Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 3580/BC-BNN-VP Loại văn bản: Báo cáo
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Người ký: Hoàng Văn Thắng
Ngày ban hành: 04/10/2013 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3580/BC-BNN-VP

Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2013

 

BÁO CÁO

CÔNG TÁC THÁNG 9 NĂM 2013 VÀ NHIỆM VỤ CÔNG TÁC THÁNG 10 NĂM 20131

Phần thứ nhất.

KẾT QUẢ CÔNG TÁC THÁNG 9

I. KẾT QUẢ ĐIỀU HÀNH SẢN XUẤT VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Tháng 9/2013, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục gặp một số khó khăn về thiên tai và thị trường, đặc biệt là tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao gây nhiều khó khăn cho ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, toàn ngành tập trung triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững để bảo đảm duy trì sự phát triển và hoàn thành kế hoạch ngành năm 2013.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê: Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ước đạt 2,39% (năm 2012 là 2,48%). Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá cố định 2010) ước đạt 535.667,47 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng thấp thứ 2 trong 10 năm qua (chỉ cao hơn mức tăng 2,6% năm 2009), trong đó: nông nghiệp đạt 387.164,07 tỷ đồng (tăng 2,34%), lâm nghiệp đạt 17.153 tỷ đồng (tăng 5,6%); thủy sản đạt 131.350,4 tỷ đồng (tăng 3,43%).

Kết quả sản xuất tháng 9/2013 trong các lĩnh vực cụ thể như sau:

1. Sản xuất nông nghiệp

1.1. Trồng trọt

a) Tình hình sản xuất

Trong tháng các địa phương miền Bắc bắt đầu thu hoạch trà lúa mùa sớm, tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa và các cây rau, màu vụ mùa/hè thu; các địa phương miền Nam tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa hè thu, tiếp tục gieo cấy lúa thu đông/mùa và gieo trồng cây rau, màu, cây công nghiệp ngắn ngày vụ hè thu/mùa.

- Lúa mùa: Đến 15/9, cả nước đã gieo cấy đạt 1.688,2 ngàn ha, tương đương cùng kì năm trước, trong đó miền Bắc đạt 1.184,4 ngàn ha (ĐBSH đạt 573,4 ngàn ha), bằng cùng kỳ năm trước; miền Nam mới xuống giống 503,8 ngàn ha lúa mùa, tăng gần 1,7% cùng kỳ năm trước (ĐBSCL đạt 179,1 ngàn ha, tăng 7,6%).

- Lúa hè thu/thu đông: Tính đến trung tuần tháng 9, các tỉnh miền Nam đã thu hoạch được 1.819,7 ngàn ha lúa hè thu, chiếm 92% diện tích xuống giống và bằng 94,2% so với cùng kỳ năm trước (ĐBSCL thu hoạch 1.564,4 ngàn ha, tương ứng bằng 91,4% và 96,5%). Tốc độ xuống giống lúa thu đông ở vùng ĐBSCL tăng khá, đạt gần 665 ngàn ha, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Dự kiến sản xuất lúa cả năm: diện tích ước đạt 7,89 triệu ha, tăng gần 130 ngàn ha, tương đương 1,7% so với năm 2012; năng suất ước đạt 55,9 tạ/ha, giảm 0,4 tạ/ha (bằng 99,3% so với năm trước); sản lượng lúa cả năm có thể đạt triệu tấn, tăng gần 407 nghìn tấn. Tuy nhiên, do chi phí sản xuất lúa hè thu, thu đông năm nay tăng khá nhiều, trong khi giá lúa không bằng vụ trước, nên lợi nhuận từ sản xuất lúa tăng không nhiều.

- Cây hàng năm khác: tính đến ngày 15/9, tổng diện tích gieo trồng các cây màu lương thực trong cả nước đạt 1.645,4 ngàn ha, bằng 99,2% so với cùng kì năm trước; trong đó ngô đạt 1.046 ngàn ha, tăng 4,7%; khoai lang đạt 114 ngàn ha, bằng 85,6%; sắn đạt gần 479 ngàn ha, bằng 95,8% so với cùng kì năm trước.

Tổng diện tích cây công nghiệp ngắn ngày tính đến trung tuần tháng 9 đạt 565,5 ngàn ha, bằng 97,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lạc đạt 203,5 ngàn ha, bằng 98,7%; đậu tương đạt gần 116 ngàn ha, bằng 94,6%; mía đạt gần 174,3 ngàn ha, tăng 2,8%; thuốc lá đạt 26,8 ngàn ha, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích rau đậu các loại tăng khá, đạt tổng diện tích gần 849,4 ngàn ha, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

- Cây lâu năm:

+ Nhóm cây công nghiệp: Ước tính sản lượng chè cả năm đạt 931 nghìn tấn, tăng 2,3%; cà phê ước đạt 1331,4 nghìn tấn, tăng 5,6%; cao su ước đạt 936,9 nghìn tấn, tăng 6,8%; hồ tiêu ước đạt 123,5 nghìn tấn, tăng 6,5%; dừa ước đạt 1.276,6 nghìn tấn, tăng 0,3%; riêng điều ước đạt 281,7 nghìn tấn, giảm gần 10% so với năm trước do đầu vụ gặp mưa, cây khó đơm hoa kết trái, sâu bệnh nhiều.

