BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 3308/BC-BNN-PC
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 09 năm 2013
|
BÁO CÁO
TÌNH
HÌNH TRIỂN KHAI LUẬT PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
Thực hiện Công văn số 6244/BTP-PBGDPL ngày 06 tháng
9 năm 2013 của Bộ Tư pháp về việc thông tin tình hình triển khai Luật Phổ biến,
giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo như
sau:
I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
1. Phổ biến, quán triệt triển
khai Luật PBGDPL
Ngay sau khi Luật PBGDPL được ban hành, Bộ đã tổ chức
phổ biến, quán triệt, tập huấn nội dung của Luật bằng nhiều hình thức như: tổ
chức quán triệt, phổ biến tại các hội nghị; sao gửi văn bản, lồng ghép việc phổ
biến quán triệt Luật tại các lớp tập huấn, các cuộc họp, giao ban; lồng ghép với
việc quán triệt chủ trương, chính sách khác của Đảng và nhà nước tới cán bộ,
công chức, thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị mình. Chẳng hạn, Bộ đã lồng
ghép phổ biến, quán triệt triển khai Luật và các định hướng, kế hoạch PBGDPL của
Bộ trong giai đoạn tới tại Hội nghị trực tuyến ngày 10/4/2013 về tổng kết việc
thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng
bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2009-2012.
2. Công tác ban hành văn bản,
hướng dẫn thực hiện Luật PBGDPL
Thời gian qua Bộ đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo
thực hiện Luật PBGDPL nói chung và công tác PBGDPL nói riêng làm cơ sở để các
đơn vị thuộc Bộ chủ động lập kế hoạch và tổ chức thực hiện.
Bộ đã ban hành các văn bản và tổ chức triển khai thực
hiện Kế hoạch PBGDPL đồng thời có công văn đôn đốc các đơn vị thực hiện và báo
cáo kết quả về Bộ. (Quyết định số 875/QĐ-BNN-PC ngày 23/4/2013 phê duyệt nhiệm
vụ thực hiện Tiểu Đề án 1 Tuyên truyền, phổ biến pháp luật (TTPBPL) về Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cho người dân nông thôn năm 2013;
Chỉ thị số 1497/CT-BNN-PC ngày 06/5/2013 về tăng cường triển khai thực hiện Đề
án TTPBPL cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2013-2016;
Quyết định số 40/QĐ-BĐH-PC ngày 30/5/2013 ban hành kế hoạch thực hiện Đề án
TTPBPL cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2013 đến năm
2016; Công văn số 2565/BNN-PC ngày 04/6/2013 về việc kiểm tra việc thực hiện Đề
án TTPBPL cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số; Công văn số
2566/BNN-PC ngày 04/6/2013 về việc tổ chức thực hiện các hoạt động thực hiện Đề
án TTPBPL cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số; Công văn
2124/BNN-PC ngày 26/6/2013 về việc đề nghị cấp kinh phí thực hiện Tiểu Đề án 1
TTPBPL về NN và PTNT cho người dân nông thôn năm 2013-2016...)
Các đơn vị thuộc ngành NN và PTNT, các địa phương
chủ động phối hợp, xây dựng kế hoạch TTPBPL về NN và PTNT cho người dân nông
thôn và thực hiện kế hoạch khi đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các cơ
quan thuộc Bộ đóng trên địa bàn của các tỉnh cũng dựa vào văn bản này để phối hợp
với địa phương, góp phần vào công tác TTPBPL về NN và PTNT cho người dân nông
thôn, tạo sự phối hợp đồng bộ, thống nhất để cùng thực hiện nhiệm vụ chính được
giao.
3. Bộ phận chuyên trách theo
dõi, tổ chức thực hiện PBGDPL
Bộ đã giao cho Vụ Pháp chế làm đầu mối chịu trách
nhiệm theo dõi, chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện công
tác TTPBPL về NN và PTNT. Bộ tiếp tục duy trì hoạt động của Hội đồng phối hợp
PBGDPL để chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ và công tác PBGDPL nói chung, công tác
TTPBPL về NN và PTNT nói riêng của Bộ.
