ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
03/CT-UBND
|
Quảng
Trị, ngày 06 tháng 3 năm 2017
|
CHỈ THỊ
ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC
GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
Qua hơn 6 năm
triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới,
đến nay tỉnh Quảng Trị đã đạt được một số kết quả khá quan trọng, thu nhập và đời
sống của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao; bộ mặt nông thôn được đổi
mới, cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội được cải thiện và nâng cấp rõ rệt; hệ thống
chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, đến nay đã có 31 xã đạt chuẩn nông thôn
mới (chiếm 26,5% số xã của tỉnh), số tiêu chí đạt bình quân toàn tỉnh là
13,35 tiêu chí/xã. Phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” đã
trở thành một trong những phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, thường xuyên trong
toàn tỉnh, huy động cả hệ thống chính trị và người dân đồng lòng, quyết tâm, tập
trung mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, quá
trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh ta vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như:
Công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, chất lượng chưa cao; kết quả xây dựng
nông thôn mới có sự chênh lệch giữa khu vực miền núi và khu vực đồng bằng; giữa
các địa phương trong một vùng; một số địa phương; vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ
lại vào sự đầu tư của nhà nước; các xã đạt chuẩn nông thôn mới đang ở mức đạt
chuẩn tối thiểu và thiếu bền vững; công tác lồng ghép các chương trình, dự án,
thực hiện cơ chế đặc thù và huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới từ
các đối tượng như doanh nghiệp, Hợp tác xã, người dân, con em xa quê.v.v. vẫn chưa
đạt được hiệu quả như mong đợi; phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành
nông nghiệp chưa tạo được chuyển biến rõ nét; công tác xây dựng đời sống văn
hóa và bảo vệ môi trường chưa được chú trọng đúng mức; cơ cấu kinh tế nông thôn
chưa có sự thay đổi lớn; các mô hình hợp tác xã theo Luật hợp tác xã năm 2012
hướng đến việc liên doanh, liên kết và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông
nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế; công tác dồn điền, đổi thửa để thực hiện sản
xuất tập trung với quy mô vừa và lớn chưa có nhiều chuyển biến tích cực; việc ứng
dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chưa cao; năng suất, chất lượng
các sản phẩm nông nghiệp còn thấp, chưa tạo được những sản phẩm có thương hiệu
và giá trị gia tăng cao; Phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”
ở một số nơi vẫn chưa được triển khai thường xuyên và duy trì đều đặn, các hoạt
động còn mang tính hình thức, chưa thực sự phát huy được vai trò chủ thể của
người dân.
Để tăng cường
và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh
năm 2017 và giai đoạn 2017 - 2020 có hiệu quả, phát triển nông nghiệp, nông
thôn theo hướng bền vững, đảm bảo mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 40-50% số
xã đạt chuẩn, có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, không còn huyện chưa
có xã đạt chuẩn, không có xã đạt dưới 10 tiêu chí; UBND tỉnh yêu cầu các Sở,
Ban ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã tập trung thực hiện một số nhiệm vụ
trọng tâm sau:
I. NHIỆM VỤ CHUNG
1. Nâng cao
hơn nữa nhận thức vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ
thống chính trị, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông
thôn mới, nhà nước chỉ có trách nhiệm định hướng, hỗ trợ thực hiện.
2. Các đơn
vị, địa phương phải cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới
trong kế hoạch hàng năm; phân công rõ trách nhiệm theo từng cấp, từng tổ chức,
cá nhân cụ thể; chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục triệt để những tồn
tại, hạn chế thời gian qua. Trong đó tập trung thực hiện các văn bản hướng dẫn
của Trung ương về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và các văn bản của
UBND tỉnh, gồm: Quyết định số 3539/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 về việc ban hành Kế
hoạch triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng
Trị, giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 3277/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 về việc
Ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Quảng Trị chung sức xây
dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 325/QĐ-UBND ngày
23/02/2017 về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn
2016 - 2020; Quyết định số 47/2016/QĐ-UBND ngày 08/12/2016 về việc Ban hành quy
chế công tác thi đua khen thưởng trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh
Quảng Trị, giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 5969/KH-UBND ngày 20/12/2016 về
ban hành kế hoạch Truyền thông, thông tin tuyên truyền Chương trình MTQG xây dựng
nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 231/QĐ-UBND
ngày 10/2/2017 về việc ban hành Kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng cán bộ xây dựng
nông thôn mới các cấp thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng
Trị giai đoạn 2017 - 2020.
3. Các Sở,
Ban ngành cấp tỉnh tổ chức rà soát, thực hiện lồng ghép nguồn lực từ các chương
trình, dự án khác để ưu tiên hỗ trợ, đỡ đầu nhằm giúp các xã đăng ký đạt chuẩn
hàng năm về đích đúng kế hoạch.