+ Nhóm cây ăn quả: Sản lượng cam cả nước ước đạt 538,3 nghìn tấn, bằng 103,1% năm trước; quýt 183,5 nghìn tấn, bằng 100,8%; xoài 798,1 nghìn tấn, bằng 100,2%; nho 17,8 nghìn tấn, tăng 9,2%; diện tích một số cây vải, chôm chôm, bòng, bưởi có chiều hướng giảm: vải, chôm chôm 637,3 nghìn tấn, bằng 98,3%; bòng bưởi 436,4 nghìn tấn, bằng 99,3%.

b) Tình hình sâu bệnh

Sâu cuốn lá nhỏ gây hại gần 320 ngàn ha, bị nhiễm nặng hơn 145 ngàn ha (tập trung tại các tỉnh Bắc bộ); rầy các loại gây hại 171,3 ngàn ha, nhiễm nặng 19,7 ngàn ha (tập trung tại phía Bắc và ĐBSCL); bệnh khô vằn gây hại trên 280 ngàn ha, nhiễm nặng hơn 30 ngàn ha; sâu đục thân gây hại gần 58 ngàn ha, hơn 6 ngàn ha bị nặng (tại các tỉnh Bắc bộ); diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá hơn 61 ngàn ha, đạo ôn cổ bông gần 23 ngàn ha (phân bố đều trên cả nước); diện tích lúa bị hại do ổc bươu vàng hơn 62,3 ngàn ha. Ngoài ra, còn có các bệnh đen lép hạt, bạc lá, đốm sọc cũng xuất hiện gây hại trên qui mô vài chục ngàn ha, chủ yếu trên lúa tại địa bàn các tỉnh miền Trung do điều kiện thời tiết ở đây không thuận lợi.

1.2. Chăn nuôi

a) Tình hình sản xuất

9 tháng qua, chăn nuôi cả nước gặp nhiều khó khăn, nhất là giai đoạn 6 tháng đầu năm do giá bán sản phẩm chăn nuôi ở mức thấp, sức mua giảm, trong khi giá thức ăn và các chi phí khác cho chăn nuôi vẫn ở mức cao khiến người chăn nuôi thua lỗ và bỏ chuồng nhiều. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê: tổng số trâu, bò của cả nước 9 tháng giảm khoảng 2-3%; tổng số lợn giảm khoảng 0,5%; tổng số gia cầm giảm khoảng 1,5 - 2% so với cùng kỳ năm 2012.

Sản lượng thịt hơi các loại 9 tháng xấp xỉ bằng cùng kỳ năm 2012, riêng sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tăng khoảng 2,3%. Từ tháng 7 đến nay, giá thịt lợn, gà hơi đã tăng trở lại nên chăn nuôi lợn, gà có dấu hiệu hồi phục.

* Giá một số nguyên liệu TĂCN: so với tháng 8, cám gạo 7.140 đồng/kg, giảm 5,6%; bột cá 27.300 đ/kg, giảm 3,7%. Giá một số nguyên liệu tăng nhẹ: sắn lát 6.510 đồng/kg, tăng 6,9%; ngô 6.720 đồng/kg, tăng 1,6%. Giá một số nguyên liệu như khô dầu đậu tương (13.650 đồng/kg), Lysine (42.000 đồng/kg), Methionine (85.050 đồng/kg) không đổi. Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm giảm nhẹ: thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh gà Broiler 11.560,5 đồng/kg (giảm 1,1%), thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh lợn thịt giai đoạn từ 60kg đến xuất chuồng 10.416đ/kg (giảm 1,1%).

b) Tình hình dịch bệnh: Theo báo cáo của Cục Thú y, tính đến ngày 22/9/2013 cả nước không còn địa phương nào có dịch cúm gia cầm và dịch tai xanh. Riêng dịch lở mồm long móng có xảy ra tại Quảng Nam chưa qua 21 ngày.

2. Lâm nghiệp

2.1. Công tác phát triển rừng:

Trong tháng 9/2013, Bộ tập trung cao độ đôn đốc, chỉ đạo các tỉnh thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2013 theo kế hoạch, đặc biệt là các tỉnh có kế hoạch trồng rừng với diện tích lớn.

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến ngày 23/9/2013, cả nước đã chuẩn bị được gần 509 triệu cây giống các loại, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2012; triển khai trồng 152 nghìn ha rừng tập trung, tăng 24,9% so với cùng kỳ (rừng đặc dụng, phòng hộ đạt 13,5 nghìn ha, tăng 20,4%; rừng sản xuất trồng được 138,5 nghìn ha rừng, tăng 25,3% so với cùng kỳ); trồng cây phân tán đạt 167,6 triệu cây, tăng 2,1%; chăm sóc rừng đạt 330,2 nghìn ha, giảm 15,5%; khoanh nuôi tái sinh đạt 658 nghìn ha, giảm 5,7%; khoán bảo vệ rừng 3,64 triệu ha; sản lượng gỗ khai thác đạt 3,65 triệu m3.

2.2. Công tác bảo vệ rừng:

Theo báo cáo của các địa phương, trong tháng 9 trên toàn quốc xảy ra 965 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (giảm 1.262 vụ, - 57%), trong đó 48 vụ phá rừng; 98 vụ khai thác rừng trái phép; 01 vụ vi phạm quy định về sử dụng đất lâm nghiệp; 35 vụ vi phạm về quản lý bảo vệ động vật hoang dã; 503 vụ vận chuyển, buôn bán trái pháp luật gỗ và lâm sản; 62 vụ vi phạm về chế biến gỗ và lâm sản; 218 vụ vi phạm khác. Tổng số vụ vi phạm đã được xử lý là 955 vụ, trong đó xử phạt hành chính 941 vụ; xử lý hình sự 14 vụ. Tịch thu 709,2 m3 gỗ các loại, bao gồm 328,4 m3 gỗ tròn và 380,8 m3 gỗ xẻ. Thu nộp ngân sách hơn 11 tỷ đồng.

Tổng diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng là 20,6 ha. Lũy kế 9 tháng, diện tích rừng bị thiệt hại là 1.552,5 trong đó do cháy rừng là 884,9 ha (giảm 410,7 ha); do phá rừng là 667,5 ha (giảm 273,2 ha).

3. Thủy sản

Ước sản lượng thủy sản tháng 9 đạt 584 nghìn tấn; lũy kế 9 tháng đạt gần 4.498 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ 2012.