Hội đồng phối hợp PBGDPL của Bộ gồm đại diện lãnh đạo
các đơn vị thuộc Bộ, hoạt động thường xuyên, định kỳ tổ chức họp và đánh giá
công tác TTPBPL về NN và PTNT của Bộ, sau đó có thông báo cụ thể để gửi các đơn
vị thuộc Bộ và các thành viên trong Hội đồng.
4. Kết quả PBGDPL
- Tổ chức 03 lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nghiệp
vụ phổ biến pháp luật, cung cấp tài liệu và các kiến thức pháp luật có liên
quan cho đội ngũ cán bộ nòng cốt làm công tác TTPBPL về lĩnh vực NN và PTNT tại
Cao Bằng, Sóc Trăng, Gia Lai, mỗi lớp 50 học viên. Trên cơ sở đó, các địa
phương đã tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phổ biến pháp luật cho đội ngũ
báo cáo viên, tuyên truyền viên tại cơ sở.
- Tổ chức 10 hội nghị phổ biến pháp luật về NN và
PTNT cấp huyện, mỗi hội nghị 50 người tại Cao Bằng, Sóc Trăng, Gia Lai, Hòa
Bình, Phú Thọ. Tiến hành kiểm tra việc thực hiện Đề án tại các tỉnh này.
- Tổ chức tuyên truyền, tập huấn pháp luật chuyên
ngành với số lượng tham gia tập huấn hàng trăm người tham gia ở các lĩnh vực
như: thủy lợi, bảo vệ thực vật, thủy sản, chương trình mục tiêu quốc gia về
nông thôn mới, chương trình vệ sinh nước sạch môi trường nông thôn....Cụ thể: tổ
chức 01 lớp phổ biến quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật, tập huấn về
công tác văn thư, lưu trữ cho cán bộ làm công tác văn thư, lưu trữ; Phổ biến Luật
Khiếu nại số 02/2011/QH13, Luật Tố cáo số 03/2011/QH13; Thông tư số
03/2013/TT-BNNPTNT ngày 11/01/2013 về quản lý thuốc BVTV; Thông tư liên tịch số
11/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 01/3/2012 về việc hướng dẫn chế độ quản lý,
sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho đề án phát triển giống cây trồng,
lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020; tổ chức 02 lớp tập
huấn cho các nhà máy đường miền Bắc và miền Trung, Tây nguyên về việc thực hiện
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia “chất lượng mía nguyên liệu”...
- Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và
phát sóng các chương trình, bản tin trên Đài Truyền hình Việt Nam kênh VTV2,
Đài Tiếng nói Việt Nam, VOV1 để phổ biến nội dung pháp luật về NN và PTNT; xây
dựng Chuyên mục riêng biệt TTPBPL về NNPTNT với tên gọi “Pháp luật với nhà
nông”; tuyên truyền trên Tạp chí Nông nghiệp và Bạn của Nhà nông (VTV2) và
trong các Chuyên mục: Nông nghiệp - Nông thôn và Biển đảo Việt Nam trên hệ
VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam, đã TTPBPL cho lượng lớn khán, thính giả, khung giờ
phát sóng phù hợp với nếp sống sinh hoạt của người dân nông thôn.
- Tuyên truyền trên Báo Nông nghiệp Việt Nam các
quy định pháp luật về NN và PTNT, các bài bình luận đánh giá về chính sách pháp
luật, các vấn đề bức xúc liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn.
- Đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin
điện tử: mard.gov.vn của Bộ các văn bản quy phạm pháp luật về NN và PTNT; các
thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp thuộc trách
nhiệm quản lý của Bộ; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ chủ trì xây dựng
để lấy ý kiến theo quy định của pháp luật; các thông tin khác về hoạt động xây
dựng và thực hiện pháp luật, hỏi - đáp pháp luật cần thiết cho người dân.
