UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 253/BC-UBND
|
Quảng Bình, ngày 25 tháng 11 năm 2016
|
BÁO CÁO
CÔNG TÁC THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP
LUẬT VỀ NHÀ Ở XÃ HỘI, NHÀ Ở CHO NGƯỜI CÓ CÔNG, VÙNG THƯỜNG XUYÊN BỊ THIÊN TAI
NĂM 2016 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
I. CÔNG TÁC
ĐIỀU HÀNH VÀ TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Ban hành các văn bản chỉ
đạo, điều hành
Thực hiện Quyết định số
1126/QĐ-BTP ngày 26/5/2016 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình
thi hành pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên
bị thiên tai, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 1093/KH-UBND ngày
14/7/2016 về Theo dõi tình hình thi hành pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở cho
người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai năm 2016 trên địa bàn tỉnh Quảng
Bình.
2. Tuyên truyền, phổ biến
các quy định của pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường
xuyên bị thiên tai
UBND tỉnh đã ban hành các
văn bản chỉ đạo công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh[1]. Năm 2016, UBND tỉnh, Hội đồng Phối hợp PBGDPL,
các Ban Chỉ đạo về PBGDPL đã ban hành 38 Chương trình, kế hoạch, văn bản để thực
hiện nhiệm vụ PBDGPL; đặc biệt năm 2016, Sở Tư pháp (cơ quan thường trực của Hội
đồng PHPBGCPL) đã tham mưu các hoạt động triển khai Kế hoạch
số 1472/KH-HĐPH ngày 06/9/2016 tổ chức thực hiện “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2016 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Sau ảnh hưởng
của các đợt lũ năm 2016, UBND tỉnh và các cơ quan, tổ chức, đoàn
thể, địa phương đã tuyên truyền, kêu gọi các nhà hảo tâm trong và
ngoài nước quan tâm, hỗ trợ thiệt hại giúp đỡ các gia đình bị sập
nhà, bị lũ cuốn trôi dựng lại nhà cửa để ổn định cuộc sống.
Trong năm 2016, Sở Tư pháp đã tổ chức và phối hợp tổ chức 44 hội nghị, lớp tập huấn nghiệp vụ, bồi
dưỡng kiến thức pháp luật cho hơn 5.295 lượt người, trong đó có 01 lớp tập huấn
nghiệp vụ và theo dõi thi hành pháp luật cho cán bộ pháp chế các sở, ngành với
90 người tham gia, trong đó có việc tuyên truyền, phổ biến Luật Xây
dựng, Luật Nhà ở, Pháp Lệnh ưu đãi người có công với cách mạng,
nhằm nâng cao nhận thức pháp luật vè ý thức chấp hành pháp luật
của cán bộ và nhân dân đối với các quy định của pháp luật về xây
dựng nhà ở, chính sách cho người có công trên địa bàn tỉnh.
II. TÌNH HÌNH
THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ NHÀ Ở XÃ HỘI, NHÀ Ở CHO NGƯỜI CÓ CÔNG, VÙNG
THƯỜNG XUYÊN BỊ THIÊN TAI
1. Tình hình tham mưu ban hành
văn bản quy định chi tiết thi hành, hướng dẫn thi hành
a) Đánh giá việc tham mưu ban hành
văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành
Trong thời gian qua, để triển
khai thực hiện phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, năm 2011, HĐND tỉnh
Khoá XVI, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng
Bình tại Nghị quyết số 15/2011/NQ-HĐND ngày 18/10/2011; UBND tỉnh đã ban hành
Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng bình giai đoạn 2011-2020 tại Quyết định
số 30/2011/QĐ-UBND ngày 20/12/2011 (trong đó bao gồm: phát triển nhà ở xã hội,
nhà ở cho người có công, nhà ở cho vùng thường xuyên bị thiên tai) trên cơ sở
Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ
người có công với cách mạng về nhà ở, Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng
Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh lụt, bão khu
vực miền Trung, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện[2] có hiệu quả công tác nhà ở xã hội, nhà ở cho người có
công, vùng thường xuyên bị thiên tai.