3.1. Khai thác thủy sản:

Hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản tại một số tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ không thuận lợi do chi phí đánh bắt tăng cao, nhiều tầu vẫn nằm bờ dẫn đến đời sống của ngư dân khai thác và sơ chế thủy sản gặp không ít khó khăn.

Sản lượng thủy sản khai thác tháng 9 ước đạt 300 ngàn tấn, lũy kế 9 tháng ước đạt 2.139 ngàn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó khai thác biển đạt 2.001 ngàn tấn, tăng 3,3%, khai thác nội địa ước đạt 138 ngàn tấn, tăng 2,2% so với năm 2012.

3.2. Nuôi trồng thủy sản: Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 9 ước đạt 284 ngàn tấn, tăng 15,4% so với cùng kì năm ngoái, đưa tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 9 tháng đầu năm ước đạt 2.359 ngàn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ.

+ Cá tra: Sản lượng 9 tháng đầu năm ước đạt 723 ngàn tấn, tương ứng với diện tích nuôi thả khoảng 5.600 ha. Giá cá tra nguyên liệu trong tháng 9 vẫn tiếp tục xu hướng tăng.

+ Tôm: sản xuất tôm nước lợ đang rất thuận lợi khi phần lớn diện tích thu hoạch không chỉ đạt năng suất cao mà giá bán cũng luôn ở mức cao. Diện tích nuôi lũy kế đến nay đạt 627.073 ha (bằng 97,8% so với cùng kỳ 2012) trong đó diện tích nuôi tôm sú là 581.070 ha, tôm chân trắng là 46.003 ha. Sản lượng thu hoạch tôm là 249.697 tấn (bằng 111,6%), trong đó sản lượng tôm sú là 148.764 tấn, tôm chân trắng là 100.933 tấn.

3.3. Dịch bệnh: Trong tháng 9, bệnh đốm trắng xuất hiện ở 8 tỉnh2, giảm 1 tỉnh so với tháng trước nhưng tổng diện tích bị bệnh là 60,2 ha giảm đáng kể (1.494 ha). Bệnh hoại tử gan tụy cấp xuất hiện ở 7 tỉnh3, diện tích bị bệnh khoảng 56,5 ha (tháng 8 là 715,5 ha). Ngoài ra tôm còn xuất hiện một số bệnh như hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV) ở Sóc Trăng, bệnh gan do vi rút (HPV) ở Long An.

4. Sản xuất muối

Diện tích sản xuất muối cả nước ước đạt 14.189 ha (muối công nghiệp ước đạt 3.394 ha). Sản lượng đạt khoảng 952.224 tấn, tăng 28,8% so với cùng kỳ 2012, (muối công nghiệp đạt 246.940 tấn, tăng 12,8%). Lượng muối tồn trong diêm dân và một số doanh nghiệp sản xuất khoảng 136.643 tấn (tăng 38% so với cùng kỳ 2012).

5. Xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản:

5.1. Xuất khẩu:

Xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 9 ước đạt 2,39 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 9 tháng đầu năm 2013 lên 20,45 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2012. Tính từ tháng 4, đây là tháng đầu tiên kim ngạch xuất khẩu toàn ngành phục hồi (tháng 8 kim ngạch đạt 18 tỷ USD, giảm 1,1%).

Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản vẫn tiếp tục xu hướng giảm, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 9,93 tỷ USD, giảm 12% (gạo, cà phê và cao su giảm cả lượng và giá trị (mặc dù giá XK của cà phê có tăng 1,2% và cao su tăng 17,7% nhưng không bù được mức giảm do lượng), ngược lại điều và tiêu mặc dù giá XK vẫn tiếp tục giảm nhưng nhờ lượng xuất khẩu tăng cao nên giá trị XK của 02 mặt hàng này vẫn tăng lần lượt là 9,3% và 16,5%).

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 9 ước đạt 4,61 tỷ USD, tăng 3% so và các mặt hàng đồ gỗ và lâm sản chính ước đạt 3,97 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2012. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 6,9 tỷ USD, giảm 14,1% so với cùng kỳ.

Kết quả cụ thể xuất khẩu một số mặt hàng chính như sau:

Gạo: Khối lượng xuất khẩu tháng 9 ước đạt 471 nghìn tấn, với giá trị 214 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng ước đạt 5,35 triệu tấn, và 2,35 tỷ USD, giảm 14,3% về khối lượng và giảm 16,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Giá xuất khẩu tiếp tục giảm, giá trung bình 8 tháng đạt 438,55 USD/tấn, giảm 14,36 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2012.

Cà phê: Khối lượng XK tháng 9 ước đạt 61 nghìn tấn, với giá trị đạt 130 triệu USD đưa tổng lượng XK 9 tháng ước đạt 1,03 triệu tấn và 2,21 tỷ USD, giảm 23,9% về khối lượng và giảm 22,8% về giá trị so cùng kỳ năm 2012. Giá XK 8 tháng đạt 2.145,68 USD/tấn, tăng khoảng 1,19% so với cùng kỳ năm 2012.

Cao su: Ước tính khối lượng XK tháng 9 đạt 100 nghìn tấn với giá trị 223 triệu USD, với ước tính này 9 tháng XK đạt 710 nghìn tấn với giá trị đạt trên 1,68 tỷ USD, giảm 1,2% về khối lượng và giảm 17,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Giá XK bình quân đạt 2.393,46 USD/tấn, tăng 17,68%.

Chè: Xuất khẩu tháng 9 ước đạt 13 nghìn tấn với giá trị đạt gần 21 triệu USD, đưa tổng lượng xuất khẩu 9 tháng ước đạt 101 nghìn tấn với giá trị đạt 161 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2012 đã giảm 4,2% về khối lượng, tuy nhiên lại tăng 0,5% về giá trị do giá xuất khẩu tăng. Giá XK trung bình đạt 1.582,21 USD/tấn, tăng 4,85% so với cùng kỳ 2012.