- Bộ đã phối hợp với Ủy ban dân tộc, Trung ương Hội
Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Tư Pháp, Bộ
Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hội thi tìm
hiểu pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số bằng hình
thức sân khấu hóa cho các đối tượng là cán bộ, tuyên truyền viên từ cơ sở của
các đơn vị ban, ngành thành viên của Đề án 554 và người dân nông thôn, đồng bào
dân tộc thiểu số như Tuyên truyền viên cấp xã, người dân nông thôn, đồng bào
dân tộc thiểu số, Già làng, Trưởng bản, Trưởng thôn, Trưởng ấp, các vị chức sắc
tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc, người sản xuất giỏi;
trong đó, mỗi đội thi có tỷ lệ nữ từ 30% đến 50%.
Hội thi được tổ chức ở cấp khu vực và toàn quốc. Nội
dung thi gồm các nội dung pháp luật liên quan thiết thực đến quyền và nghĩa vụ
của người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số. Hội thi đã tập hợp được
180 thí sinh đến từ 10 tỉnh và thu hút được hàng ngàn lượt người tham gia cổ
vũ. Chương trình công diễn các tiết mục xuất sắc nhất của Hội thi được truyền
hình trực tiếp trên kênh VTV5 và tiếp sóng trực tiếp trên các kênh của Đài truyền
hình VTC, phát lại trên các kênh của Đài Truyền hình Hà Nội và kênh VTV2. Nội
dung và kết quả Hội thi cũng được đăng tải trên các trang thông tin điện tử của
các bộ ngành và địa phương. Chương trình Hội thi cũng được ghi lại thành đĩa và
in sao gửi các địa phương làm tài liệu TTPBPL.
Hội thi có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao nhận
thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu
số; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật rộng khắp đến
toàn bộ người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước, đồng thời
chuyển tải các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của
người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, đến cộng đồng dân cư; góp phần
mở rộng giao lưu học hỏi, tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết cho người dân nông
thôn và đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước. Thông qua Hội thi đã góp phần
thực hiện chính sách xã hội hóa công tác TTPBPL của Nhà nước, đưa pháp luật đi
vào đời sống.
II. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
Để công tác PBGDPL về NN và PTNT cho người dân nông
thôn ngày càng đạt nhiều kết quả, góp phần thực hiện tốt hơn Luật PBGDPL, Bộ NN
và PTNT có một số kiến nghị sau:
1. Quán triệt sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính
quyền về công tác PBGDPL, đáp ứng yêu cầu của công tác này trong thời kỳ xây dựng
nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
2. Cần ban hành quy định làm cơ sở pháp lý cho việc
kiện toàn, phát huy hiệu quả hoạt động của Hội đồng PHPBGDPL của các Bộ, ngành,
địa phương.
3. Cần có chế độ, chính sách phù hợp đối với người
làm công tác TTPBPL cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, vì
các đối tượng này ở vùng sâu, vùng xa, có nhiều khó khăn, trình độ dân trí không
đồng đều.
4. Tăng cường sự phối hợp của các cơ quan trong
công tác PBGDPL, xây dựng Kế hoạch phối hợp thống nhất về những nội dung, hình
thức phối hợp PBGDPL nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng
nội dung và dự toán kinh phí và tổ chức thực hiện.
5. Phân bổ kinh phí thích hợp cho các địa phương đảm
bảo thực hiện tốt công tác này thường xuyên, liên tục.
6. Tổ chức TTPBPL và thực thi pháp luật nghiêm minh
ở các cơ quan Nhà nước góp phần tuyên truyền, PBGDPL, nâng cao ý thức tự giác chấp
hành pháp luật của người dân.
Trên đây là báo cáo của Bộ NN và PTNT về việc thông
tin tình hình triển khai Luật PBGDPL. Đề nghị Bộ Tư pháp tổng hợp./.
Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp (Vụ PBGDPL);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Lưu: VT, PC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Xuân Thu
|