4. Các cấp,
các ngành và địa phương liên quan tổ chức thực hiện việc đánh giá, xét công nhận
xã đạt chuẩn nông thôn mới nghiêm túc, đảm bảo thực chất, không hạ thấp tiêu
chí so với giai đoạn 2011 - 2015; không chạy theo thành tích, không để xảy ra
tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, huy động quá sức dân và đảm bảo sự hài lòng
của người dân nông thôn. Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn
2014-2016, cần tập trung rà soát, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo hướng bền
vững nhằm tiếp tục phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
5. Xây dựng
kế hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ 02 huyện phấn đấu đạt chuẩn giai đoạn 2016
- 2020 (huyện Cam Lộ và huyện Vĩnh Linh), đồng thời giúp huyện Đakrông đảm bảo
mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
6. Nâng cao
chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Quảng
Trị giai đoạn 2016 - 2020; phối hợp, lồng ghép, triển khai đồng bộ, có hiệu quả
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới với chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
7. Triển
khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị
gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; phát huy mọi
nguồn lực để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng trên cơ sở đổi mới
hình thức sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực nhằm tạo sự đột phá
về năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Chú trọng phát triển
các hình thức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến, tiêu thụ
nông sản; có phương án nhằm thúc đẩy gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp và dịch
vụ với sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh ban hành các chính
sách nhằm khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn.
8. Triển
khai thực hiện Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ về cơ
chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các Chương
trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020 để đảm bảo triển khai chương trình có hiệu quả.
9. Tiếp tục
phân cấp, trao quyền cho cấp xã, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân và cộng
đồng thực sự làm chủ trong việc triển khai xây dựng nông thôn mới theo cơ chế đầu
tư đặc thù; bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong suốt quá
trình thực hiện xây dựng nông thôn mới.
10. Tăng cường
công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới; tiếp tục phát huy vai
trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã
hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới. Định kỳ, tổ
chức điều tra về sự hài lòng của người dân đối với tiến độ và kết quả thực hiện
xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
11. Tiếp tục
phát động và thực hiện có hiệu quả phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng
nông thôn mới” trong đó tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, phát huy sáng
kiến trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chính sách, đề xuất các giải
pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt
công tác báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ; sơ kết, tổng kết, động viên,
khen thưởng các đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho
phong trào xây dựng nông thôn mới, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn tỉnh.
II. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, BAN NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG
1. Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan chủ trì Chương trình MTQG xây dựng nông
thôn mới) nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai có hiệu quả Đề án
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thực hiện chính
sách hỗ trợ lãi suất vốn vay trong xây dựng nông thôn mới; tham mưu, xây dựng
mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2016 - 2020; Chủ trì, phối hợp với
các Sở, Ban ngành liên quan, UBND các huyện đề xuất UBND tỉnh giải pháp, cơ chế
hỗ trợ 2 huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh phấn đấu huyện đạt chuẩn giai đoạn 2016 -
2020; huyện Đakrông phấn đấu có ít nhất 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
2. Sở Kế hoạch
và Đầu tư (cơ quan tổng hợp các Chương trình MTQG) chủ trì, phối hợp với các
đơn vị, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh trong công tác huy động sự hỗ
trợ, tài trợ của các tổ chức Chính phủ, Phi Chính phủ, đồng thời thực hiện lồng
ghép có hiệu quả các chương trình, dự án khác để thực hiện đồng bộ hai Chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; nghiên cứu,
tham mưu UBND tỉnh triển khai Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của
Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án
thuộc các Chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020 để đảm bảo triển khai chương
trình đạt hiệu quả cao.
3. Văn
phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương
liên quan tổ chức rà soát và đề xuất các chủ trương, cơ chế liên quan đến
chương trình; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh
xem xét, hỗ trợ nguồn lực để giúp các địa phương đăng ký đạt chuẩn hàng năm về đích
đúng kế hoạch; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tham mưu, điều phối chương
trình; tổ chức theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện kế
hoạch xây dựng nông thôn mới hàng năm, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thực
hiện chương trình theo định kỳ 6 tháng và hàng năm.
4. Các Sở,
Ban ngành cấp tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng kế
hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
nhằm đảm bảo mục tiêu chung của tỉnh; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các
địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới theo lĩnh vực quản lý nhà nước
của từng đơn vị và địa bàn được phân công phụ trách; định kỳ 6 tháng và hàng
năm báo cáo kết quả thực hiện về Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh để tổng
hợp, báo cáo cáo UBND tỉnh.
5. UBND các
huyện, thị xã:
Huy động và
bố trí các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, tránh dàn trải gây
lãng phí, thất thoát nguồn lực; xây dựng kế hoạch 05 năm, hàng năm, trong đó cần
chú ý đề ra các mục tiêu và lộ trình cụ thể để thực hiện các mục tiêu; đề ra
các giải pháp, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo cấp huyện và
các Phòng, Ban liên quan để tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục
những tồn tại hạn chế thời gian qua để thực hiện việc xây dựng thành công nông
thôn mới giai đoạn 2017 - 2020; báo cáo kết quả thực hiện về Văn phòng Điều phối
nông thôn mới tỉnh để tổng hợp, báo cáo cáo UBND tỉnh theo quy định.
6. Đề nghị Ủy
ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội phối hợp với các Sở, Ban
ngành liên quan tăng cường giám sát, tuyên truyền vận động nhân dân tích cực
tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững;
đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lựa chọn những nội dung thiết thực để
phối hợp vận động, khích lệ, động viên các tổ chức, cá nhân chung sức, đồng
lòng xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng đến công tác giám sát việc bảo
vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đẩy mạnh việc nhân rộng các
mô hình sản xuất có hiệu quả, xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư,
góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa bàn nông
thôn.
UBND tỉnh
yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban ngành liên quan, Chủ tịch UBND các
huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị
này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Đức Chính
|