Hạt điều: xuất khẩu tháng 9 ước đạt 21 nghìn tấn với giá trị 134 triệu USD, đưa tổng lượng xuất khẩu 9 tháng đạt mức 188 nghìn tấn với giá trị 1,19 tỷ USD, tăng 16,5% về lượng và tăng 9,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Giá xuất khẩu trung bình đạt 6.355,13 USD/tấn, giảm 453,71 USD/tấn (khoảng 6,67%).

Tiêu: Khối lượng xuất khẩu tháng 9 ước đạt 11 nghìn tấn, với giá trị đạt 72 triệu USD, lũy kế 9 tháng lượng xuất khẩu đạt 112 nghìn tấn với giá trị 743 triệu USD, tăng 20,2% về lượng và 16,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Giá XK bình quân đạt 6.599,36 USD/tấn, giảm 247,63 USD/tấn (khoảng 3,62%) so với cùng kỳ năm 2012

Gỗ và sản phẩm gỗ: Ước giá trị xuất khẩu trong tháng 9 đạt 389 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 9 tháng đạt trên 3,77 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2012.

Thủy sản: Kim ngạch xuất khẩu tháng 9 ước đạt 558 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 9 tháng đạt 4,61 tỷ USD, tăng 3,0% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sắn và các sản phẩm từ sắn: Khối lượng xuất khẩu tháng 9 ước đạt 157 nghìn tấn, với giá trị đạt 64 triệu USD, lũy kế 9 tháng lượng XK đạt 2,47 triệu tấn với giá trị 821 triệu USD, giảm 28,3% về lượng và giảm 22,6% về giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2012.

5.2. Nhập khẩu:

Giá trị nhập khẩu 9 tháng ước đạt 13,59 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, nhập khẩu một số mặt hàng chính đạt khoảng 10,55 tỷ USD, tăng 10,4%, cụ thể như sau:

Phân bón: Ước tính khối lượng phân bón nhập khẩu các loại trong tháng 9 đạt 478 nghìn tấn với giá trị 153 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu phân bón 9 tháng đạt 3,39 triệu tấn và 1,28 tỷ USD, tăng 21,7% về lượng và 6,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012.

Thuốc trừ sâu và nguyên liệu: Ước giá trị NK tháng 9 đạt 40 triệu USD, đưa kim ngạch 9 tháng đạt 538 triệu USD, tăng 9,7% so cùng kỳ năm 2012.

Gỗ và sản phẩm gỗ: Uớc giá trị nhập khẩu tháng 9 đạt 139 triệu USD, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ 9 tháng đạt 1,05 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2012.

Lúa mì: Ước tính lượng NK tháng 9 đạt 93 nghìn tấn với giá trị khoảng 31 triệu USD, đưa khối lượng NK 9 tháng đạt 1,13 triệu tấn, với giá trị đạt 402 triệu USD, so cùng kỳ năm 2012 giảm 44,9% về khối lượng và 36,7% về giá trị.

Thức ăn gia súc và nguyên liệu: Giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 9 ước tính đạt 348 triệu USD, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này 9 tháng đạt 2,42 tỷ USD, tăng 39,2% so cùng kỳ năm trước.

Cao su: Ước khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 9 đạt 25 nghìn tấn với giá trị đạt 50 triệu USD, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2013 đạt 228 nghìn tấn với giá trị 503 triệu USD.

Thủy sản: Ước giá trị NK tháng 9 đạt 59 triệu USD, đưa tổng kim ngạch NK 9 tháng đạt 477 triệu USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2012.

6. Thực hiện vốn đầu tư XDCB

6.1. Vốn ngân sách tập trung do Bộ quản lý:

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Bộ nguồn ngân sách tập trung được giao trong năm là 5.186 tỷ đồng, thu hồi phần ứng trước là 857,6 tỷ đồng còn 4.329,3 tỷ (2.316,3 tỷ đồng vốn trong nước và 2.013 tỷ đồng vốn nước ngoài).

Khối lượng thực hiện 09 tháng ước đạt 5.181,7 tỷ đồng (bao gồm cả khối lượng thu hồi ứng trước), trong đó: vốn ngoài nước đạt 2.688 tỷ đồng (bằng 133,5% kế hoạch giao của Thủ tướng Chính phủ và bằng 66,1% kế hoạch Bộ giao); vốn trong nước đạt gần 2.493,8 tỷ đồng, bằng 78,6% kế hoạch.

- Vốn thực hiện dự án đạt 4.838,9 tỷ đồng bằng 105,1% kế hoạch năm, gồm:

+ Khối Thủy lợi: Ước đạt 3.120 tỷ đồng, bằng 97,9% kế hoạch;

+ Khối Nông nghiệp: Ước đạt 1.040 tỷ đồng, bằng 168.7% kế hoạch;

+ Khối Lâm nghiệp: Ước đạt 342 tỷ đồng, bằng 131,2% kế hoạch;

+ Khối Thủy sản: Ước đạt 71,9 tỷ đồng, bằng 37,8% kế hoạch;

+ Khối Giáo dục - Đào tạo: Ước đạt 100 tỷ đồng, bằng 73,5% KH;

+ Các ngành khác: Ước đạt 110 tỷ đồng, bằng 92,05% kế hoạch năm;

- Vốn thực hiện các chương trình mục tiêu: Ước đạt 248 tỷ đồng, 50,7% KH;

- Vốn chuẩn bị đầu tư: Ước đạt 15 tỷ đồng, bằng gần 194,8% kế hoạch năm;

6.2. Vốn trái phiếu Chính phủ:

Kế hoạch vốn được giao là 6.346 tỷ đồng, 9 tháng thực hiện ước đạt 4.800 tỷ đồng, tương đương 75,6% so với kế hoạch.

