BỘ NỘI VỤ
---------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------
|
Số: 3642/BC-BNV
|
Hà Nội, ngày 17 tháng
12 năm 2007
|
BÁO CÁO
KẾT
QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CƠ SỞ VÀ XÂY DỰNG
CHÍNH QUYỀN CƠ SỞ VỮNG MẠNH ĐỐI VỚI TUYẾN BIÊN GIỚI VIỆT NAM – LÀO, THEO TINH
THẦN CHỈ THỊ SỐ 14/2005/CT-TTG NGÀY 14 THÁNG 4 NĂM 2005 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Thực hiện Công văn số 145-CV/BCĐTB ngày 20
tháng 11 năm 2007 của Ban Chỉ đạo Tây Bắc về việc sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ
thị số 14/2005/CT-TTg ngày 14/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về hợp tác xây
dựng tuyến biên giới Việt Nam – Lào ổn định và phát triển toàn diện. Căn cứ
chức năng, nhiệm vụ được giao Bộ Nội vụ xin báo cáo kết quả thực hiện một số
nội dung liên quan trong giai đoạn 2005 đến nay, cụ thể như sau:
I. VỊ TRÍ VÀ ĐẶC ĐIỂM
TÌNH HÌNH CỦA TUYẾN BIÊN GIỚI VIỆT – LÀO
Tuyến biên giới Việt – Lào là 1 trong 3 tuyến
biên giới đất liền của Việt Nam rất trọng yếu trong vấn đề an ninh biên giới,
bảo vệ chủ quyền đất nước, có vị trí rất quan trọng về địa chính trị, địa kinh
tế trong quan hệ hợp tác nhiều mặt nhằm đảm bảo phát triển ổn định và hữu nghị
giữa nước ta với Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Tuyến biên giới Việt – Lào có chiều dài
khoảng 1.954 km, dọc theo tuyến có: 1.653 thôn, 148 xã, 34 huyện thuộc địa bàn
10 tỉnh: Điện Biên (23 xã), Sơn La (17 xã), Thanh Hóa (15 xã), Nghệ An (27 xã),
Hà Tĩnh (8 xã), Quảng Bình (9 xã), Quảng Trị (18 xã), Thừa Thiên Huế (12 xã),
Quảng Nam (12 xã) và Kon Tum (7 xã).
Dân số ở các xã thuộc tuyến biên giới Việt –
Lào có khoảng 525.242 người chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 74%);
trong đó: dân tộc Thái 137.398 người (chiếm 26,2%), dân tộc Mường 6.681 người
(chiếm 1,27%), dân tộc Hmông 26.875 người (chiếm 5,11%), dân tộc Khơmú 20.165
người (chiếm 3,83%), dân tộc Mông 63.567 người (chiếm 12,10%), Dân tộc Lào
6.703 người (chiếm 1,28%), dân tộc Sinh Mun 12.010 người (chiếm 2,28%), dân tộc
CơTu 14.849 người (chiếm 2,29%), dân tộc Giẻ Triêng 15.069 người (chiếm 2,90%),
dân tộc Bru-Vân Kiều 29.977 người (chiếm 5,70%), dân tộc Pacô 20981 người
(chiếm 4,00%) và các dân tộc khác là 32.051 người (chiếm 6,10%).
Đặc điểm cơ bản của tuyến biên giới Việt –
Lào, chủ yếu là vùng núi dốc cao, địa hình phức tạp, chia cắt mạnh bởi núi cao
và vực sâu, do vậy đã gây ra nhiều khó khăn cho việc quy hoạch, đầu tư xây dựng
kết cấu hạ tầng, giao lưu phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, xây dựng chính
quyền cơ sở, bảo vệ an ninh quốc phòng, trình độ dân trí thấp, hoạt động kinh
tế còn mang tính tự cung tự cấp, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn đặc
biệt khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp 2,57 triệu đồng/người/năm, tỷ
lệ hộ nghèo còn cao (chiếm 59,30%). Vì vậy tuyến biên giới này đang gặp nhiều
khó khăn, trở ngại lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự an
toàn xã hội của các địa phương (xem chi tiết phụ lục biểu số 1A).