b) Tính thống nhất, đồng bộ của
văn bản
Các văn bản
quy định chi tiết về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng
thường xuyên bị thiên tai do Trung ương và cấp tỉnh ban hành cơ bản thống nhất,
đồng bộ, đáp ứng phần nào nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở cho người
có công, vùng thường xuyên bị thiên tai
c) Tính khả thi của văn bản
Nhìn chung, các văn bản QPPL quy định
chi tiết về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên
bị thiên tai đã ban hành cụ thể,
rõ ràng, có tính khả thi. Tuy nhiên số lượng văn bản
do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương ban hành trong lĩnh vực này
tương đối nhiều nhưng lại chủ yếu quy định chung chung, chưa sát với thực tiễn
từng vùng, từng địa phương do đó khó triển khai thi hành.
d) Đánh giá chung tình hình ban
hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành
Các văn bản quy định chi tiết,
hướng dẫn thi hành trong lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở cho người có
công, vùng thường xuyên bị thiên tai đã được Chính phủ, các Bộ,
ngành, địa phương ban hành kịp thời, thống nhất, đồng bộ đáp ứng yêu cầu quản
lý cũng như phát triển nhà ở, cải thiện điều kiện sống của các đối tượng khó
khăn về nhà ở. Nội dung các văn bản phù hợp với Hiến pháp và các văn bản của
các cơ quan Nhà nước cấp trên đảm bảo tính công khai, minh bạch, tính thống nhất,
đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và có tính khả thi cao.
2. Đánh giá việc tuân thủ và áp
dụng các quy định của pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công,
vùng thường xuyên bị thiên tai
Việc tổ chức triển khai thực hiện
và ban hành văn bản thực hiện luôn chấp hành các quy định của pháp luật. Cụ thể:
- Về phát triển nhà ở xã hội: Để tạo
quỹ đất phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị, UBND tỉnh đã phê duyệt
chi tiết xây dựng 02 Khu nhà ở cho người có thu nhập thấp ở đô thị tại phường Đồng
Phú và phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới; tại các Khu công nghiệp, khu Kinh tế
đều quy hoạch các khu đất xây dựng nhà ở cho công nhân; UBND tỉnh đã phê duyệt
quy hoạch, dự án cụm nhà ở sinh viên tập trung tại thành phố Đồng Hới để đầu tư
xây dựng các khu nhà ở tập trung từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ theo chủ
trương phát triển nhà ở cho sinh viên, học sinh tại Quyết định số
65/2009/QĐ-TTg. Hiện nay, các dự án tạo quỹ đất có diện tích lớn hơn 10ha trên
địa bàn tỉnh đều dành 20% diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định
Luật nhà ở. Trên cơ sở các quy định của Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Quyết định số
67/2009/QĐ-TTg ngày 20/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế,
chính sách phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị;
Thông tư số 36/2010/TT-BXD ngày 01/9/2010 của Bộ Xây dựng Quy định cụ thể và hướng
dẫn việc bán, cho thuê, cho thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở cho người có thu
nhập thấp tại khu vực đô thị, Sở Xây dựng đã tham mưu để UBND tỉnh ban hành Quyết
định số 14/2012/QĐ-UBND quy định việc bán, cho thuê, cho thuê mua và các cơ chế
ưu đãi đối với dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
- Về phát triển nhà ở cho người có
công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, việc tổ chức triển khai thực hiện các
Chương trình từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã luôn chấp hành theo quy định của
Thủ tướng Chính phủ trong việc: tuyên truyền, phổ biến các văn bản, xác định
tiêu chuẩn, đối tượng, phạm vi áp dụng, thực hiện rà soát, bình xét, lập danh
sách, thẩm định, phê duyệt danh sách. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 22/2013/QĐ-TTg, Bộ Xây dựng ban hành Công văn số 1382/BXD-QLN về việc
hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, UBND tỉnh đã tổ chức lập danh sách
và phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh.