7. Phát triển nông thôn:

Tiếp tục các hoạt động phục vụ Tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đánh giá tác động của các cơ chế chính sách đã ban hành từ khi có Nghị quyết TW 7 khóa X; tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM khu vực miền núi phía Bắc; xây dựng kế hoạch triển khai, hỗ trợ mô hình phát triển ngành nghề, làng nghề trong xây dựng nông thôn mới. Phối hợp với UBKT Quốc hội tổ chức hội thảo “Mô hình tổ chức sản xuất, quản lý mới trong nông nghiệp, nông thôn”;

Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quyết định về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất liên kết gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; hướng dẫn các tỉnh Lào Cai, Bắc Giang, Quảng Nam triển khai xây dựng mô hình liên kết sản xuất kinh doanh có hiệu quả; chuẩn bị tổ chức hội thảo phổ biến Luật Hợp tác xã tại Cần Thơ và Khánh Hòa; hội thảo xin ý kiến về xây dựng chính sách trang trại tại Đắc Nông;

Trình Thủ tướng Chính phủ giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án thủy lợi, thủy điện có di dân, tái định cư trên địa bàn toàn quốc; phối hợp với địa phương kiểm tra tình hình thực hiện di dân, tái định cư một số công trình thủy điện trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi để trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung chính sách áp dụng bồi thường, hỗ trợ tái định cư của các công trình thủy lợi, thủy điện.

Hoàn thành báo cáo kết quả thẩm định điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Huội Quảng và Dự án thủy điện Bản Chát, tỉnh Lai Châu; Lũy kế đến ngày 20/8/2013, Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La đã giải ngân 16.638,88/19.118 tỷ đồng, đạt 87,03% kế hoạch giao; Dự án di dân, tái định cư thủy điện Lai Châu giải ngân đạt 202,03 tỷ đồng.

8. Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp:

- Triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp đổi mới các doanh nghiệp thuộc khối Viện, Trường; tiếp tục chỉ đạo các Tổng công ty thuộc Bộ xử lý các tồn tại tài chính, đất đai để thực hiện CPH theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Tổ chức triển khai Nghị quyết của Ban cán sự Bộ về nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ sở hữu đối với Doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại các Công ty cổ phần; tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình tài chính năm 2012 của các Doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ; báo cáo kiểm tra, giám sát việc đào tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2013; xây dựng kế hoạch đào tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2014.

II. VỀ CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC TRỌNG TÂM

1. Về xây dựng văn bản QPPL, chương trình, dự án, đề án

Theo kế hoạch trong tháng 9/2013, Bộ xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 10 đề án, văn bản QPPL và xây dựng, ban hành 34 Thông tư. Hiện nay Bộ đã ban hành một số Thông tư, các văn bản còn lại Bộ đang tập trung tổ chức xây dựng, hoàn thiện theo đúng kế hoạch.

2. Về công tác quy hoạch, kế hoạch:

Trong tháng Bộ tập trung triển khai một số nhiệm vụ sau:

- Triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Chuẩn bị báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tình hình thực hiện nhiệm vụ điều tra cơ bản năm 2013 và xây dựng kế hoạch năm 2014 (văn bản số 4154/BNN-KH ngày 9/9/2013).

- Báo cáo danh mục và thứ tự ưu tiên đối với các dự án kết cấu hạ tầng quốc gia trọng điểm giai đoạn 2011-2020 (văn bản số 2901/BNN-KH ngày 26/8/2013).

- Dự thảo quyết định cho phép lập dự án Qui hoạch cấp nước sinh hoạt nông thôn toàn quốc trong điều kiện biến đổi khí hậu (Quyết định số 1942/QĐ-BNN-KH ngày 22/8/2013).

- Tham gia ý kiến với các Bộ, ngành, địa phương về Chiến lược, Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, Quy hoạch nông nghiệp; Quy hoạch xây dựng; Qui hoạch sử dụng đất...

3. Về khoa học công nghệ, khuyến nông

- Tổ chức Hội nghị Giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật phục vụ phát triển các sản phẩm chủ lực tại vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ và vùng Nam bộ với sự tham gia của hơn 250 đại biểu đến từ các Bộ, ngành liên quan; đơn vị trong bộ; các tổ chức KHCN của Bộ; các trường đại học; sở KHCN, sở NN&PTNT và Trung tâm Khuyến nông của các tỉnh trong mỗi vùng. Tại các Hội nghị này nhiều tiến bộ kỹ thuật về lúa, ngô, gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng rừng... phù hợp cho từng vùng đã được giới thiệu để các cơ sở sản xuất có thể áp dụng để phát triển các sản phẩm chủ lực của vùng.

- Tổ chức Hội thảo triển khai Nghị định 115/2005/NĐ-CP và hướng dẫn thực hiện Quyết định 846/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính, Bộ KH&CN, các tổ chức KHCN trực thuộc Bộ.

- Trình Bộ ban hành Định mức tạm thời trồng cây ngập mặn chắn sóng áp dụng cho các dự án duy tu, sửa chữa và nâng cấp đê biển (Quyết định số 1937/QĐ-BNN-KHCN ngày 21 tháng 8 năm 2013 của Bộ NN&PTNT).

- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch thay thế Thông tư số 22/2011/TT-BTNMT ngày 01/7/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và ban hành danh mục các loài ngoại lai xâm hại;

- Xây dựng Kế hoạch hành động ngành nông nghiệp thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

4. Công tác Tổ chức cán bộ và cải cách hành chính

- Hoàn thành Danh mục thủ tục hành chính thực hiện thí điểm cơ chế hải quan một cửa quốc gia của Bộ trình Bộ trưởng; hoàn thiện Kế hoạch và lộ trình triển khai thí điểm hải quan một cửa quốc gia; Xây dựng, tổng hợp kế hoạch kinh phí thí điểm Hải quan một cửa; thực hiện khảo sát công nghệ thông tin tại các đơn vị triển khai thí điểm.