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
MỘT SỐ NHIỆM VỤ LIÊN QUAN ĐẾN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA BỘ NỘI VỤ TỪ NĂM 2005 ĐẾN
NAY
1. Công tác xây dựng
chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vùng biên giới, vùng cao,
vùng đặc biệt khó khăn, cán bộ dân tộc ít người.
Trong thời gian vừa qua, song song với thực
hiện chính sách dân tộc đối với vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, công
tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức được Bộ Nội vụ rất coi trọng. Để tạo điều
kiện thuận lợi cho các địa phương có điều kiện thực hiện tốt công tác xây dựng
hệ thống chính trị cơ sở, chính quyền cơ sở vững mạnh, Bộ Nội vụ trình Thủ
tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản như:
- Quyết định số 31/2006/QĐ-TTg ngày 06/2/2006
của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng Chủ tịch Hội
đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn giai đoạn 2006-2010.
- Quyết định số 34/2006/QĐ-TTg ngày 08/2/2006
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
xã, phường, thị trấn người dân tộc thiểu số giai đoạn 2006-2010.
- Quyết định số 56/2006/QĐ-TTg ngày 13 tháng
3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường có thời hạn cán bộ, công
chức về các huyện, xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các tỉnh biên
giới Việt – Trung, Việt – Lào và Việt – Campuchia thời gian qua đã chú trọng
công tác đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ là Trưởng, Phó phòng và cán
bộ chuyên môn có năng lực tăng cường về các xã khó khăn, các xã biên giới đảm
nhiệm các chức danh Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND
xã.
- Quyết định số 106/2007/QĐ-TTg ngày 13 tháng
7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Một số giải pháp tăng
cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ hệ thống chính
trị cơ sở vùng Tây Bắc giai đoạn 2007-2010”.
Trên cơ sở mục tiêu trên các tỉnh đã xây dựng
và tổ chức triển khai thực hiện các Đề án đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công
chức trên địa bàn; trong đó chú trọng công tác đào tạo công chức xã, phường,
thị trấn giai đoạn 2001-2005; xây dựng và thực hiện Đề án đào tạo cán bộ nguồn
là người dân tộc ít người giai đoạn 2002-2010.
- Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ
là người dân tộc ít người tại chỗ các tỉnh đã đặc biệt ưu tiên kể cả trong đào
tạo, bồi dưỡng và trong bố trí sử sụng con em các dân tộc ít người về học ở các
trường dân tộc nội trú của tỉnh, của huyện, được lựa chọn cử đi học các lớp cử
tuyển theo chính sách của Nhà nước; được ưu tiên trong thi tuyển và xét tuyển
vào các cơ quan nhà nước.
- Trong chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
là người dân tộc ở địa phương, ngoài việc được hưởng các chế độ chính sách ưu
tiên như một công chức bình thường như được hưởng nguyên lương, còn được hỗ trợ
70%-100% kinh phí đào tạo toàn khóa học, kinh phí tàu xe đi lại, kinh phí mua
tài liệu, kinh phí hỗ trợ khi bảo vệ luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên
khoa, các khoản kinh phí tham quan trong khóa học và được bố trí sắp xếp công
việc phù hợp với chuyên môn. Sau khi đào tạo thì cán bộ, công chức là người dân
tộc thiểu số ở địa phương còn được hưởng như đối với cán bộ, công chức xã tham
gia các lớp bồi dưỡng thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí đào tạo, kinh phí ăn ở.
Các tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số
trên tuyến biên giới Việt – Lào, trong thời gian qua đã tăng cường công tác đào
tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ từ tỉnh, huyện về công tác tại các xã khó
khăn, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, giúp đồng bào thoát nghèo nàn, lạc hậu,
xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh.
