BỘ
NỘI VỤ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
2484/BC-BNV
|
Hà
Nội, ngày 28 tháng 08 năm 2007
|
BÁO CÁO
KẾT QUẢ KIỂM TRA CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
Thực hiện Quyết định số 232/QĐ-TTg
ngày 13 tháng 2 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Kế hoạch kiểm tra việc
thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của Chính phủ năm 2007,
theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã ban hành Kế hoạch và phối
hợp với các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng
Chính phủ kiểm tra công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tại 3 Bộ và 6
tỉnh, thành phố. Hoạt động kiểm tra được thực hiện và kết thúc trong quý II năm
2007 theo quy định. Bộ Nội vụ trân trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm
tra bao gồm các nội dung chính như sau:
1. Những ưu điểm
trong công tác chính sách, kế hoạch và tổ chức thực hiện chính sách, kế hoạch
trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thời gian qua
Mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm
từ rất sớm, nhưng do hoàn cảnh lịch sử, trong một thời gian tương đối dài, công
tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thiếu một sự chỉ đạo tập trung mang
tính chiến lược. Tuy nhiên, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số
874/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 1996 về việc tăng cường công tác đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, công chức và giao cho Ban Tổ chức – cán bộ Chính phủ (Bộ Nội vụ)
thực hiện chức năng tham mưu cho Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này, công tác đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngày càng được tăng cường và đi vào nề nếp. Những
ưu điểm cơ bản của công tác chính sách, kế hoạch và tổ chức thực hiện chính
sách, kế hoạch được Đoàn kiểm tra thống nhất nhận định như sau:
1.1. Trong hơn 10 năm qua
(1996-2007) thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Nội vụ đã tham mưu Thủ tướng Chính
phủ ban hành gần 10 văn bản khác nhau để chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, công chức phù hợp với yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực cho từng giai đoạn
phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những văn bản tham mưu được Thủ tướng
Chính phủ ban hành đã có giá trị nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của
các Bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
Căn cứ vào các chính sách Chính phủ quy định, các Bộ, ngành, địa phương (3/3 Bộ
và 6/6 tỉnh, thành phố được kiểm tra) đã xây dựng các văn bản điều hành công
tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, như Quy chế đào tạo, bồi dưỡng, các
chính sách khuyến khích cán bộ, công chức học tập nâng cao trình độ, nghiệp vụ
phù hợp với đặc thù, tính chất của Bộ, ngành, địa phương. Nhiều địa phương đã
thành lập Hội đồng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhằm thống nhất và nâng
cao hiệu quả của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Trong quá trình điều hành công
tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, các Bộ, ngành, địa phương luôn bám
sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên.
Các chính sách quy định của Nhà nước
đã tạo được phong trào học tập nâng cao trình độ trong đội ngũ cán bộ, công chức;
các quy định về các chuẩn trình độ, nhìn chung, đã được cán bộ, công chức quán
triệt và thực hiện nghiêm túc.
1.2. Thực hiện các văn bản, chính
sách quy định, các cơ quan chức năng đã xây dựng được một hệ thống các cơ quan
quản lý và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tương đối đồng bộ và thống
nhất từ trung ương đến địa phương. Việc hình thành hệ thống quản lý công tác
đào tạo, bồi dưỡng thuộc ngành tổ chức nhà nước đã góp phần quyết định trong việc
đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Trong hơn
10 năm qua, Bộ Nội vụ, Vụ Tổ chức – cán bộ các Bộ, ngành, Sở Nội vụ các tỉnh,
thành phố đã làm đúng chức năng được quy định tại Quyết định số 874/QĐ-TTg , Quyết
định số 161/2003/QĐ-TTg Ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
và các văn bản khác của Thủ tướng Chính phủ, của Lãnh đạo các cấp; không có hiện
tượng ban hành văn bản hoặc ra Quyết định vượt thẩm quyền.
Hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, công chức được xây dựng theo đúng các chính sách quy định, bao gồm các
Học viện, 64 Trường Chính trị cấp tỉnh, gần 30 Trường (Trung tâm) đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, công chức của các Bộ, ngành và hơn 600 Trung tâm Chính trị cấp
huyện. Nhìn chung, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đang trong
giai đoạn xây dựng, phát triển để ngày càng thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ được
giao.