- Về tổ chức bộ máy:

+ Đã ban hành 11 văn bản về: Quyết định thành lập Ban điều hành Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn; Quyết định công nhận Ban vận động thành lập Hiệp hội trồng rừng và Bảo tồn sinh thái tại Việt Nam; Quyết định điều chỉnh, bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo Dự án: “Tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu cho cơ sở hạ tầng các tỉnh miền núi phía Bắc” giai đoạn 2013-2015...

+ Hoàn chỉnh Dự thảo Thông tư liên Bộ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của UBND cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn; chuẩn bị triển khai đánh giá tác động tại một số địa phương.

+ Hướng dẫn khối đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ về Đề án vị trí việc làm.

- Về công tác phát triển nguồn nhân lực

+ Tiếp tục triển khai thực hiện “Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 29/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ: đang chỉ đạo các Ban chủ nhiệm hoàn thành Sơ đồ phân tích nghề và Phiếu phân tích công việc; xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các địa phương.

+ Hoàn thiện dự thảo Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành Nông nghiệp và PTNT; Quy chế đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị thuộc Bộ.

Phần thứ hai.

NHIỆM VỤ CÔNG TÁC THÁNG 10

Tháng 10/2013, toàn ngành tiếp tục tập trung triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trọng tâm là các nhiệm vụ sau:

1. Về trồng trọt, bảo vệ thực vật

* Miền Bắc: tiếp tục theo dõi, chỉ đạo công tác chăm sóc lúa Mùa. Tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa; chuẩn bị cho vụ Đông, Đông xuân; tổng hợp thiệt hại của các tỉnh Bắc Trung Bộ qua các cơn bão vừa qua để đề xuất hỗ trợ, đồng thời hướng dẫn các địa phương gieo trồng lại cây vụ Đông đã bị thiệt hại.

* Miền Nam: theo dõi, chỉ đạo công tác thu hoạch lúa Thu đông và xuống giống lúa Mùa.

Chuẩn bị các Hội nghị: sơ kết sản xuất lúa Đông Xuân, Hè Thu, Thu Đông, Mùa 2013, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông xuân 2013-2014 và kế hoạch năm 2014 tại 3 miền Bắc, Trung, Nam; 02 Hội nghị về các giải pháp phát triển cây điều và cây ca cao bền vững;

Tiếp tục kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất rau của các tỉnh/thành phố phía Bắc; tỉnh Bạc Liêu và Trà Vinh và tổng hợp số liệu cho báo cáo chương trình kiểm tra VSATTP trên rau một số tỉnh phía Nam năm 2013; kiểm tra, thanh tra chất lượng giống cây trồng, phân bón.

Tiếp tục tăng cường kiểm tra, theo dõi sát tình hình, chủ động dự báo, hướng dẫn phòng trừ kịp thời sâu, bệnh. Cụ thể: rầy nâu, rầy lưng trắng và sâu cuốn lá nhỏ, đục thân trên lúa hè thu - mùa, thu đông mùa và chuẩn bị xuống giống ĐX tại các tỉnh Nam bộ; chuột gây hại cây trồng ở các tỉnh trên toàn quốc và dịch hại trên cây Đông tại các tỉnh phía Bắc.

Tiếp nhận và giám định mẫu lùn sọc đen, vàng lùn và lùn xoắn lá hại lúa; tuyên truyền phổ biến QCVN 01-38: 2010 về phương pháp điều tra phát hiện dịch hại cây trồng; giám sát tình hình dịch hại di cư trên lúa tại điểm hợp tác điều tra giám sát dịch hại di cư tại 03 tỉnh Nam Định, Nghệ An và tỉnh Quảng Nam.

Tiếp tục hoàn thiện: Thông tư hướng dẫn tiêu chí xác định vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng sản xuất trồng trọt tập trung đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Thông tư liên tịch Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; Thông tư Danh mục giống cây trồng, phân bón được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam.

Hoàn thiện Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030 và Đề án sản phẩm quốc gia lúa, nấm; xây dựng Đề án phát triển cà phê bền vững, Đề án phát triển điều...

2. Chăn nuôi, thú y

Chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp và các cơ sở giống có giải pháp tăng cường hoạt động sản xuất đáp ứng nhu cầu giống trong chăn nuôi và kiểm soát giá giống vật nuôi, nhất là giống gia cầm và lợn đang có dấu hiệu khan hiếm.

Tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ con giống cho các tỉnh miền núi phía Bắc và các địa phương trên cả nước, đặc biệt trong thời gian tới nhu cầu con giống tăng cao để phục vụ thực phẩm dịp cuối năm, giảm thiểu tình trạng nhập lậu con giống qua biên giới.

Tiếp tục chỉ đạo triển khai chương trình ViepGAP trong chăn nuôi bò sữa tại một số địa phương trên cả nước. Đồng thời chỉ đạo đôn đốc các địa phương đẩy mạnh công tác triển khai nhiệm vụ quy hoạch giống bò sữa; phối hợp tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển chăn nuôi gia cầm và triển khai công tác quản lý, phát triển sản xuất giống gia cầm trên toàn quốc.

Tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt trong thời tiết giao mùa; công tác kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thức ăn chăn nuôi và sản phẩm chăn nuôi.

Hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách đổi mới chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2014-2020; hoàn thiện Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 66/2011/TT-BNNPTNT quy định một số điều chi tiết của Nghị định số 08/2010/NĐ-CP; hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 08/2010/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi; ban hành Thông tư quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi; phê duyệt công nhận giống gà VCN-Z15 (gà Zolo) vào Danh mục bổ sung giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

3. Lâm nghiệp

Tiếp tục đôn đốc, thúc đẩy thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trên phạm vi cả nước; kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác bảo vệ rừng, PCCCR mà trọng tâm là các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ.

Hoàn thiện văn bản báo cáo Quốc hội việc thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2013; tiếp tục thực hiện Dự án Tổng điều tra, kiểm kê rừng, Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp đã được phê duyệt.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện việc xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát rừng trung hạn 2014-2015 và kế hoạch năm 2014.