2. Công tác điều chỉnh
địa giới hành chính
- Về công tác điều chỉnh địa giới hành chính
đối với các địa phương thuộc tuyến biên giới Việt – Lào: từ năm 2005 đến nay,
Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu để trình
Chính phủ ban hành một số Nghị định về điều chỉnh địa giới hành chính phù hợp
với điều kiện thực tế và yêu cầu quản lý đối với các địa phương như sau:
- Về điều chỉnh địa giới hành chính: công tác
điều chỉnh địa giới hành chính đối với các địa phương thuộc tuyến biên giới
Việt – Lào trong thời gian qua đã làm tăng thêm 3 đơn vị hành chính cấp huyện,
17 đơn vị hành chính cấp xã và nâng cấp 01 thị xã thành thành phố trực thuộc
tỉnh; trong đó: tỉnh Điện Biên tăng 8 đơn vị hành chính cấp xã; tỉnh Thanh Hóa
tăng 01 thị trấn; tỉnh Nghệ An tăng 01 thị xã, 01 thị trấn và 01 xã; tỉnh Hà
Tĩnh tăng thêm 01 huyện, 01 phường và năng cấp thị xã Hà Tỉnh thành thành phố
Hà Tĩnh trực thuộc tỉnh; tỉnh Thừa Thiên – Huế tăng thêm 02 đơn vị hành chính
cấp xã; tỉnh Kon Tum tăng thêm 01 xã.
- Về quy hoạch phát triển đô thị và địa giới
hành chính:
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, trong
năm 2005 Bộ Nội vụ đã chủ động hướng dẫn 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương xây dựng Đề án quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
đến năm 2020, với mục tiêu: xây dựng một hệ thống đơn vị hành chính các cấp của
Việt Nam ổn định lâu dài, phù hợp với khả năng quản lý của chính quyền và thuận
lợi cho đời sống sinh hoạt của nhân dân, có đủ khả năng phát triển kinh tế - xã
hội và bảo đảm các điều kiện an ninh, quốc phòng. Bộ Nội vụ đã hoàn chỉnh Đề án
và chuẩn bị trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ.
3. Công tác hướng
dẫn, chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, chính quyền cơ sở vững mạnh
3.1. Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy
phạm pháp luật
Trong những năm qua, Bộ Nội vụ trên cơ sở
chức năng nhiệm vụ của mình đã chủ động tham mưu trình Chính phủ ban hành các
văn bản liên quan đến công tác xây dựng chính quyền các cấp nói chung và chính
chính quyền cơ sở nói riêng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương
thực hiện công tác xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, một số kết quả đã đạt
được như sau:
Triển khai thực hiện Nghị quyết TW5 (khóa
IX), hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, cùng với việc ban hành Pháp lệnh cán
bộ, công chức sửa đổi (năm 2003), Luật Tổ chức HĐND và UBND. Bộ Nội vụ đã chủ
trì phối hợp với các Bộ, Ban ngành liên quan tiến hành xây dựng các văn bản quy
phạm pháp luật liên quan và đã trình Chính phủ ban hành các văn bản như sau:
- Quyết định số 31/2006/QĐ-TTg ngày 06/2/2006
của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng Chủ tịch Hội
đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn giai đoạn 2006-2010.
- Quyết định số 34/2006/QĐ-TTg ngày 08/2/2006
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
xã, phường, thị trấn người dân tộc thiểu số giai đoạn 2006-2010.
- Quyết định số 56/2006/QĐ-TTg ngày 13 tháng
3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường có thời hạn cán bộ, công
chức về các huyện, xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Nghị định số 159/2005/NĐ-CP của Chính phủ
về phân loại đơn vị hành chính cấp xã.
- Nghị định số 15/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 01
năm 2007 của Chính phủ về phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện.
- Quyết định số 106/2007/QĐ-TTg ngày 13 tháng
7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Một số giải pháp tăng
cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ hệ thống chính
trị cơ sở vùng Tây Bắc và các huyện phía Tây của tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An
giai đoạn 2007-2010”.