Sở Xây dựng đã thiết kế một số mẫu nhà và phổ biến trên các phương tiện truyền
thông để cho những hộ gia đình người có công với cách mạng tham khảo. Trong
thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có 3.697 hộ được hỗ trợ theo Quyết định
22.
Trong quá trình tổ chức thực hiện,
Sở Xây dựng phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh tổ chức nhiều đợt kiểm
tra, giám sát việc thực hiện chính sách trên địa bàn các huyện qua đó phổ biến,
tuyên truyền và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các chính sách
đúng theo quy định của nhà nước. UBND tỉnh cũng huy động các cơ quan nhận
đỡ đầu cho những người có công, một số cơ quan huy động xây dựng nhà
tình nghĩa cho các đối tượng nhận đỡ đầu. Quá trình xây dựng vốn
được chuyển theo từng giai đoạn. Việc áp dụng và tổ chức thực hiện của các
đối tượng được hưởng chính sách trong việc xây dựng nhà ở cơ bản đáp ứng quy định
của chính sách về đối tượng, diện tích, chất lượng nhà ở sau xây dựng.
- Về nhà ở cho người nghèo,
vùng thường xuyên bị thiên tai Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg: Bằng nguồn
ngân sách của tỉnh và các nguồn hỗ trợ khác, UBND tỉnh đã triển
khai xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt cho các vùng cho các vùng
thường xuyên bị thiên tai như Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ
Thủy, Quảng Ninh. Đồng thời hỗ trợ các gia đình có nhà bị lụt cuốn
trôi hoặc bão đánh sập xây dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống. Kêu
gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng lại nhà cửa hoặc làm các nhà
ở phòng, tránh bão, lụt cho người dân. Các nguồn vốn được bàn giao
và quản lý chặt chẽ. Quá trình triển khai có sự giám sát của
chính quyền, các đoàn thể và nhân dân địa phương về sử dụng nguồn
vốn. Các gia đình xây dựng trên cơ sở nguồn vốn hỗ trợ, sự đóng góp
thêm của các tổ chức, đoàn thể địa phương và khả năng tài chính của
từng gia đình. Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có 2.441 hộ được hỗ
trợ nhà ở theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính
sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung.
3. Công tác
kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ về nhà ở
Sở Xây dựng phối
hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức kiểm tra thực tế tình hình triển
khai thực hiện các chính sách hỗ trợ về nhà ở tại các Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày
26/4/2013 hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở; Quyết định số
33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8-/2015 chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo
chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo quyết
định số 167/2008/QĐ-TTg, giai đoạn 2) và Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày
28/8/2014 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt
khu vực miền Trung).
Qua kiểm tra, hầu
hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện nhanh
chóng, kịp thời với sự tham gia của các cấp, các ngành có liên quan và cơ bản đảm
bảo các yêu cầu, mục tiêu đã đề ra. Cụ thể, toàn tỉnh có 3.600 hộ gia đình có
công với cách mạng đã được hỗ trợ làm nhà ở; 2.441 hộ nghèo đã được hỗ trợ xây
nhà phòng tránh bão, lụt; hộ nghèo được hỗ trợ đăng ký vay vốn xây dựng nhà ở
là 4.011 hộ.
4. Kết quả thực hiện chương
trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị
thiên tai trên địa bàn tỉnh
a) Kết quả thực hiện chương trình
phát triển nhà ở xã hội
- Đối với nhà ở cho người có thu
nhập thấp ở đô thị: Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch
chi tiết xây dựng 02 Khu nhà ở cho người có thu nhập thấp ở đô thị tại phường Đồng
Phú và phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới với tổng diện tích là 13,25 ha. Hai
khu vực này UBND tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng thực hiện kêu gọi đầu tư nhưng
chưa có nhà đầu tư quan tâm thực hiện. Ngoài ra, trong các đồ án quy hoạch xây
dựng đều có quy hoạch diện tích đất dành cho nhà ở xã hội theo quy định của Luật
Nhà ở.