1.3. Kết quả kiểm tra cho thấy công
tác quy hoạch, kế hoạch trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngày càng được
cải tiến và quán triệt thực hiện nghiêm túc hơn. Điều này được thể hiện trên một
số mặt cụ thể sau:
Một là, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Nội vụ đã kịp thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ
ban hành các Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo các giai đoạn
2001 – 2005, 2006 – 2010; các Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho từng loại đối tượng
hay nội dung cụ thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, như Kế hoạch đào tạo, bồi
dưỡng Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cấp xã ban hành kèm theo Quyết định số
31/2006/QĐ-TTg , Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hội nhập kinh tế
quốc tế ban hành kèm theo Quyết định số 137/2003/QĐ-TTg ; Chỉ thị số
38/2004/CT-TTg về đào tạo tiếng dân tộc … Các Kế hoạch, Chỉ thị ban hành là những
văn bản chỉ đạo kịp thời cho việc định hướng xây dựng nguồn nhân lực cho đất nước.
Sau khi các văn bản được ban hành đều có các hoạt động hướng dẫn, kiểm tra,
giám sát thực hiện.
Hai là, các Bộ, ngành, địa phương
đã quán triệt và tổ chức thực hiện tương đối có hiệu quả các Kế hoạch đã ban
hành. Việc nghiên cứu các văn bản tổng hợp báo cáo và kết quả kiểm tra cho thấy,
nếu như năm 2001 chỉ có gần 80% các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch thực
hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2001 – 2005 ban
hành kèm theo Quyết định số 74/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì năm 2006
có 99,4% các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết
định số 40 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,
công chức giai đoạn 2006 – 2010. Đối với các Kế hoạch khác, các Bộ, ngành, địa
phương đều có kế hoạch triển khai phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của
từng đơn vị, nhưng nhìn chung vẫn đảm bảo các yêu cầu đề ra.
Ba là, tính quy hoạch trong đào tạo,
bồi dưỡng cán bộ, công chức ngày càng được cải thiện. Từ việc nghiên cứu các số
liệu và báo cáo, Đoàn kiểm tra cho rằng, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,
công chức ngày càng bớt tính hình thức đi mà đi vào thực chất hơn, đào tạo đúng
người hơn, đúng nội dung hơn và hướng vào sử dụng lâu dài hơn. Điều này đã góp
phần làm tăng nhanh số lượng cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng một cách
bài bản gắn với địa chỉ sử dụng, đặc biệt đối với cán bộ, công chức cấp xã. Nhờ
làm tốt công tác quy hoạch, số lượng công chức cấp xã được đào tạo trình độ
trung cấp chuyên môn trở lên đến năm 2010 có thể sẽ vượt chỉ tiêu mà Thủ tướng
Chính phủ đã đề ra (hiện nay các tỉnh Hòa Bình, Tiền Giang đã có tới 60-70%
công chức cấp xã có trình độ trung cấp trở lên và đang phấn đấu 100% có trình độ
trung cấp trở lên vào năm 2010; trong khi chỉ tiêu đặt ra cho các địa phương
này là 70 – 80%).
1.4. Chất lượng đội ngũ cán bộ,công
chức ngày càng được nâng cao. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ và sự quan tâm của các Bộ, ngành, địa phương, công tác đào tạo, bồi
dưỡng trong hơn 10 năm qua đã được thực hiện theo một lộ trình hợp lý nhằm mục
tiêu từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và trên thực tế,
chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đã có sự chuyển biến rõ rệt. Kết quả thực
hiện các Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 1996-2000,
2001-2005 và 2006-2010, đến nay tuyệt đại đa số cán bộ, công chức đã đáp ứng
yêu cầu quy định của tiêu chuẩn ngạch và đang hướng tới thực hiện đào tạo, bồi
dưỡng theo nhu cầu.