Ngoài ra Bộ Nội vụ còn chủ trì phối hợp với
các Bộ, ngành liên quan ban hành các Thông tư hướng dẫn và các công văn hướng
dẫn nhằm giúp các địa phương thực hiện tốt các chế độ, chính sách và pháp luật
của Nhà nước nêu trên.
3.2. Công tác xây dựng chính quyền cơ sở vững
mạnh
a) Thực trạng về chất lượng, số lượng cán bộ,
công chức cơ sở thuộc tuyến biên giới Việt – Lào: (số liệu báo cáo tính
đến ngày 31/12/2006 – xem chi tiết phụ lục biểu số 02A)
Tuyến biên giới Việt – Lào có tổng cộng 148
xã biên giới với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã như sau:
Tổng số cán bộ, công chức cấp xã là: 2.695
người, trong đó:
- Cán bộ chuyên trách: 1.608 người, chia ra:
+ Đảng viên: 1.476 người (chiếm 91,79%);
+ Giới tính: Nam 1.431 người (chiếm 89%); Nữ
177 người (chiếm 11%);
+ Dân tộc: dân tộc Kinh 340 người (chiếm
21,14%); các dân tộc thiểu số 1.268 người (chiếm 78,86%);
+ Tôn giáo: chỉ có 3 người có đạo;
+ Trình độ văn hóa: Tiểu học 189 người (chiếm
11,75%), Trung học cơ sở 866 người (chiếm 53,85%), Trung học phổ thông 553
người (chiếm 34,40%);
+ Trình độ chuyên môn: Chưa qua đào tạo 1.317
người (chiếm 81,90%); Sơ cấp 32 người (chiếm 1,99%); Trung cấp 195 người (chiếm
12,12%); Cao đẳng, Đại học 64 người (chiếm 3,98%);
+ Trình độ lý luận chính trị: Chưa qua đào
tạo 565 người (chiếm 35,13%); Sơ cấp 374 người (chiếm 23,25%); Trung cấp 644
người (chiếm 40,04%); Cao cấp, Cử nhân 25 người (chiếm 1,55%).
- Công chức cấp xã: 1.087 người, chia ra:
+ Đảng viên: 624 người (chiếm 57,40%);
+ Giới tính: Nam 980 người (chiếm 90,15%); Nữ
107 người (chiếm 9,85%);
+ Dân tộc: dân tộc Kinh 282 người (chiếm
25,94%); các dân tộc thiểu số 805 người (chiếm 74,06%);
+ Tôn giáo: chỉ có 2 người có đạo;
+ Trình độ văn hóa: tiểu học 54 người (chiếm
4,96%), Trung học cơ sở 499 người (chiếm 45,90%), Trung học phổ thông 584 người
(chiếm 53,72%);
+ Trình độ chuyên môn: chưa qua đào tạo 591
người (chiếm 54,36%); Sơ cấp 34 người (chiếm 3,12%); Trung cấp 434 người (chiếm
39,92%); Cao đẳng, Đại học 28 người (chiếm 2,58%);
+ Trình độ lý luận chính trị: chưa qua đào
tạo 681 người (chiếm 62,65%); Sơ cấp 232 người (chiếm 21,34%); Trung cấp 165
người (chiếm 15,18%); Cao cấp, Cử nhân 9 người (chiếm 0,83%).
b) Đánh giá, nhận xét chung:
Với số lượng, chất lượng cán bộ chính quyền
cơ sở ở các xã biên giới Việt – Lào như trên cho thấy: đội ngũ cán bộ, công
chức chủ yếu là người dân tộc thiểu số 2.073 người (chiếm 76,92); Đảng viên
chiếm tỷ lệ tương đối cao với 2.100 người (chiếm 77,92%), tuy nhiên tỷ lệ cán
bộ là nữ rất thấp chỉ có 284 người (10,54%); trình độ văn hóa tốt nghiệp Trung
học phổ thông chỉ có 1.137 người (chiếm 42,19%); trình độ chuyên môn tốt nghiệp
từ trung cấp trở lên chỉ có 629 người chiếm tỷ lệ rất thấp chỉ có 23,33%.