- Đối với nhà ở công nhân các khu
công nghiệp: Hiện nay, tại Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới đã có 01 dự án nhà ở
cho công nhân thuê do Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Đại Phong đầu tư xây dựng
với 204 phòng thuê đáp ứng được 816 chỗ ở cho công nhân. Với tổng kinh phí đầu
tư hỗ trợ và nguồn vốn huy động: 11.016 triệu đồng.
- Đối với nhà ở cho học sinh, sinh
viên: Đã có 01 doanh nghiệp đầu tư xây dựng 01 khu Kí túc xá cho sinh viên
thuê tại Trường Đại học Quảng Bình với 04 khối nhà, 160 phòng, diện tích sàn
3600m2, số sinh viên được thuê 1.280 người với tổng kinh phí đầu tư
hỗ trợ, nguồn vốn huy động được: 12.800 triệu đồng.
b) Kết quả thực hiện chương trình
hỗ trợ nhà ở cho người có công.
Tổng số hộ gia đình có công với
cách mạng cần hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số
22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ là: 14.436 hộ, trong đó:
- Tại Quyết định số 2461/QĐ-UBND
ngày 10/10/2013 của UBND tỉnh phê duyệt lần 1 là: 8.651 hộ, gồm có:
Số hộ được hỗ trợ 40 triệu đồng
xây mới nhà ở là: 3.672 hộ;
Số hộ được hỗ trợ 20 triệu đồng cải
tạo, sửa chữa nhà ở là: 4.979 hộ.
- Tại Quyết định số 744/QĐ-UBND
ngày 21/3/2016 của UBND tỉnh phê duyệt lần 2 bổ sung Đề án là 5.785 hộ, gồm có:
Số hộ được hỗ trợ 40 triệu đồng
xây mới nhà ở là: 2.101 hộ;
Số hộ được hỗ trợ 20 triệu đồng để
cải tạo, sửa chữa nhà ở là: 3.684 hộ
Đến nay, tổng nguồn vốn được cấp
là 106.001 triệu đồng, hỗ trợ cho 3.691 hộ để xây dựng nhà ở. Có 3.535 hộ/3.691hộ
hoàn thành việc xây dựng nhà ở.
Đối với việc bổ sung Đề án: Sở Xây
dựng đã tham mưu và UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt bổ sung Đề án gửi cho
Bộ Xây dựng và các Bộ liên quan. Tuy nhiên, đến nay, chưa có ý kiến của Bộ Xây
dựng và các Bộ liên quan.
c) Kết quả thực hiện chương trình
hỗ trợ nhà ở cho vùng bị thiên tai.
Tổng số hộ nghèo được xây dựng nhà
ở phòng tránh lũ lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của TTCP được UBND tỉnh
phê duyệt tại Quyết định số 3298/QĐ-UBND ngày 18/11/2014 là 3.881 hộ (trong đó:
có 852 hộ đang cư trú tại vùng đặc biệt khó khăn, 1.486 hộ sinh sống tại vùng
khó khăn và 1.453 hộ còn lại)
Đến nay, tổng số vốn được cấp là
35.250 triệu đồng, phân bổ cho 2.441 hộ/tổng số 3.881 hộ làm nhà ở. Đã có 1.891
hộ làm nhà hoàn thành và đưa vào sử dụng.
III. KHÓ KHĂN,
VƯỚNG MẮC VÀ NGUYÊN NHÂN
1. Khó khăn, vướng mắc
a) Về phát triển nhà ở xã hội: Do
ngân sách tỉnh khó khăn nên không đầu tư nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội;
các doanh nghiệp, thành phần kinh tế cũng gặp nhiều khó khăn nên chưa quan tâm
đến việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
b) Về phát triển nhà ở cho người
có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, người nghèo vùng bị lũ, lụt theo Quyết
định số 48/2014/QĐ-TTg.
Việc bình xét, lập danh sách ban đầu chưa đúng quy trình, quy
định nên chất lượng rà soát chưa cao, chậm so với quy định chung khi xây dựng đề
án, gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện , bỏ sót nhiều đối tượng được
thụ hưởng dẫn đến phải tổ chức rà soát và phê duyệt nhiều lần.