Các Bộ, ngành, địa phương cũng như
các thành viên Đoàn kiểm tra đều thống nhất nhận định, chính sự chuyển biến
tích cực về chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức trong những năm qua là một
trong những nguyên nhân góp phần làm tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước;
đảm bảo sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
2. Những hạn chế
và nhược điểm cơ bản trong công tác chính sách, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán
bộ, công chức
Mặc dù thống nhất về một số kết quả
cơ bản đã đạt được như đã trình bày ở trên, Đoàn kiểm tra cũng đã chỉ ra một số
hạn chế trong công tác thực hiện chính sách, kế hoạch trong lĩnh vực đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, công chức như sau:
Một là, một số chính sách, kế hoạch,
chế độ ban hành thiếu sự thống nhất, chồng chéo hoặc mâu thuẫn, không đúng thẩm
quyền đã làm giảm tính hiệu lực, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhất
là đối với địa phương. Các chính sách đào tạo, bồi dưỡng được áp dụng ở địa
phương hiện nay được hình thành chủ yếu từ hai nguồn: các văn bản của các cấp ủy
đảng và các văn bản của Nhà nước. Một số văn bản của Đảng hiện nay không phù hợp
hoặc khác với quy định của Nhà nước, như việc quy định chế độ giảng dạy, chế độ
trả thù lao vượt giờ của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; chế độ phụ cấp
cho giảng viên Trung tâm Chính trị cấp huyện, phụ cấp cho học viên của Ban Tổ
chức Trung ương … Các quy định này chỉ được một số tỉnh, thành phố thực hiện đã
tạo nên một tình trạng không thống nhất trong việc thực hiện các chính sách đào
tạo, bồi dưỡng …
Trong khi đó tại một số văn bản do
Thủ tướng Chính phủ ban hành cũng có hiện tượng mâu thuẫn, như việc giao Bộ Nội
vụ xây dựng quy hoạch, kế hoạch … đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã người
dân tộc thiểu số (Quyết định số 34/2006/QĐ-TTg) trong khi nhiệm vụ này thuộc
trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc theo Nghị định số 51/2003/NĐ-CP của Chính phủ …
Hai là, một số chính sách chậm ban
hành hoặc chậm sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế luôn thay đổi.
Trong thời gian qua các chính sách,
kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chỉ mới tập trung cơ bản vào các đối tượng công chức
hành chính và cán bộ, công chức cấp xã; các chính sách, kế hoạch đào tạo, bồi
dưỡng đối với các đối tượng viên chức, cán bộ quản lý doanh nghiệp chưa được
quan tâm đúng mức. Nhà nước chưa có chính sách chung cho việc xây dựng, củng cố
các Trường Chính trị cấp tỉnh; chưa có hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của
các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của các Bộ, ngành. Việc thực hiện
chính sách phân bổ chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng, qua kiểm tra cho thấy chỉ tiêu
phân bổ chỉ đáp ứng khoảng 20%-30% nhu cầu của các tỉnh, thành phố. Bên cạnh
đó, việc quy định chế độ sử dụng chỉ tiêu như hiện nay (450.000 đồng/1 suất đào
tạo 10 tháng) chỉ còn phù hợp với việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch (lớp
đông người, sử dụng ít trang thiết bị, giảng viên cơ hữu …); nhưng không còn
phù hợp với việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu chuyên sâu (lớp ít người,
sử dụng thiết bị hiện đại, giảng viên kiêm chức …).
Ba là, năng lực đào tạo, bồi dưỡng
hạn chế đã làm ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả và tiến độ thực hiện các mục
tiêu đề ra đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Kết quả kiểm
tra cho thấy những hạn chế trong năng lực đào tạo, bồi dưỡng thể hiện trên 5 mặt
cơ bản: năng lực tham mưu, điều hành; đội ngũ giảng viên; hệ thống chương
trình, tài liệu; phương pháp giảng dạy và những hạn chế về kinh phí đào tạo, bồi
dưỡng. Năng lực tham mưu, điều hành công tác đào tạo, bồi dưỡng hạn chế đã làm
cho việc triển khai một số văn bản còn chậm, như việc hướng dẫn thực hiện Quy
chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng
cao và chuyên sâu về hội nhập kinh tế quốc tế triển khai chưa được đồng bộ đối
với cả các Bộ, ngành cũng như địa phương …. Đại đa số giảng viên của các cơ sở
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chưa qua hoạt động thực tiễn nên việc
trang bị kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hiện công vụ cho học viên còn yếu;
trong khi đó đội ngũ giảng viên kiêm chức chưa được chú ý xây dựng và thiếu
năng lực sư phạm. Hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhiều cấp bậc; các
chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn trùng lặp về nội dung, nặng về
lý thuyết mà thiếu kiến thức thực tiễn. Phương pháp giảng dạy theo các chương
trình này chủ yếu vẫn là đọc, nghe và ghi chép không phù hợp với mục tiêu đào tạo,
bồi dưỡng đã đề ra. Bên cạnh đó, những hạn chế trong việc bố trí kinh phí đã
làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
ở nước ngoài mà Quyết định số 40/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra.