Đối chiếu quy định tại Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV
ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về quy định tiêu chuẩn cụ thể
đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn cho thấy số lượng cán bộ chuyên
trách có trình độ văn hóa còn quá thấp: tốt nghiệp Trung học phổ thông chỉ có
553 người (chiếm 34,40%) và công chức có đủ trình độ chuyên môn theo quy định
chỉ có 434 người có trình độ Trung cấp trở lên (chiếm 39,92%), đây là một khó
khăn rất lớn đối với các địa phương trong công tác xây dựng chính quyền, điều
hành quản lý nhà nước ở địa phương và nhất là việc đề ra những giải pháp nhằm
phát triển kinh tế - xã hội, giúp đồng bào, nhân dân địa phương thoát khỏi đói
nghèo, giữ vững trật tự an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn.
3.3. Kết quả thực hiện công tác hướng dẫn,
chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và xây dựng chính quyền cơ sở vững
mạnh
Xây dựng Hệ thống chính trị ở cơ sở thực sự
vững mạnh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cả Hệ thống chính trị từ Trung
ương đến địa phương, là nhiệm vụ của các cấp, các ngành các địa phương; trong
đó công tác xây dựng chính quyền là nòng cốt. Công tác xây dựng chính quyền cơ
sở vững mạnh, với nhiều nội dung cụ thể khác nhau; trong thời gian vừa qua cấp
ủy và chính quyền các cấp địa phương đã quan tâm chú trọng, đặc biệt đối với
UBND các tỉnh thuộc tuyến biên giới Việt – Lào đã thể hiện tinh thần trách
nhiệm cao, bám sát Luật Tổ chức HĐND và UBND các văn bản của Nhà nước để triển
khai và tổ chức thực hiện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát
triển, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên tuyến biên giới Việt – Lào, bước đầu đã
đạt được những kết quả khá quan trọng:
- Nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm,
kinh tế có phát triển thì mới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân
dân trong vùng. Với nhận thức đó, UBND các tỉnh đã tập trung chỉ đạo UBND cấp
huyện, cấp xã trong vùng thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
như: chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, khoanh vùng trồng
cây ăn quả cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, tận dụng đất để sản xuất; phát
triển ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc; phát triển sản xuất lâm
nghiệp; phát triển một số ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng,
các ngành dịch vụ … tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại chỗ, xóa đói giảm
nghèo và nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
- Thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm
vụ về quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; giải quyết tốt
đơn thư khiếu nại tố cáo; phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống
lãng phí. Thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn công tác cải cách
hành chính với cơ chế “một cửa” tạo thuận lợi cho tổ chức và công dân khi có
công việc cần giải quyết liên quan đến cơ quan công quyền nhà nước ở địa
phương.
- Chính quyền cơ sở đã tập trung chăm lo nâng
cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân thông qua việc thực hiện và hoàn
thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội, tích cực giải quyết khiếu nại tố cáo ngay
tại cơ sở, tránh tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp là điều kiện
bảo đảm xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh.
- Công tác tổ chức cán bộ được các địa phương
xác định là khâu quan trọng trong công tác xây dựng chính quyền cơ sở vững
mạnh. Bằng việc gắn công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ với công tác đào tạo,
bồi dưỡng, sử dụng cán bộ đã giúp cho cấp ủy, chính quyền các địa phương làm
tốt công tác chuẩn bị nhân sự bầu cử đại biểu HĐND, các chức danh của HĐND và
UBND nhiệm kỳ 2004-2009.