Việc không cấp đủ nguồn vốn để triển khai các chương trình
(chương trình hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở được 50%, chương
trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt được 62%) đã làm ảnh
hưởng đến kế hoạch thực hiện và nảy sinh nhiều vấn đề bất cập (người dân thắc mắc,
chất vấn; nhiều trường hợp khó khăn về nhà ở cần khắc phục kịp thời nhưng chưa
có nguồn vốn, nhiều trường hợp đang chuẩn bị triển khai thực hiện thì chết do
già yếu, bệnh tật, ...), ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thực hiện chính sách
cũng như gây khó khăn cho chính quyền địa phương (rà soát, phê duyệt điều chỉnh
bổ sung nhiều lần do có biến động, ...) trong quá trình triển khai thực hiện.
Mặt khác, Quảng Bình là tỉnh thường xuyên bị thiên tại nên số hộ bị
thiệt hại về nhà cửa qua các trận lụt, bão ngày càng nhiều. Nhiều
hộ nhà bị sập hoàn toàn phải xây dựng mới để ổn định cuộc sống.
Nhất là trong năm 2016, hai trận lũ liên tiếp đã cuốn trôi và đánh
sập nhiều căn nhà của các hộ gia đình ở các vùng khác nhau. Đời
sống nhân dân khá khó khăn, các hộ không có vốn để xây dựng lại nhà
mà cần sự hỗ trợ của chính quyền và các tổ chức hảo tâm. Trong
điều kiện ngân sách của tỉnh còn khó khăn nên việc hỗ trợ cho các
hộ dựng lại nhà cũng chỉ trong chừng mực nhất định. Do đó, rất cần
sự chung tay, góp sức của các tổ chức hảo tâm cũng như sự hỗ trợ
ngân sách của TW để thực hiện các chương trình xây dựng nhà ở cho
các vùng bị thiên tai nói riêng và cho người có công, người có thu
nhập thấp nói chung.
Nhiều đối tượng thụ hưởng không có khả năng tự huy động vốn của
gia đình, dòng họ nên không thể tiếp nhận nguồn vốn huy động từ Ngân sách để
xây dựng nhà ở.
2. Nguyên nhân của những khó
khăn, vướng mắc
- Về phát triển nhà ở xã hội: Hiện
nay, cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội ngày càng mở rộng
nhưng chưa đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực có lợi
nhuận nhưng rất thấp; quá trình thiết lập dự án và xây dựng nhà ở tương đối phức
tạp và tốn nhiều thời gian, công sức. Mặt khác, do nhu cầu nhà ở xã hội ở tỉnh
Quảng Bình chưa bức xúc như các đô thị lớn khác.
- Về phát triển nhà ở cho người có
công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, người nghèo vùng bị lũ, lụt theo Quyết
định số 48/2014/QĐ-TTg:
Do Chính phủ ban hành nhiều chính
sách cùng một lúc trong điều kiện nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn nên
việc bố trí nguồn vốn để thực hiện các chương trình chậm so với tiến độ đề ra.
Một số địa phương, cơ sở chưa phát
huy hết vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu của Chương
trình; công tác chỉ đạo, lãnh đạo một số cơ sở chưa quyết liệt, tình thần trách
nhiệm chưa cao;
IV. ĐỀ XUẤT,
KIẾN NGHỊ
Đề nghị Chính phủ:
- Có cơ chế chính sách ưu đãi nhiều
hơn nữa đối với nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân
sinh sống.
- Quan tâm bố trí nguồn vốn cho
tỉnh Quảng Bình để tiếp tục thực hiện chương trình phát triển nhà ở cho
người có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg và nhà ở cho người nghèo
vùng bị lũ, lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg;
- Bổ sung Đề án hỗ trợ nhà ở cho
người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh
với số lượng rà soát bổ sung thiếu là 5.698 hộ./.
Nơi nhận:
- Cục
QLXLVPHC&TDTHPL - Bộ Tư pháp ;
- Ban Pháp chế HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Sở Xây dựng;
- Lưu: VT, NC.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Tiến Hoàng
|