3. Những kiến
nghị và đề xuất
Căn cứ vào những ưu điểm cũng như
những tồn tại và yêu cầu của công tác chính sách, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
trong thời gian tới, Đoàn kiểm tra thống nhất đề nghị Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ quan tâm giải quyết một số vấn đề sau:
3.1. Chính phủ cần quy định một số
đầu mối quản lý thống nhất công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, nhất
là trong lĩnh vực ra chính sách. Việc ra chính sách cần tập trung vào cơ quan
quản lý Nhà nước (Bộ Nội vụ). Cơ quan quản lý nhà nước công tác đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, công chức sẽ thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng cũng như
chính sách của Nhà nước, tạo nên một hệ thống thể chế thống nhất. Hệ thống
chính sách, trước mắt, cần tập trung giải quyết 2 vấn đề: đối tượng cần đào tạo,
bồi dưỡng và nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu công việc
của cán bộ, công chức. Việc giải quyết các vấn đề trên đây sẽ khắc phục tình trạng
mâu thuẫn, chồng chéo trong chính sách; đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán và tính
khả thi của chính sách để chính sách thực sự là công cụ quản lý có hiệu lực và
hiệu quả.
3.2. Thể chế hóa và xây dựng hệ thống
cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại,
đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh. Cần thể chế hóa về mặt Nhà nước các Trường
Chính trị cấp tỉnh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và ra chính sách
chung về xây dựng và phát triển các Trường (Trung tâm) đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,
công chức của các Bộ, ngành. Tiến hành phân định rõ chức năng của cơ sở đào tạo,
bồi dưỡng cán bộ, công chức với chức năng của cơ sở đào tạo theo hệ giáo dục quốc
dân; từ đó có chính sách hợp lý trong xây dựng hệ thống các Trường Chính trị cấp
tỉnh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và các Trường (Trung tâm) đào tạo,
bồi dưỡng cán bộ, công chức của các Bộ, ngành; trong đó có các các chính sách về
đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; đội ngũ giảng viên v.v.
Mặt khác, cần nghiên cứu xây dựng
cơ chế tự chủ và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở (kể cả các cơ sở đào tạo
và nghiên cứu khoa học của hệ thống giáo dục quốc dân) trong việc đáp ứng nhu cầu
trang bị kiến thức theo yêu cầu công việc cho đội ngũ cán bộ, công chức.
3.3. Tập trung chỉ đạo và thực hiện
sự chuyển hướng sang đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí công việc và nhu cầu công
việc. Thực tế cho thấy chính sách chuyển hướng sang đào tạo, bồi dưỡng trang bị
kỹ năng nghiệp vụ và theo nhu cầu công việc như trong Quyết định số 40 của Thủ
tướng Chính phủ là hợp lý, phù hợp với xu thế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công
chức hiện nay trên thế giới. Để tạo bước chuyển cơ bản của công tác đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, công chức trong thời kỳ mới cần xây dựng Chiến lược đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2010 – 2020. Trước mắt, cần xây dựng chính
sách quy định chế độ đào tạo, bồi dưỡng hàng năm đối với cán bộ, công chức với
mục tiêu cơ bản là trang bị kiến thức và kỹ năng đáp ứng yêu cầu của từng vị
trí công việc. Chính sách đào tạo, bồi dưỡng (bắt buộc) hàng năm là một bước
chuyển cần thiết để người dạy và người học tiếp cận dần với mục tiêu đào tạo, bồi
dưỡng mới thiết thực hơn và hiệu quả hơn. Đồng thời chế độ đào tạo, bồi dưỡng
(bắt buộc) hàng năm sẽ góp phần từng bước nâng cao tính tự giác của mỗi cán bộ,
công chức trong việc học và tự học để làm việc cho tốt.
3.4. Xây dựng hệ thống chế độ chi
tiêu tài chính mới đảm bảo sự thành công của chính sách đào tạo, bồi dưỡng theo
vị trí và nhu cầu công việc. Các chế độ tài chính mới phải đảm bảo khuyến khích
việc biên soạn các chương trình và tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng trang bị
kiến thức, kỹ năng theo nhu cầu công việc và sử dụng phương pháp giảng dạy hiện
đại.
Tăng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, công chức ở nước ngoài để đảm bảo thực hiện chỉ tiêu cử 1000 lượt cán bộ,
công chức đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài trong giai đoạn 2006 – 2010 như Thủ
tướng Chính phủ đã giao.
Báo cáo đã được hoàn thiện sau khi
lấy ý kiến góp ý của các Bộ tham gia hoạt động kiểm tra và các Bộ, địa phương
mà Đoàn kiểm tra đã làm việc.
Bộ Nội vụ trân trọng báo cáo Thủ tướng
Chính phủ.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ KH & ĐT, TC, GD & ĐT, VPCP, VH-TT, NN&PTNT, TP;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Các tỉnh Hòa Bình, Hải Dương, Lâm Đồng, Bình Thuận, Tiền Giang, TP. Hồ Chí
Minh;
- Lưu VT, ĐT.
|
BỘ
TRƯỞNG
Trần Văn Tuấn
|