Sự lãnh đạo của cấp Ủy Đảng cơ sở; chỉ đạo điều
hành của Chính quyền; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể nhân dân;
lề lối làm việc, tác phong của đội ngũ cán bộ, công chức đã có sự chuyển biến
tích cực tạo niềm tin cho nhân dân. Chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã ngày
được nâng cao, đảm bảo đúng Luật, đã ban hành được những Nghị quyết sát thực,
được các cơ quan, đoàn thể và nhân dân địa phương hưởng ứng, tích cực thực
hiện, mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Hoạt
động của UBND cấp xã đã có những tiến bộ đáng kể, việc thực hiện chức năng quản
lý, điều hành trên cơ sở phân công rõ ràng, quy định rõ trách nhiệm của từng
thành viên, đảm bảo các mặt công tác đều có người đảm nhiệm. Thực hiện tốt quy
chế phối hợp giữa Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở trong tổ
chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà
nước.
a) Nguyên nhân đạt kết quả:
Công tác xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh
đối với tuyến biên giới Việt – Lào, có được kết quả trên là do:
- Thứ nhất: Việc ban hành kịp thời
Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống
chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”. Nghị quyết đã đề cập quy định cụ thể
từng chức danh cán bộ, công chức, có tác động rất mạnh mẽ và tích cực đối với
đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở.
- Thứ hai: các tỉnh đã tập trung chỉ
đạo chính quyền cấp huyện, cấp xã thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế -
xã hội theo từng giai đoạn, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp tương
đối cụ thể; xây dựng và củng cố chính quyền cơ sở, tăng cường công tác quy
hoạch, tạo nguồn cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở.
Tăng cường sự phối hợp của Cấp ủy, Chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc và
các đoàn thể quần chúng trong việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương
chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước để cán bộ, đảng viên và nhân dân
hiểu đúng về nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở nói chung và xây dựng
chính quyền cơ sở vững mạnh nói riêng; sự quan tâm, ưu đãi của Đảng và Nhà nước
đối với đồng bào các dân tộc trên địa bàn thuộc tuyến biên giới Việt – Lào, từ
đó tạo cho người dân xác định được ý thức, trách nhiệm tham gia xây dựng và
củng cố chính quyền cơ sở vững mạnh; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và cơ
chế hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư ở thôn, bản tạo điều kiện để nhân
dân các dân tộc trong vùng thực hiện quyền làm chủ của mình, tin tưởng, tự giác
thực hiện đường lối, chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước,
hăng hái thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương, bảo vệ chính quyền, giữ
vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
b) Những hạn chế, tồn tại
Bên cạnh những kết quả đạt được như trên,
công tác xây dựng chính quyền cơ sở ở một số địa phương trong vùng còn có hạn
chế như sau:
- Trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung
ương 5, khóa IX, một số nơi thực hiện chậm hoặc thiếu cụ thể như công tác quy
hoạch tạo nguồn cán bộ, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công
chức chưa phù hợp;
- Chất lượng và hiệu quả hoạt động của chính
quyền cơ sở ở nhiều nơi còn thấp, trình độ quản lý và năng lực điều hành của
chính quyền cơ sở còn hạn chế, yếu kém. Một số ít chính quyền cơ sở chưa thực
sự là chỗ dựa của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng văn hóa,
bảo vệ an ninh, chính trị, an toàn xã hội, có nơi thiếu chủ động ỷ lại vào cấp
trên. Còn một bộ phận cán bộ quan liêu, xa dân, mất tín nhiệm làm giảm lòng tin
đối với nhân dân.
- Trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ còn
thấp và hạn chế, cán bộ, công chức cấp xã chưa cố gắng học tập để nâng cao
trình độ chuyên môn, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới.
- Nhận thức về vai trò, vị trí của hệ thống
chính trị cơ sở đối với sự phát triển tuyến biên giới Việt – Lào ở một số Bộ, ngành
và địa phương chưa thật đầy đủ. Do đó chưa thật sự quan tâm đầu tư và tập trung
lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng Hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh toàn diện.