Chỉ đạo thực hiện các dự án giống và công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, phục vụ tái cơ cấu ngành; thực hiện Dự án khuyến lâm năm 2013 và triển khai các Dự án về bảo tồn voi.

4. Thủy sản

Tiếp tục tăng cường kiểm tra và giám sát tại các địa phương để kịp thời nắm bắt tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi tại một số tỉnh ĐBSCL; kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và trách nhiệm của cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh khu vực phía Nam. Tổng kết tình hình nuôi trồng thủy sản năm 2013; hướng dẫn vụ nuôi mới năm 2014 tổ chức Hội nghị tổng kết vụ cá Nam năm 2013 và triển khai vụ cá Bắc 2013-2014.

Tiếp tục theo dõi và tổ chức trực 24/24 hoạt động của tàu cá lắp thiết bị kết nối vệ tinh để có kế hoạch chủ động ứng phó; tình hình tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam; ảnh hưởng của giá xăng dầu để tham mưu chính sách phù hợp;

Tiếp tục phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức tuần tra, kiểm soát hoạt động nghề cá tại Vịnh Bắc Bộ; hoàn thành các nội dung để triển khai lập đường dây nóng xử lý các vấn đề nghề cá phát sinh trên biển; tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các phương tiện thông tin đại chúng và ngư dân về số điện thoại, đường dây nóng.

Tổ chức kiểm tra tình hình đăng ký, đăng kiểm tại các tỉnh phía Nam; tập huấn nghiệp vụ đăng ký, đăng kiểm cho cán bộ huyện được phân cấp quản lý; chuẩn bị tổ chức Hội nghị Sơ kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 01/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc hại để khai thác thủy sản.

Hoàn thiện Đề án Quan trắc và cảnh báo môi trường, Đề án dự báo ngư trường khai thác hải sản, Đề án tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi; Dự thảo Thông tư hướng dẫn về tiêu chí & trình tự, thủ tục thiết lập các phân khu chức năng của Khu bảo tồn biển; Nghiên cứu việc thành lập Cơ quan điều hành và Văn phòng Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản Việt Nam;

5. Chế biến, thương mại nông, lâm, thủy sản:

Theo dõi, tổng hợp tình hình tiêu thụ và đánh giá cân đối cung cầu các mặt hàng nông lâm thủy sản và muối, chú trọng các mặt hàng nhạy cảm, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương phát hiện và can thiệp kịp thời diễn biến của thị trường.

Phối hợp với Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp nắm tình hình sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực (lương thực, cà phê, cá tra...), để kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người sản xuất.

Tập trung chỉ đạo thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối.

Triển khai Xuất bản ấn phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; hỗ trợ sản xuất chương trình truyền hình “Nông sản Việt” trên VTC16; Tổ chức đoàn XTTM giải quyết rào cản các thị trường Nga và Ucraina; Úc và NiuZiLan

Tiếp tục hoàn thiện để ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định 63, 65 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo; Nghị định về sản xuất, kinh doanh mía đường, Thông tư thay thế Thông tư số 88/2011/TT-BNNPTNT ngày 28/12/2011 về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 12 về Luật Thương mại, Thông tư liên tịch thực hiện Quyết định số 11/2011/QĐ-TTg ngày 18/2/2011 về chính sách khuyến khích phát triển ngành mây tre,...

Hoàn chỉnh Đề án đẩy mạnh sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau an toàn, Đề án nâng cao GTGT hàng nông lâm thủy sản; cơ chế tạm trữ cà phê; ban hành Quy hoạch hệ thống chế biến cà phê.

6. Quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm

Tiếp tục triển khai các Chương trình giám sát an toàn thực phẩm thủy sản; tổ chức các Đoàn đi kiểm tra việc thực hiện Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm NLTS tại một số tỉnh;

Tiếp tục theo dõi và kịp thời xử lý tháo gỡ vướng mắc của thị trường xuất khẩu; tổ chức thanh tra doanh nghiệp thủy sản Hàn Quốc được phép xuất khẩu sang Việt Nam (13-19/10/2013); làm việc với đoàn thanh tra FDA - Hoa Kỳ về thanh tra các doanh nghiệp chế biến đồ hộp thủy sản, trái cây, rau củ của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ (6-26/10/2013); tổ chức đoàn xúc tiến thương mại và giải quyết các rào cản, mở rộng thị trường tại Liên bang Nga và Ucraina (15-25/10/2013);

Hoàn thiện trình Chính phủ Đề án chuỗi "Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên phạm vi toàn quốc"; đôn đốc, kiểm tra một số địa phương triển khai "Xây dựng mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn”.

Ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư số 55/2011/TT-BNNPTNT về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu; hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra, chứng nhận ATTP đối với dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm và Thông tư quy định về điều kiện đảm bảo ATTP đối với chợ đầu mối nông sản;...

7. Thủy lợi, đê điều, XDCB

Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình an toàn các hồ đập trên phạm vi cả nước; theo dõi sát tình hình thời tiết, nguồn nước kịp thời chỉ đạo điều hành công trình thủy lợi phục vụ sản xuất vụ Đông các tỉnh Miền Bắc; hoàn thiện Đề án Đổi mới nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi;

Đôn đốc thực hiện và giải ngân các dự án, đặc biệt đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, các dự án mới được ứng vốn năm 2014, dự án ODA (dự án Phước Hòa); kiểm tra, thẩm định việc điều chỉnh, bổ sung các dự án, kế hoạch đấu thầu theo đề nghị của chủ đầu tư (các dự án vốn TPCP, vốn NSNN và dự án ODA, WRAP. WB5, JICA2 và ADB5)

Theo dõi và đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch thủy lợi chống ngập úng, quy hoạch thủy lợi nội tỉnh, quy hoạch trạm bơm điện theo định hướng của 03 quy hoạch tổng thể thủy lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu nước biển dâng đã được Thủ tướng phê duyệt.

