chỉ đạo cơ quan thuế,
các Phòng Ban chức năng phối hợp thực hiện việc thu thuế nợ đọng của tất cả các
tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất kinh doanh còn nợ thuế; đồng thời xử lý
nghiêm các trường hợp chây ì không chấp hành nghĩa vụ nộp thuế vào NSNN. Kiên
quyết trong công tác thu thuế nợ đọng, để bảo đảm sự bình đẳng về nghĩa vụ nộp
thuế, chấn chỉnh việc chấp hành luật pháp và tăng thu NSNN.
- Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42/2002/CT-UBBT,
ngày 03/9/2002 của UBND tỉnh Bình Thuận “về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác xử
lý thu nợ thuế còn tồn đọng”, áp dụng cho việc thu thuế nợ đọng từ năm 2002 về
trước chuyển sang năm 2003. Ngành thuế gắn chặt với Hội đồng tư vấn thuế phường,
xã thực hiện phân loại đối tượng nợ thuế để xử lý đúng thẩm quyền, đúng Luật
thuế và Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính. Kết hợp chặt chẽ việc cưỡng chế nộp
thuế với việc xem xét miễn, giảm, khoanh, dãn nợ thuế nhằm huy động kịp thời tiền
thuế vào NSNN.
6- Tổ chức thực hiện:
- Ngành thuế và các Sở ngành quản lý kinh tế, quản
lý chuyên ngành phải xây dựng kế hoạch cụ thể các bước công việc quản lý, phối
hợp để triển khai thực hiện công tác thu NSNN năm 2003 đạt kết quả tốt.
- Sở Tài chính - Vật giá và Cục thuế tỉnh phối hợp
với các Sở Ngành liên quan phải xây dựng phương án cụ thể trình UBND tỉnh về
giao chỉ tiêu thu phấn đấu 150 tỉ trong năm ngân sách 2003 và xác định trách
nhiệm cụ thể cho các ngành, UBND các huyện, thành phố; đồng thời xây dựng cơ chế
chính sách đòn bẩy phù hợp để khai thác tối đa các nguồn thu vào NSNN cho đầu
tư phát triển.
- UBND huyện, thành phố phải xây dựng kế hoạch
chi tiết để chỉ đạo các phòng ban trong việc quản lý thu các bộ thuế phát sinh
trong năm 2003; xử lý thuế nợ đọng; thuế nhà đất và các khoản thu về đất trên địa
bàn quản lý.
- Đài phát thanh truyền hình, báo Bình Thuận tổ
chức tuyên truyền sâu rộng về chính sách thu NSNN năm 2003, động viên các tổ chức,
cá nhân sản xuất kinh doanh chấp hành tốt nghĩa vụ nộp thuế ; có biện pháp
tuyên truyền ngăn chặn các trường hợp trốn lậu thuế, chống hàng giả, chống gian
lận thương mại, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và tạo sự bình đẳng trong
kinh doanh cho các thành phần kinh tế.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, các Sở Ngành chức năng
và các địa phương báo cáo về Cục Thuế Tỉnh để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét
giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ Tư Pháp (báo cáo) Chủ tịch
- T/T Tỉnh uỷ (báo cáo)
- T/T HĐND tỉnh (báo cáo)
- T/T UB MTTQVN tỉnh
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh
- Các Sở, Ngành cấp tỉnh
- UBND huyện, thành phố
- Chuyên viên PPLT, NC, TH
- Lưu VP- UBBT
|
TM. UBND TỈNH
BÌNH THUẬN
Huỳnh Tấn Thành
|