Nhìn chung: các địa phương thuộc tuyến biên giới
Việt – Lào là khu vực nghèo, cơ sở vật chất lạc hậu, trình độ dân trí thấp,
khoảng cách giàu nghèo so với các khu vực khác ngày một xa, chất lượng cán bộ
chính quyền cơ sở thấp chưa đáp ứng được với yêu cầu quản lý hiện nay. Đây là
những khó khăn rất lớn trong công tác xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch,
vững mạnh đối với các địa phương trong vùng. Vấn đề đặt ra đối với các ngành,
các cấp và chính quyền địa phương các tỉnh trong vùng là tập trung xây dựng
chính quyền cơ sở ngày một mạnh hơn về chất và lượng. Phấn đấu giữ vững an
ninh, chính trị, an toàn xã hội, phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, phát
triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào
các dân tộc trong vùng.
III. PHƯƠNG HƯỚNG,
NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
Với thực trạng về đặc điểm kinh tế - xã hội, điều
kiện địa lý, khí hậu và đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã thuộc tuyến biên giới
Việt – Lào như trên; kết hợp với những kinh nghiệm được rút ra từ việc thực
hiện Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg đối với các xã biên giới Việt – Trung. Để áp
dụng có hiệu quả trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ
thống chính trị cơ sở, xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh đối với tuyến biên
giới Việt – Lào; trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao; Bộ Nội vụ có một số
kiến nghị; đề xuất như sau:
1. Nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế -
xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đối với tuyến biên
giới là nhiệm vụ trọng tâm đã được Đảng và Nhà nước quan tâm. Do vậy, đối với
các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương thuộc tuyến biên giới Việt – Lào,
cần phải xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thành công Quyết định số 160/2007/QĐ-TTg
ngày 17 tháng 10 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát
triển kinh tế - xã hội các xã tuyến biên giới Việt – Lào và Việt Nam –
Campuchia đến năm 2010” nhằm đưa cả vùng thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, vận
động và đưa nhân dân định cư ổn định theo kế hoạch tại vùng biên giới để sinh
sống.
2. Về công tác xây dựng chính quyền cơ sở:
Tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, công chức cấp xã và tạo nguồn cán bộ theo hướng xác lập nguồn tại
chỗ theo tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16 tháng 01
năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Từ đó tập trung nguồn lực để đầu tư có trọng điểm
không nên đào tạo dàn trải mà nên chú trọng ưu tiên đào tạo bồi dưỡng cho một
số chức danh cán bộ chủ chốt và công chức cấp xã với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán
bộ cơ sở thạo việc, chuyên nghiệp để có thể giải quyết được những vấn đề vướng
mắc ngay tại cơ sở bằng chính sức lực của họ, không ỷ lại vào cấp trên. Tăng
cường công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho nhân dân, chính quyền cơ
sở phải công khai dân chủ những điều dân biết, dân bàn, dân kiểm tra theo quy
định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở và văn bản hướng dẫn kèm theo. Tạo
điều kiện cho nhân dân trong việc xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, xây dựng tủ
sách pháp luật, tăng cường đoàn kết cộng đồng nơi cư trú.
3. Về chế độ, chính sách đối với cán bộ ở cơ
sở:
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, trong
thời gian tới Bộ Nội vụ sẽ chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp
tục nghiên cứu để xây dựng Đề án tổng thể về chế độ, chính sách đối với cán bộ
cơ sở và xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003
của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị
trấn trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo để thực hiện theo tinh thần
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Khóa X sắp tới.
Trên đây là báo cáo của Bộ Nội vụ về kết quả
thực hiện công tác hướng dẫn, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng chính
quyền cơ sở vững mạnh đối với tuyến biên giới Việt – Lào từ năm 2005 đến nay,
theo tinh thần Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng
Chính phủ. Bộ Nội vụ xin báo cáo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, để kịp thời tổng hợp báo
cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đúng thời gian quy định./.
Nơi nhận:
-
Ban Chỉ đạo Tây Bắc;
- Văn phòng Chính phủ (để tổng hợp);
- Lưu VT, Vụ CQĐP.
|
BỘ TRƯỞNG
Trần Văn Tuấn
|