Đôn đốc các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch tu bổ đê điều thường xuyên; kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều đảm bảo đúng kế hoạch, tiến độ để đưa vào phòng chống lũ, bão; triển khai thực hiện chương trình kiểm tra đê biển năm 2013.

Tiếp tục triển khai xây dựng Luật Thủy lợi; xây dựng Nghị định Hướng dẫn Luật phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai; chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng lộ trình, thực hiện đặt hàng dịch vụ cung ứng sản phẩm công ích trong quản lý khai thác công trình thủy lợi từ năm 2015; rà soát tình hình quản lý và khai thác các công trình đã được xây dựng trong Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ở các tỉnh.

8. Phát triển nông thôn

Tiếp tục hoàn thành chương trình, nội dung chuẩn bị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khảo sát, điều tra, xây dựng kế hoạch triển khai, hỗ trợ mô hình phát triển ngành nghề, làng nghề trong xây dựng NTM; chuẩn bị tổ chức Hội nghị tổng kết thi đua của Bộ về Chung sức thi đua xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện Bộ Tài liệu tập huấn cho cán Bộ xây dựng nông thôn mới cấp xã;

Ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 54 về Hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thông tư liên tịch 26/2011/TTLT-BNN-BKHĐT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 và Quy trình đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chuẩn bị khảo sát sâu mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản giữa nông dân và các đối tác khác và các mô hình trang trại điển hình quy mô lớn; tiếp tục tập huấn hướng dẫn thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 cho các tỉnh.

Kiểm tra thực hiện nhiệm vụ bố trí dân cư tại các địa phương; đôn đốc các địa phương thực hiện kế hoạch bố trí dân cư năm 2013 và xây dựng kế hoạch năm 2014.

Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu tập trung đẩy nhanh tiến độ để sớm bàn giao, đưa vào sử dụng các dự án thành phần đã hoàn thành tại các khu, điểm tái định cư; hoàn thành việc thu hồi đất, giao đất, bù chênh giá trị sử dụng đất và hướng dẫn nhân dân sớm ổn định đời sống, tổ chức lại sản xuất; kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch và việc chấp hành các quy định hiện hành về quản lý dự án đầu tư và các cơ chế, chính sách áp dụng cho Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La và thủy điện Lai Châu; kiểm tra, khảo sát cơ chế chính sách tái định cư các Dự án thủy lợi, thủy điện tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên;

Tổng hợp tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo để báo cáo với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xây dựng Thông tư hướng dẫn về lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất để xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

9. Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp:

Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp đổi mới các doanh nghiệp thuộc khối Viện, Trường; chỉ đạo các Tổng Công ty thuộc Bộ xử lý các tồn tại tài chính, đất đai để thực hiện CPH theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thẩm tra quyết toán tài chính doanh nghiệp, xác định vốn nhà nước lần 2 tại TCty Cơ điện XD và Thủy lợi, TCty Mía đường I, II bàn giao sang công ty cổ phần;

Tổng hợp kết quả giám sát tài chính năm 2012 của Tập đoàn Cao su Việt Nam, các Tổng công ty nhà nước thuộc Bộ; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án thoái vốn Tập đoàn cao su Việt Nam, các Tổng công ty Nhà nước thuộc Bộ; phê duyệt Qui chế hoạt động kiểm soát viên, Điều lệ tổ chức và hoạt động của các Tổng công ty nhà nước thuộc Bộ;

Kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc đào tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2013, xây dựng kế hoạch đào tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2014; chuẩn bị tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp tại Đà Nẵng.

10. Công tác kế hoạch, tài chính

Theo dõi, đôn đốc và tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ và Chỉ thị 09/CT-TTg ngày 24/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 1384/QĐ-BNN-KH ngày 18/6/2013 về chương trình hành động thực Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Giám sát tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư XDCB để kịp thời kiến nghị điều chỉnh, đảm bảo thực hiện hiệu quả vốn đầu tư của Bộ.

Tiếp tục kiểm tra công tác quản lý tài chính năm 2013 tại các cơ quan, đơn vị; tổng hợp nhu cầu và nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định 66/2013/NĐ-CP.

11. Các công tác khác

Ngoài các lĩnh vực trên, tháng 9/2013, Bộ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế: xây dựng các phương án đàm phán chuẩn bị các phiên đàm phán tiếp theo của TPP, Việt Nam - EU và Việt Nam - EFTA và các FTA khác; chuẩn bị triển khai sáng kiến của Thủ tướng trong ASEM về giảm nhẹ thiên tai; Chuẩn bị báo cáo và tham dự Khóa họp Ủy ban liên Chính phủ (UBLCP) Việt Nam - Ucraina, họp UBLCP Việt Nam - Cu Ba lần thứ 31...

- Tiếp tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các hoạt động cải cách hành chính, công tác tổ chức sắp xếp và đào tạo cán bộ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.

 

 

Nơi nhận:
- VP Chính phủ (Vụ KTN, Vụ TH);
- Văn phòng TW Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Các đ/c lãnh đạo Bộ;
- Các Sở NN&PTNT;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ;
- Công đoàn ngành NN&PTNT;
- Đảng ủy cơ quan Bộ;
- Công đoàn cơ quan Bộ;
- VP (TT, TH);
- Lưu: VT, TH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Văn Thắng

 



1 Nội dung đăng trên www.omard.gov.vn

2 Hà Tĩnh, Tp Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang và Cà Mau

3 Phú Yên, Tp Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre và Cà Mau

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Báo cáo 3580/BC-BNN-VP công tác tháng 9 ngày 04/10/2013 và nhiệm vụ công tác tháng 10 ngày 04/10/2013 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.935

DMCA.com Protection Status
IP: 18.118.2.15
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!