ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 03/2015/CT-UBND
|
Bắc Kạn, ngày 26 tháng 3 năm 2015
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, PHỐI HỢP THỰC HIỆN CÁC
BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
Luật Xử lý vi phạm
hành chính được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành
kể từ ngày 01/7/2013, các quy định có liên quan đến áp dụng biện pháp xử lý
hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định có hiệu lực kể từ ngày
01/01/2014.
Trên cơ sở quy định
của Luật Xử lý vi phạm hành chính, ngày 20/01/2014, Ủy ban thường vụ Quốc hội
đã ban hành Pháp lệnh số: 09/2014/UBTVQH13 quy định trình tự, thủ tục xem xét,
quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Chính phủ đã ban hành các Nghị
định: Nghị định số: 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 quy định chế độ áp dụng biện
pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Nghị định số:
221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành
chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Nghị định số: 02/2014/NĐ-CP ngày
10/01/2014 quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào
trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc. Trên cơ sở quy định của Chính
phủ, các Thông tư hướng dẫn thi hành đã được ban hành, từng bước hoàn thiện thể
chế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện các quy định của Luật
Xử lý vi phạm hành chính về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Tuy nhiên, qua theo
dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cho thấy, việc tổ
chức thực hiện các biện pháp xử lý hành chính trên địa bàn tỉnh còn không ít
khó khăn, vướng mắc do đây là những quy định mới, trong quá trình tổ chức thực
hiện còn nhiều lúng túng, các cơ quan liên quan chưa có cơ chế phối hợp rõ
ràng, dẫn đến hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính chuyển Tòa
án nhân dân cấp huyện xem xét còn chưa đảm bảo chất lượng.
Để khắc phục những hạn
chế vướng mắc nêu trên, nâng cao chất lượng áp dụng các biện pháp xử lý hành
chính trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật và đặc điểm tình hình địa
phương, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Sở Tư pháp có trách
nhiệm:
a) Phối hợp với các cơ
quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch và tổ chức tập huấn các
quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Pháp lệnh số: 09/2014/PL-UBTVQH13
và các văn bản pháp luật quy định chi tiết về các biện pháp xử lý hành chính
cho người thực thi nhiệm vụ này của các cơ quan: Tòa án nhân dân, Công an, Lao
động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Y tế và các Ban, Ngành, đoàn thể có liên
quan trên địa bàn tỉnh áp dụng các quy định mới kịp thời, đầy đủ, chính xác.
b) Hướng dẫn Trưởng
phòng Tư pháp các huyện, thị xã thực hiện kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề
nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo
dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; đồng thời chỉ đạo Phòng Tư pháp các
huyện, thị xã hướng dẫn cán bộ Tư pháp - Hộ tịch các xã, phường, thị trấn thực
hiện kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính
giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
c) Tổng hợp về những
khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, áp dụng pháp luật về biện pháp
xử lý hành chính tại địa phương. Trên cơ sở đó, kiến nghị với cơ quan có thẩm
quyền giải quyết.
2. Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:
Chủ trì phối hợp với
các Sở, Ban, Ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế phối hợp
trong việc lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân áp dụng biện pháp xử lý hành chính
đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
3. Công an
tỉnh có trách nhiệm:
a) Chủ trì
phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thị xã tham mưu UBND tỉnh xây
dựng cơ chế phối hợp trong việc lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân áp dụng biện
pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.
b) Chỉ đạo
Công an các huyện, thị xã thực hiện và hướng dẫn lực lượng Công an cấp xã thực
hiện việc lập, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ đề
nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.
4. Sở Y tế
có trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn các
địa phương, đơn vị chức năng thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy đối
với người nghiện ma túy theo quy định của pháp luật.
5. Sở Tài
chính có trách nhiệm: Phối hợp với các cơ quan có liên quan đảm bảo kinh phí
cho việc thực hiện các quy định của pháp luật về các biện pháp xử lý hành
chính.
6. Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo
Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn kịp thời cấp Giấy chứng nhận đã chấp
hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn để đảm
bảo đủ hồ sơ pháp lý cho việc xem xét, đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành
chính tiếp theo.
b) Chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn cấp giấy xác
nhận hết thời gian cai nghiện ma túy tại gia đình hoặc cai nghiện ma túy tại cộng
đồng để phục vụ cho việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính
đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đồng thời chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã,
phường, thị trấn ra quyết định giao cho gia đình quản lý trong thời gian làm
thủ tục đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy có nơi cư
trú ổn định.
c) Chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn cử đại
diện tham dự phiên họp tại Tòa án nhân dân khi Tòa án nhân dân có yêu cầu theo
đúng quy định tại Khoản 3 Điều 17 của Pháp lệnh số: 09/2014/PL-UBTVQH13 về
trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại
Tòa án nhân dân.
Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành và yêu cầu cụ thể
của cơ quan Tòa án, khi cử người đại diện tham gia phiên họp phải là người hiểu
rõ hoặc nắm đầy đủ các thông tin, tài liệu trong hồ sơ đề nghị áp dụng biện
pháp xử lý hành chính đã được chuyển sang cơ quan Tòa án. Tùy thuộc biện pháp
xử lý hành chính đang được Tòa án xem xét, người đại diện tham dự phiên họp có
thể là Trưởng công an cấp xã, công chức Tư pháp - hộ tịch hoặc công chức Văn
hóa - xã hội.
7. Đề nghị
Tòa án nhân dân tỉnh: Chỉ đạo Tòa án nhân dân các huyện, thị xã phối hợp với
các cơ quan có liên quan trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào
trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc đảm bảo
theo quy định của pháp luật.
Giao Sở Tư
pháp chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, Ngành có liên quan giúp Ủy ban nhân dân
tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Định kỳ tổ
chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh biết,
kịp thời lãnh đạo chỉ đạo.
Chỉ thị này
có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.